Mối quan hệ càng sâu sắc, bạn sẽ lại càng dễ bị tổn thương hơn. Làm sao để tha thứ khi cả hai đều cảm thấy đối phương không hiểu mình?
Khi cả hai xung đột, bạn sẽ đứng giữa hai lựa chọn: tiếp tục hay chấm dứt? Nếu thật sự muốn bảo vệ mối quan hệ, bạn cần phải vượt qua cảm giác tổn thương của mình càng sớm càng tốt. Điều này có nghĩa, bạn cần học cách tha thứ cho chính mình và cho cả đối phương. Đây là một thử thách cực kỳ khó khăn khi cái tôi của bạn quá lớn.
Hơn nữa, bạn sẽ có xu hướng muốn tự bảo vệ bản thân và ít nghĩ đến người khác hơn khi tức giận hay tổn thương. Bạn thậm chí còn không cảm thấy là mình “muốn” tha thứ.
Thật ra, khả năng tha thứ không phải lúc nào cũng đến từ cảm giác thật sự của bạn. Đây là một “kỹ năng” ứng xử hay còn gọi là “bí kíp yêu” mà bạn cần phải học từ 3 nguyên tắc cơ bản sau:
Xây dựng mối quan hệ dựa trên sự thấu hiểu
Khi bạn thật sự yêu thương đối phương, bạn sẽ tìm cách để thấu hiểu người ấy nhiều hơn. Mối quan hệ xấu đi cũng phần vì cả hai không hiểu nhau, bạn có sẵn sàng là người lùi lại một bước?
Để duy trì một mối quan hệ bền vững, bạn cũng cần đầu tư nhiều công sức và thời gian. Hãy dành thời gian quan tâm nhau nhiều hơn, thể hiện bằng cả lời nói và hành động. Đã bao lâu rồi bạn không nói mình yêu người ấy? Có phải đã lâu rồi cả hai không làm điều gì đó cùng nhau? Muốn tha thứ được thì bạn cần phải tạo cơ hội cho cả hai và đừng băn khoăn ai nên là người chủ động. Không có một mối quan hệ nào có thể bền vững nếu ai cũng muốn giữ lấy cái tôi cá nhân cho đến cùng cả.
Tìm cách thoát ra cảm giác tổn thương
Cảm giác tổn thương sẽ khiến bạn thiếu tỉnh táo khi nhìn nhận vấn đề. Những lúc thế này, bạn nên hít thở thật sâu và cố gắng trấn tĩnh lại. Hãy nghĩ về phía quan điểm của đối phương, chấp nhận nếu người ấy xin lỗi và tha thứ cho nhau để cùng tiến về phía trước.
Đừng nhốt mình trong căn phòng tù túng với những cảm xúc tiêu cực. Hãy đi ra ngoài công viên để hít thở không khí trong lành hoặc đến một nơi thật yên tĩnh để thư giãn. Bạn nên làm bất cứ điều gì tích cực khiến mình có thể tạm thời phân tán khỏi vấn đề hiện tại: dọn dẹp nhà cửa, nấu ăn, giặt quần áo, hẹn hò cà phê với bạn bè, ngồi thiền, tập yoga… Học cách tha thứ, suy cho cùng cũng là học cách yêu thương bản thân nhiều hơn. Khi nào thấy lòng mình bình yên, bạn mới có thể đánh giá vấn đề một cách sáng suốt.
Lựa chọn tha thứ và cùng nhau giải quyết vấn đề
Bạn có thể giữ lấy những ấm ức trong lòng hoặc tha thứ cho những điều không hoàn hảo. Đó là lựa chọn của bạn. Hãy nghĩ về mối quan hệ một cách tổng thể, đừng phân tích sâu thêm vấn đề hiện tại. Bạn sẽ nhận ra đối phương yêu thương bạn thế nào, hy sinh cho bạn nhiều ra sao… Nghĩ về những điều tốt đẹp mà đối phương đã làm sẽ giúp bạn có thể tiến gần hơn đến sự tha thứ.
Bạn có thể đặt câu hỏi: “Mình sẽ cảm thấy như thế nào sau 1 năm về xung đột hiện tại?”. Câu hỏi về tương lai này sẽ giúp bạn cảm thấy tích cực hơn về mối quan hệ của mình. Từ đó, bạn sẽ có thể tha thứ cho đối phương và nhìn nhận xung đột một cách lạc quan. Đừng nên “đổ thêm dầu vào lửa” khiến cho vấn đề trở nên trầm trọng hơn. Bằng cách hướng đến mối quan hệ trong tương lai, bạn có thể chuyển sự tập trung khỏi những xung đột và cảm xúc tiêu cực hiện tại.
Sau khi đã trấn tĩnh và cảm xúc trở về bình ổn, bạn nên trò chuyện với đối phương. Hãy chia sẻ cảm xúc và đề nghị cách giải quyết tốt nhất cho cả hai. Sự tha thứ là một món quà quý giá mà khi trao đi, bạn sẽ được nhận lại rất nhiều đấy!