Dạy con viết chữ không phải là một việc dễ dàng. Điều này phụ thuộc vào nhiều yếu tố như bé đã cầm bút thành thạo chưa, bé có thích viết hoặc vẽ không…
Chị Hà Anh (Hà Nội) kể, hồi con sắp vào lớp Một, chị chưa dạy cho con viết chữ bao giờ, ở trường mẫu giáo cũng vậy. Chị nghĩ khi con vào lớp Một các thầy cô giáo có chuyên môn sẽ dạy cho con. Tuy nhiên, điều này không hẳn đúng, bạn cần tập cho bé làm quen dần với cây bút, chữ cái và những con số qua những hoạt động sau.
Những cách dạy trẻ viết chữ
Trẻ mầm non thường rất thích vẽ và có thể vẽ nguệch ngoạc mọi lúc mọi nơi. Tuy nhiên, dạy bé viết chữ rất khó bởi bé chỉ thích vẽ những gì mà bé thích. Bạn có thể thử áp dụng một số cách dưới đây để giúp bé học chữ tốt hơn:
1. Đừng vội vàng cho bé học bảng chữ cái hoặc các con số mà hãy vẽ những nét đơn giản và yêu cầu bé vẽ lại giống bạn.
2. Trẻ mới biết đi thường dùng ngón tay hoặc những cây que để vẽ lên cát, bột…
3. Bạn hãy khuyến khích bé viết lên bảng bằng phấn, bút bảng trắng… vì có thể xóa đi và viết lại nhiều lần.
4. Hãy cho bé thời gian để học và tiếp thu.
5. Khi bạn thấy bé đã sẵn sàng cầm viết, hãy khuyến khích tập vẽ nét trước khi cho bé tập viết chữ.
6. Bạn có thể làm cho việc học chữ trở nên thú vị bằng cách dùng những chữ cái đã được cắt nhỏ, poster dán tủ lạnh hoặc những khối vuông có in chữ.
7. Làm cho tờ giấy thêm thú vị bằng cách tô màu. Nếu sợ bé sẽ vẽ bậy lên tường, bạn hãy cho bé dùng những loại màu có thể chùi được.
8. Hãy làm cho những hoạt động này diễn ra vui vẻ và không quá căng thẳng. Bé không cần phải quá xuất sắc khi bé chỉ mới bắt đầu tập viết.
Cách dạy bé viết chữ cái
Đối với trẻ nhỏ, việc học bảng chữ cái sẽ rất khó khăn nếu không có sự hướng dẫn của cha mẹ. Với những trẻ đang ở độ tuổi đi học, việc dạy bé cũng dễ dàng hơn bởi bé sẽ rất tò mò với những gì mà bé thấy. Hãy bắt đầu dạy bé viết chữ hoa, sau đó chuyển sang chữ thường, cố gắng giải thích để tránh sự nhầm lẫn giữa các chữ p, q, t, l, i…
9. Dạy bé cách liên tưởng chữ cái đến những vật dụng quen thuộc như quả bóng, mặt trăng… để dễ ghi nhớ hơn.
10. Khuyến khích bé viết đi viết lại nhiều lần một chữ để quen tay.
11. Vẽ chữ bằng những dấu chấm và cho bé đồ lại.
12. Làm mẫu cho bé, sau đó cầm tay bé viết lại chữ đó.
13. Cho bé viết trên một tờ giấy lớn và giúp bé nhớ cách viết bằng cách lặp đi lặp lại. Ví dụ: với chữ E, bạn hãy dạy cho bé một đường thẳng và 3 đường nhỏ nằm song song với nhau. Điều này sẽ giúp bé ghi nhớ dễ dàng.
14. Bạn cũng có thể đặt tên cho các con chữ dựa vào hình dạng của chúng, ví dụ Q là con mèo, O là quả trứng…
Cách dạy bé viết số
Viết số cũng giống như viết chữ. Nó cũng có những quy tắc nhất định và điều này thường khiến bé bối rối. Hãy kể cho bé nghe những câu chuyện xung quanh mỗi con số, điều này sẽ giúp bé nhớ dễ dàng hơn. Dạy bé viết số cũng giống như dạy bé viết chữ.
15. Gợi cho bé sự liên tưởng đến những hình dạng cơ bản, ví dụ số 8 là hai hình tròn nhỏ gắn lại với nhau.
16. Bắt đầu từ từ. Bạn hãy cho bé viết một con số thật lớn lên cát hoặc giấy để thu hút sự chú ý của bé. Sau đó thu nhỏ dần dần. Đừng quá mong đợi bé sẽ viết thật đẹp ngay từ lần đầu tiên.
17. Đối với những số có đường cong như số 5, hãy tập cho bé viết nét tròn trước. Như vậy, số 5 của bé sẽ trở nên rắn chắc hơn.
18. Đối với số 4, bạn hãy dạy cho bé nhiều cách vẽ khác nhau và cho bé tự lựa chọn một phương pháp mà bé cảm thấy dễ nhất.
19. Giải thích cho bé sự khác nhau giữa 1 và 7, 5 và 2, 9 và 10 (10 có một vòng tròn và đường thẳng còn 9 thi không có đường thẳng).
20. Giúp bé hiểu một cách đơn giản, khi bé viết, bạn hãy nói to cách viết lên để bé dễ ghi nhớ.
Dạy bé cầm bút
21. Bạn hãy dạy cho bé cách cầm bút bằng 3 ngón: ngón cái, ngón giữa và ngón trỏ. Ngón cái và ngón trỏ giữ chặt hai bên thân bút, ngón giữa để ở dưới để đỡ bút.
22. Khi bé mới học, bạn hãy cho bé dùng những cây bút chì ngắn. Điều này sẽ giúp bé dễ viết hơn. Chữ rõ ràng, dễ đọc là điều mà bạn không nên quan tâm ở thời điểm này.
23. Sau khi luyện tập vài ngày, bạn hãy cho bé cầm những vật khác như gôm, chuốt viết chì…
Phải làm sao nếu như bé không thích học viết?
Trẻ nhỏ thường không thích học viết vì nhiều lý do. Hiếu động, không cầm được bút, thiếu tập trung… đều là những nguyên nhân khiến bé không thích học chữ. Bạn hãy xác định vấn đề mà bé đang gặp phải để giúp bé thích học hơn.
1. Phát triển các kỹ năng phối hợp giữa tay và mắt
- Cho bé chơi với gậy, quả bóng hoặc các hạt nhiều màu sắc sẽ giúp cải thiện khả năng phản xạ của bé.
- Vẽ vòng tròn và yêu cầu bé đặt ngón tay vào bên trong. Tiếp tục vẽ và bắt bé di chuyển ngón tay. Điều này sẽ giúp bé phát triển kỹ năng phối hợp giữa tay và mắt.
2. Luyện tập ngón tay
- Đưa cho bé một quả bóng mềm và bắt bé nhấn xuống.
- Khuyến khích bé bắt tay.
- Cho bé làm những công việc hàng ngày như phơi đồ hoặc gấp quần áo.
- Yêu cầu bé xoay cổ tay nhiều lần, thậm chí là cả cánh tay.
Những hoạt động này sẽ giúp bé phát triển cơ bắp và cầm bút tốt hơn.
3. Viết và vẽ
- Ngoài viết, bạn hãy khuyến khích trẻ vẽ. Trẻ có thể vẽ những thứ mà bé nhìn thấy xung quanh.
- Những hình vẽ này có thể là những hình dạng cơ bản, dần dần bé sẽ tự sáng tạo ra những hình dạng theo ý thích.
Mời bạn xem thêm bài Các cột mốc đánh dấu kỹ năng vẽ và viết của con yêu.
4. Giải câu đố
- Giải câu đố là một cách tốt để khuyến khích bé viết.
- Bạn có thể cắt các chữ cái và tách chúng ra.
- Nói bé sắp xếp lại và tạo thành một từ có nghĩa.
- Lúc đầu, những từ mà bé tạo ra sẽ ngắn. Dần dần, bạn hãy khuyến khích bé viết ra những chữ dài hơn.
5. Phần thưởng
Mua cho bé những món đồ chơi mà bé thích và bé khoe phần thưởng này với bạn bè. Điều này sẽ khuyến khích bé tập viết nhiều hơn.
Một số trẻ thường cảm thấy khó chịu khi phải ngồi quá lâu. Ngược lại, có một số bé lại khá mơ mộng. Trẻ nhỏ thường dễ mất tập trung hơn người lớn. Điều này là hoàn toàn dễ hiểu. Đối với những đứa trẻ hiếu động, không chỉ viết mà lắng nghe cũng làm trẻ gặp nhiều vấn đề. Bạn hãy nói chuyện với giáo viên để xác định xem bé có bị chứng tăng động giảm chú ý (ADHD) hay không.