Dù cách vệ sinh vùng kín cho bé trai không phức tạp bằng bé gái, nhưng bạn cũng cần thực hiện đúng để bé không bị viêm nhiễm.
Nếu dương vật của bé chưa được cắt bao quy đầu, bạn cần phải biết cách chăm sóc cho đến khi bé học được cách tự vệ sinh. Bao quy đầu cần được lau chùi vào lúc tắm. Trong vài tháng đầu tiên, bạn chỉ cần làm sạch khu vực bên ngoài dương vật khi tắm hoặc thay tã cho bé. Tuy nhiên, khi bé lớn lên, bạn cần phải chăm sóc cẩn thận để tránh nhiễm trùng. Dưới đây là một số điều cần lưu ý khi chăm sóc dương vật chưa cắt bao quy đầu của bé.
1. Làm sạch đầu dương vật
Một số bác sĩ khuyên rằng khi tắm cho bé, bạn không cần phải làm sạch phần bên trong bao quy đầu vì phần da này rất mềm, có thể khiến bé bị đau. Bạn nên dùng ngón tay làm sạch đầu dương vật bằng xà bông và nước. Da bao phủ bên ngoài đầu dương vật phải được làm sạch. Phải mất một khoảng thời gian lớp da này mới có thể tuột ra, do đó nếu kéo mạnh có thể dẫn đến chảy máu.
2. Làm sạch bao quy đầu khi trẻ 5 tuổi
Đến khi trẻ được 5 tuổi, bạn có thể thấy da quy đầu tuột ra khỏi đầu của dương vật. Ở giai đoạn này, bạn có thể dạy trẻ hiểu việc làm sạch bao quy đầu sẽ đem đến nhiều lợi ích về sức khỏe. Quá trình phân tách này có thể mất một khoảng thời gian nhất định. Một số trẻ mất vài tuần, trong khi một số trẻ khác phải mất vài tháng.
3. Làm sạch dương vật sau khi da quy đầu tuột ra
Sau khi da quy đầu tuột ra hoàn toàn, bạn cần phải giúp con làm vệ sinh “cậu nhỏ” thường xuyên. Một lớp da chết được tích lũy ở phần dưới da quy đầu. Kết quả là một chất dịch màu trắng được hình thành. Đây là một điều bình thường và bạn không cần phải lo lắng về nó. Tuy nhiên, trẻ cần tuột bao quy đầu ra để làm sạch phần bên dưới. Cần phải làm sạch đầu dương vật để ngăn ngừa nhiễm trùng.
4. Sử dụng chất làm sạch đúng cách
Khi vệ sinh “cậu nhỏ”, bạn cần sử dụng chất làm sạch phù hợp là xà phòng thông thường và nước ấm. Không thử các chất tẩy rửa hoặc xà phòng khác vì nó có thể gây kích ứng da. Bạn cần phải tuột da quy đầu ra và lau sạch, sau đó cuộn lại đúng vị trí.
Bình thường, da quy đầu có thể dễ dàng tách ra và trở về vị trí ban đầu. Khi làm sạch, bạn có thể nhận thấy một vài điều bất thường. Trong những trường hợp này, bạn hãy nhờ bác sĩ tư vấn.
5. Các triệu chứng nên cẩn thận
Bạn cần liên hệ với bác sĩ để được tư vấn trong trường hợp bạn nhận thấy nước tiểu của con chảy ra ít, da quy đầu căng phồng lên như bong bóng, da quy đầu bị sưng, đỏ và ngứa. Theo dõi các triệu chứng này và đưa trẻ đến bác sĩ càng sớm càng tốt để tránh nhiễm trùng.