Mặc dù tỷ lệ sống của ung thư xương giai đoạn cuối không mấy khả quan, nhưng vẫn có nhiều trường hợp ngoại lệ.
Theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, tỷ lệ sống sót trong năm năm đối với u xương ác tính, loại ung thư xương phổ biến nhất, giai đoạn cuối là 27%.
Tỷ lệ sống sót được thống kê dựa trên dữ liệu thu thập từ một dân số cụ thể trong một khoảng thời gian nhất định. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý rằng tỷ lệ sống sót không áp dụng chính xác cho tất cả mọi người, vì yếu tố đóng góp vào tuổi thọ có thể thay đổi tùy theo mỗi cá nhân.
Mô hình thống kê từ Viện Ung thư Quốc gia (NCI) cho thấy các trường hợp ung thư xương tăng trung bình 0,4% mỗi năm trong những năm 2006–2015. Ngược lại, trong thời gian này, tỷ lệ tử vong trung bình mỗi năm cũng giảm 0,3%.
Vậy nên, bạn không cần phải quá bi quan nếu được chẩn đoán ung thư xương giai đoạn cuối. Dựa trên tình hình sức khỏe tổng thể của bạn, các bác sĩ có thể đưa ra đánh giá chuyên nghiệp về triển vọng, đồng thời quyết định phương hướng điều trị phù hợp.
Bạn có thể quan tâm: U xương ác tính (ung thư xương tạo xương) là bệnh gì?
Ung thư xương giai đoạn cuối là gì?
Ủy ban Ung thư Hoa Kỳ đã đưa hệ thống TNM vào y khoa nhằm xác định các giai đoạn tiến triển của ung thư xương, đặc biệt là ung thư xương giai đoạn cuối.
Hệ thống phân giai đoạn ung thư TNM hình thành dựa trên bốn phần quan trọng:
- T: đề cập đến kích thước của khối u.
- N: thể hiện tình trạng tế bào đột biến lan đến các hạch bạch huyết gần đó hay chưa.
- M: nhắc đến tình hình ung thư đã di căn sang bộ phận khác hay chưa.
- G: cho biết các tế bào đột biến như thế nào dưới kính hiển vi, có thể hiểu là mức độ hoặc giai đoạn ung thư.
Các chuyên gia sẽ sử dụng ba phần đầu tiên để phân loại ung thư. G1 (giai đoạn một) là mô tả ung thư mới chỉ ở mức độ thấp. Trong khi đó, G2 và G3 là giai đoạn ung thư trở nặng. Lúc này, khối u có xu hướng phát triển là lan rộng nhanh hơn so với giai đoạn đầu.
Nếu khối u tiến triển thành ung thư xương giai đoạn cuối, các bác sĩ sẽ tiếp tục tiến hành quá trình phân loại để xác định người bệnh đang ở giai đoạn 4A hay 4B.
Giai đoạn 4A
Trong giai đoạn 4A, khối u ác tính có thể có bất kỳ kích thước cũng như ở bất kỳ mức độ nào. Số lượng của chúng rất nhiều và có khả năng xuất hiện ở vô số đoạn xương. Lúc này, mầm mống ung thư chỉ mới di căn đến phổi, chưa xâm nhập vào các hạch bạch huyết.
Giai đoạn 4B
Tương tự giai đoạn 4A, mức độ nghiêm trọng, kích thước và vị trí của khối u trong xương rất đa dạng. Tuy nhiên, khi tiến vào giai đoạn 4B, các tế bào đột biến đã lan đến những hạch bạch huyết gần đó và hoàn toàn có khả năng di căn đến nhiều cơ quan hoặc khu vực xương khác.
Bạn có thể muốn đọc thêm: U lympho Hodgkin (ung thư hạch Hodgkin) là bệnh gì?
Tìm hiểu về tỷ lệ sống tương đối ở người bệnh ung thư
Các chuyên gia tính toán tỷ lệ sống tương đối dựa trên dữ liệu (ít nhất năm năm trước đó) liên quan đến những người đã nhận kết quả từ bác sĩ chẩn đoán rằng mắc bệnh ung thư nói chung và ung thư xương giai đoạn cuối nói riêng. Yếu tố bệnh được cải thiện nhờ điều trị không được đưa vào. Bên cạnh đó, các yếu tố sau cũng sẽ không được suy xét:
- Tình trạng ung thư trở nên tệ hơn
- Ung thư di căn
- Ung thư tái phát
Tỷ lệ sống tương đối chủ yếu dựa trên số lượng mầm mống ung thư di căn và cũng sẽ không đề cập đến bất kỳ yếu tố nào khác có thể ảnh hương đến kết quả, chẳng hạn như:
- Tuổi tác
- Giới tính
- Sức khỏe tổng thể
- Vị trí ung thư cụ thể (chân, hông, cánh tay…)
- Khả năng đáp ứng thuận lợi với hóa trị liệu hoặc các phương pháp điều trị khác
Tổng kết
Ung thư xương giai đoạn cuối là mức độ tiến triển nghiêm trọng nhất của ung thư xương. Nó được chia thành hai giai đoạn nhỏ gồm 4A và 4B. Để bác sĩ chuyên khoa ung thư có thể phân loại giai đoạn ung thư chính xác nhất, họ sẽ cần kiểm tra thông tin cụ thể về tình hình các tế bào đột biến trong cơ thể người bệnh, bao gồm cả kích thước và vị trí của khối u ác tính.
Nếu bạn bị ung thư xương giai đoạn cuối, bác sĩ điều trị có thể sẽ đánh giá triển vọng dựa trên tình hình ung thư và tình trạng cá nhân của bạn.