Nếu bạn biết lắng nghe nhiều hơn khi yêu, tình cảm của cả hai sẽ ngày càng sâu sắc hơn khi có thể thấu hiểu được suy nghĩ và cảm xúc của đối phương.
Cho dù xuất phát từ tình cảm chân thành, những lời nói vô ý và tưởng như vô hại của bạn đôi khi lại có thể khiến đối phương bị tổn thương. Khi họ đang phải trải qua một khoảng thời gian khó khăn, sự thiếu tinh tế trong lời nói của bạn có thể khiến người ấy bị áp lực nhiều hơn. Tại sao lời khuyên của chúng ta lại có thể gây ra “tác dụng phụ” ngoài ý muốn như vậy?
Lời khuyên không phải lúc nào cũng tốt
Đối phương chỉ đơn giản muốn giải tỏa cảm xúc
Nếu một người có tình cảm với ai đó, họ sẵn sàng chia sẻ những suy nghĩ thầm kín của mình. Đơn giản là họ chỉ muốn trò chuyện cùng những người mà họ tin tưởng và yêu thương.
Khi bạn gái chia sẻ những vấn đề xoay quanh cuộc sống, công việc, trường lớp cùng bạn, cũng chính là lúc cô ấy yếu đuối và dễ bị tổn thương nhất. Đó có thể là những khó khăn nơi công ty như: “Em đã có một ngày dài mệt mỏi trong công việc, sếp của em đã phân rất nhiều công việc cho em mặc dù vẫn còn hàng tá công việc khác đang xếp hàng cần em giải quyết”. Hoặc đôi khi chỉ là những chuyện vụn vặt trong cuộc sống hằng ngày như: “Cả ngày nay em đã giúp đỡ công việc nhà cho chị hàng xóm vì chị ấy bị bệnh. Và giờ em cảm thấy rất mệt mỏi”.
Bạn nghĩ rằng điều cô ấy cần lúc này là gì? Một phương án giải quyết? Một lời khuyên? Hay một sự thương cảm? Câu trả lời chỉ đơn giản là sự cảm thông, lắng nghe và thấu hiểu.
Lời khuyên của bạn có thể bị hiểu nhầm là lời chỉ trích
Hiển nhiên, khi ai đó chia sẻ với bạn về những điều tồi tệ trong ngày, chắc chắn họ đang cần một sự giúp đỡ, đặc biệt từ những người gần gũi và thương yêu mình. Có thể hiểu rằng bạn không có ý định chỉ trích hay công kích họ, bạn chỉ muốn giúp đỡ họ mà thôi. Tuy nhiên, những lời khuyên của bạn lại có thể khiến đối phương có cảm giác như mình đang bị chỉ trích vậy.
Bạn có thể sẽ dễ bị hiểu nhầm bởi những câu nói như: “Em không nên lo lắng quá nhiều, hãy…”, hoặc: “Chuyện nhỏ như vậy mà em cũng than thở, anh nghĩ là em nên…” hay: “Em không nên như vậy, em chỉ cần…”.
Lắng nghe cũng là một cách thể hiện tình cảm sâu sắc
Trong tình yêu, người con gái rất hay suy nghĩ và khi bạn trai không chịu lắng nghe những gì mình nói sẽ khiến cô ấy phiền lòng. Khi cô ấy đang nói về một điều gì đó, bạn trai thường phớt lờ và nghe qua loa rồi đưa ra những nhận xét và giải pháp nhằm xoa dịu cô ấy ngay lúc ấy. Nhưng thực tế, trong nhiều trường hợp, bạn gái không cần một giải pháp. Họ không yêu cầu bạn phải làm điều đó. Và những lời khuyên như: “Em không nên như vậy” có thể là một câu nói khiếm nhã và thiếu tinh tế.
Những lời khuyên của bạn có thể làm cho cô ấy cảm thấy mình bị xem nhẹ, điều đó sẽ chỉ khiến họ cảm thấy tồi tệ hơn bởi vì không nhận được thứ mà họ cần. Điều này làm cho cô ấy nghĩ rằng bạn không quan tâm đến cảm xúc của cô ấy, và cả hai không có sự thấu hiểu lẫn nhau. Thay vì tỏ ra mình “khôn ngoan” và “tỉnh táo” hơn, bạn có thể ngồi yên bên cạnh cô ấy và ôm vào lòng vỗ về khi nàng khóc. Cách lắng nghe dịu dàng này sẽ khiến cô ấy cảm động lắm đấy!
Bí quyết trở thành một người yêu biết lắng nghe
Đừng đưa ra bất kỳ lời khuyên nào nếu cô ấy không yêu cầu. Hãy cho cô ấy thấy được rằng bạn là một người yêu luôn sẵn sàng ở bên cạnh để lắng nghe những lời tâm sự. Sau đây là một số cách giúp bạn chứng minh điều đó.
1. Hãy như một hòn đá. Khi ai đó cần một sự giúp đỡ, bạn hãy chỉ như một hòn đá, luôn ở bên cạnh người ấy để lắng nghe. Hãy giống như hòn đá không thể đưa ra lời khuyên mà chỉ là một chỗ dừng chân nghỉ ngơi cho đến khi đối phương có thêm sức mạnh để đi tiếp trên con đường phía trước.
2. Tạo sự tin tưởng thông qua ngôn ngữ cơ thể. Bạn chỉ cần lắng nghe. Mỗi khi cô ấy nói về những mối quan tâm lo lắng của mình hãy trao cho cô ấy những cái nhìn cảm thông và những cái ôm hay cái gật đầu trấn an. Điều này cho thấy bạn đang chăm chú lắng nghe và quan tâm đến cảm xúc của cô ấy.
3. Hiểu rõ những cảm xúc của đối phương. Thay vì nói: “Anh hiểu cảm giác của em như thế nào, khó khăn cho em rồi” hãy nói: “Anh không thể hiểu được cảm giác của em là như thế nào, nhưng anh có thể thấy rằng điều này rất khó khăn đối với em”. Bằng cách này, bạn vừa hiểu cho cảm xúc của họ vừa không khiến họ cảm thấy bị xem thường hay không được tin tưởng.
4. Thể hiện sự thấu hiểu của bạn. Lắng nghe tất cả mọi thứ mà họ đã nói với bạn và nhắc lại nó theo cách bạn hiểu. Thay vì nói: “Em chắc hẳn đang chịu rất nhiều căng thẳng”, bạn hãy nói: “Em đã có rất nhiều công việc cần giải quyết và bây giờ mọi thứ lại ập tới nhiều thêm. Anh có thể thấy được điều này rất căng thẳng đối với em”.
5. Cùng nhau lắng nghe nhiều hơn. Hãy để cô ấy giải quyết các vấn đề của mình bằng cách nói ra những suy nghĩ trong lòng. Chỉ cần nói ra thôi cũng đã khiến cô ấy cảm thấy nhẹ nhõm hơn rồi. Người phụ nữ thường sẽ luôn cho người bạn trai nói ra những mong mỏi, khó khăn của mình cũng giống như đó là điều mà họ muốn ngược lại.
Dù là đàn ông hay phụ nữ thì chúng ta đều cần có sự quan tâm và lắng nghe. Rất khó để hai con người có thể hoàn toàn hiểu nhau một cách trọn vẹn. Nhưng khi sẵn lòng lắng nghe nhau nhiều hơn, bạn sẽ ngày càng chạm đến trái tim của đối phương đấy!