Trẻ bắt đầu phát triển sự vận động phối hợp giữa tay và mắt cần thiết để tự xúc ăn khi được 8 – 11 tháng tuổi. Nếu bé cố gắng với lấy thìa của bạn hoặc bắt chước trong khi bạn đang ăn, bé đã sẵn sàng để bố mẹ dạy con ăn bằng muỗng.
Trong thực tế, một số trẻ em sẽ không nắm vững kỹ năng sử dụng muỗng cho đến khi bốn tuổi. Tuy nhiên, với một chút kiên nhẫn và thái độ tích cực, bạn có thể khuyến khích con sử dụng thìa thay vì dùng tay bốc ăn như trước. Dạy con ăn bằng muỗng sẽ giúp bé tăng cường phát triển các kỹ năng vận động thô và tinh.
Dạy con ăn bằng muỗng
Bước 1
Chuẩn bị loại thức ăn bé có thể dễ dàng xúc bằng muỗng , chẳng hạn như ngũ cốc cho trẻ nhỏ hoặc chuối nghiền. Nếu bạn cho bé ăn bột ăn giặm, hãy pha theo tỷ lệ đặc một chút hay thêm vào 2 – 3 muỗng rau củ để ngăn lượng bột không bị rơi khỏi muỗng quá nhanh.
Bước 2
Đưa cho con một cái muỗng và bạn cũng cầm một chiếc tương tự trên tay. Đưa muỗng lại gần miệng để hướng dẫn cho bé thấy cách sử dụng. Hãy để con thực hành với muỗng của mình một vài lần hoặc nếu bé có ý muốn lấy chiếc muỗng bạn đang ăn thì cứ đưa cho con nhé.
Bước 3
Múc thức ăn vào bát và khuyến khích bé nhúng thìa vào trong. Giúp con xúc thức ăn vào muỗng nếu bé gặp khó khăn hoặc xúc một ít thức ăn vào thìa bạn đang cầm và đưa nó cho trẻ.
Bước 4
Khen ngợi khi con sử dụng muỗng đúng cách và giữ bình tĩnh, không la rầy khi bé lỡ làm rơi thức ăn. Hãy để con múc muỗng tiếp theo và tiếp tục luyện tập cho đến khi hết bữa ăn.
Ngoài ra, bạn cũng nên đảm bảo con ăn đủ no. Nếu hầu hết thức ăn của con đều rơi trên sàn nhà, bạn nên đút cho bé đến khi gần hết phần ăn. Sau đó, bạn mới dạy bé ăn bằng muỗng với một ít thức ăn còn lại.
Sai lầm thường mắc phải
1. Bắt đầu quá trình dạy con ăn bằng muỗng quá sớm
Không ít bố mẹ cho rằng dạy con ăn bằng muỗng càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, bạn nên đợi cho đến khi bé hơn 1 – 2 tuổi để con hoàn thiện các kỹ năng cầm nắm và học hỏi cũng như có thể ngồi yên một chỗ.
2. Ép con ăn bằng muỗng
Rèn con ăn ngoan là cả một quá trình. Do đó, bạn đừng nên quá nóng vội khi bắt đầu tập cho bé sử dụng muỗng. Có thể để bé ăn bốc bằng một tay và tay kia cầm muỗng. Khuyến khích trẻ dùng thìa để lấy thức ăn thay vì cầm tay con và ép bé ăn bằng muỗng.
3. Cho con ngồi ăn riêng
Đôi lúc, bạn sẽ muốn cho bé ăn trước để mình có thể dùng bữa ngay sau đó. Tuy nhiên, hãy để con ngồi ăn cùng gia đình mỗi khi đến giờ ăn. Bé sẽ quan sát cách bố mẹ hoặc anh chị dùng muỗng lấy thức ăn như thế nào và tập làm theo. Tuy lúc đầu mọi thứ có hơi bừa bộn một chút nhưng hãy cố gắng nhé.
4. Muỗng quá nhỏ
Thay vì dùng những chiếc muỗng quá nhỏ và bé có thể đưa quá sâu vào cổ họng gây thương tổn, hãy chọn thìa to một chút. Ngoài ra, nên ưu tiên sản phẩm nhựa hoặc gỗ, tránh loại muỗng nhựa dùng một lần.