Những yếu tố nguy cơ mắc bệnh tim mạch ảnh hưởng thế nào đến cơ thể? Liệu bạn có thể kiểm soát hoàn toàn các nhân tố này hiệu quả?
Phần lớn các yếu tố nguy cơ mắc bệnh tim mạch có thể kiểm soát được như tăng huyết áp, sử dụng thuốc lá, nồng độ cholesterol cao, thừa cân, béo phì, ít vận động và tiểu đường. Tuy nhiên, vẫn có những tác nhân nằm ngoài tầm kiểm soát.
Những yếu tố nguy cơ mắc bệnh tim mạch có thể kiểm soát
- Cao huyết áp: Đây là một trong những nguyên nhân chính gây nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ. Trên thực tế, nếu như có sự chẩn đoán và chữa trị kịp thời, vấn đề này hoàn toàn có thể phòng ngừa và chữa trị.
- Rối loạn lipid trong máu: Tình trạng này làm cholesterol cao, tăng triglyceride, tăng lipoprotein “xấu” (LDL), thiếu lipoprotein “tốt” (HDL), làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, đột quỵ. Không những thế, chế độ ăn uống giàu chất béo bão hòa cũng có thể dẫn đến nhồi máu cơ tim và đột quỵ. Bạn nên lập cho mình một chế độ ăn uống hợp lý, tập thể dục cũng như dùng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ để điều chỉnh mật độ lipid có trong máu của bạn.
- Sử dụng thuốc lá: Việc hút thuốc lá làm tăng khả năng mắc bệnh tim mạch, đặc biệt là ở nữ giới cũng như các trường hợp lạm dụng và hút khi còn nhỏ. Những người hít phải khói thuốc cũng gánh chịu nguy cơ mắc bệnh tim.
- Lối sống thụ động: Lối sống này làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ lên đến 50%. Thông thường bệnh thừa cân, béo phì là nguyên nhân phổ biến dẫn đến các bệnh tim mạch hay tiểu đường.
- Tiểu đường: Nếu mắc bệnh tiểu đường tuýp 2, bạn sẽ có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao hơn. Nguy cơ mắc bệnh tim tăng khi nồng độ đường glucose trong máu tăng cao. Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời có thể bộc phát các biến chứng nặng nề như lên cơn nhồi máu cơ tim, đột quỵ, suy thận, hoại tử chi dẫn đến phải cắt bỏ và mù lòa.
- Tâm lý yếu, tình trạng thần kinh không được tốt: Người gặp phải các trường hợp như căng thẳng, lo lắng, trầm cảm, bị cô lập có thể dẫn đến làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ.
- Sử dụng thức uống có cồn: Uống 1–2 ly thức uống chứa cồn/ngày có thể giảm khả năng mắc bệnh về tim 30%. Tuy nhiên, việc lạm dụng chúng có thể tổn thương cơ tim.
- Dược phẩm: Một vài loại thuốc như thuốc ngừa thai, thuốc tác động vào hormone có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Những nguy cơ mắc bệnh tim mạch ngoài tầm kiểm soát
- Tuổi tác: Bệnh tim phổ biến hơn ở độ tuổi trung niên. Khi con người già đi, tim sẽ trải qua những thay đổi sinh lý, ngay cả khi chúng ta hoàn toàn không có bệnh.
- Giới tính: Nam giới có khả năng mắc bệnh tim mạch cao hơn nữ giới chưa mãn kinh. Tuy nhiên, sau khi phụ nữ mãn kinh, tỷ lệ mắc bệnh giữa hai giới ngang nhau. Khả năng đột quỵ giữa hai giới cũng ngang nhau.
- Tiền sử bệnh lý gia đình: Nếu người thân trong gia đình mắc bệnh tim động mạch vành hoặc đột quỵ trước tuổi 65 (với nữ) và 55 (với nam) sẽ ảnh hưởng đến khả năng di truyền bệnh tim mạch cho các thế hệ sau.
Khi bạn có càng nhiều nhân tố nêu trên thì nguy cơ mắc bệnh tim của bạn càng cao. Do đó bạn nên điều chỉnh lại lối sống của chính mình, kiểm soát mọi yếu tố gây bệnh để có thể ngăn ngừa bệnh hiệu quả.