Bố mẹ nào cũng mong con mình không gặp bất kỳ nguy hiểm nào nhưng đôi lúc có những việc không lường trước được. Trẻ em thường rất tò mò, muốn thử tự làm nhiều việc và luôn gặp phải nhiều tình huống nguy hiểm như nghẹn thức ăn, ngã xe hoặc rơi xuống nơi nguy hiểm lúc không có người lớn giám sát. Khi đó, nếu bố mẹ hoặc người xung quanh biết và thực hiện đúng các bước sơ cứu và hô hấp nhân tạo thì sẽ góp phần không nhỏ trong việc cứu trẻ.
Sơ cứu trẻ em từ 1 đến 12 tuổi bị nghẹn
- Bước 1: Đánh giá tình huống nhanh chóng
Nếu trẻ đột nhiên không thể khóc, ho hoặc thậm chí là nói, có thể đường thở của trẻ bị nghẹt và điều đầu tiên bạn cần làm là hãy giúp trẻ lấy nó ra. Dấu hiệu khi trẻ mắc nghẹn là trẻ có thể tạo ra những âm thanh kì lạ hoặc nói không ra tiếng, da trở nên đỏ ửng hoặc thậm chí là xanh tím.
Nếu trẻ ho hoặc nôn, có nghĩa là đường thở của trẻ đã bị chặn một phần. Trong trường hợp này, bạn nên để trẻ tiếp tục ho, ho là cách hiệu quả nhất để loại bỏ vật tắc nghẽn.
Nếu trẻ không thể ho ra dị vật, bạn nên nhờ người khác gọi 115 hoặc cấp cứu ở địa phương trong khi bạn tiến hành vỗ lưng và ép bụng.
- Bước 2: Cố gắng loại bỏ dị vật bằng phương pháp vỗ lưng và ép bụng
Đầu tiên là vỗ lưng. Nếu trẻ còn tỉnh nhưng không thể ho, nói hay thở, hoặc da bắt đầu xanh tái, bạn cần đứng hoặc quỳ đằng sau trẻ, đỡ trẻ bằng một tay chéo qua ngực và dùng gót bàn tay (phần trên cổ tay) vỗ mạnh vào vị trí giữa hai bả vai. Mỗi lần vỗ lưng cần phải dứt khoát và nhanh chóng để loại bỏ được vật tắc nghẽn. Thực hiện năm lần vỗ lưng.
Tiếp đến là ép bụng. Bạn đứng hoặc quỳ đằng sau trẻ và vòng tay xung quanh thắt lưng trẻ. Sau đó bạn dùng 1 hoặc 2 ngón tay xác định vị trí rốn. Một tay nắm lại như nắm đấm, ví dụ là tay phải, đặt nắm đấm trên rốn và phía dưới xương ức, sau đó tay trái nắm lấy nắm đấm và ép bụng hướng lên phía trên thành bụng, thực hiện 5 lần. Mỗi lần ấn bụng nên mạnh và dứt khoát để loại bỏ vật tắc nghẽn. Đây còn được gọi là nghiệm pháp Heimlich.
Cuối cùng, lặp lại liệu pháp vỗ lưng và ấn bụng. Tiếp tục luân phiên năm lần vỗ lưng và năm lần ấn bụng cho đến khi dị vật bị tống ra ngoài và trẻ bắt đầu ho mạnh. Nếu trẻ đã ho được, hãy khuyến khích trẻ tiếp tục ho ra dị vật.
Khi nào nên hô hấp nhân tạo cho trẻ bị nghẹn và tiến hành như thế nào?
Nếu trẻ bị hóc dị vật và bất tỉnh, chúng ta cần tiến hành hô hấp nhân tạo. Dưới đây là hướng dẫn để thực hiện hô hấp nhân tạo cho trẻ:
Đặt trẻ nằm ngửa trên một bề mặt cứng, phẳng. Bạn quỳ bên cạnh ngực trẻ, đặt gót bàn tay lên phần xương ức, giữa vùng ngực. Đặt tay còn lại trực tiếp lên trên tay kia. Cố gắng giữ tay không trật khỏi ngực bằng cách đan xen ngón hoặc dùng tay trên giữ lại.
Tiến hành 30 lần ấn bằng cách ấn xương ức xuống khoảng 4-5cm, thả tay để ngực trở lại bình thường trước khi bắt đầu lần ấn mới.
Cạy miệng trẻ và tìm kiếm dị vật. Nếu thấy chúng, bạn dùng ngón tay lấy ra.
Sau đó, tiến hành hai lần thổi ngạt. Nếu không khí không vào được (nghĩa là bạn không thấy ngực nhô lên), hãy lặp lại chu kỳ 30 lần ấn, kiểm tra dị vật, và cố gắng 2 lần thổi ngạt cho đến khi dị vật bị loại bỏ, trẻ bắt đầu thở hoặc có người hỗ trợ đến.
Với những thông tin trên, Chúng tôi hy vọng sẽ giúp được bố mẹ có thêm kiến thức về sơ cứu để có thể giúp được con hoặc những trẻ khác trong tình huống khẩn cấp.