Lỗ tai bị nghẹt là tình trạng thường gặp khi chúng ta đi thang máy hoặc máy bay. Tuy nhiên, có nhiều nguyên nhân nghiêm trọng hơn dẫn đến tình trạng này và phải được chăm sóc y tế.
Biểu hiện khi lỗ tai bị nghẹt
Khi bị nghẹt lỗ tai, bạn sẽ có cảm giác như có một vật nằm trong tai của mình. Nghẹt lỗ tai xảy ra khi sóng âm đi qua tai trong có vấn đề. Một số trường hợp tai bị nghẹt có thể giải quyết nhanh chóng, nhưng cũng có những trường hợp cần phải dùng đến biện pháp y khoa.
Bên cạnh cảm giác có vật lạ trong tai, bạn còn có thể gặp các triệu chứng khác, bao gồm:
- Đau tai
- Chảy dịch tai
- Cảm giác đầy trong tai
- Ù tai
Lỗ tai bị nghẹt một bên
Tai bị tắc một bên có thể là biểu hiện của nhiều vấn đề khác nhau. Các nguyên nhân phổ biến bao gồm:
Ráy tai tích tụ
Ráy tai có tác dụng ngăn bụi bẩn và mảnh vụn xâm nhập vào ống tai. Bên cạnh đó, nó cũng hoạt động như một chất bôi trơn cho tai. Tuy nhiên, ráy tai có thể tích tụ nghiêm trọng, khiến lỗ tai bị nghẹt ở một hoặc cả hai bên. Các triệu chứng khác bao gồm đau tai, áp lực trong tai và ù tai.
Giảm thính lực do tuổi già
Giảm thính lực tuổi già gây nghẹt tai liên quan trực tiếp đến các âm thanh tần số cao. Người gặp vấn đề này thường thấy khó khăn khi nghe tiếng chuông điện thoại. Các triệu chứng khác bao gồm khó nghe trong môi trường ồn ào, ù tai hoặc khó nghe giọng nói của nữ. Tình trạng mất thính lực có thể từ nhẹ đến nặng.
Nhiễm trùng tai giữa
Nhiễm trùng tai giữa thường tạo ra chất lỏng tích tụ ở tai giữa, do ống eustachian bị viêm hoặc sưng. Một số trường hợp nhiễm trùng tai giữa có thể xác định rõ ràng và điều trị triệt để. Song, cũng có những trường hợp dẫn đến khiếm thính. Nhiễm trùng tai giữa có thể gây đau tai và chảy nước ở tai. Ở trẻ em, nhiễm trùng tai thường gây ra các biểu hiện sốt, quấy khóc và chán ăn.
Viêm xoang
Viêm xoang là tình trạng viêm niêm mạc lót trong các xoang cạnh mũi. Dịch viêm xoang do nhiễm trùng có thể khiến lỗ tai bị nghẹt. Các triệu chứng khác bao gồm đau đầu, ho, hôi miệng, sốt và mệt mỏi. Viêm xoang nhẹ có thể tự khỏi mà không cần đến bác sĩ.
Cảm lạnh
Cảm lạnh có thể làm nghẽn ống eustachian, khiến lỗ tai bị nghẹt. Bị bít lỗ tai do cảm lạnh thường không nguy hiểm và sẽ tự biến mất khi bệnh thuyên giảm. Các triệu chứng khác của cảm lạnh bao gồm sổ mũi, ho, đau nhức cơ thể, sốt nhẹ và đau họng.
Viêm mũi dị ứng
Các triệu chứng của viêm mũi dị ứng khá giống với cảm lạnh và viêm xoang. Viêm mũi dị ứng cũng có thể khiến tai bị tắc ở mức độ nhẹ. Các triệu chứng khác của bệnh bao gồm chảy nước mắt, ngứa mắt, hắt hơi, ho, chảy dịch mũi sau và mệt mỏi.
Lỗ tai bị nghẹt khi đi máy bay
Tai bị nghẹt khi đi máy bay là do sự mất cân bằng áp suất không khí ở tai giữa và áp suất của môi trường xung quanh. Tình trạng tương tự có thể xảy ra khi bạn đi thang máy hoặc lái xe lên núi.
Ngoài nghẹt tai, bạn cũng có thể bị chóng mặt, đau và chảy máu tai. Tình trạng này thường không quá nghiêm trọng. Song, trong một số trường hợp, nó có thể gây ù tai mãn tính hoặc mất thính giác.
Tiếng ồn
Mất thính lực do tiếng ồn (chấn thương âm thanh) xảy ra khi có tổn thương ở dây thần kinh thính giác. Bạn có thể bị mất thính lực sau một hoặc nhiều lần tiếp xúc với tiếng ồn lớn.
Ù tai
Ù tai cũng có thể là nguyên nhân khiến lỗ tai bị nghẹt. Tiếng ù hoặc vo ve trong tai có thể tồn tại tạm thời hoặc vĩnh viễn. Tiếng ù tai quá to có thể cản trở sự tập trung hoặc giấc ngủ của bạn.
Dị vật
Ngoài ráy tai, dị vật trong ống tai cũng là một nguyên nhân phổ biến gây tắc tai. Dị vật có thể bao gồm nước, côn trùng hoặc các vật thể nhỏ khác.
Dị vật xuất hiện trong tai là một vấn đề nghiêm trọng. Nó có thể gây đau tai, cảm giác đầy tai, thậm chí là mất thính giác. Do đó, nếu phát hiện vật thể lạ trong ống tai, bạn cần đến thăm khám bác sĩ ngay lập tức.
Tác dụng phụ của một số loại thuốc
Một số loại thuốc có thể tác động xấu đến các tế bào thần kinh tai trong. Chúng bao gồm:
- Thuốc lợi tiểu quai
- Kháng sinh
- Thuốc hóa trị
- Thuốc chống viêm như aspirin và ibuprofen
Các triệu chứng khác của mất thính lực do thuốc bao gồm chóng mặt, ù tai và cảm giác đầy tai.
Thủng màng nhĩ
Thủng màng nhĩ là tình trạng xuất hiện lỗ thủng hoặc vết rách trong mô ngăn cách tai giữa với ống tai. Thủng màng nhĩ thường không phải là trường hợp cấp cứu và có thể tự liền lại. Các triệu chứng khác bao gồm đau tai, chảy máu tai, ù tai, chóng mặt và buồn nôn.
Khối u
Lỗ tai bị nghẹt cũng có thể là biểu hiện của khối u. U dây thần kinh thính giác là sự xuất hiện của một khối u lành tính trên dây thần kinh chính dẫn từ tai trong đến não. Các dấu hiệu khác bao gồm mất thăng bằng, chóng mặt, tê mặt và ù tai.
Một khối u trên cổ có thể là dấu hiệu của ung thư vòm họng. Loại ung thư này phát triển ở phần trên của cổ họng và gây ra nghẹt tai, ù tai và đau tai.
Bệnh meniere
Bệnh meniere gây ra một loạt các triệu chứng, bao gồm nghẹt tai, ù tai, chóng mặt và đau tai.
Nguyên nhân của căn bệnh này có thể liên quan đến chất lỏng bất thường ở tai trong. Dù không có cách điều trị cụ thể cho tình trạng này, nhưng các triệu chứng có thể được cải thiện hoặc biến mất theo thời gian.
Chấn thương sọ não hoặc chấn thương đầu
Chấn thương não nghiêm trọng hoặc chấn thương đầu có thể làm hỏng xương tai giữa hoặc dây thần kinh tai trong. Các triệu chứng khác của chấn thương đầu bao gồm đau đầu, chóng mặt và mất ý thức.
Lỗ tai bị nghẹt và các triệu chứng khác
Trong nhiều trường hợp, tai bị nghẹt có thể xuất hiện cùng các triệu chứng khác. Do đó, bạn cần mô tả tất cả các triệu chứng để giúp bác sĩ xác định nguyên nhân gây bệnh.
Lỗ tai bị nghẹt và ù ở một bên tai
Thông thường, khi bị nghẹt tai, bạn cũng sẽ bị ù tai. Theo Healthline, nguyên nhân phổ biến dẫn đến hai tình trạng này là:
- Thuốc
- Mất thính lực do tuổi già
- Thủng màng nhĩ
- Ráy tai bít lỗ tai
- Chênh lệch áp suất tai
- Tiếng ồn
- Khối u
Nghẹt tai ở cả hai bên
Một số nguyên nhân có thể gây nghẹt lỗ tai ở một hoặc cả hai bên tai, ví dụ:
- Chênh lệch áp suất tai
- Mất thính lực do tuổi già
- Tiếng ồn
- Thuốc
Nghẹt một bên tai sau khi bị cảm lạnh
Một số người vẫn có thể tiếp tục bị nghẹt tai sau khi bị cảm lạnh. Điều này xảy ra khi cảm lạnh biến chứng thành viêm xoang hoặc nhiễm trùng tai giữa. Trong trường hợp này, dịch chảy hoặc vấn đề khác từ nhiễm trùng thứ cấp sẽ khiến tai bị tắc.
Điều trị lỗ tai bị nghẹt
Các lựa chọn điều trị phổ biến khi lỗ tai bị nghẹt bao gồm:
Loại bỏ vật thể gây tắc nghẽn
Vật thể gây tắc lỗ tai có thể là ráy tai hoặc dị vật lọt vào trong tai. Với ráy tai, bạn có thể tự lấy ráy tai ở nhà bằng các dụng cụ lấy ráy tai theo hướng dẫn. Nếu bạn không tự lấy được, bạn nên nhờ đến các dịch vụ chuyên nghiệp để loại bỏ ráy tai một cách an toàn.
Đối với vật lạ, bác sĩ có thể sử dụng một thiết bị chân không hoặc kẹp nhỏ để lấy nó ra. Trong một số trường hợp, bạn có thể phải cần phẫu thuật để loại bỏ một vật thể nếu nó gây nguy cơ tổn thương màng nhĩ.
Kháng sinh
Khi bị nghẹt tai do viêm xoang hoặc nhiễm trùng tai giữa, bác sĩ có thể kê đơn thuốc kháng sinh để điều trị nhiễm trùng.
Thuốc thông mũi
Loại thuốc này có thể giúp thông ống eustachian bằng cách co mạch máu và giảm sưng. Nó cũng hữu ích khi bạn bị nghẹt tai trên máy bay. Ngoài cách này, bạn còn có thể thông ống eustachian của mình bằng cách ngáp, hắt hơi hoặc nhai kẹo cao su.
Phẫu thuật
Thủng màng nhĩ có thể tự lành lại. Nếu nó không tự khỏi, bác sĩ có thể sử dụng miếng dán màng nhĩ. Nếu miếng dán không mang lại hiệu quả, bạn phải phẫu thuật.
Phẫu thuật cũng có thể được thực hiện khi nghẹt tai là do các khối u ảnh hưởng đến tai trong. Đối với khối u lành tính, bác sĩ có thể theo dõi sự tăng trưởng và chỉ đề nghị phẫu thuật nếu khối u tăng kích thước. Còn nếu khối u ác tính, bác sĩ có thể đề nghị xạ trị hoặc hóa trị trước khi phẫu thuật cắt bỏ.
Trợ thính
Trong nhiều trường hợp, nghẹt tai sẽ không thể cải thiện. Chẳng hạn như khi tai bị tắc do bệnh meniere, mất thính lực do tuổi già, mất thính lực do tiếng ồn, do chấn thương đầu hoặc do tác dụng phụ của thuốc.
Nếu bác sĩ xác định rằng bạn bị mất thính lực vĩnh viễn, máy trợ thính có thể cải thiện khả năng nghe của bạn. Thiết bị này có thể được đặt vào trong tai hoặc đeo ở sau tai người sử dụng.
Cách bảo vệ tai khỏi chấn thương âm thanh
Âm thanh lớn có thể gây tổn thương vĩnh viễn cho màng nhĩ. Do đó, bạn cần biết cách để bảo vệ tai của mình. Chấn thương âm thanh có thể xảy ra khi bạn tiếp xúc một hoặc nhiều lần với tiếng ồn lớn.
Để bảo vệ đôi tai, bạn cần lưu ý:
- Cố gắng tránh xa những tiếng động lớn
- Đeo nút bịt tai trong môi trường ồn ào (tại nơi làm việc, chương trình âm nhạc, …)
- Kiểm tra thính giác nếu nghi ngờ bị mất thính lực
- Không đứng hoặc ngồi quá gần loa
- Giảm âm lượng khi nghe nhạc bằng tai nghe
Dung Nguyễn / HELLO BACSI