Phân biệt sốt phát ban và sốt xuất huyết, bạn có thể nhận diện rõ về hai bệnh này để có hướng chăm sóc và điều trị cho trẻ đúng cách.
Tuy sốt xuất huyết và sốt phát ban đều có biểu hiện ban đầu là sốt cao nhưng hai bệnh này hoàn toàn khác nhau. Bạn cần trang bị cho mình những kiến thức cơ bản để phân biệt sốt phát ban và sốt xuất huyết khi cần thiết. Chủ động trong việc nhận biết bệnh sẽ giúp bạn đối phó với bệnh hiệu quả hơn.
Sốt phát ban
1. Sốt phát ban là gì?
Sốt phát ban là bệnh có tính chất lây nhiễm do virus, chủ yếu là virus đường hô hấp như virus sởi, virus rubella… gây nên. Sốt phát ban có thể lây lan do tiếp xúc với dịch tiết ra từ nước mũi hoặc cổ họng người nhiễm bệnh trước khi biểu hiện ra triệu chứng bệnh. Thời gian ủ bệnh thường là 7 ngày.
2. Dấu hiệu nhận biết
- Sau thời gian ủ bệnh, trẻ có biểu hiện sốt cao từ 38–40°C.
- Chảy nước mũi, sưng cổ họng, hạch cổ, chảy nước mắt và tiêu chảy nhẹ
- Trong vòng 12–24 giờ sau sốt, hồng ban sẽ xuất hiện tùy theo tính chất, đặc điểm virus và thể trạng từng bé.
3. Cách chăm sóc tại nhà
- Để trẻ nghỉ ngơi trên giường đến khi khỏi hẳn sốt, cần hạ sốt cho trẻ đúng cách nếu bé sốt cao hơn 38°C bằng cách cho uống paracetamol theo đúng hướng dẫn của bác sĩ
- Bổ sung đủ (nước lọc, nước ép trái cây)
- Có thể cho bé uống thuốc ho có nguồn gốc thảo dược để làm dịu tình trạng viêm sưng, đau họng
- Cho bé ăn những thực phẩm mềm, dễ tiêu hóa như súp, cháo loãng, sữa…
- Lau sạch mũi bé
- Vệ sinh da, cơ thể đầy đủ, tránh kiêng gió, kỵ nước bằng cách trùm kín chăn, không vệ sinh cơ thể bé.
Bạn có thể tìm hiểu: Trẻ bị phát ban sau sốt: Khi nào bố mẹ nên lo lắng?
Sốt xuất huyết
1. Sốt xuất huyết là gì?
Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm do virus Dengue gây ra. Nguyên nhân lây truyền bệnh này là do muỗi cái phần lớn thuộc nhóm Aedes aegypti và số ít còn lại là muỗi thuộc nhóm Aedes albopictus. Loài muỗi này cũng chính là thủ phạm lây truyền bệnh sốt chikungunya, sốt vàng da và nhiễm virus Zika.
Muỗi Aedes aegypti là vật chủ lây truyền virus Dengue. Virus truyền nhiễm vào người bệnh thông qua vết đốt từ loài muỗi cái mang mầm bệnh.
Sau thời gian ủ bệnh 4–10 ngày, muỗi mang mầm virus có thể lây lan virus cho người trong suốt quãng đời còn lại của nó.
2. Dấu hiệu nhận biết để phân biệt sốt phát ban và sốt xuất huyết
Ngoài biểu hiện sốt cao đột ngột, liên tục trên 38°C, còn có các dấu hiệu bệnh sốt xuất huyết riêng biệt rất dễ phân biệt sốt phát ban và sốt xuất huyết như:
- Buồn nôn, nôn trớ
- Sung huyết ở da (xuất huyết ở lỗ chân lông)
- Chảy máu chân răng
- Đau đầu
- Đau hốc mắt
- Đau ở các khớp.
3. Cách chăm sóc
- Khi bị sốt xuất huyết, bạn cần uống thuốc hạ sốt theo chỉ dẫn của bác sĩ, đối với trẻ nhỏ nên dùng paracetamol, tuyệt đối không dùng aspirin hay ibuprofen vì 2 loại thuốc này có thể gây viêm dạ dày, giảm kết tụ tiểu cầu làm xuất huyết nặng thêm và hội chứng Reye ở trẻ em.
- Kiểm tra thân nhiệt và theo dõi bé liên tục
- Cho bé ăn cháo, uống sữa hoặc súp, bù đủ nước.
Bạn có thể quan tâm: 6 cách đơn giản giúp ngăn ngừa bệnh sốt xuất huyết ở trẻ em khi có dịch
Phân biệt sốt xuất huyết và sốt phát ban
Cách đơn giản nhất để bạn phân biệt hai bệnh này là: Bạn dùng ngón trỏ và ngón cái căng vùng da tại vị trí phát ban đỏ. Sau khi bạn bỏ tay ra, nếu chấm đỏ biến mất, sau đó màu đỏ lại hiện ra thì đây là biểu hiện của sốt phát ban. Còn ngược lại, bạn vẫn thấy chấm đỏ li ti sau khi căng da thì là sốt xuất huyết.
Song, để phát hiện bệnh chính xác nhất, bạn nên đưa con đến trung tâm y tế gần nhà hay bệnh viện để khám bệnh. Bác sĩ sẽ cho trẻ làm xét nghiệm máu để xác định chính xác bệnh và điều trị.
Khi đã biết phân biệt sốt phát ban và sốt xuất huyết, bạn sẽ xác định đúng bệnh, từ đó có biện pháp chăm sóc trẻ phù hợp.