Chứng khó đọc là một dạng khó khăn trong học tập. Biểu hiện của hội chứng này là trẻ khó khăn trong việc nhận thức và hiểu được ngôn ngữ. Hội chứng này có thể ảnh hưởng đến các kỹ năng đọc, viết và đánh vần mặc dù trẻ đã được tiếp xúc với ngôn ngữ và được hướng dẫn kỹ ở lớp học.
Học tập là một cuộc chiến khó khăn cho cả bạn và con. Bạn thường tức giận và luôn phải cố gắng giữ bình tĩnh vì con dường như không thể đọc và viết đúng chính tả? Trước khi la mắng con, bạn nên tìm hiểu xem nguyên nhân thật sự là do con lười học hay gặp hội chứng khó đọc. Nếu trẻ thật sự mắc chứng khó đọc, bạn cần phải giúp đỡ bé ngay từ bây giờ.
Khi nào trẻ bắt đầu có dấu hiệu của chứng khó đọc?
Bạn có thể dễ dàng nhận biết điều này bằng cách so sánh khả năng đọc của con với anh chị, bạn bè cùng trang lứa. Dấu hiệu rõ ràng nhất của hội chứng khó đọc là trẻ phải cố gắng đọc từng chữ trong sách. Tuy nhiên, các dấu hiệu này cũng dựa trên độ tuổi của trẻ. Bạn nên tìm hiểu về các dấu hiệu trước khi trẻ thật sự đấu tranh hay gặp phải hội chứng này. Sau đây là một số dấu hiệu giúp bạn sớm phát hiện hội chứng khó đọc ở trẻ:
- Bé đọc chậm, khó khăn trong cách phát âm một số từ thông dụng
- Bé gặp rắc rối trong việc nhớ tên chữ cái, con số và cả đồ vật
- Bé không biết đánh vần và gặp khó khăn trong việc đọc
- Bé bỏ qua giai đoạn tập bò.
Tập bò là một cột mốc quan trọng trong quá trình phát triển trí não của trẻ. Có một số mối liên hệ giữa việc trẻ bỏ qua giai đoạn tập bò và việc chậm biết đọc. Tuy nhiên, hiện nay chưa có bằng chứng nào chứng minh điều này.
Để xác nhận trẻ mắc chứng khó đọc, bạn có thể cho bé làm một bài kiểm tra tâm lý. Bạn có thể cho bé thực hành điều này khi 6 tuổi. Việc phát hiện kịp thời sẽ rất có lợi cho quá trình điều trị. Tốt nhất, bạn đợi đến khi trẻ đạt độ tuổi thích hợp để được chẩn đoán chính xác.
Dấu hiệu thường gặp ở trẻ mắc chứng khó đọc
Có những trẻ cố gắng chỉ để hoàn thành việc đơn giản như viết tên của mình. Nhiều người không biết về chứng bệnh này, nên thường cho là trẻ lười biếng và không thông minh. Theo Hiệp hội khó đọc quốc tế, người mắc hội chứng này có thể gặp một số khó khăn sau:
- Học cách nói
- Học chữ cái và phát âm
- Sắp xếp ngôn ngữ viết và nói
- Đọc nhanh đủ để hiểu
- Kiên trì và hiểu bài tập đọc dài hơn
- Chính tả
- Học ngoại ngữ.
Ngoài ra, có những nguyên nhân khác như trẻ sinh ra trong gia đình có tiền sử mắc hội chứng khó đọc. Có trường hợp trẻ dành nhiều thời gian để đọc một quyển sách nhưng lại không hiểu hết nội dung của cuốn sách đó. Bên cạnh đó, trẻ cũng gặp những khó khăn khi tham gia các hoạt động về viết, chẳng hạn như trẻ có thể nghĩ ra nhiều ý tưởng trong đầu nhưng không biết diễn đạt bằng lời nói hay sử dụng từ ngữ như thế nào do trẻ gặp khó khăn về chính tả.
Cách điều trị cho trẻ
Hội chứng khó đọc là một trở ngại trong việc học tập của trẻ. Vì vậy, sự can thiệp của bố mẹ có thể giúp trẻ trang bị những kiến thức cần thiết. Trong một đánh giá năm 2013, Hiệp hội khó đọc Singapore (DAS) đã chứng minh việc đọc và đánh vần trong một năm có thể giúp trẻ cải thiện hội chứng này. Ngoài ra, trẻ được học tập trong môi trường đa giác quan và được hướng dẫn rõ ràng về khái niệm ngôn ngữ cũng có thể giúp trẻ cải thiện tình hình tốt hơn.
Bố mẹ nên làm gì khi con mắc hội chứng này?
Điều quan trọng nhất trong việc điều trị không phải là chữa trị lâm sàng mà là sự can thiệp của giáo dục.
1. Nghe, nhìn, đọc rõ từ
Thông thường, bố mẹ thường khuyến khích trẻ đọc. Ngay cả khi con còn nhỏ và không thể hiểu những gì chúng đọc, việc đọc cũng mang lại nhiều lợi ích cho trẻ. Sự phát triển của kỹ năng nghe và phản xạ từ vựng rất quan trọng đối với khả năng đọc và viết từ vựng. Bố mẹ cần chỉ cho con những từ mà chúng đọc để hình thành mối liên hệ giữa chữ với âm thanh nghe được.
2. Thực hiện các hoạt động học tập đa giác quan
Bạn nên dạy học bằng cách phát huy các giác quan của trẻ. Bạn chỉ nhớ được 10% thông tin từ những gì mà nghe được, nhưng bạn có thể nhớ đến 90% thông tin khi bạn nghe, nói và làm.
3. Sử dụng thiết bị công nghệ cho việc học một cách hữu ích
Việc sử dụng các thiết bị công nghệ cho giáo dục đúng cách có thể giúp trẻ học tập hiệu quả hơn, đặc biệt là trẻ mắc hội chứng khó đọc. Nếu biết cách sử dụng các thiết bị công nghệ cho việc học tập đúng đắn, trẻ có thể có được nhiều lợi ích từ việc học này. Các nghiên cứu được tiến hành tại Hiệp hội khó đọc Singapore cho thấy học sinh trở nên có động lực học tập hiệu quả hơn khi sử dụng những thiết bị công nghệ cho việc học.
4. Quan tâm đến việc học của con
Trẻ còn quá nhỏ để hình dung ra vấn đề của hội chứng khó đọc và tìm cách giải quyết. Tuy nhiên, bố mẹ có thể hỗ trợ những vấn đề học tập mà con không biết. Nhiều đứa trẻ đã thành công trong việc điều trị hội chứng này nhờ có sự giúp đỡ của bố mẹ và các chuyên gia.
Tóm lại, trước hết bố mẹ nên nhận thức đúng đắn về hội chứng khó đọc. Nếu có con mắc hội chứng này, bạn không cô đơn vì có rất nhiều trường hợp giống như bạn. Bạn hãy kết nối với những bố mẹ khác để được hỗ trợ và luôn cập nhật tin tức cũng như sự phát triển trong việc điều trị của chứng bệnh này thường xuyên hơn.
Bạn có thể giải thích về chứng khó đọc để con hiểu. Điều quan trọng là bạn nên nói rằng con cũng có khả năng đọc như những đứa trẻ khác. Theo một nghiên cứu của Anh, 20% doanh nhân có khả năng mắc chứng khó đọc và trong một nghiên cứu khác tại Mỹ con số này đã lên đến 35%.