Bệnh rubella có lây không? Đây là thắc mắc của nhiều người, nhất là các bậc cha mẹ. Bởi lẽ, những thông tin về khả năng lan truyền rộng cũng như hậu quả nghiêm trọng của bệnh khiến người ta không khỏi lo lắng.
Rubella là gì?
Rubella là bệnh lây truyền được cho là tương đối lành tính. Bệnh do virus rubella gây ra.
Bệnh rubella thường gặp ở trẻ nhỏ, nhưng người lớn cũng có thể mắc bệnh. Phụ nữ đang mang thai nhiễm rubella thì thai nhi dễ bị ảnh hưởng, bị khiếm khuyết, dị tật từ khi mới sinh.
Triệu chứng bệnh rubella
Dấu hiệu và triệu chứng của rubella thường rất nhẹ, khó nhận thấy, nhất là ở trẻ em. Nếu các dấu hiệu và triệu chứng xảy ra thì chúng thường xuất hiện từ 2 đến 3 tuần sau khi tiếp xúc với virus. Chúng thường kéo dài khoảng 1 đến 5 ngày, bao gồm:
- Sốt nhẹ không quá 38,9 độ C
- Đau đầu
- Nghẹt mũi hoặc chảy nước mũi
- Mắt bị viêm, đỏ (viêm kết mạc)
- Sưng hạch bạch huyết, khi chạm vào các hạch thấy hạch nổi lớn hơn bình thường và mềm
- Cơ thể phát ban màu hồng, bắt đầu từ trên mặt và lan dần xuống phần dưới của cơ thể. Ban khi lặn cũng lặn ở vùng mặt trước nhất
- Phụ nữ trẻ bị đau khớp
Nguyên nhân gây bệnh rubella
Nguyên nhân trực tiếp gây bệnh rubella là virus rubella.
Rubella có lây không?
Rubella có khả năng lây lan trên diện rộng nếu lơi lỏng trong công tác phòng chống. Thường thì virus ở trong đường mũi họng của người bệnh. Khi người bệnh ho hoặc hắt hơi, virus có trong nước bọt, các dịch lỏng vùng mũi họng sẽ phát tán trong không khí. Người bình thường hít phải không khí này sẽ dễ mắc bệnh. Chia sẻ, dùng chung đồ ăn thức uống với người bệnh cũng khiến bệnh dễ lây lan.
Nói chung, bạn sẽ có nguy cơ mắc rubella cao hơn nếu dùng chung đồ ăn thức uống và các vật dụng cá nhân, hoặc sống ở khu vực lân cận với người bệnh.
Điều trị bệnh rubella
Hiện nay, vẫn chưa có thuốc đặc trị rubella. Mọi người thường chỉ tập trung vào việc cho người bệnh nghỉ ngơi, ăn uống đủ chất dinh dưỡng, bổ sung đủ nước để tăng cường sức khỏe, giúp người bệnh mau chóng khỏe lại.
Người bệnh sẽ được cho ở phòng riêng, không đi đến những nơi công cộng, đặc biệt là không tiếp xúc với phụ nữ đang mang thai để tránh lây. Phòng ốc và không gian sống của người bệnh cũng cần được vệ sinh sạch sẽ.
Phòng ngừa bệnh rubella
Bệnh rubella không những có lây lan mà còn lây lan trên diện rộng. Vì vậy, cần áp dụng những phương pháp phòng ngừa để tránh bị nhiễm bệnh.
Tiêm phòng
Cách phòng ngừa an toàn, hiệu quả và tiết kiệm nhất chính là tiêm phòng. Hiện nay, để tiện lợi hơn, người ta dùng loại vaccine 3 trong 1 MMR (vaccine ngừa được cả bệnh sởi, quai bị, rubella được tích hợp trong một liều tiêm). Ngoài MMR, MMRV cũng là loại vaccine tương tự, nhưng còn ngừa được thêm loại bệnh thứ tư là bệnh thủy đậu.
Vaccine MMRV chỉ dùng được cho trẻ từ 12 tháng tuổi đến 12 tuổi.
Đối với việc tiêm phòng vaccine (loại thường dùng MMR), có những đối tượng được xếp vào nhóm cần tiêm phòng cũng như nhóm chống chỉ định.
Những đối tượng cần tiêm phòng
- Trẻ em: Trẻ nhỏ 12-15 tháng tuổi sẽ tiêm mũi vaccine đầu tiên, đến khoảng 4-6 tuổi (trước khi nhập học cấp 1) thì tiêm mũi thứ hai
- Những người dành phần lớn thời gian trong ngày ở nơi đông người như trường học, tòa nhà văn phòng, trung tâm thương mại…
- Những người làm việc trong môi trường đặc biệt, chẳng hạn như nhân viên y tế, nhân viên vệ sinh… phải tiếp xúc với nhiều mầm bệnh gần như liên tục và lâu dài
- Phụ nữ ở độ tuổi sinh sản chưa mang thai: Vì bị bệnh rubella khi mang thai có khả năng gây ra nhiều rủi ro cho em bé trong bụng mẹ nên phụ nữ ở độ tuổi sinh sản cần tiến hành tiêm chủng trước khi mang thai ít nhất một tháng
- Du khách quốc tế: Người hay đi đó đây (với mục đích công tác, du lịch, thăm người thân…) cần đảm bảo rằng cơ thể mình có khả năng miễn dịch để không bị nhiễm bệnh và trở thành nguồn bệnh khi trở về địa phương. Nếu không rõ trong cơ thể mình có kháng thể hay không, bạn nên thực hiện xét nghiệm để có kết quả chính xác nhất và tiến hành tiêm phòng rubella nếu cần.
- Người nằm trong nhóm được xác định là có nguy cơ dễ mắc bệnh trong một đợt dịch bệnh bùng phát.
Những đối tượng thuộc nhóm chống chỉ định
- Thai phụ: Việc tiêm phòng nên được thực hiện trước khi mang thai. Phụ nữ mang thai không được tiêm vaccine để tránh những rủi ro không đáng có
- Người đang bị sốt và mắc các chứng bệnh truyền nhiễm cấp tính khác: cần chờ cho đến khi bình phục rồi mới tiêm phòng
- Người có các vấn đề về máu như thiếu máu, bệnh bạch cầu, các chứng rối loạn đông máu
- Người có thận yếu, dễ tổn thương
- Người quá mẫn với bất cứ thành phần nào của vaccine, người bị dị ứng thuốc
- Người bị suy giảm miễn dịch do gặp vấn đề sức khỏe nào đó, người đang tiến hành xạ trị, hóa trị
Phản ứng phụ khi tiêm vaccine:
- Đau nhức vùng bị tiêm trong 24 giờ
- Sốt nhẹ, ngứa, phát ban
- Sưng hạch bạch huyết
- Sốt co giật
Sau khi tiêm, cần ở lại theo dõi một thời gian để đảm bảo an toàn. Nếu bỏ về sớm thì trong trường hợp xảy ra phản ứng phụ, bệnh nhân không thể một mình xử trí kịp.
Giữ vệ sinh
Giữ vệ sinh cá nhân, phòng ở, nhà ở, xung quanh khu vực sống và nơi làm việc.
Cách ly người bệnh
Để người bệnh nghỉ ngơi và sinh hoạt ở một không gian riêng, có sự cách biệt với những người khác. Người bệnh cũng nên tránh tiếp xúc với thai phụ.
Không dùng chung vật dụng cá nhân, đồ ăn thức uống với người bệnh.
Tránh chỗ đông người
Tránh đến những nơi quá đông đúc, nhất là trong mùa dịch bệnh lây lan.