Khi trẻ bị ngã đụng đầu
Mẹ hỏi
Con nhà em được 14 tháng. Bé bắt đầu đi được, bò trườn, xoay lật rất nhanh. Nhưng mà ảnh hay dễ té quá. Quay đi quay lại, lơ là một giây là có thể ra chuyện rồi. Mà tệ một điều là khi té, ảnh rất hay bị đụng đầu, có lúc nghe cái “binh” một cái, làm cả nhà rất là lo lắng. Lần đầu tiên bị, cả nhà xúm nhau cho đi bác sĩ. Lần thứ hai, thứ ba, thứ bốn,… cả nhà bắt đầu nhờn, không đi nữa, chỉ để ở nhà theo dõi mà thôi. Nhưng trong lòng em vẫn rất rất lo. Bác sĩ có thể cho em biết, đối với những trường hợp té ngã, đụng đầu vào tường, vào sàn nhà khi bé chơi chạy, thì gia đình nên xử trí và theo dõi ban đầu như thế nào, và lúc nào thì cần đi khám bác sĩ ngay vậy chị?
Trả lời
Đúng là ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, việc bị đụng đầu, sưng trán, xảy ra khá thường xuyên. Gần như không có trẻ nào không qua lứa tuổi này mà không bị té, đụng đầu một vài lần cả. Tuy nhiên, vì cái đầu chứa nhiều bộ phận quan trọng, nên chúng ta lúc nào cũng phải để tâm và lo lắng.
Tin tốt lành là ở đa số các trường hợp đụng, té đơn thuần, khi bé nghịch chơi, hoặc khi té từ ghế thấp, giường thấp xuống, chấn thương đầu thường là những chấn thương nhẹ, thoáng qua, ở ngoài da, như trầy xước, bầm nhẹ, hoặc đôi khi chảy máu vì xây xát. Da đầu là nơi có rất nhiều mạch máu đến nuôi, nên khi bị tổn thương, có thể gây ra vết bầm to, hoặc gây chảy máu nhiều làm chúng ta nghĩ mức độ nặng hơn là thực chất.
Trong 100 ca chấn thương đầu, chỉ khoảng 1 đến 2 ca có thể có nứt xương sọ mà thôi. Đa số các trường hợp nứt xương sọ, chỉ gây nhức đầu kéo dài tại nơi bị nứt, và thường cũng không cần can thiệp gì, tự lành hẳn trong vài tuần.
Chấn động não
Một số biến chứng có thể xảy ra, mặc dù hiếm gặp, nhưng lại làm cho các y bác sĩ quan tâm nhất, đó là tổn thương não bên trong, gây “chấn động não”. Não chúng ta, là một khối chất rất mềm, được bảo vệ bằng xương sọ bên ngoài, và một loại dịch bên trong, bao quanh não, giúp giảm chấn động và giảm sang thương nếu có cho não. Khi đầu bị một lực đủ mạnh tác động lên, lớp dịch bên trong có thể không giảm chấn động tốt được, làm cho não bị rung lắc, đụng vào thành cứng của xương sọ, gây “chấn động não”. Khi lực quá lớn, có thể gây dập, bầm não, hoặc tệ hơn, làm vỡ các mạch máu lớn nuôi não, gây xuất huyết não. Những biến chứng này có thể ảnh hưởng đến mức độ tri giác, thần kinh của con người, và cũng có thể gây tử vong không mong muốn. Các biến chứng này có thể xảy ra ngay khi chấn thương, hoặc có thể diễn ra chậm một vài ngày, hoặc một vài tuần sau đó.
Rất tiếc, chúng ta không thể dự đoán trước được 100% rằng chấn thương đầu nào là lành tính, và chấn thương đầu nào là nguy hiểm. Tuy nhiên, có một số dấu hiệu sau có thể giúp chúng ta nhận biết các dấu hiệu nguy hiểm, cần đi khám bác sĩ ngay.
Những dấu hiệu nguy hiểm cần đi khám bác sĩ ngay
- Nếu trẻ bị bất tỉnh (sau khi té, trẻ không tỉnh, không mở mắt, không đáp ứng).
- Nếu trẻ bị nôn ói nhiều lần sau đó (trên 2 – 3 lần).
- Nếu trẻ có những dấu hiệu thần kinh như co giật, yếu liệt tay chân, đi loạng choạng, không vững.
- Nếu sau khi té, trẻ lừ đừ, mệt mỏi quá mức.
- Nếu trẻ nhìn nhợt nhạt, không hồng hào như trước đây, và sự nhợt nhạt kéo dài trên 1 giờ.
- Nếu trẻ có dấu hiệu chảy máu, hoặc có chất lỏng bất thường chảy ra từ tai, hoặc mũi.
- Nếu trẻ quấy khóc, khó chịu kéo dài, không dỗ được.
- Nếu trẻ không nhận biết được người quen, và rối loạn về địa điểm, con người (tùy lứa tuổi).
- Ở trẻ lớn, nếu trẻ than phiền không nhìn thấy rõ, hoặc thấy một vật thành hai, nên cho trẻ đi khám ngay lập tức.
- Nếu khi bạn sờ đầu trẻ, thấy có chỗ lõm, hoặc vết bầm lớn tại chỗ ngay sau khi té.
- Nếu trẻ có vết cắt chảy máu nhiều, dài và sâu.
- Nếu trẻ than phiền có nghe tiếng động lạ trong tai.
- Nếu 24 giờ sau sự việc, và trẻ vẫn còn than nhức đầu.
- Nếu bạn có bất kì lo lắng nào!
- Nếu trẻ nhỏ dưới 1 tuổi – đây là độ tuổi dễ bị chấn thương khó đoán, cũng như khó đánh giá bởi người nhà.
Đối với những trường hợp này, trẻ cần được đi khám bác sĩ, hoặc đưa vào phòng cấp cứu ngay, để được đánh giá tình hình, quyết định nhập viện, điều trị, và làm các xét nghiệm chẩn đoán, như chụp phim X – quang đầu sọ, hoặc chụp CT scan, MRI não….tùy theo mức độ nặng của bệnh. Những vết cắt dài, sâu có thể cần được may lại để cầm máu và để lành tốt hơn.
Xem thêm bài viết Chấn thương sọ nãoĐối với những trường hợp nhẹ, sau khi té, trẻ tỉnh táo, quấy khóc thoáng qua rồi thôi, hoặc chỉ ói một hai lần duy nhất, sau đó có thể ăn uống lại được bình thường và hoàn toàn không có bất kì một trong các dấu hiệu nguy hiểm nào kể trên, chúng ta có thể yên tâm để ở nhà theo dõi, và thực hiện những sơ cứu cơ bản thường thức cho trẻ.
Những sơ cứu cơ bản thường thức cho trẻ
Đây là những lời khuyên cơ bản đối với các chấn thương đầu đơn giản. Đối với những trường hợp trẻ té từ độ cao xuống, hoặc bị đập đầu quá mạnh, hoặc trong tai nạn giao thông, hoặc có nghi ngờ đến khả năng trẻ bị hành hung,…. điều tốt nhất là ba mẹ nên cho trẻ đi khám bác sĩ ngay, để được theo dõi, đánh giá, và xử trí kịp thời.
Và dĩ nhiên, việc phòng tránh các nguy cơ té, chấn thương vẫn là một việc quan trọng đầu tiên mà chúng ta nên lưu tâm đến, để giảm nguy cơ cho con trẻ, các bạn nha!
Tài liệu tham khảo