Tên thường gọi: Hương phụ, củ gấu
Tên khác: Cỏ cú, sa thảo, cỏ gắm
Tên khoa học: Cyperus rotundus L.
Họ: Cói (Cyperaceae)
Tên nước ngoài: Nut grass, coco grass
Tổng quan về dược liệu hương phụ
Tìm hiểu chung về cây hương phụ
Củ gấu là một loài cỏ sống dai, cao từ 20–30cm. Thân rễ nằm bò dưới mặt đất, từng đoạn phình thành củ hình trứng, từ củ mọc lên thân khí sinh. Lá củ gấu hẹp và dài, gốc có bẹ ôm thân, đầu lá thuôn nhọn, gân chính nổi rõ. Cụm hoa nằm ở đỉnh, phân nhánh thành nhiều bông nhỏ. Mùa hoa quả của củ gấu rơi vào khoảng tháng 3–7.
Vị thuốc hương phụ chính là phần thân rễ được phơi hay sấy khô của cây củ gấu. Ở Việt Nam, củ gấu có mặt ở khắp nơi trừ vùng núi cao trên 2.000m, củ gấu biển lại mọc tập trung trên các bãi cát, đất pha cát ven biển từ Móng Cái đến Hà Tiên, ở các đảo và quần đảo như Cát Bà, Hòn Mê, Hòn, Khoai, Phú Quốc, Côn Đảo… Với hệ thống thân rễ phát triển nhanh và mạnh, củ gấu tồn tại khá lâu. Tuy nhiên, loại cây này lại ưa sáng nên nếu có một loại cây khác phát triển nhanh hơn, che phủ kín mặt đất thì củ gấu không sinh trưởng được.
Bộ phận dùng của dược liệu hương phụ
Cây củ gấu thường được thu hái lấy thân rễ để làm thuốc. Người dân hay đào vào mùa xuân nhưng đào vào mùa thu sẽ cho củ chắc và tốt hơn. Sau khi đào toàn cây, người ta phơi cho khô rồi vun thành đống để đốt, khi lá và rễ con cháy hết thì thu lấy củ để riêng, rửa sạch rồi phơi hay sấy khô. Thân rễ có hình thoi, mặt ngoài màu nâu sẫm hay nâu đen và có nhiều nếp nhăn dọc cùng đốt ngang. Mỗi đốt có lông cứng nâu hay đen và vết tích của rễ con. Dược liệu này có mùi thơm, vì đắng cay nhẹ.
Bạn có thể dùng hương phụ thô (nghĩa là củ thu được như trên rồi dùng ngay), sắc hay ngâm rượu tán bột. Ngày trước, các lương y thường chế biến phức tạp rồi mới dùng, phổ biến nhất là hương phụ thất chế (tẩm sao bằng 7 phụ liệu khác nhau) và tứ chế (tẩm sao bằng 4 phụ liệu khác nhau). Trong đó, phương pháp tứ chế được dùng phổ biến hơn với cách làm tóm gọn như sau:
- Sau khi loại bỏ hết rễ con và tạp chất, rửa sạch hương phụ, phơi ráo nước rồi chia thành 4 phần bằng nhau;
- Tẩm một phần bằng nước muối 5%, một phần bằng đồng tiện (nước tiểu trẻ em khỏe mạnh) hoặc bằng nước gừng 5%, một phần bằng giấm và một phần bằng rượu 35–40º.
- Tẩm vừa đủ ướt dược liệu, ủ riêng mỗi phần trong 12 giờ rồi sao vàng.
Khi dùng, bạn có thể để riêng từng phần hoặc trộn lẫn bốn phần với nhau tùy theo cách chữa bệnh. Theo lý luận đông y, giấm có vị chua để dẫn thuốc vào gan, muối vị mặn sẽ dẫn thuốc vào thận, rượu bốc lên dẫn thuốc đi lên trên và nước tiểu làm tăng thêm tác dụng bổ.
Hương phụ thất chế cũng làm như trên nhưng chia thêm 3 phần nữa để tẩm với nước gừng, nước cam thảo và nước vo gạo. Cách chế biến này mang lại tác dụng tốt hơn nhưng quá phức tạp nên ít người sử dụng. Những phương thức chế biến này cũng có thể thay đổi tùy theo thầy thuốc. Theo kinh nghiệm thực tế, hương phụ dù không qua chế biến vẫn mang đến những lợi ích rất tốt cho sức khỏe.
Thành phần hóa học có trong hương phụ
Trong hương phụ có chứa khoảng 0,3–2,8% tinh dầu màu vàng, mùi thơm nhẹ đặc biệt của dược liệu này. Thành phần của tinh dầu gồm có 32% cyperen, 49% rượu cyperola. Ngoài ra, còn có các flavonoid, tanin, axit béo, phenol, alkaloid, glycosid tim.
Tác dụng, công dụng của hương phụ
Hương phụ có tác dụng và công dụng gì?
Một số tác dụng dược lý của hương phụ đã được thử nghiệm và xác minh gồm:
- Tác dụng trên tử cung: ức chế co bóp tử cung, đồng thời làm giảm trương lực khi thử nghiệm trên động vật.
- Tác dụng giảm đau
- Ức chế thần kinh trung ương
- Các tác dụng khác: chống viêm, làm ra mồ hôi, lợi tiểu
Theo y học cổ truyền, hương phụ có vị cay, hơi đắng, tính bình, quy vào các kinh can, tam tiêu; có tác dụng lý khí, điều kinh, thư can, chỉ thống. Hương phụ qua những phương pháp sao tẩm khác nhau sẽ có những tính năng không giống nhau:
- Hương phụ không qua chế biến có tác dụng giải cảm;
- Sao đen có tác dụng cầm máu dùng trong trường hợp rong kinh;
- Tẩm nước muối sao chữa bệnh về huyết;
- Tẩm đồng tiện (nước tiểu trẻ em) rồi sao có tác dụng giáng hỏa trong chứng bốc nóng;
- Tẩm giấm sao giúp tiêu tích tụ, chữa các trường hợp huyết ứ, u báng;
- Tẩm rượu sao giúp tiêu đờm;
- Hương phụ tứ chế được sử dụng để chữa các chứng bệnh của phụ nữ.
Từ xưa, hương phụ đã là một vị thuốc được dùng khá phổ biến với nhận định “nam bất thiểu trần bì, nữ bất ly hương phụ”, có nghĩa là chữa bệnh cho nam giới không thể thiếu trần bì và chữa bệnh cho nữ giới thì không nên thiếu hương phụ. Do đó, dược liệu này được dùng làm thuốc điều kinh, giảm đau, chữa kinh nguyệt không đều, đau bụng kinh, viêm tử cung mạn tính và còn làm thuốc kiện tỳ vị, chữa can vị bất hòa, đau dạ dày, ăn không ngon, tiêu hóa kém, nôn mửa.
Liều dùng hương phụ
Liều dùng của hương phụ có thể khác nhau ở các người bệnh khác nhau. Liều lượng thường dựa trên tuổi, tình trạng sức khỏe và một số vấn đề cần quan tâm khác. Bạn hãy thảo luận với thầy thuốc và bác sĩ để tìm ra liều dùng thích hợp.
Liều dùng thông thường của hương phụ là bao nhiêu?
Liều dùng hàng ngày: uống 6–12g dưới dạng thuốc sắc, thuốc bột, thuốc cao hoặc thuốc viên. Thực tế, hương phụ thường được dùng phối hợp với những vị thuốc khác.
Các bài thuốc có chứa dược liệu hương phụ
Hương phụ có mặt trong những bài thuốc dân gian nào?
1. Chữa kinh nguyệt không đều, đau bụng kinh, huyết áp cao:
Hương phụ 3g, ích mẫu 3g, ngải cứu 3g, bạch đồng nữ 3g. Sắc với nước rồi chia làm 3 lần uống trong ngày. Nếu muốn kinh nguyệt đều, bạn nên uống đón kinh 10 ngày trước ngày dự đoán có kinh.
2. Chữa kinh nguyệt không đều, kinh đến muộn, bụng dưới tức đau, lúc hành kinh có cục máu tím:
Hương phụ 5g, đương quy 10g, thược dược 10g, xuyên khung 5g, ô dược 7g, ngải diệp 3g. Tất cả sắc nước uống.
3. Chữa kinh nguyệt không đều và các chứng bệnh của phụ nữ:
Hương phụ tứ chế với rượu, giấm, nước muối và nước tiểu. Về mùa xuân để 3 ngày, mùa hè 1 ngày, mùa thu 5 ngày, mùa đông 7 ngày. Sau đó rửa sạch, sấy khô, tán nhỏ, nấu giấm hồ trộn đều bột mà viên thành hạt ngô, mỗi ngày uống 10–12g.
4. Chữa băng huyết, rong kinh:
Hương phụ sao đen tán bột, mỗi lần uống 6g, ngày uống 2 lần. Nếu có kèm theo mê man, gia thêm bẹ móc đốt thành than tán bột uống với nước cơm.
5. Chữa kinh nguyệt không đều do huyết nhiệt, kinh thường thấy trước kỳ, lượng huyết nhiều màu sẫm, mùi hôi, đại tiện táo, tiểu tiện đỏ:
Hương phụ tứ chế 12g, cỏ nhọ nồi 30g, sinh địa 16g, cỏ roi ngựa 25g, ích mẫu 16g, rau má tươi 30g, ngưu tất 12g. Sắc nước uống ngày một thang.
6. Chữa dạ dày lạnh đau, nôn, ợ ra nước trong:
Hương phụ 5g, can khương 3g, mộc hương 3 g, khương bán hạ 10g. Tất cả đem sắc lấy nước uống.
7. Chữa hội chứng dạ dày:
- Hương phụ 6g, sài hồ 12g, thanh bì 8g, rau má 12g, chỉ xác 6g, trần bì 6g. Sắc nước uống, chia làm 3 lần, uống trước bữa ăn vào buổi sáng, trưa, chiều (theo phép chữa lý khí, thư can).
- Hương phụ 12g, thanh bì 12g, bồ công anh 12g, rau má 16g, lá khôi 16g, chỉ xác 12g, khổ sâm 12g, ngải cứu 8g. Sắc nước uống, chia làm 3 lần/ngày (theo phép chữa thanh can, giáng hỏa).
- Hương phụ 12g, ngải cứu 12g, ô dược 12g, tô mộc 12g, uất kim 6g, hồng hoa 6g, bồ công anh 12g. Sắc lấy nước uống (theo phép chữa hành khí hoạt huyết).
8. Chữa tiêu hóa kém:
Hương phụ (sao) 12g, vỏ quýt (sao) 12g, vỏ vối (sao) 12g, vỏ rụt (sao) 16g, chỉ xác 12g. Sắc lấy nước uống. Nếu có kèm tiêu chảy thì thêm củ riềng 8g, búp ổi 12g.
9. Chữa đau bụng, nôn mửa:
Hương phụ, riềng, gừng khô, mỗi vị lấy lượng bằng nhau rồi tán thành bột nhỏ, mỗi lần uống 6g. Ngày uống 3 lần.
Trên đây là một số bài thuốc dân gian được sưu tầm trong cuốn sách “Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam”, bạn có thể tham khảo và hỏi ý kiến từ các lương y trước khi sử dụng. Thực tế, có thể sử dụng các vị thuốc thay thế khác để chữa trị tình trạng bệnh khác nhau tùy vào sức khỏe mỗi người. Tốt nhất, bạn không nên tự ý sử dụng các dược liệu khi chưa hỏi ý kiến từ bác sĩ.
Lưu ý, thận trọng khi sử dụng hương phụ
Trước khi sử dụng hương phụ, bạn nên lưu ý những gì?
Chú ý, không dùng hương phụ cho bệnh nhân âm hư huyết nhiệt, khí hư. Nếu không có khí trệ thì không nên dùng dược liệu này.
Bạn cần cân nhắc giữa lợi ích của việc sử dụng hương phụ với nguy cơ có thể xảy ra trước khi dùng. Hãy tham khảo ý kiến tư vấn của thầy thuốc hay bác sĩ trước khi sử dụng vị thuốc này.
Mức độ an toàn của dược liệu hương phụ với các đối tượng đặc biệt
Chưa có đủ thông tin về việc sử dụng hương phụ trong thời kỳ mang thai và cho con bú. Vậy nên, bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi dùng thảo dược này.
Tương tác có thể xảy ra với hương phụ là gì?
Hương phụ có thể xảy ra tương tác với một số thuốc điều trị hoặc các sản phẩm bảo vệ sức khỏe khác mà bạn đang sử dụng. Để đảm bảo an toàn, tốt nhất bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ hoặc y sĩ y học cổ truyền về việc sử dụng hương phụ. Nếu có bất kỳ tác dụng không mong muốn nào xảy ra, hãy thông báo ngay cho bác sĩ.
Chúng tôi không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.