Hội chứng suy tế bào gan là thuật ngữ mô tả tình trạng suy giảm các chức năng của gan. Những người rơi vào trường hợp này rất dễ gặp phải bệnh não gan, một biến chứng cực kỳ nguy hiểm.
Gan là cơ quan nội tạng lớn nhất trong cơ thể, chịu trách nhiệm cho khoảng 500 công việc khác nhau nhằm góp phần duy trì hoạt động ổn định của các bộ phận còn lại.
Xơ gan là căn bệnh mạn tính phổ biến trong vòng một thập kỷ trở lại đây, gây cản trở các chức năng của gan hoạt động bình thường, chẳng hạn như:
- Lọc và đào thải độc tố ra khỏi cơ thể
- Sản sinh protein
- Dự trữ sắt
Tình trạng xơ gan có thể bắt nguồn từ việc lạm dụng thức uống chứa cồn (như rượu, bia…), viêm gan siêu vi di truyền và gan nhiễm mỡ. Các chuyên gia chia xơ gan thành hai giai đoạn chính, bao gồm:
- Xơ gan giai đoạn đầu, còn gọi là xơ gan còn bù
- Xơ gan giai đoạn cuối hay xơ gan mất bù
Hội chứng suy tế bào gan là một trong những hội chứng thường gặp ở bệnh xơ gan giai đoạn đầu, có nhiều nguy cơ dẫn đến bệnh não gan, còn gọi là hôn mê gan.
Bạn có thể muốn tìm hiểu: Xơ gan mất bù: Biến chứng nguy hiểm chết người.
Hội chứng suy tế bào gan biểu hiện như thế nào?
Các chuyên gia chia hội chứng suy tế bào gan thành ba giai đoạn chính. Mỗi giai đoạn sẽ có những triệu chứng khác nhau.
Giai đoạn 1
Thực tế, bệnh mới phát sinh sẽ không có bất kỳ dấu hiệu rõ ràng nào. Điều này khiến những người mắc phải hội chứng suy tế bào gan mang tâm lý chủ quan.
Giai đoạn 2
Khi hội chứng suy tế bào gan tiến vào giai đoạn 2, cơ thể sẽ có những triệu chứng thường thấy, bao gồm:
- Toàn thân mệt mỏi, kiệt sức
- Chán ăn, mất khẩu vị
- Sụt cân không rõ nguyên nhân
- Buồn nôn và nôn
- Thường xuyên mất ngủ
- Khó tiêu
Tuy nhiên, những triệu chứng trên không đặc hiệu đối với hội chứng suy tế bào gan và dễ bị nhầm lẫn với các biểu hiện của một hoặc nhiều tình trạng sức khỏe khác.
Mặt khác, hội chứng suy tế bào gan còn có thể gây tác động tiêu cực đến chức năng sinh dục, với những dấu hiệu đặc trưng như:
- Đối với nữ: Rối loạn kinh nguyệt, tắt kinh hoặc rong kinh
- Đối với nam: Liệt dương, yếu tinh, teo tinh hoàn, đầu vú phát triển bất thường
Giai đoạn ba
Khi hội chứng suy tế bào gan đã phát triển đến giai đoạn ba, bạn sẽ bắt gặp nhiều triệu chứng đặc trưng rõ ràng, bao gồm:
- Vàng da và/hoặc vàng mắt: dấu hiệu đặc trưng khi gan chịu tổn thương. Mức độ đậm nhạt tùy thuộc vào mức độ tổn thương của gan
- Rối loạn gân mạch, giãn mao mạch dưới da: móng tay trắng, lòng bàn tay son (đỏ ửng)
- Lông, tóc dễ rụng
- Lá lách to do ứ máu
- Chảy máu cam
- Chảy máu chân răng
- Xuất huyết dưới da
- Máu không đông
- Phù chân
- Cổ trướng
- Dễ xuất hiện vết bầm tím trên cơ thể không rõ nguyên nhân
Vì sao bạn phải đề phòng hội chứng suy tế bào gan?
Hội chứng suy tế bào gan ảnh hưởng trực tiếp đến một loạt chức năng của gan, chẳng hạn như:
Chức năng chuyển hóa
- Gan không còn khả năng sản sinh đủ lượng albumin cần thiết sẽ dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng, biếng ăn, lông tóc và cả da đều khô…
- Rối loạn chuyển hóa đường gây tăng lượng đường trong máu.
- Khi quá trình chuyển hóa mỡ gặp vấn đề, nồng độ cholesterol trong cơ thể sẽ vượt quá mức quy định, gây nên nhiều vấn đề sức khỏe.
Chức năng tạo mật
Một số hệ quả từ vấn đề rối loạn chức năng tạo mật ở gan có thể là:
- Vàng da, do có quá nhiều bilirubin trong máu
- Phân có mỡ
- Nguy cơ cao rối loạn toàn bộ hệ tiêu hóa
Chức năng tổng hợp các yếu tố đông máu
Rối loạn đông máu và xuất huyết là hai hệ quả nghiêm trọng nhất do suy giảm khả năng sản sinh yếu tố đông máu ở gan.
Bệnh não gan: biến chứng không thể xem thường
Những người đang phải đối mặt với hội chứng suy tế bào gan có nhiều nguy cơ rơi vào tình trạng hôn mê gan, còn gọi là bệnh não gan. Thời gian phát hiện và điều trị bệnh càng trễ, tỷ lệ tử vong càng cao.
Nhiều bác sĩ phân loại bệnh não gan thành bốn giai đoạn chính, bao gồm:
- Giai đoạn 1: Giảm khả năng tập trung và tính toán, thường phấn khích hoặc lo lắng
- Giai đoạn 2: Thờ ơ, mất định hướng về thời gian và không gian, người bệnh có hành vi bất hợp lý
- Giai đoạn 3: Ngủ gà, lú lẫn, người bệnh có hành vi kích động
- Giai đoạn 4: Hôn mê
Điều trị hội chứng suy tế bào gan
Sau khi đưa ra kết luận chẩn đoán, bác sĩ sẽ dựa vào kết quả xét nghiệm cũng như tình trạng sức khỏe tổng thể của bạn để tìm kiếm liệu trình điều trị hiệu quả và thích hợp. Họ có thể sẽ kê đơn một số nhóm thuốc đặc hiệu, kết hợp với chế độ ăn uống nghiêm ngặt nhằm đảm bảo kết quả đạt được như mong đợi. Ngoài ra, ghép gan cũng là một phương án điều trị thường thấy ở những bệnh về gan. Tuy nhiên, bạn cần phải đáp ứng một số yêu cầu trước khi áp dụng thủ tục này.