Ở Việt Nam, có rất nhiều người đang làm việc tăng ca mỗi ngày. Tăng ca có thể là một hình thức để nhân viên mới lấy lòng cấp trên của mình, hoặc đơn giản chỉ để kiếm thêm thu nhập. Khi nghĩ đến tăng ca, có lẽ nhiều người trong chúng ta nghĩ chỉ có công nhân mới tăng ca, nhưng thực tế, có rất nhiều nghề nghiệp cần phải hoặc có thể sẽ phải làm tăng ca như bác sĩ, điều dưỡng, phi công, tài xế xe tải. Theo như Hiệp hội giấc ngủ Hoa Kì (NSF), người làm việc tăng ca được định nghĩa không chỉ là những người làm việc về đêm, mà là những người làm việc ngoài thời gian làm việc hành chính, từ 9 giờ sáng đến 5 giờ chiều (giờ làm việc quy định ở Mỹ).
Bạn có biết tăng ca ảnh hưởng đến đến sức khoẻ như thế nào?
Các chuyên gia khẳng định, tăng ca gây ra những ảnh hưởng không tốt lên cơ thể chúng ta ít nhất theo hai cách: một là thay đổi trong lối sống và hai là thay đổi trong hoạt động sinh học của cơ thể.
Về lối sống, làm việc tăng ca dẫn đến những vấn đề như rối loạn giấc ngủ, mất ngủ, tạo nên cảm giác cô đơn do ít được gặp gia đình và người thân. Tăng ca còn khiến bạn không có thời gian tập thể dục hoặc buộc bạn phải ăn những thức ăn nhanh hoặc đồ ăn vặt. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận thấy, vấn đề chính mà tăng ca gây ra trên sức khoẻ đó chính là thay đổi hoạt động sinh học của con người. Khi bạn thức quá nhiều, bạn làm việc cả trong thời gian mà đáng lẽ phải dành cho việc nghỉ ngơi, tức là bạn đang chống lại đồng hồ sinh học của cơ thể bạn. Và vì đồng hồ sinh học ảnh hưởng đến các chức năng của cơ thể, do đó, khi thay đổi nó, mọi thứ sẽ trở nên hỗn loạn, bao gồm cả hệ tim mạch, chuyển hoá, tiêu hoá, miễn dịch và cân bằng nội tiết. Những sự thay đổi này sẽ để lại nhũng hậu quả nghiêm trọng mà bạn sẽ được tìm hiểu ở phần dưới đây.
Sức khỏe của bạn sẽ gặp vấn đề gì nếu làm việc tăng ca trong thời gian ngắn?
Những ảnh hưởng ngắn hạn đến sức khoẻ do tăng ca gây ra là rất rõ ràng. Nếu bạn chưa từng tăng ca, bạn cũng có thể tự “trải nghiệm” những ảnh hưởng tương tự như khi bạn ở trên 1 chuyến bay qua Đại Tây Dương, hoặc thức trắng đêm ở trường hay qua một vài đêm với 1 đứa trẻ hay quấy khóc. Các vấn đề đó bao gồm:
- Các triệu chứng tiêu hoá, như đau dạ dày, sổ mũi, tiêu chảy, táo bón, ợ nóng;
- Tăng nguy cơ bị chấn thương hoặc tai nạn;
- Mất ngủ;
- Giảm chất lượng cuộc sống:
- Luôn cảm thấy mệt mỏi.
Làm việc tăng ca trong thời gian lâu dài sẽ ảnh hưởng sức khỏe bạn như thế nào?
Những ảnh hưởng lâu dài lên sức khoẻ rất khó để lượng giá. Nhưng các nhà nghiên cứu cũng tìm ra được mối liên hệ giữa tăng ca và nguy cơ mắc nhiều loại bệnh.
Bệnh tim mạch
Trong nhiều thập kỉ, các nhà nghiên cứu đã nhận thấy có mối liên hệ giữa tăng ca và nguy cơ bị nhồi máu cơ tim hay các bệnh tim mạch khác.
Một nghiên cứu chỉ ra rằng, tăng ca dường như làm tăng 40% nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch. Một cách tổng quát, nguy cơ càng lớn khi thời gian tăng ca vào ban đêm càng nhiều. Một phân tích chỉ ra rằng nguy cơ đột quỵ tằng 5% với mỗi 5 năm bạn làm tăng ca. Tuy nhiên, nguy cơ đột quỵ chỉ tăng đối với những người có tiền sử tăng ca trong 15 năm.
Đái tháo đường và các bệnh chuyển hoá
Một số nghiên cứu cho thấy tăng ca có vẻ như là một yếu tố nguy cơ của đái tháo đường. Một nghiên cứu ở Nhật Bản chỉ ra rằng những người làm việc tăng ca – đặc biệt là những người làm ca 16 tiếng – có khả năng mắc đái tháo đường cao hơn 50% người làm việc bình thường.
Tăng ca cũng có liên quan đến các bệnh chuyển hoá khác, như tình trạng tăng huyết áp, tăng đường huyết, béo phì hay tăng cholesterol không có lợi cho sức khoẻ. Những tình trạng trên là yếu tố nguy cơ của đái tháo đường, nhồi máu cơ tim và đột quỵ. Một nghiên cứu năm 2007 trên 700 nhân viên y tế khoẻ mạnh trong 4 năm cho thấy tỷ lệ mắc các bệnh chuyển hoá cao gấp 3 lần trong nhóm những người làm tăng ca.
Béo phì
Người ta đã tìm ra một số nguyên nhân dẫn đến tình trang béo phì ở những người làm việc tăng ca. Chế độ ăn không hợp lí, không vận động là một trong số các nguyên nhân đó. Sự cân bằng nội tiết tố cũng đóng góp một vai trò không nhỏ. Nội tiết tố leptin đóng vai trò điều hoà sự thèm ăn, làm chúng ta có cảm giác “no”. Khi làm tăng ca, nồng độ leptin có vẻ bị giảm đi, làm cho người làm tăng ca cảm thấy đói hơn, và sẽ ăn nhiều hơn, so với người làm việc bình thường.
Trầm cảm và rối loạn tâm lý
Một số nghiên cứu chỉ ra rằng người làm tăng ca dễ bị trầm cảm và các rối loạn tâm lý khác. Sự cô lập về mặt xã hội (khi bạn ít có cơ hội tiếp xúc hơn với gia đình, bạn bè) ảnh hưởng đến trạng thái tâm lý của bạn. Tăng ca cũng gây những ảnh hưởng trực tiếp lên các chất trung gian hoá học tại não. Năm 2007, một nghiên cứu đã so sánh người làm việc ca ngày và ca đêm và nhận thấy nồng độ serotonin, một chất trung gian hoá học tại não đóng vai trò điều hoà tâm lý, ở những người làm việc ban đêm thấp hơn so với nhóm còn lại.
Các vấn đề về tiêu hoá: Trong hơn 50 năm, các nhà nghiên cứu đã chú ý đến việc tăng ca và mối liên quan đến loét dạ dày. Tăng ca dường như làm tăng nguy cơ gây nên các triệu chứng tại đường tiêu hoá (như buồn nôn, tiêu chảy, táo bón) và một số rối loạn chức năng ruột (như hội chứng ruột kích thích – IBS). Một nghiên cứu năm 2008 đưa ra bằng chứng về mối liên hệ giữa tăng ca và ợ chua hay Hội chứng trào ngược dạ dày thực quản (GERD).
Vấn đề về sắt và mang thai
Các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng tăng ca gây những ảnh hưởng không tốt lên bộ máy sinh sản của người phụ nữ. Một nghiên cứu trên các tiếp viên hàng không, những người thường xuyên phải làm tăng ca cho thấy những người làm tăng ca trong thời gian mang thai có nguy cơ sẩy thai cao gấp 2 lần so với nhóm còn lại. Tăng ca cũng làm tăng nguy cơ biến chứng trong khi sinh, sinh non, sinh nhẹ cân, hoặc những vấn đề về sinh sản, lạc nội mạc tử cung, bất thường kinh nguyệt hoặc đau bụng kinh dữ dội.
Ung thư
Những bằng chứng có tính thuyết phục – từ các nghiên cứu trên cả người và động vật – cho thấy tăng ca (hoặc hoạt động trái giờ giấc ở động vật) tiềm ẩn nguy cơ ung thư. Đến mức năm 2007, một tiểu ban của Tổ chức y tế thế giới đã gọi tăng ca là một “yếu tố có khả năng gây ung thư”
Cho đến nay, nhiều bằng chứng cho thấy nguy cơ ung thư tăng theo số năm làm việc tăng ca trong khoảng từ 20 năm trở lên.
Bạn cần phải làm gì để tự bảo vệ mình trước những tác hại mà tăng ca mang lại?
Theo một báo cáo của Cục Thống kê lao động Hoa Kì (BLS), mục đích chính của những người làm tăng ca là vì giữ công việc hơn là vì mục đích tăng thu nhập cá nhân. Do đó, trước những nguy cơ nhiều mặt của việc tăng ca đến sức khoẻ, Trung tâm bệnh lý giấc ngủ UCLA đã đưa ra các khuyến cáo sau đây nhằm giúp những người làm việc tăng ca giảm thiểu nguy cơ mắc các bệnh lý:
Trong những ngày cuối cùng khi bạn làm ca tối, hãy đi ngủ trễ và dậy trễ 1 đến 2 giờ, việc này sẽ giúp bạn dễ thích nghi hơn với lịch làm việc mới;
Hãy cho mình thời gian để điều chình và làm quen với lịch làm việc mới mà không giảm thời gian ngủ của bản thân;
Mang kính đen hoặc kính bảo hộ đặc biệt để giúp bạn tránh ánh sáng ban ngày cũng như các nguồn sáng khác sau khi bạn kết thúc 1 ca đêm;
Cố gắng duy trì thời gian ngủ đều đặn mỗi ngày trong tuần, kể cả ngày nghỉ, nó sẽ giúp chỉnh lại đồng hồ sinh học trong cơ thể bạn phù hợp với lịch làm việc;
Các chuyên gia khuyên rằng cách tốt nhất để những người làm tăng ca có cuộc sống khoẻ mạnh là nên có một giấc ngủ đủ sâu và hạn chế đến mức tối thiểu những việc làm gián đoạn đồng hồ sinh học của cơ thể. Tuy nhiên, có lẽ khó để tái lập lại chu kì sinh học của cơ thể. Dựa trên dữ hiện hiện có, giáo sư Finkielstein, một nhà khoa học đang nghiên cứu về đồng hồ sinh học điều khiển sự tăng sinh tế bào tại Đại học Virginia Tech, tin rằng hạn chế số năm làm việc tăng ca là cách tốt nhất để giảm thiểu nguy cơ mắc các bệnh mạn tính.