Rối loạn giấc ngủ ở người lớn tuổi là một tình trạng khá phổ biến. Có rất nhiều nguyên nhân gây ra rối loạn này. Hiểu rõ nguyên nhân sẽ giúp bác sĩ đưa ra phương pháp điều trị thích hợp.
Các rối loạn giấc ngủ là tình trạng khá phổ biến ở người lớn tuổi. Khi bạn càng lớn tuổi, thói quen ngủ sẽ thay đổi. Kết quả là bạn có thể:
- Khó ngủ
- Ngủ ít hơn
- Thường xuyên thức giấc trong đêm hoặc vào sáng sớm
- Ngủ không ngon giấc
Những điều này có thể dẫn đến các vấn đề như té ngã và mệt mỏi vào ban ngày.
Nhiều người lớn tuổi gặp khó khăn trong việc duy trì giấc ngủ và khó chìm vào giấc ngủ. Theo phần lớn các nghiên cứu, các liệu pháp hành vi sẽ thích hợp hơn là thuốc vì nó không gây ra các tác dụng phụ như nôn ói.
Bạn hãy đến gặp bác sĩ nếu bạn hoặc người thân gặp khó khăn về giấc ngủ. Tùy vào nguyên nhân, bạn có thể cần thay đổi lối sống hoặc dùng thuốc.
Nguyên nhân nào gây rối loạn giấc ngủ ở người lớn tuổi?
Rối loạn giấc ngủ nguyên phát
Rối loạn giấc ngủ nguyên phát thường không do bệnh lý hoặc tâm thần gây ra. Các rối loạn giấc ngủ nguyên phát gồm:
- Mất ngủ, khó chìm vào giấc ngủ hoặc không ngủ được
- Ngưng thở khi ngủ
- Hội chứng chân không yên. Chân cử động trong lúc ngủ
- Rối loạn vận động chi theo chu kỳ. Tình trạng tay chân vận động không có chủ ý trong lúc ngủ
- Rối loạn giấc ngủ nhịp sinh học hay còn gọi rối loạn chu kỳ thức – ngủ
- Rối loạn hành vi giấc ngủ REM
Bạn lưu ý rằng mất ngủ vừa là triệu chứng vừa là bệnh. Các bệnh như trầm cảm, lo âu và sa sút trí tuệ có thể làm tăng nguy cơ rối loạn giấc ngủ, đặc biệt là mất ngủ.
Các bệnh lý liên quan
Theo một nghiên cứu về rối loạn giấc ngủ ở người lớn tuổi ở Singapore, những người bị rối loạn giấc ngủ thường có sẵn các bệnh lý và ít vận động. Những bệnh lý này bao gồm:
- Parkinson
- Alzheimer
- Đau mạn tính như viêm khớp
- Bệnh tim mạch
- Bệnh lý thần kinh
- Bệnh lý tiêu hóa
- Bệnh phổi hoặc hô hấp
- Tiểu không tự chủ
Các loại thuốc liên quan
Hầu hết người lớn tuổi thường dùng các loại thuốc có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ, chẳng hạn như:
- Thuốc lợi tiểu điều trị tăng huyết áp và tăng nhãn áp
- Anticholinergic để điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính
- Thuốc điều trị cao huyết áp
- Corticosteroid (prednisone) điều trị viêm khớp dạng thấp
- Thuốc chống trầm cảm
- Các thuốc chẹn H2 (Zantac, Tagamet) để điều trị trào ngược dạ dày thực quản hoặc loét dạ dày tá tràng
- Leovodopa trị bệnh Parkinson
- Thuốc tác dụng lên hệ Adrenergic để điều trị các cơn hen suyễn hoặc ngừng tim.
Các chất phổ biến
Caffeine, rượu và thuốc lá có thể gây ra vấn đề về giấc ngủ.
Làm thế nào để chẩn đoán rối loạn giấc ngủ ở người lớn tuổi?
Để chẩn đoán chứng rối loạn giấc ngủ, bác sĩ sẽ hỏi bạn về các triệu chứng và khám để xem có bệnh lý tiềm ẩn nào không. Bác sĩ cũng có thể yêu cầu bạn viết nhật ký giấc ngủ trong 1–2 tuần để tìm hiểu về thói quen ngủ của bạn.
Nếu bác sĩ nghi ngờ bạn bị rối loạn giấc ngủ nguyên phát, họ sẽ chuyển bạn tới chuyên gia về giấc ngủ.
Khảo sát giấc ngủ
Nghiên cứu giấc ngủ thường được thực hiện vào ban đêm tại phòng chuyên biệt. Tại đây, bạn có thể ngủ giống như ở nhà. Kỹ thuật viên sẽ đặt cảm biến vào bạn để theo dõi:
- Chuyển động của cơ thể
- Nhịp thở
- Tiếng ngáy hoặc những tiềng ồn khác trong lúc ngủ
- Nhịp tim
- Hoạt động của não
Bạn cũng có thể được gắn một thiết bị vào ngón tay để đo oxy trong máu.
Kỹ thuật viên sẽ theo dõi những chuyển động này thông qua camera. Trong khi ngủ, các thiết bị sẽ liên tục ghi lại thông tin của bạn trên biểu đồ. Bác sĩ sẽ sử dụng để chẩn đoán bạn bị rối loạn giấc ngủ hay không.
Các liệu pháp hỗ trợ điều trị rối loạn giấc ngủ ở người lớn tuổi
Đối với người lớn tuổi, bạn nên sử dụng các phương pháp điều trị không dùng thuốc như trị liệu hành vi trước. Điều này là do người lớn tuổi thường đã dùng nhiều loại thuốc trước đó.
Liệu pháp hành vi thường kéo dài khoảng 6 tuần hoặc lâu hơn, bao gồm phổ cập kiến thức về giấc ngủ, kiểm soát kích thích và hạn chế thời gian trên giường.
Theo một nghiên cứu lâm sàng đối chứng ngẫu nhiên, liệu pháp hành vi nhận thức giúp cải thiện đáng kể chất lượng giấc ngủ ở những người bị mất ngủ. Theo nghiên cứu này, liệu pháp hành vi nhận thức có hiệu quả hơn các liệu pháp khác vì nó tập trung vào chất lượng giấc ngủ hơn là giúp bạn nhanh buồn ngủ.
Bạn cũng có thể xây dựng thói quen đi ngủ lành mạnh như:
- Đi ngủ và thức dậy vào một khoảng thời gian mỗi ngày
- Chỉ sử dụng giường ngủ để ngủ, không dùng để làm việc
- Thực hiện các hoạt động yên tĩnh, như đọc sách trước khi ngủ
- Tránh để đèn sáng trước khi đi ngủ
- Tạo môi trường phòng ngủ luôn thoải mái
- Tránh ngủ trưa
Nếu bạn không thể ngủ trong vòng 20 phút, hãy thức dậy và làm việc gì đó trước khi ngủ. Việc cố gắng ép bản thân đi ngủ sẽ khiến bạn càng khó ngủ hơn.
Theo một nghiên cứu, để quản lý rối loạn giấc ngủ ở người lớn tuổi, bạn có thể:
- Hạn chế uống nước hoặc chất lỏng trước khi ngủ
- Tránh caffeine và cồn
- Ăn 3–4 giờ trước khi đi ngủ
- Thường xuyên tập thể dục, nhưng tránh tập trước giờ đi ngủ
- Tắm bằng nước ấm để thư giãn
Nếu những phương pháp này không hiệu quả, bác sĩ có thể chỉ định bạn dùng thuốc.
Những loại thuốc dùng điều trị rối loạn giấc ngủ ở người lớn tuổi
Nếu rối loạn giấc ngủ do các bệnh lý tiềm ẩn gây ra, bạn sẽ được điều trị thuốc. Tuy nhiên, bạn đừng phụ thuộc vào thuốc mà không thực hiện các thói quen ngủ lành mạnh.
Melatonin
Melatonin, một hormone tổng hợp, giúp bạn ngủ nhanh hơn và phục hồi chu kỳ ngủ-thức. Bạn chỉ nên dùng 0,1–5mg, 2 giờ trước khi đi ngủ trong vài tháng nếu bị mất ngủ. Tuy nhiên, melatonin không cải thiện chất lượng giấc ngủ.
Các thuốc ngủ và tác dụng phụ
Thuốc ngủ có thể giúp giảm các triệu chứng rối loạn giấc ngủ. Bác sĩ có thể đề nghị loại thuốc nào sẽ có tác dụng tốt nhất cho bạn. Thời gian dùng thuốc tùy thuộc vào nguyên nhân gây mất ngủ.
Bạn nên chỉ uống thuốc ngủ trong thời gian ngắn, có nghĩa là ít hơn 2–3 tuần đối với thuốc benzodiazepine như Triazolam và 6–8 tuần đối với thuốc nonbenzodiazepine (thuốc Z) như zolpidem hoặc Ambien.
Các thuốc ngủ:
- Có hiệu quả khi sử dụng trong thời gian ngắn để phục hồi chu kỳ ngủ
- Có hiệu quả trong việc giúp bạn ngủ ngon
- Có thể có triệu chứng cai thuốc
- Có thể làm tăng nguy cơ bị té ngã
- Có thể gây buồn ngủ khi đang làm việc như lái xe
- Có thể gây lạm dụng thuốc nếu sử dụng trong thời gian dài
Sử dụng thuốc ngủ trong thời gian dài có thể gây ra các biến chứng, đặc biệt là ở những người lớn tuổi. Một số tác dụng phụ phổ biến của thuốc benzodiazepine và thuốc Z gồm:
- Đau đầu
- Chóng mặt
- Buồn nôn
- Mệt mỏi
- Ngầy ngật
Bạn cũng cần tránh uống rượu trong khi đang dùng thuốc ngủ.
Các phương pháp điều trị khác
Các phương pháp điều trị khác bao gồm:
- Thiết bị thở áp lực dương liên tục (CPAP) giúp điều trị ngưng thở khi ngủ
- Thuốc chống trầm cảm
- Dopamine điều trị hội chứng chân không yên và rối loạn vận động chi
- Liệu pháp thay thế sắt điều trị hội chứng chân không yên.
Các thuốc không kê toa bao gồm thuốc kháng histamin có thể gây buồn ngủ. Tuy nhiên, có thể trong 3 ngày khả năng quen thuốc kháng histamin.
Trao đổi với bác sĩ trước khi bạn dùng bất kỳ loại thuốc nào. Chúng có thể tương tác với các loại thuốc bạn đang dùng.
Ở người lớn tuổi, rối loạn giấc ngủ liên tục có thể dẫn đến những lo ngại lớn hơn như trầm cảm và nguy cơ té ngã. Nếu chất lượng giấc ngủ là vấn đề chính, liệu pháp hành vi có thể có hiệu quả hơn. Điều này có nghĩa là bạn cần xây dựng thói quen ngủ lành mạnh thông qua giáo dục giấc ngủ, kiểm soát kích thích và giới hạn thời gian trên giường. Các thay đổi có thể mất trên 6 tuần để có hiệu quả.
Nếu liệu pháp hành vi không hiệu quả, bác sĩ có thể kê đơn thuốc hoặc các cách điều trị khác. Tuy nhiên, thuốc ngủ không phải là giải pháp lâu dài. Bạn sẽ thấy rằng cách tốt nhất để có được giấc ngủ tốt là kiểm soát thói quen ngủ của bạn.
Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:
- Tiểu đường ảnh hưởng đến giấc ngủ của bạn thế nào?