Điều trị bệnh dịch tả khá phức tạp nhưng nếu thực hiện kịp thời, bệnh nhân có nhiều cơ hội thoát khỏi các biến chứng nguy hiểm.
Những triệu chứng ban đầu của bệnh tả dễ bị nhầm lẫn với những bệnh liên quan đến đường tiêu hóa khác. Song việc chẩn đoán bệnh lại khá nhanh chóng nhờ cách xét nghiệm mẫu phân của người bệnh. Việc sớm chẩn đoán bệnh dịch tả sẽ giúp cả bác sĩ và bệnh nhân kịp thời lên phác đồ điều trị, tránh nguy cơ tử vong do căn bệnh nguy hiểm này.
Điều trị bệnh dịch tả
Bệnh dịch tả có thể gây tử vong trong vài giờ vì nó làm bệnh nhân nôn ói và tiêu chảy liên tục khiến cơ thể mất nước trầm trọng. Vì thế, công tác điều trị bệnh dịch tả cần được tiến hành ngay lập tức kể từ khi có chẩn đoán bệnh chính xác.
Những lưu ý quan trọng trong quá trình điều trị bệnh dịch tả bao gồm:
Bổ sung nước
Đây được xem là bước quan trọng để bù lại lượng nước đã bị mất khỏi cơ thể do triệu chứng nôn và tiêu chảy. Bệnh nhân cần được tích cực bù nước và muối bằng dung dịch oresol để ngăn ngừa rối loạn điện giải. Oresol có sẵn dưới dạng bột để hoà tan vào nước hoặc dạng nước đóng chai. Nếu không được bù nước đúng và đủ, người mắc bệnh dich tả có thể tử vong trong vài giờ.
Truyền chất lỏng qua đường tĩnh mạch
Hầu như những bệnh nhân dịch tả đều có thể bổ sung nước và chất điện giải bằng đường uống. Tuy nhiên, với những người bị mất nước trầm trọng, cơ thể đã kiệt sức, bác sĩ sẽ khuyến khích hình thức truyền chất lỏng qua đường tĩnh mạch.
Kháng sinh
Dù không nhất thiết phải sử dụng kháng sinh trong quá trình điều trị bệnh dịch tả nhưng trong một số trường hợp cần thiết, đặc biệt là các ca bệnh nặng, bác sĩ có thể cho bệnh nhân sử dụng một số loại kháng sinh phù hợp để làm giảm số lần tiêu chảy do dịch tả.
Bổ sung kẽm
Đây là bước điều trị cần thiết để làm giảm và rút ngắn thời gian tiêu chảy do bệnh dịch tả ở trẻ em.
Bệnh nhân cần chuẩn bị gì trước khi điều trị bệnh dịch tả?
Ngay khi thấy cơ thể xuất hiện các triệu chứng như nôn ói, tiêu chảy liên tục , bạn cần đến bệnh viện khám bệnh ngay. Nếu như trước đó, bạn nghi ngờ mình đã tiếp xúc với nguồn bệnh dịch tả, hãy thông báo cho bác sĩ biết trong lúc được khám bệnh.
Trước khi đến gặp bác sĩ, bạn cũng cần phải tích cực bù nước cho cơ thể. Đối với tình trạng mất nước do tiêu chảy và ói có liên quan đến bệnh dịch tả, những loại nước thông thường như nước lọc, nước ép trái cây không thể bổ sung đủ chất lỏng và chất điện giải cho cơ thể người bệnh. Thay vào đó, bạn hãy sử dụng dung dịch điện giải oresol có sẵn.
Bạn cũng cần liệt kê càng chi tiết càng tốt những thông tin liên quan đến triệu chứng bệnh (thời gian xuất hiện điều bất thường, số lần tiêu chảy, tình trạng phân, dấu hiệu kèm theo…).
Bên cạnh đó, bạn hãy nói cho bác sĩ biết tiền sử bệnh của mình, có đang sử dụng bất lỳ loại thuốc hay thực phẩm chức năng nào không. Điều này sẽ giúp bác sĩ kê đơn thuốc điều trị phù hợp với tình trạng của bạn hoặc đưa ra những lời khuyên chính xác.
Liệt kê ra những câu hỏi cần bác sĩ giải đáp để bạn có cái nhìn bao quát về tình trạng sức khỏe của mình. Những câu cần hỏi đó có thể là:
- Tôi có bị bệnh dịch tả không?
- Ngoài bệnh dịch tả, tôi còn có nguy cơ mắc bệnh nào khác gây ra những triệu chứng tôi vừa gặp?
- Tôi cần thực hiện các loại xét nghiệm nào?
- Tôi có nguy cơ gặp biến chứng bệnh dịch tả không?
- Tôi sẽ được áp dụng phương pháp điều trị nào? Những tác dụng phụ kèm theo đó là gì?
- Dự kiến thời gian hồi phục hoàn toàn của tôi sau khi bắt đầu điều trị là bao lâu?
- Tôi có khả năng lây bệnh cho người khác không? Làm thế nào để ngăn chặn sự lây lan?
Ngoài ra, bạn có thể đặt những câu hỏi liên quan khác trong suốt khoảng thời gian được khám bệnh để chủ động chăm sóc bản thân trong quá trình điều trị bệnh dịch tả.
Điều trị bệnh dịch tả tại nhà
Khi người mắc bệnh dịch tả đang tiến triển đến giai đoạn nặng, có nguy cơ gặp biến chứng nguy hiểm, bác sĩ sẽ đề nghị điều trị tại bệnh viện. Nếu không, bệnh nhân có thể được chăm sóc tại nhà với những hướng dẫn kèm theo.
Khi chữa bệnh dịch tả tại nhà, ngoài việc tuân thủ hướng dẫn điều trị của bác sĩ, bệnh nhân có thể áp dụng những phương pháp chăm sóc khác để nhanh chóng lành bệnh, bao gồm:
Tự làm dung dịch điện giải
Trong trường hợp bạn mắc bệnh tả và không có người chăm sóc, bạn bị hạn chế khả năng đi ra ngoài để mua nước hoặc dung dịch oresol, bạn có thể tự chế biến tại nhà theo công thức hòa khoảng 500ml nước đun sôi để nguội với ½ muỗng cà phê muối và ½ muỗng cà phê đường, khuấy đều cho đến khi muối và đường tan hết vào nước rồi uống nhiều lần trong ngày.
Bổ sung probiotic
Probiotic có trong sữa chua chứa nhiều vi khuẩn có lợi để chống lại vi khuẩn gây hại trong đường ruột. Ăn sữa chua cũng là cách tăng cường sức mạnh hệ tiêu hóa và hệ miễn dịch của bạn. Tích cực ăn hoặc uống 2-3 hủ sữa chua chứa probiotic trong suốt thời gian điều trị bệnh dịch tả sẽ giúp bạn thấy dễ chịu hơn mỗi ngày.
Uống trà gừng
Gừng là một loại thảo dược lành tính, được sử dụng rộng rãi trong Đông y để chữa một số bệnh, trong đó có bệnh dịch tả. Gừng có tính ấm. Trong khi đó, đường ruột của bệnh nhân dịch tả đang bị tổn thương, vị ấm của gừng sẽ khiến bệnh nhân dễ chịu hơn ở vùng bụng.
Khi chăm sóc bệnh nhân dịch tả tại nhà, bạn hãy chuẩn bị trà gừng bằng cách thái vài lát gừng mỏng, đun sôi cùng lá bạc hà và húng quế trong vài phút, để nguội rồi cho bệnh nhân uống thường xuyên. Mỗi ngày nên nấu trà mới để trà gừng phát huy hiệu quả điều trị bệnh tiêu chảy, người bệnh có thể uống hàng ngày cho đến khi sức khỏe có sự cải thiện.