Sốt xuất huyết là căn bệnh không còn mấy xa lạ, nhất là khi vào mùa mưa, bệnh bùng phát thành dịch vô cùng nguy hiểm. Có rất nhiều câu hỏi thắc mắc xoay quanh vấn đề về bệnh, một trong số đó là sốt xuất huyết có ngứa không? Tình trạng này liệu có nguy hiểm và làm thế nào để xử lý?
Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm nguyên nhân bắt nguồn từ virus Dengue gây ra, trong đó muỗi vằn chính là “thủ phạm” truyền bệnh. Bệnh diễn biến qua nhiều giai đoạn và có thể trở nên nghiêm trọng nếu không chữa trị đúng cách.
Bên cạnh những dấu hiệu điển hình như mệt mỏi, đau đầu chóng mặt, xuất huyết dưới da, thì tình trạng “gãi như gảy đàn” cả ngày cũng là biểu hiện thường thấy. Nốt mẩn ngứa thường xuất hiện dày đặc khắp cơ thể, đặc biệt là ở lòng bàn tay, bàn chân. Có trường hợp, người bệnh còn chưa kịp hoàn hồn sau cơn sốt xuất huyết đã phải đối mặt với những đợt ngứa kinh hoàng.
Đi tìm lời giải: Người bệnh sốt xuất huyết có ngứa không?
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngứa ở người bệnh có thể được giải thích rằng, sau khi cơn sốt thuyên giảm, da có xu hướng hình thành những nốt mẩn ngứa, điều này là do cơ thể đang tái hấp thu dịch ngoại bào vào máu. Tình trạng này là hoàn toàn bình thường, người bệnh có thể yên tâm vì vẫn có những biện pháp tại nhà để xử lý.
Hơn nữa, cũng có thắc mắc khác, rằng liệu virus Dengue có phải là nguyên do khác khiến cho người bệnh sốt xuất huyết có biểu hiện ngứa hay không? Thì câu trả lời là “có”. Trên lâm sàng, bệnh nhân hoàn toàn có thể mắc triệu chứng ngứa bắt nguồn từ biến chứng viêm gan cấp do virus (biểu hiện thường thấy là gan to hoặc nhỏ, cả men gan và bilirubin đều tăng cao gây vàng da). Việc tăng sắc tố mật hoặc suy gan do thuốc (sử dụng paracetamol để hạ sốt không đúng cách) sẽ dẫn đến biểu hiện ngứa da.
Ở người bệnh, cơn ngứa ngáy, khó chịu có thể diễn ra trong hoặc sau khi bị sốt xuất huyết. Đôi khi chỉ là ngứa nhẹ, nhưng cũng có trường hợp người bệnh bị cơn ngứa “hành” khổ sở đến mất ăn mất ngủ. Tuy nhiên, dù gây phiền toái nhưng đây chính là biểu hiện cho thấy người bệnh đang trong giai đoạn phục hồi. Cơn ngứa này có thể diễn ra từ 2 – 3 ngày, lâu hơn thì vào khoảng 1 tuần, thậm chí trường hợp hy hữu có khi kéo dài vài tuần mới dứt.
Làm thế nào để những cơn ngứa ngáy thôi không hành hạ bạn?
Bên cạnh câu hỏi bệnh sốt xuất huyết có ngứa không thì những biện pháp để làm giảm nhanh triệu chứng khó chịu này cũng được quan tâm không kém. Dưới đây là một số biện pháp tại nhà có thể có ích cho bạn:
1. Mặc quần áo rộng rãi
Để giảm sự ma sát giữa quần áo và da thì bạn có thể thực hiện biện pháp này. Bởi lẽ sự ma sát khiến cho các nốt mẩn sưng tấy và làm bạn ngứa nhiều hơn.
Gợi ý là bạn nên lựa chọn loại vải thoáng mát, trẻ nhỏ thì nên sử dụng loại tã thấm hút tốt và ít gây kích ứng. Bạn cũng có thể thoa phấn rôm lên những vùng da bị nổi mẩn để giảm sưng và tiết mồ hôi. Ngoài ra, bạn cần chú ý lựa chọn loại nước xả vải và bột giặt dịu nhẹ để tránh gây tổn thương da.
2. Giữ nơi ở sạch sẽ
Điều này sẽ hạn chế muỗi sinh sôi, cũng như phòng ngừa tái phát bệnh. Bạn nên vệ sinh chăn, màn để tránh vi khuẩn, nấm mốc trú ngụ, cũng như có cơ hội xâm nhập vào da gây nhiễm trùng.
3. Vệ sinh cơ thể
Nên vệ sinh cá nhân đều đặn 1 – 2 lần/ngày để tránh tình trạng nổi mẩn ngứa trở nên nghiêm trọng hơn. Bởi lẽ, lượng mồ hôi, bụi cũng như bã nhờn ứ đọng ở các nốt mẩn sẽ gây ra viêm và mưng mủ.
Cần lưu ý rằng khi vừa khỏi bệnh, bạn không nên sử dụng các loại sữa tắm hoặc xà phòng có độ pH cao, có hương liệu vì những yếu tố này sẽ khiến tình trạng của bạn trở nên nghiêm trọng hơn. Mẹo là bạn có thể thêm một thìa muối vào nước ấm khi tắm để tăng tác dụng diệt khuẩn.
4. Tăng cường miễn dịch
Khi mắc bệnh, hệ miễn dịch bị suy yếu. Do đó, người bệnh bạn cần tiêu thụ nhiều loại thực phẩm tốt cho sức khỏe như rau xanh, trái cây, sữa, hay bổ sung thêm vitamin để củng cố hệ miễn dịch. Điều này giúp các tổn thương trên cơ thể sẽ mau chóng phục hồi hơn.
Thêm vào đó, bạn cũng cần phải hạn chế sử dụng các loại thực phẩm như thịt bò, hải sản và các món ăn nhiều dầu mỡ để tránh cho triệu chứng trở nặng hơn.
5. Tránh gãi khi bị nổi mẩn ngứa
Việc gãi mạnh và chà xát nhiều lên da có thể khiến triệu chứng ngứa thêm nghiêm trọng hơn. Ngoài ra, điều này còn làm tăng nguy cơ nhiễm trùng và lở loét.
6. Các biện pháp dân gian khác
Song song với những biện pháp trên, bạn cũng có thể kết hợp sử dụng một vài phương pháp tự nhiên để làm giảm cơn ngứa một cách hiệu quả. Đơn giản nhất là người bệnh có thể ngâm tay hoặc chân trong nước ấm, có thể thêm muối hoặc nước cốt chanh để thêm phần công hiệu.
Lô hội cũng là một gợi ý tốt cho người bị ngứa khi mắc bệnh sốt xuất huyết. Chính nhờ vào tác dụng kháng khuẩn, chống nấm, giảm viêm mà lô hội giúp làm dịu làn da mẩn đỏ và ngứa nhanh chóng.
Để cơn ngứa ngáy không làm phiền đến bạn thì không thể không nhắc đến dầu dừa. Bạn có thể nhỏ vài giọt dầu dừa rồi xoa trực tiếp vào vùng da bị nổi mẩn ngứa để cho tác động tốt nhất. Trường hợp nếu cơn ngứa lan ra toàn thân, người bệnh nên ngâm mình trong nước ấm sau khi đã thoa dầu dừa lên da.
Khi nào người bệnh sốt xuất huyết có nổi mẩn ngứa cần đến gặp bác sĩ?
Người bệnh sốt xuất huyết có biểu hiện ngứa không phải là tình trạng đáng lo ngại. Tuy vậy, nếu có xuất hiện những triệu chứng kèm theo như sốt cao, mưng mủ, chảy dịch… thì lúc này bạn nên đến bệnh viện để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Theo đó, bác sĩ có thể cho bạn sử dụng thuốc kháng histamin điều trị các triệu chứng ngứa như loratadin. Bác sĩ sẽ căn cứ vào tình trạng bệnh, lứa tuổi, giới tính, cũng như một số yếu tố khác để lựa chọn loại thuốc phù hợp.
Sốt xuất huyết có nổi mẩn ngứa không phải là biểu hiện nghiêm trọng. Hãy quan tâm nhiều hơn đến cách chăm sóc bản thân, chế độ dinh dưỡng cũng như kết hợp với việc tuân thủ điều trị để có thể nhanh chóng phục hồi bạn nhé!
Minh Phú/HELLO BACSI