Hướng dẫn cho các bậc cha mẹ: Chẩn đoán và phân giai đoạn ung thư

(3.58) - 55 đánh giá

Biên dịch: Nguyễn Khởi Quân

Hiệu đính: BS Phạm Võ Phương Thảo, Lê Hà Cảnh Châu

Phần này giải thích quá trình chẩn đoán một bệnh ung thư ở trẻ em. Nó cũng giúp bạn tìm hiểu các xét nghiệm được sử dụng để chẩn đoán ung thư cùng với các hệ thống phân giai đoạn, phân nhóm nguy cơ có thể được sử dụng để lập kế hoạch điều trị cho trẻ, đồng thời giúp tiên lượng bệnh.

Các triệu chứng thường gặp

Các triệu chứng ban đầu của bệnh ung thư ở trẻ em thường không đặc hiệu. Những triệu chứng này có thể bao gồm sốt, mệt mỏi, viêm hạch hoặc giảm cân. Một số triệu chứng khác, chẳng hạn như mảng xuất huyết, đau khớp, đau xương có thể khiến cha mẹ nghi ngờ trẻ bị chấn thương. Khi những dấu hiệu này kéo dài hoặc nghiêm trọng hơn, bác sĩ có thể yêu cầu xét nghiệm để kiểm tra liệu nó là triệu chứng của ung thư hay của bệnh khác.

Các xét nghiệm và quy trình

Các xét nghiệm và quy trình dưới đây được áp dụng để chẩn đoán ung thư trẻ em. Loại phương pháp được thực hiện phụ thuộc vào các triệu chứng của trẻ, tuổi, tiền sử bệnh và loại ung thư mà bác sĩ nghi ngờ.

  • Thăm khám và xét nghiệm máu
  • Các phương pháp chẩn đoán hình ảnh tạo ra hình ảnh của các vùng bên trong cơ thể. Có các phương pháp chẩn đoán hình ảnh như chụp CT, MRI, PET, X-quang và siêu âm. Bác sĩ chẩn đoán hình ảnh là người đánh giá và gửi báo cáo về các dấu hiệu bất thường (nếu có) cho bác sĩ của trẻ.
  • Sinh thiết là quá trình lấy các mẫu tế bào hoặc mô sau đó mang đi kiểm tra xem có tế bào ung thư bên trong hay không. Sinh thiết nên được thực hiện tại một bệnh viện chuyên chẩn đoán ung thư ở trẻ em. Một nhà giải phẫu bệnh sẽ quan sát các tế bào hoặc mẫu mô được lấy ra khi sinh thiết dưới kính hiển vi và viết báo cáo mô tả các đặc điểm giải phẫu bệnh của tế bào, gồm chẩn đoán giải phẫu bệnh.

Tìm hiểu thêm ở phần Các xét nghiệm và thủ thuật trong cùng chuỗi bài viết này.

“Trước khi sinh thiết, tôi và con gái đã tìm hiểu kĩ về những gì sắp diễn ra. Chúng tôi đến một bệnh viện Nhi khoa lớn có các bác sĩ chuyên chẩn đoán và điều trị cho những đứa trẻ bị ung thư.”

Những câu nên hỏi trước khi làm xét nghiệm/thủ thuật

  • (Những) xét nghiệm/thủ thuật nào con tôi cần làm? Kết quả sẽ nói lên điều gì?
  • Tôi nên dẫn con đến đâu để làm xét nghiệm/thủ thuật này?
  • Xét nghiệm/thủ thuật này kéo dài bao lâu? Sau bao lâu thì có kết quả?
  • Con tôi cần chuẩn bị gì trước khi làm xét nghiệm/thủ thuật?
  • Quá trình xét nghiệm/thủ thuật sẽ diễn ra như thế nào? Con tôi có tỉnh táo không?
  • Con tôi có cảm thấy không thoải mái/đau đớn không? Liệu thuốc có được dùng để giúp con tôi dễ chịu/ngủ không?
  • Nguy cơ của xét nghiệm/thủ thuật này là gì?

Những câu nên hỏi khi bạn nhận kết quả xét nghiệm

  • Kết quả này nói lên điều gì?
  • Bác sĩ có thể giải thích tờ kết quả giải phẫu bệnh cho tôi được không?
  • Con tôi được chẩn đoán thế nào? Con tôi mắc loại ung thư nào?
  • Mức độ nặng (nhóm nguy cơ, phân độ, phân giai đoạn) của bệnh?
  • Có cần làm thêm xét nghiệm/thủ thuật nào khác không? Những xét nghiệm/thủ thuật đó sẽ mang lại lợi ích gì? Làm có đau không?
  • Ai có thể cho chúng tôi một ý kiến khác về tờ kết quả giải phẫu bệnh?

Nhóm nguy cơ, phân độ, phân giai đoạn: lập kế hoạch điều trị

“Ban đầu, mọi thứ thật mới lạ và hỗn độn. Tôi đã cảm thấy quá sức. Nhưng bây giờ tôi đã hiểu nhiều hơn, và nếu không hiểu điều gì đó, tôi sẽ hỏi cho đến khi nhận được câu trả lời phù hợp.”

Tùy thuộc vào loại ung thư mà trẻ mắc phải – bác sĩ sẽ mô tả bệnh ung thư theo thuật ngữ về giai đoạn, phân độ hoặc nhóm nguy cơ của nó. Các hệ thống này, được giải thích dưới đây, được sử dụng để mô tả mức độ nghiêm trọng của bệnh ung thư và giúp lên kế hoạch điều trị tốt nhất cho từng trẻ. Hãy sao chép lại tất cả các kết quả xét nghiệm và báo cáo của trẻ để giúp hỗ trợ chẩn đoán, kể cả chẩn đoán của bé.

  • Nhóm nguy cơ: Đối với nhiều bệnh ung thư ở trẻ em, bao gồm cả bệnh bạch cầu cấp, bệnh nhân được phân nhóm nguy cơ khác nhau (thấp, trung bình hoặc cao) dựa trên tuổi, biểu hiện lâm sàng của bệnh và kết quả xét nghiệm. Ví dụ đối với bệnh bạch cầu cấp, người ta phân nhóm nguy cơ dựa vào số lượng bạch cầu trong máu ngoại vi, thay đổi nhiễm sắc thể và liệu bệnh đã di căn đến não và tủy sống hay chưa. Bệnh nhân thuộc nhóm nguy cơ thấp nhiều khả năng có kết quả tốt và ít cần điều trị tấn công hơn so với bệnh nhân nguy cơ cao.
  • Phân độ: Các bệnh ung thư khác, như khối u não, thường được phân nhóm và điều trị dựa vào việc tế bào trông như thế nào dưới kính hiển vi. Tế bào mức độ ác tính thấp (hay biệt hoá tốt) nghĩa là các tế bào khối u trông gần như bình thường dưới kính hiển vi, phát triển chậm và ít có khả năng lan khắp cơ thể hơn tế bào mức độ ác tính cao (hay biệt hoá kém/không biệt hoá).
  • Giai đoạn: Điều trị khối u đặc (ví dụ như u Wilms) cũng có thể dựa vào giai đoạn ung thư. Hệ thống phân giai đoạn sử dụng số và chữ cái để mô tả độ lan rộng và mức độ nghiêm trọng của bệnh ung thư.
  • Số: Ở giai đoạn I (còn gọi là giai đoạn 1) khối u thường nhỏ và chưa lan rộng đến các phần khác của cơ thể. Ở giai đoạn IV, (còn gọi là giai đoạn 4) ung thư tiến triển hơn và thường lan (di căn) đến các cơ quan hoặc mô khác trong cơ thể, chẳng hạn như xương.
  • Chữ cái: Hệ thống phân loại TNM sử dụng các chữ cái T, N và M để mô tả giai đoạn. Chữ T mô tả kích thước của khối u, chữ N mô tả liệu ung thư có lan sang các hạch bạch huyết kế bên hay không và chữ M mô tả có di căn hay chưa.

Xin ý kiến từ nhiều nguồn

Một số phụ huynh muốn lấy ý kiến ​​thứ hai để xác nhận chẩn đoán con của họ. Thậm chí những bác sĩ giàu kinh nghiệm cũng có thể suy nghĩ khác nhau trên cùng một bệnh nhân. Nếu bạn muốn xin ý kiến ​​thứ hai, hãy nói chuyện với bác sĩ đầu tiên. Bạn sẽ cần lấy thông tin như bệnh án, mẫu bệnh phẩm hoặc báo cáo từ bệnh viện nơi đã được sinh thiết để cung cấp cho bác sĩ thứ hai.

Sẽ là rất bình thường khi bạn muốn xin ý kiến thứ hai, và hầu hết bác sĩ rất vui vẻ khi bạn muốn nghe quan điểm khác. Một số chế độ bảo hiểm yêu cầu cần có ý kiến thứ hai. Một số chế độ bảo hiểm khác sẽ chi trả cho ý kiến thứ hai nếu bạn yêu cầu. Nếu bảo hiểm của bạn không chi trả cho ý kiến thứ hai, bạn vẫn có thể xin được ý kiến nếu bạn sẵn sàng chi trả.

Tiên lượng

Tiên lượng là đánh giá khả năng ung thư có thể được điều trị thành công và con bạn sẽ khoẻ lại hay không. Nó dựa trên thông tin được thu thập trong nhiều năm từ số lượng lớn người đã từng được chẩn đoán mắc cùng loại ung thư đó. Các yếu tố có thể ảnh hưởng đến tiên lượng của trẻ bao gồm: Loại ung thư trẻ mắc phải, tiến triển bệnh, tuổi của trẻ và đáp ứng của trẻ với điều trị

Khi bạn nói chuyện với bác sĩ về tiên lượng của trẻ, hãy nhớ:

  • Thống kê tỷ lệ sống sót có thể dựa trên tất cả các bệnh nhân mắc một loại ung thư cụ thể – hoặc chỉ một phần trong số họ. Một chỉ số thường được sử dụng trong việc đưa ra tiên lượng là tỷ lệ sống sót sau 5 năm. Đây là tỷ lệ những người được chẩn đoán mắc một loại ung thư cụ thể và vẫn còn sống sau 5 năm kể từ khi được chẩn đoán.
  • Thống kê tỷ lệ sống sót sử dụng thông tin được thu thập từ các nhóm lớn có thể gồm nhiều người với nhiều phương pháp điều trị khác nhau.
  • Vì phải mất vài năm để đánh giá hiệu quả của các phương pháp điều trị mới hơn, tốt hơn nên khó có thể đánh giá dựa trên những con số thống kê của hiện tại.

Bởi vì số liệu thống kê dựa trên các cộng đồng người quy mô lớn, chúng không thể được sử dụng cứng nhắc để dự đoán chắc chắn những gì sẽ xảy ra với con của bạn. Mỗi đứa trẻ là khác biệt. Phương pháp điều trị và cách mọi người đáp ứng với điều trị có thể khác nhau rất nhiều.

Tài nguyên liên quan

  • Phân giai đoạn ung thư
  • Kết quả giải phẫu bệnh
  • Phân độ khối u
  • Hiểu về tiên lượng ung thư

Tài liệu tham khảo

https://www.cancer.gov/publications/patient-education/children-with-cancer.pdf

Biên dịch - Hiệu đính

Nguyễn Khởi Quân - Lê Hà Cảnh Châu
Đánh giá:

Bài viết liên quan

U nguyên bào phổi màng phổi ở trẻ em: Chẩn đoán

(77)
Biên dịch: Hoàng Mạnh Cường Hiệu đính: Ths.Bs Nguyễn Hải Nam, Lê Hà Cảnh Châu Bài viết giới thiệu về những xét nghiệm thường quy, quy trình và thủ thuật ... [xem thêm]

Ngọa bệnh cảm tác

(30)
Tác giả: Huỳnh Ngọc Chiến Bài viết là đôi lời tâm sự của nhà nghiên cứu, dịch giả Huỳnh Ngọc Chiến Năm 1996, lần đầu tiên tôi phải nhập viện để ... [xem thêm]

Rụng tóc trong ung thư trẻ em

(10)
Rụng tóc là tác dụng phụ phổ biến của một số phương pháp điều trị ung thư bao gồm hóa trị và xạ trị. Các tế bào kiểm soát sự phát triển của tóc ... [xem thêm]

Ung thư thanh quản và hạ hầu: Các phương pháp điều trị

(14)
Trong bài viết này, bạn sẽ tìm hiểu về các phương pháp điều trị khác nhau mà các bác sĩ chỉ định điều trị ung thư thanh quản và hạ hầu. Phần này giải ... [xem thêm]

Khi bạn là người trưởng thành trẻ tuổi hoặc thanh thiếu niên mắc ung thư

(49)
Biên dịch: Hoàng Mạnh Cường Hiệu đính: Ths.Bs Nguyễn Hải Nam, Lê Hà Cảnh Châu Được chấp thuận bởi Ban biên tập Cancer.Net, tháng 06/2019 Được chấp thuận ... [xem thêm]

Đánh giá khả năng sinh sản sau điều trị ung thư

(74)
Biên dịch: Nguyễn Thị Xuân Hương Hiệu đính: Trần Thị Kim Vân, Lê Hà Cảnh Châu Được chấp thuận bởi Ban biên tập Yhoccongdong.com, tháng 12/2019 Sau khi điều ... [xem thêm]

Thông tin cho phụ huynh: Chăm sóc y tế

(90)
Chăm sóc sức khỏe cho con trẻ sau khi mắc ung thư Khi kết thúc quá trình điều trị, bạn cần thu thập tất cả thông tin về chăm sóc theo dõi và các tác dụng ... [xem thêm]

Hướng dẫn cho thanh thiếu niên | Bảng A – Đội ngũ của nhóm Ung thư

(34)
Người dịch: Nguyễn Thị Xuân Hương Hiệu đính: Ths. Bs. Phạm Võ Phương Thảo, Lê Hà Cảnh Châu Được chấp thuận bởi Ban biên tập Cancer.Net, tháng 2/2012 Được ... [xem thêm]

DANH SÁCH PHÒNG KHÁM BỆNH VIỆN