Xỏ khuyên trên cơ thể là gì?
Xỏ khuyên trên cơ thể là mở một chiếc lỗ trên da hay xuyên qua cơ thể người để có thể đeo đồ trang sức vào đó.
Có thể xỏ khuyên vào bộ phận nào trên cơ thể?
Dái tai là nơi thường được xỏ khuyên nhiều nhất. Những bộ phận khác như ở lông mày, mũi, lưỡi, môi, bụng, núm vú và bộ phận sinh dục, cũng là những nơi thường được xỏ khuyên. Một số người còn xỏ khuyên ở vùng sụn của vành tai.
Xỏ khuyên được làm như thế nào?
Đối với dái tai thì người ta thường dùng một loại thiết bị được sát trùng, dùng một lần, để xỏ khuyên. Còn ở những bộ phận khác của cơ thể thì người ta dùng một chiếc kim rỗng để xỏ khuyên trên da. Sau đó gắn đồ trang sức vào chiếc khuyên đó.
Nồi hấp là gì?
Nồi hấp là một thiết bị dùng nhiệt để làm sát trùng tất cả những dụng cụ dùng trong việc xỏ khuyên trên cơ thể. Nồi hấp đảm bảo tất cả mọi dụng cụ đều sạch sẽ trước khi được sử dụng vào việc xỏ khuyên trên cơ thể bạn. Đây là một thiết bị không thể thiếu được trong một cửa tiệm xỏ khuyên sạch sẽ, đáng tin cậy.
Dùng súng xỏ khuyên có an toàn không?
Súng xỏ khuyên chỉ được coi là an toàn nếu là loại súng dùng một lần, hoặc súng có bộ phận xỏ khuyên dùng một lần có sát trùng. Súng xỏ khuyên dùng một lần là tốt nhất bởi nó chỉ được dùng cho 1 người xong rồi bỏ đi, và như vậy làm giảm khả năng nhiễm trùng. Loại súng xỏ khuyên có bộ phận xỏ khuyên dùng một lần có sát trùng, cũng được chấp nhận, song loại súng này khó được đảm bảo vô trùng như loại súng dùng một lần.
Đừng xỏ khuyên bằng loại súng dùng nhiều lần mà không có bộ phận xỏ khuyên dùng một lần. Loại súng này không thể tiệt trùng bằng cách cho vào nồi hấp được, nên nguy cơ nhiễm trùng sẽ rất cao.
Bạn chỉ nên dùng súng xỏ khuyên để xỏ lỗ tai chứ đừng để xỏ vào những bộ phận khác trên cơ thể, bởi vì loại súng này sẽ làm tổn hại da và dễ gây viêm nhiễm hơn là xỏ khuyên bằng một chiếc kim rỗng chuyên dụng.
Làm sao biết được rằng vùng xỏ khuyên bị nhiễm trùng?
Nếu vùng xỏ khuyên bị nhiễm trùng thì da xung quanh nơi xỏ sẽ bị tấy đỏ và sưng lên. Khi bạn chạm vào nơi xỏ khuyên, bạn sẽ cảm thấy đau và có thể thấy mủ chảy ra từ lỗ khuyên. Nếu bạn bị sốt hoặc có những triệu chứng như trên, nên đi bác sỹ để khám.
Xỏ khuyên có thể gây gia tăng mối nguy hiểm gì cho cơ thể?
Xỏ khuyên sẽ gây ra nhiều điều ảnh hưởng tới hệ miễn dịch cũng như khả năng chống lại viêm nhiễm của cơ thể. Nếu bạn bị bệnh tiểu đường, bệnh tim, hệ miễn dịch kém hoặc có bất cứ bệnh tật gì, thì khi đi xỏ khuyên, nên nói cho người thợ xỏ khuyên biết điều này.
Xem thêm bài viết: Nghệ thuật xỏ khuyên ở miệng và vấn đề sức khoẻ của BS. Nguyễn Phan Thế HuyĐiều trị tình trạng nhiễm trùng như thế nào?
Nếu bạn nghĩ rằng nơi xỏ khuyên bị nhiễm trùng thì tốt nhất là nên đi bác sỹ. Chần chừ chỉ càng làm cho tình trạng nhiễm trùng nặng lên mà thôi. Nên để nguyên đồ trang sức trong lỗ khuyên, trừ khi bác sỹ đề nghị bạn tháo ra. Để nguyên như vậy sẽ dễ hút mủ để ngăn không bị áp-xe. Nhiều trường hợp nhiễm trùng được điều trị khỏi mà không bị bịt mất lỗ khuyên.
Nếu bị nhiễm trùng nhẹ, có thể điều trị bằng cách sau đây:
- Mua thuốc mỡ kháng sinh bán tại các cửa hàng thuốc để bôi vào chỗ xỏ khuyên
- Chườm ấm vào chỗ bị viêm nhiễm
- Sát trùng bằng nước muối loãng
Làm thế nào để phòng nhiễm trùng?
Cần chăm sóc vùng xỏ khuyên. Người thợ xỏ khuyên có thể sẽ khuyên bạn rửa vùng xỏ khuyên ngày 2 lần bằng nước ấm và xà phòng hoặc dùng dung dịch sát trùng y tế và thường xuyên xoay khuyên. Đối với lỗ khuyên ở lưỡi hoặc ở môi, nên dùng nước súc miệng kháng sinh sau khi ăn để tránh nhiễm trùng.
Ai có thể xỏ khuyên cho tôi?
Nếu bạn muốn xỏ khuyên, trước hết hãy tìm hiểu xem cửa hàng xỏ khuyên nào an toàn và sạch sẽ. Hãy chọn người thợ xỏ khuyên được nhiều người tín nhiệm. Người thợ xỏ khuyên cần làm những việc sau:
- Rửa tay bằng xà phòng sát trùng trước khi thực hiện việc xỏ khuyên
- Đeo găng tay sát trùng dùng một lần
- Dùng dụng cụ sử dụng một lần
- Dùng kim mới để xỏ khuyên cho từng khách hàng
Nếu bạn tự xỏ khuyên hoặc nhờ ai đó không phải là thợ lành nghề xỏ khuyên cho mình thì cần phải làm những việc như sau để tránh nhiễm trùng:
- Lựa chọn vị trí xỏ khuyên trên cơ thể và đồ trang sức thích hợp.
- Tránh những đồ trang sức có ni-ken hoặc đồng đỏ, là những kim loại dễ gây dị ứng.
- Hãy tìm những đồ trang sức bằng ti-tan, vàng tây (vàng 14) hoặc các loại thép chuyên dụng.
Tài liệu tham khảo
http://familydoctor.org/familydoctor/en/teens/safety-prevention/body-piercing.html