Da đầu bị gàu vừa gây ra những triệu chứng khó chịu, lại vừa khiến bạn kém tự tin hơn hẳn. Có những nguyên nhân phổ biến gây ra gàu dưới đây và Chúng tôi sẽ mách bạn một số thuốc trị gàu phổ biến.
Tình trạng gàu gây ngứa da, nhiều khi khiến bạn gãi đến mức chảy máu da đầu. Những vết thương này còn dễ bị nhiễm trùng do nấm trên da đầu.
Nguyên nhân chính xác gây ra gàu đôi khi rất khó xác định, nhưng có nhiều yếu tố khác nhau làm tăng nguy cơ gây ra gàu. Để trị gàu, người ta dùng các thuốc dưới dạng dầu gội để dùng ngoài da. Bài viết này tập trung vào việc cung cấp thông tin về nguyên nhân và các hoạt chất dùng trong thuốc trị gàu thường thấy.
Gàu là gì?
Gàu là tình trạng da đầu bị bong tróc, xuất hiện các vảy nhỏ. Khi có gàu, da đầu cũng thường bị ngứa. Một số người khó chịu đến nỗi gãi tróc da đầu gây chảy máu.
Không thể kết luận rằng một người bị gàu là do ở dơ, vệ sinh kém. Tuy nhiên, nếu bị gàu mà không gội đầu, chải tóc thường xuyên mà để tóc bết dính thì càng thấy rõ các vảy gàu.
Gàu gây ảnh hưởng đến sự tự tin, đồng thời cũng khó điều trị. Khi điều trị gàu cần kiên trì và chú ý giữ gìn vệ sinh đầu tóc kỹ lưỡng. Nếu bị gàu nghiêm trọng, hãy tìm đến bác sĩ chuyên khoa da liễu để được giúp đỡ.
Một số triệu chứng
- Da đầu khô hoặc tiết dầu và bị ngứa, có những vảy ra trắng bong ra bám vào tóc lốm đốm.
- Trẻ nhỏ cũng có thể bị gàu.
- Gàu là tình trạng phổ biến và đa số các trường hợp không nghiêm trọng đến mức phải đi bác sĩ. Nhưng nếu dầu gội trị gàu thông thường (loại không cần kê đơn) không có tác dụng hoặc nếu da đầu bị đỏ hoặc sưng, hãy gặp bác sĩ da liễu vì dấu hiệu trên có thể cho thấy bạn bị viêm da tiết bã hoặc một tình trạng khác giống như gàu.
Nguyên nhân gây ra gàu
Có nhiều nguyên nhân gây ra gàu bao gồm:
Chứng dị ứng, da dầu nhờn (viêm da tiết bã)
Tình trạng này là nguyên nhân gây ra gàu phổ biến nhất và dấu hiệu nhận biết rõ ràng nhất chính là làn da đỏ, nhờn, có vảy trắng hoặc vàng. Viêm da tiết bã có liên quan chặt chẽ đến malassezia, một loại nấm thường sống trên da dầu và ăn các loại dầu mà nang lông tiết ra. Thường thì loại nấm này không gây vấn đề nhưng ở một số người, nấm malassezia hoạt động quá mức khiến da đầu bị kích ứng và sản sinh thêm nhiều tế bào da.
Khi các tế bào da thừa này chết đi và bong tróc, chúng trộn lẫn với dầu từ tóc và da đầu, tạo thành gàu.
Viêm da tiết bã có thể ảnh hưởng đến da đầu cùng các khu vực da khác có nhiều tuyến dầu như khu vực chữ T (hai bên lông mày và mũi), phía sau tai, xương ức, vùng háng, nách.
Không chăm sóc tóc và da đầu thường xuyên
Nếu da đầu không được làm sạch thường xuyên, dầu và tế bào da đầu tích tụ sẽ gây ra gàu. Như đã nói, dầu tích tụ trên da và tóc tạo ra điều kiện thuận lợi để nấm malassezia phát triển gây kích ứng da, tạo gàu. Tuy nhiên, bạn cần chú ý là không phải gội đầu càng nhiều thì sẽ càng tốt. Gội đầu với tần suất quá dày có thể gây kích ứng da đầu.
Người ta vẫn chưa biết được nguyên nhân tại sao malassezia gây kích ứng da ở một số người.
Việc chải đầu thường xuyên sẽ giảm nguy cơ bị gàu vì nó hỗ trợ loại bỏ các tế bào da chết tích tụ trên da đầu. Không thường xuyên chải đầu thì tóc dễ bị xẹp, bết dính khi da tiết mồ hôi, dễ sinh gàu.
Nấm men
Theo quan sát thực tế thì người nhạy cảm với nấm men có khả năng bị gàu cao hơn. Tình trạng gàu thường nặng hơn vào mùa đông và thuyên giảm khi thời tiết ấm áp. Người ta cho rằng đó là vì những ngày nắng ấm thì tia cực tím A (UVA) từ mặt trời đã giúp chống lại nấm men.
Da khô
Ở những trường hợp bị gàu do da khô, các vảy gàu quan sát được sẽ nhỏ hơn, cũng không có tình trạng da bị viêm đỏ hoặc sưng.
Nhạy cảm với các sản phẩm chăm sóc tóc (viêm da tiếp xúc): Đôi khi một số thành phần trong các sản phẩm chăm sóc tóc gây ngứa da, khiến da đầu đỏ, có vảy.
Một số tình trạng khác về da
Những người bị vẩy nến, bệnh chàm và một số rối loạn da khác có xu hướng bị gàu thường xuyên hơn những người khác. Viêm da Tinea, một loại bệnh do nhiễm nấm, hay còn gọi là giun đũa da đầu, có thể gây ra gàu.
Một số bệnh khác
Người lớn mắc bệnh thần kinh (như Parkinson và một số bệnh thần kinh khác) dễ bị viêm da tiết bã và bị gàu. Những người bị HIV hoặc có vấn đề về hệ miễn dịch (chẳng hạn những người phục hồi sau cơn đau tim hoặc đột quỵ) cũng có khả năng bị gàu cao hơn.
Bạn có thể tham khảo thêm: 10 cách tự nhiên giúp bạn tăng cường hệ miễn dịch
Ăn kiêng
Khi ăn kiêng, nếu bạn không tiêu thụ đủ lượng thực phẩm có chứa kẽm, vitamin B và một số loại chất béo thì sẽ dễ bị gàu.
Bạn có thể tham khảo thêm: 5 dấu hiệu chứng tỏ chế độ ăn kiêng gây hại cho sức khỏe
Căng thẳng tinh thần
Thần kinh căng thẳng ảnh hưởng đến da, đến hệ miễn dịch và do đó khiến bạn dễ bị gàu.
Tuối tác, giới tính
Tuổi tác cũng là một yếu tố nguy cơ gây ra tình trạng gàu. Gàu thường xuất hiện ở độ tuổi thiếu niên và kéo dài đến khi vào độ tuổi trung niên. Nói như vậy không có nghĩa là người lớn tuổi không bị gàu. Một vài trường hợp bị gàu từ lúc còn trẻ cho đến khi về già.
Nam giới hay bị gàu nhiều hơn nữ giới, và nguyên nhân được cho là có liên quan đến nội tiết tố đặc biệt là nội tiết tố nam.
Các loại thuốc trị gàu
Hầu hết các chế phẩm trị gàu, hay có thể gọi là thuốc trị gàu, được sản xuất dưới dạng dầu gội để dùng ngoài da, bao gồm các hoạt chất như sau:
- Ketoconazole: Một thành phần trong các thuốc trị gàu dùng ngoài da có tác dụng hiệu quả trong việc ức chế nấm men tăng trưởng.
- Selenium sulfide: Thành phần quen thuộc của các loại thuốc trị gàu nhờ vào công dụng giảm tiết dầu nhờn, giảm sự luân chuyển của các tế bào biểu mô vùng da đầu và giảm tạo vảy.
- Zinc pyrithione: Dẫn xuất của kẽm có khả năng kháng nấm, từ đó giảm ngứa, giảm dày sừng trên da, làm sạch các vảy gàu.
- Than đá: Trong than đá có chất chống nấm tự nhiên. Bạn nên lưu ý là thành phần này trong các thuốc trị gàu có khả năng làm ố màu tóc đã qua nhuộm hoặc qua xử lý uốn, duỗi nếu sử dụng lâu dài. Xà phòng làm từ than cũng khiến da đầu nhạy cảm hơn với ánh sáng mặt trời, vì vậy người dùng nên đội mũ khi ra ngoài.
- Axit salicylic: Đây cũng là thành phần được sử dụng nhiều trong các sản phẩm làm đẹp da nói chung và trong các sản phẩm cũng như thuốc trị gàu. Thành phần này tẩy sạch tế bào da chết, nhưng không làm chậm quá trình sản sinh của các tế bào da. Nhưng chất này dùng nhiều khiến da đầu bị khô và bong tróc nhiều hơn.
- Dầu cây trà: Có nguồn gốc từ cây trà Úc (Melaleuca Alternifolia), nhiều loại dầu gội hiện nay bao gồm thành phần này. Nó từ lâu đã được sử dụng như một chất chống nấm, kháng sinh và sát trùng. Tuy nhiên cần cẩn trọng thoa một lượng nhỏ lên vùng da đầu để thử xem da bạn có phù hợp để sử dụng loại tinh đầu này hay không vì một số người bị dị ứng với nó.
Nếu tình trạng gàu bị nặng, bạn nên tìm đến bác sĩ để được hướng dẫn sử dụng loại thuốc trị gàu phù hợp. Trong khi dùng thuốc trị gàu, nên kết hợp thư giãn tinh thần, ăn uống đầy đủ và giữa vệ sinh cơ thể để loại bỏ các yếu tố sinh ra gàu.