Chứng sợ nhện có thể khiến bạn cảm thấy bất an khi bước vào các gian phòng cũ kỹ hay mất vui khi tham gia các hoạt động ngoài trời như cắm trại, leo núi… Hãy cùng tìm hiểu nguyên nhân gây chứng bệnh tâm lý này để tìm cách vượt qua nỗi sợ hãi nhé!
Tình trạng đổ mồ hôi, chóng mặt, buồn nôn… khi thấy nhện có thể là dấu hiệu bạn đã mắc chứng sợ nhện. Đây là một trạng thái tâm lý dễ hiểu khi bạn gặp những loài nhện to, lông lá và có độc.
Tuy nhiên, nếu bạn cảm thấy sợ hãi cả những loại nhện thường vô hại với những dấu hiệu sau đây thì bạn nên tìm cách chữa trị sớm.
Các dấu hiệu của chứng sợ nhện
Nếu bạn mắc chứng sợ nhện, bạn có thể sẽ có những dấu hiệu như:
- Tránh mọi tiếp xúc với nhện.
- La lớn và bỏ chạy hoặc đứng cứng đờ vì sợ khi thấy nhện.
- Không thể tự mình giết hoặc bắt nhện.
- Phải nhờ tới bạn bè hay người thân để xử lý khi gặp nhện.
- Bỏ ra khỏi nhà nếu trong nhà có nhện.
- Tránh các buổi leo núi, cắm trại, đi sở thú hay chơi thể thao ngoài trời.
Một số phản ứng của cơ thể khi bạn gặp nhện có thể kể đến như:
- Thở gấp
- Buồn nôn
- Chóng mặt
- Tim đập nhanh
- Đổ mồ hôi rất nhiều
Nguyên nhân gây chứng sợ nhện
Các chuyên gia vẫn chưa chắc chắn về nguyên nhân gây chứng sợ nhện. Tuy nhiên, bạn có thể tham khảo một số giả thiết sau:
• Di truyền: Các nhà tâm lý học tiến hóa cho rằng chứng sợ nhện là một bản năng sinh tồn của tổ tiên chúng ta. Hầu hết các loại nhện không gây nguy hiểm cho con người, tuy nhiên đa số các loài nhện thường có độc.
Chứng sợ nhện giúp con người tránh xa các loài nhện có độc để tăng khả năng sinh tồn và sinh sản. Nếu bạn mắc chứng sợ nhện, có lẽ bạn có một bản năng sinh tồn khá mạnh mẽ đấy.
• Văn hóa: Một số nền văn hóa như văn hóa Anh Mỹ lấy nhện làm biểu tượng cho sự xấu xa và ác độc trong những câu chuyện cho trẻ em. Đây có thể là nguyên nhân gây chứng sợ nhện ở một số người.
• Truyền thông: Tivi và báo chí thường cung cấp những thông tin về độc tố và độ nguy hiểm của nhện. Đọc hay xem những thông tin này quá nhiều sẽ có thể dẫn đến chứng sợ nhện.
Cách chữa chứng sợ nhện
Chứng sợ nhện cũng thường được chữa bằng các liệu pháp tâm lý như những chứng ám ảnh sợ hãi khác. Một cách trị liệu phổ biến có thể kể tới là liệu pháp Nhận thức – Hành vi (hay còn gọi là Cognitive-behavioral therapy-CBT). Liệu pháp này sẽ giúp bạn thay đổi những suy nghĩ tiêu cực về nhện với các suy nghĩ hợp lý hơn bằng các cách như:
• Cognitive Reframing: Đây là cách trị liệu tái cấu trúc nhận thức giúp bạn thay đổi suy nghĩ và không nhìn nhận nhện như một mối nguy hiểm nữa. Điều này sẽ giúp thay đổi các phản ứng cơ thể của bạn khi bạn thấy nhện.
• Systematic Desensitization: Đây là liệu pháp dạy bạn cách thư giãn khi gặp các tác nhân gây sợ. Bạn sẽ phải áp dụng những cách giữ bình tĩnh này để chinh phục các tác nhân gây sợ từ ít gây sợ nhất tới gây sợ nhiều nhất.
Hiện nay, bệnh nhân mắc chứng sợ nhện có thể tận dụng thực tế ảo để tập làm quen với những con nhện ảo thay vì phải tiếp xúc với nhện thật như trước kia. Một số trường hợp bệnh sợ nhện cần tới thuốc chống trầm cảm hay thuốc an thần.
Chứng sợ nhện có thể không ảnh hưởng tới sinh hoạt hàng ngày nhưng có thể gây áp lực lên tâm lý khi luôn bị ám ảnh bởi những nơi có nhện hay phải dè dặt khi khám phá tự nhiên. Bạn hãy chinh phục nỗi sợ này bằng cách làm quen với các thông tin và hình ảnh liên quan đến loài nhện nhé.