Mang thai tuổi vị thành niên không chỉ đơn thuần là vấn đề về sức khỏe mà còn làm mất đi tiềm năng, rút ngắn cơ hội học hành và hạn chế sự lựa chọn trong tương lai.
Mang thai tuổi vị thành niên đang có xu hướng tăng nhanh khi mà mỗi năm có đến 180.000 – 200.000 ca phá thai là học sinh, sinh viên chủ yếu ở độ tuổi 15 – 19 (theo Vụ Quy mô Dân số – Kế hoạch hóa gia đình). Hậu quả của việc này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của người mẹ mà còn liên quan đến sinh mạng của em bé tương lai. Nếu bạn đang băn khoăn không biết nên làm gì khi chẳng may rơi vào tình huống này, hãy theo dõi những chia sẻ dưới đây.
Hậu quả của việc mang thai ở tuổi vị thành niên
Ở tuổi dậy thì, cơ thể vẫn chưa phát triển đầy đủ, do đó, phụ nữ mang thai ở tuổi vị thành niên sẽ có nguy cơ đối diện với nhiều vấn đề về sức khỏe, tâm lý cũng như các vấn đề về cuộc sống:
Mang thai tuổi vị thành niên và nguy cơ về sức khỏe
- Chăm sóc tiền sản không tốt: Đa phần, trẻ vị thành niên không biết cách chăm sóc tiền sản. Thế nhưng, đây lại là việc rất quan trọng, đặc biệt là trong những tháng đầu thai kỳ.
- Huyết áp cao: Mang thai ở tuổi dậy thì có nguy cơ bị cao huyết áp cao hơn nhiều so với phụ nữ mang thai ở độ tuổi 20 – 30. Ngoài ra, mang thai sớm cũng có nguy cơ bị tiền sản giật – một bệnh lý có thể gây nguy hiểm cho tính mạng của mẹ và bé.
- Sinh non: Do cơ thể chưa trưởng thành về mặt thể chất nên việc mang thai ở tuổi vị thành niên có thể dẫn đến sinh non. Bé sinh ra có thể gặp các vấn đề về hô hấp, tiêu hóa, thị lực, nhận thức…
- Sinh con nhẹ cân: Trẻ vị thành niên có nguy cơ sinh con nhẹ cân cao. Bé sinh ra có thể nhẹ hơn 1,5kg và cần được chăm sóc đặc biệt.
- Nguy cơ tử vong: Đây là hậu quả mang thai ở tuổi vị thành niên đáng sợ nhất. Mang thai ở tuổi từ 15 – 19 có nguy cơ chết khi sinh cao gấp 3 lần so với mang thai ở độ tuổi 20 – 24.
Phá thai là lựa chọn được nghĩ đến nhiều nhất khi mang thai ở tuổi vị thành niên. Tuy nhiên, việc này có thể dẫn đến những hậu quả nặng nề, đặc biệt là khi cơ thể đang trong giai đoạn phát triển. Nghiêm trọng nhất, có thể dẫn vô sinh hoặc trong tương lai, nếu mang thai, cả mẹ và bé đều có nguy cơ cao gặp phải các rủi ro về sức khỏe.
Nguy cơ về tâm lý và cuộc sống
- Do chưa trưởng thành về mặt tâm lý nên phụ nữ mang thai tuổi dậy thì có thể thấy hoang mang, sợ hãi, dễ bị căng thẳng trước và sau khi sinh. Ngoài ra, mang thai ở tuổi dậy thì còn có nguy cơ cao bị trầm cảm sau sinh.
- Nạo phá thai ở tuổi dậy thì có thể tạo ra nỗi đau lớn về thể chất, tâm hồn, gây ám ảnh lâu dài.
- Mang thai tuổi vị thành niên còn khiến các cô gái đánh mất đi cơ hội học tập và hạn chế nhiều sự lựa chọn trong cuộc sống.
- Tuổi vị thành niên là độ tuổi chưa sẵn sàng về mặt tài chính, dễ dẫn đến tương lai thiếu hụt và khó khăn. Đây có thể là tiền đề cho sự đói nghèo của xã hội.
Làm gì khi mang thai tuổi vị thành niên?
Khi biết tin mình mang thai, hoang mang, sợ hãi là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, lúc này bạn cần thật bình tĩnh để đưa ra quyết định chính xác nhất. Bạn nên nói chuyện với ba mẹ hoặc người lớn đáng tin cậy để có được lời khuyên hữu ích.
Với các bậc cha mẹ, nghe tin con mình mang thai có thể khiến bạn bị shock, thất vọng, tức giận. Tuy nhiên, thay vì phản ứng tiêu cực, hãy bày tỏ sự ủng hộ và sẵn sàng giúp đỡ trẻ. Bạn nên nói chuyện cởi mở về việc phá thai, nhận con nuôi và làm cha mẹ để trẻ có thể đưa ra quyết định chính xác.
Quyết định sinh và nuôi con
Mang thai ở tuổi vị thành niên sẽ nguy cơ cao gặp phải các vấn đề về sức khỏe ở cho cả mẹ và thai nhi. Do đó, nếu quyết định sinh con, bạn cần chú ý chăm sóc sức khỏe bằng cách khám thai thường xuyên để theo dõi sự phát triển của bé và phát hiện sớm các biến chứng thai kỳ; tập thể dục thường xuyên, duy trì chế độ ăn cân bằng, khoa học và tránh suy nghĩ quá nhiều.
Đối với những đứa trẻ không thể nói với bố mẹ việc mình đang mang thai, cảm giác sợ hãi, cô lập và cô đơn là một vấn đề thực sự. Nếu không có sự hỗ trợ của gia đình hoặc người lớn, trẻ sẽ ít ăn uống, tập thể dục hoặc nghỉ ngơi và ít khi đi khám thai trước khi sinh. Vì vậy, cha mẹ là người hỗ trợ tinh thần tốt nhất cho trẻ trong thời gian này.
Quyết định cho con nuôi
Đây có thể là một quyết định khó khăn nhưng nếu không có khả năng để nuôi con khi mang thai tuổi vị thành niên, bạn có thể nghĩ đến giải pháp này. Có rất nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn mong muốn có con để yêu thương và chăm sóc. Nếu bạn đang nghĩ đến quyết định này, hãy cân nhắc một số điều sau:
- Bạn có thể đem trẻ sơ sinh đến làng trẻ mồ côi, bệnh viện, trung tâm y tế, các cơ sở xã hội, chùa, cô nhi viện… không nên đem bỏ trẻ ở trên núi, rừng, đường đi, thùng rác… vì trẻ có thể gặp nguy hiểm.
- Trong trường hợp nhận con nuôi cởi mở, bạn có thể lựa chọn bố mẹ nuôi, gặp gỡ và thậm chí duy trì mối quan hệ sau khi cho con nuôi.
Quyết định phá thai khi mang thai tuổi vị thành niên
Trước khi đi đến quyết định phá thai, bạn cần phải nói chuyện với cha mẹ hoặc người lớn đáng tin cậy. Điều này sẽ giúp bạn có sự hỗ trợ rất lớn về tinh thần. Nếu làm điều này, hãy cân nhắc những điều sau:
- Nói chuyện với bác sĩ về những điều có thể xảy ra khi lựa chọn quyết định chấm dứt thai kỳ
- Chọn một trung tâm y tế uy tín, có các bác sĩ giàu kinh nghiệm: Bệnh viện Từ Dũ, Hùng Vương…
- Cân nhắc vấn đề kinh tế, chi phí cho các dịch vụ phá thai
- Hãy thận trọng trước những chỗ phá thai không an toàn. Để có thông tin chính xác, cách tốt nhất là nói chuyện với bác sĩ ở các bệnh viện lớn.
Mất kinh là dấu hiệu phổ biến nhất của việc mang thai. Tuy nhiên, đối với những cô gái tuổi dậy thì, dấu hiệu này khó có thể nhận biết vì trong giai đoạn này, kinh nguyệt của trẻ vẫn chưa ổn định. Nếu việc chậm kinh đi kèm với các dấu hiệu mang thai khác như buồn nôn, ói mửa, đau núm vú, mệt mỏi bất thường… bạn có thể thử sử dụng que thử thai hoặc đi khám để xác định chính xác.