Chẩn đoán và điều trị
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.
Những kỹ thuật y tế nào giúp chẩn đoán bệnh cơ tim giãn?
Bác sĩ sẽ hỏi về tiền sử bệnh của bạn và cả gia đình rồi tiến hành khám sức khỏe với ống nghe tim phổi.
Sau đó, bạn có thể được yêu cầu thực hiện một số xét nghiệm như:
- Xét nghiệm máu. Các xét nghiệm máu sẽ giúp bác sĩ có thêm thông tin đánh giá về trái tim, cũng như giúp phát hiện nhiễm trùng, rối loạn chuyển hóa hay có độc tố trong máu gây ra bệnh cơ tim giãn (nếu có).
- X-quang ngực. Xét nghiệm hình ảnh này giúp kiểm tra cấu trúc và kích thước của tim, phổi. Đồng thời, bác sĩ có thể quan sát được mức dịch ở bên trong hoặc xung quanh phổi.
- Điện tâm đồ (ECG). Kỹ thuật này sẽ ghi nhận các tín hiệu điện được dẫn truyền qua tim. Qua đó, bác sĩ có thể nhìn thấy dấu hiệu nhịp tim bất thường hoặc các vấn đề đang có ở tâm thất trái.
- Siêu âm tim. Đây là phương pháp chính trong chẩn đoán bệnh cơ tim giãn. Hình ảnh của tim được tạo ra nhờ các sóng âm thanh sẽ cho bác sĩ thấy liệu tâm thất trái có đang bị giãn rộng hay không. Kỹ thuật này cũng giúp nhìn thấy lượng máu được bơm ra khỏi tim mỗi nhịp đập và hướng đi của dòng máu.
- Thử nghiệm gắng sức (exercise stress test). Bác sĩ sẽ yêu cầu bạn thực hiện một bài tập như đi bộ trên máy chạy bộ hay đạp xe tại chỗ. Các điện cực sẽ được gắn lên người bạn trong suốt quá trình thử nghiệm để ghi nhận nhịp tim và mức oxy sử dụng. Thử nghiệm này cho biết mức độ nghiêm trọng của các vấn đề do bệnh cơ tim giãn gây ra. Nếu không thể tham gia các bài tập, bác sĩ có thể cho bạn sử dụng thuốc để khiến tim hoạt động mạnh.
- Chụp CT hoặc MRI. Một số trường hợp, bác sĩ sẽ chỉ định một trong hai xét nghiệm hình ảnh này để kiểm tra kích thước và chức năng của tâm thất trái.
- Đặt ống thông tim. Đây là một thủ thuật xâm lấn, bác sĩ sẽ luồn một ống dài và hẹp qua mạch máu ở cánh tay, háng hay từ cổ vào đến tim. Sau đó, hình ảnh các động mạch vành sẽ hiện lên trên phim X-quang và bác sĩ có thể đo được áp lực trong tim, lấy một mẫu mô cơ để kiểm tra thương tổn xem có bị bệnh cơ tim giãn hay không.
- Sàng lọc di truyền và tư vấn. Nếu bác sĩ không xác định được nguyên nhân gây ra bệnh cơ tim giãn, họ có thể đề nghị làm sàng lọc các thành viên khác trong gia đình để xem bệnh lý này có di truyền qua các thế hệ nhà bạn không.
Những phương pháp điều trị bệnh cơ tim giãn
Nếu biết được nguyên nhân căn bản gây ra bệnh cơ tim giãn, điều trị sẽ tập trung vào nguyên nhân đó. Nếu không, quá trình điều trị sẽ chủ yếu giúp cải thiện lưu lượng máu, ngăn ngừa tổn thương tim khác xảy ra.
Sử dụng thuốc
Bác sĩ thường kết hợp nhiều loại thuốc trong điều trị bệnh cơ tim giãn, tùy thuộc vào triệu chứng đang có.
Các loại thuốc được chứng minh mang lại tác dụng trong điều trị suy tim và bệnh cơ tim giãn gồm:
- Thuốc ức chế men chuyển angiotensin (ACE)
- Thuốc ức chế thụ thể angiotensin II
- Thuốc chẹn beta
- Thuốc lợi tiểu
- Digoxin
- Thuốc chống đông máu
Thiết bị hỗ trợ
Các thiết bị cấy ghép được sử dụng trong điều trị bệnh cơ tim giãn bao gồm:
- Máy tạo nhịp đồng bộ hai tâm thất (biventricular pacemaker): sử dụng các xung điện phối hợp tạo nên hoạt động cho cả hai tâm thất trái và phải.
- Máy khử rung tim cấy ghép (ICD): theo dõi nhịp tim và truyền các cơn sốc điện khi cần để kiểm soát nhịp tim nhanh, bất thường, bao gồm cơn đau thắt ngực. Chúng cũng có thể hoạt động như máy tạo nhịp tim.
- Thiết bị hỗ trợ tâm thất trái (LVAD): gồm các thiết bị cơ học được cấy vào bụng hay ngực và nối với tim đã suy yếu, giúp cho tim có thể tiếp tục bơm máu. Phương pháp này thường được cân nhắc lựa chọn sau khi các phương pháp ít xâm lấn hơn không có hiệu quả.
Mời bạn tham khảo thêm bài viết “Cấy thiết bị vào cơ thể để chữa bệnh tim“.
Cấy ghép tim
Bạn có thể cần phải ghép tim nếu thuốc và các phương pháp điều trị khác không thành công.