Thảo mộc điều trị mụn có hoàn toàn tốt? Bài viết sẽ cung cấp những mặt lợi và hại của một số thảo mộc để giúp bạn sử dụng đúng cách.
Mụn xuất hiện khi lỗ chân lông hoặc các vùng nhiễm khuẩn bị tắc nghẽn và điều này rất khó để kiểm soát. Nếu phương pháp điều trị truyền thống không thành công, hoặc nếu bạn muốn điều trị bằng các phương pháp có nguồn gốc tự nhiên, bạn nên chuyển sang sử dụng các loại thảo mộc điều trị mụn.
Công dụng của thảo mộc điều trị mụn
Các sản phẩm chăm sóc da mụn có nguồn gốc thảo dược được dùng để làm sạch mụn trứng cá và các tình trạng da khác. Phương pháp này đã xuất hiện từ rất lâu, trước khi các phương pháp điều trị hiện đại xuất hiện. Mặc dù các phương pháp dùng thảo mộc vẫn chưa được nghiên cứu chuyên sâu, nhưng chúng có rất nhiều hiệu quả và được sử dụng từ rất lâu đời như những phương thuốc dân gian. Thảo mộc thường ít gây ra tác dụng phụ hơn các phương pháp hiện đại. Một số loại thảo mộc có tính kháng khuẩn, chống viêm và sát trùng. Các đặc tính này giúp làm giảm vi khuẩn gây mụn trứng cá, giảm viêm và làm lành vết thương.
Một số loại thảo mộc điều trị mụn và cách dùng
Trước khi sử dụng bất kỳ loại thảo mộc nào, bạn cần tham vấn bác sĩ để hạn chế những rủi ro xảy ra.
Nếu tuân thủ đúng những hướng dẫn cũng như liều lượng từ bác sĩ, một số liệu pháp thảo mộc điều trị mụn và các phương thuốc dân gian có sẵn sau đây sẽ giúp bạn chữa mụn trứng cá hoặc mụn nhọt:
- Tỏi: Thoa chiết xuất tỏi lên nốt mụn trứng cá vài lần trong ngày sẽ giúp giảm đau chỗ bị mụn và chữa lành mụn nhanh.
- Nha đam: Chiết xuất nha đam là chất làm sạch da đặc biệt, có tác dụng chống nhiễm trùng và thúc đẩy quá trình làm lành nhanh. Bạn có thể cắt một phần lá nha đam, bỏ vỏ, rửa sạch và chà trực tiếp phần thịt nha đam lên da cũng sẽ làm giảm mụn hiệu quả.
- Lá sầu đâu (lá neem Ấn Độ) là loại thảo mộc có giá trị trong các phương thuốc cổ truyền Ấn Độ vì tính chất chữa bệnh đa dạng của nó và khả năng kháng khuẩn, chống nấm, chống virus. Đối với mụn, 5 lá sầu đâu tươi mỗi ngày vào buổi sáng sẽ giúp loại bỏ các nốt mụn trứng cá cứng đầu.
- Tea tree (tinh dầu tràm trà): là một loại thảo mộc được sử dụng để điều trị các vấn đề về da và vết thương. Nó có khả năng khử trùng, chống viêm, làm giảm lượng mụn trứng cá. Một nghiên cứu thực hiện vào năm 1990 cho thấy một loại gel thoa có chứa 5% dầu tea tree có tác dụng tương tự như kem bôi có chứa 5% benzoyl peroxide. Cả hai chế phẩm này đều làm giảm số lượng tổn thương do mụn trứng cá bị viêm và không bị viêm. Tuy nhiên, nếu sử dụng trong thời gian dài sẽ gây ra một số tác dụng phụ nhẹ bao gồm khô, ngứa, kích ứng và da bị đỏ.
Những rủi ro và cảnh báo khi dùng thảo mộc điều trị mụn
Các tác dụng phụ có khả năng xảy ra liên quan đến hầu hết các loại thuốc thảo mộc bao gồm phản ứng dị ứng và kích ứng da. Nếu bị viêm, ngứa, hoặc bỏng, bạn nên ngừng sử dụng và tham khảo ý kiến của các bác sĩ.
Dầu tea tree thường gây phát ban, phồng rộp trên da. Bạn không nên sử dụng nó nếu bạn có làn da nhạy cảm hoặc dị ứng với các loại cây tương tự. Chúng bao gồm bạch đàn, tiêu Jamaica và đinh hương.
Phụ nữ mang thai, phụ nữ đang cho con bú và trẻ em không nên sử dụng các loại thảo mộc để điều trị mụn trứng cá, trừ khi có sự giám sát của bác sĩ có chuyên môn.
Một số người sử dụng thảo mộc như một loại thuốc uống để điều trị mụn trứng cá. Bạn không nên làm điều này nếu không có chỉ dẫn từ bác sĩ. Nhiều loại thảo mộc chỉ nên sử dụng trên da và sẽ gây độc hại khi bạn uống, đặc biệt với số lượng lớn. Dầu tea tree sẽ tiết ra các chất độc khi bạn nuốt. Do đó bạn không nên sử dụng nó trên vùng da xung quanh miệng, nơi chất độc có khả năng xâm nhập vào cơ thể và gây hại.
Bạn cũng nên cân nhắc về việc tạo một nhật ký thực phẩm để theo dõi các loại thực phẩm gây ra mụn trứng cá. Bạn nên cố gắng giữ cho làn da sạch sẽ nhất có thể và rửa sạch nó sau khi đổ mồ hôi bằng các chất tẩy rửa không cồn. Tránh dùng tay chạm vào mặt nhiều lần trong ngày và không dùng tay nặn mụn! Nếu mụn trứng cá không thuyên giảm với các liệu pháp thảo mộc hoặc phương pháp điều trị không theo toa thì bạn nên đến khám bác sĩ da liễu nhé.