Khi mang thai, mọi hoạt động đều phải được thực hiện cẩn thận, kể cả việc tắm cũng cần được chú ý. Bà bầu tắm buổi sáng có tốt không, bà bầu nên dùng sữa tắm nào… là những thắc mắc khá phổ biến.
Tắm là hoạt động thường nhật mỗi ngày để đảm bảo vệ sinh cơ thể. Tuy nhiên, trong thời gian mang thai, hoạt động nhỏ này cũng cần được chú ý bởi nếu không nó có thể gây ra những ảnh hưởng không mong muốn. Bạn đang băn khoăn không biết bà bầu tắm buổi sáng có tốt không và bà bầu nên tắm như thế nào? Vậy hãy cùng Chúng tôi theo dõi tiếp những chia sẻ dưới đây để hiểu thêm về điều này nhé.
Bà bầu tắm buổi sáng có tốt không?
Tắm là cách đơn giản để xoa dịu cơ thể và thư giãn trong thời gian mang thai. Do đó, việc bà bầu tắm thường xuyên cũng không gây hại gì trừ khi bạn tắm bằng nước quá nóng hoặc quá lạnh. Trong thời gian mang thai, cơ thể phụ nữ trở nên rất nhạy cảm. Chính vì vậy, bạn không nên tắm vào bất cứ lthời điểm nào, đặc biệt là vào lúc sáng sớm và tối muộn bởi điều này có thể gây hại cho cả bạn lẫn bé yêu do sự thay đổi nhiệt độ.
Thời điểm thích hợp nhất để bà bầu tắm thường là cuối giờ chiều, khi mới đi làm về. Về thời gian tắm, bà bầu cũng nên cân nhắc, tránh tắm quá lâu bởi điều này dễ làm cho các mao mạch giãn nở khiến máu lên não chậm hơn. Thời gian tắm phù hợp nhất là khoảng từ 10 – 20 phút.
Cách tắm an toàn cho bà bầu theo từng giai đoạn mang thai
Khi tắm, phụ nữ mang thai cần chú ý đến nhiệt độ nước, tránh tắm nước quá nóng vì điều này có thể làm giảm huyết áp, gây chóng mặt, thậm chí gây khuyết tật bẩm sinh ở trẻ. Dưới đây là một số bí quyết tắm an toàn mà Chúng tôi đã sưu tầm để bạn tham khảo thêm:
1. Tam cá nguyệt đầu tiên
Tam cá nguyệt đầu tiên là thời điểm rất quan trọng đối với em bé vì lúc này các cơ quan của bé đã bắt đầu phát triển. Nếu nhiệt độ cơ thể bạn tăng cao, bạn có thể gặp phải một số biến chứng thai kỳ nghiêm trọng khiến bé dễ bị các dị tật bẩm sinh.
- Tắm nước ấm trong giai đoạn đầu của thai kỳ
- Không ngâm mình trong bồn tắm quá lâu
- Sử dụng các sản phẩm sữa tắm hữu cơ có nguồn gốc từ thiên nhiên, không chứa các hóa chất gây hại
- Nhiệt độ của nước không quá 39ºC.
2. Tam cá nguyệt thứ hai
Trong giai đoạn này, thai kỳ của bạn đã ổn định nhưng lúc này bụng bắt đầu to ra khiến bạn có thể gặp bất tiện trong nhiều việc.
- Kiểm tra nhiệt độ nước trước khi tắm
- Hạn chế thời gian tắm, tránh ngâm mình trong thời gian dài. Bạn cũng nên tránh tắm vòi sen quá lâu vì có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng âm đạo.
- Để giảm đau chân, bạn có thể ngâm chân trong nước nóng thay vì ngâm toàn bộ cơ thể.
3. Tam cá nguyệt thứ ba
Đây là thời điểm sắp chuyển dạ và sinh con, do đó bạn có thể cảm thấy đau nhức. Tắm là cách tuyệt vời để giúp bạn thư giãn và giảm bớt mệt mỏi. Tuy nhiên, trong giai đoạn này, khi tắm, bạn nên lưu ý một số điểm sau:
- Trong khi tắm, nếu bạn cảm thấy không thoải mái hoặc thấy quá nóng, hãy ngưng tắm ngay.
- Nếu bạn sử dụng bồn tắm, việc ra vào bồn tắm có thể khó khăn, bạn nên nhờ người thân hỗ trợ để tránh té ngã.
Những điều bà bầu cần lưu ý khi tắm
Mang thai là giai đoạn mà bà bầu phải cực kỳ cẩn thận trong mọi việc, kể cả việc tắm. Dưới đây là một số điểm mà bạn cần tránh:
- Tuyệt đối không tắm sau khi ăn no bởi tắm lúc này sẽ làm cho lượng máu cung cấp cho khoang bụng không đủ, làm ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa thức ăn. Nghiêm trọng hơn, tình trạng này có thể dẫn đến hạ đường huyết đột ngột.
- Đối với việc vệ sinh “vùng kín”, bạn chỉ nên dùng nước để rửa sạch, hạn chế sử dụng các sản phẩm dung dịch vệ sinh phụ nữ hoặc sữa tắm.
- Trước cửa phòng tắm, bạn nên lót thảm chống trượt để tránh nguy cơ té ngã.
- Nếu bạn tắm bồn, tránh tắm quá lâu, đặc biệt là trong những tháng cuối của thai kỳ bởi điều này sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn từ nước xâm nhập vào tử cung, gây viêm nhiễm cho mẹ và bé.
- Tránh sử dụng các loại sữa tắm có mùi thơm quá nồng vì điều này có thể khiến bạn bị dị ứng, gây sẩy thai.
- Tránh tắm bằng các loại nước chưa được lọc, đặc biệt là nếu bạn sống ở những khu vực mà nguồn nước bị ô nhiễm.
Bà bầu có nên tắm muối Epsom?
Muối Epsom là một dạng kết tinh của magie sunfat. Loại muối này được sử dụng khá rộng rãi và được đánh giá là an toàn với hầu hết mọi người, kể cả phụ nữ mang thai. Không những vậy, tắm muối Epsom trong thai kỳ còn đem lại một số lợi ích về sức khỏe cho bà bầu như:
- Giảm đau nhức: Muối Epsom có thể giúp tăng lưu thông máu, ngăn ngừa sự tích tụ chất lỏng trong cơ thể, do đó giúp làm dịu các cơn đau nhức trong thai kỳ như đau cơ, đau dây chằng, chuột rút…
- Tốt cho làn da: Tắm muối Epsom có thể giúp tẩy và phục hồi tế bào chết cho làn da, giúp các vết rạn trên da mờ dần.
- Hỗ trợ điều trị bệnh trĩ: Phụ nữ mang thai có nguy cơ mắc bệnh trĩ rất cao, lúc này việc ngâm mình trong bồn tắm nước ấm có muối Epsom có thể giúp bạn giảm bớt sự khó chịu do căn bệnh này gây ra.
- Ngăn ngừa tiền sản giật: Theo các nghiên cứu, bà bầu tắm muối Epsom có thể giảm 15% nguy cơ mắc chứng tiền sản giật, một biến chứng thai kỳ nguy hiểm có thể đe dọa tính mạng.
- Giảm căng thẳng: Ngâm mình trong bồn nước nóng chứa muối Epsom có thể làm tăng mức serotonin trong máu, giúp bạn ngủ ngon và cảm thấy hạnh phúc hơn.
Cách sử dụng muối Epsom: Thêm 2 cốc muối Epsom vào bồn tắm và ngâm mình trong khoảng 15 phút. Bạn cần lưu ý là tắm với nước ấm, tránh dùng nước nóng vì có thể gây nguy hiểm cho thai nhi.
Rủi ro khi tắm muối Epsom: Đa phần, bà bầu tắm muối Epsom đều an toàn, tuy nhiên nếu sử dụng nhiều có thể dẫn đến ngộ độc, gây hại cho mẹ lẫn con. Trước khi tắm muối Epsom, bạn cũng nên tham khảo ý kiến bác sĩ để chắc chắn rằng việc sử dụng sẽ không gây hại cho bạn và bé. Ngoài ra, bạn cũng cần nhớ là muối Epsom chỉ dùng để tắm, không dùng để uống hoặc tiêm vì như vậy rất nguy hiểm, có thể gây ngộ độc magie.
Trong thời gian mang thai, tắm có thể giúp bà bầu thư giãn và giảm bớt mệt mỏi. Tuy nhiên, bạn cũng cần lưu ý những điều trên để nhận được nhiều lợi ích nhất từ hoạt động này nhé.
Ngân Phạm / HELLO BACSI