Đục thủy tinh thể là một căn bệnh về mắt phổ biến ở những người lớn tuổi. Vậy nguyên nhân gây đục thủy tinh thể là gì và cách điều trị bệnh ra sao?
Nếu mắt bạn có những dấu hiệu như tầm nhìn bị mờ và đục, có thể bạn đã mắc chứng bệnh đục thủy tinh thể. Bệnh có thể gây ra nhiều tác động xấu đến mắt, thậm chí là mù lòa. Tuy nhiên, không phải là không có cách để ngăn ngừa và khắc phục căn bệnh này. Mời bạn tìm hiểu rõ vấn đề trên nhé.
Nguyên nhân gây bệnh đục thủy tinh thể
Bệnh đục thủy tinh thể là tình trạng mà phần trong suốt của thủy tinh thể trở nên mờ đục, ngăn cản các tia sáng đi vào mắt và gây suy giảm thị lực. Sau đây là một số nguyên nhân chính gây đục thủy tinh thể:
- Do tuổi già. Bạn có thể mắc chứng đục thủy tinh thể khi cơ thể trở nên lão hóa;
- Do bẩm sinh. Bệnh có thể xảy ra đối với trẻ sơ sinh do nhiễm trùng, chấn thương hoặc do thai nhi phát triển không bình thường trong tử cung. Trong nhiều trường hợp, đục thủy tinh thể có thể hình thành từ thời thơ ấu;
- Bệnh có thể phát sinh từ việc điều trị các loại bệnh khác như tiểu đường hoặc từ những chất độc hại xung quanh, ánh xạ cực tím, bức xạ hay từ việc sử dụng các loại thuốc như thuốc kháng viêm hoặc thuốc lợi tiểu;
- Chấn thương mắt. Các dạng đục thủy tinh thể có thể xảy ra sau khi bị chấn thương ở mắt.
Những yếu tố khác có thể làm gia tăng nguy cơ xảy ra bệnh như hút thuốc, ô nhiễm môi trường và uống rượu bia nhiều.
Các triệu chứng của bệnh
Bệnh đục thủy tinh thể thường phát triển rất chậm, vì vậy mà có thể bạn sẽ không biết mình mắc bệnh cho đến khi mắt bị mờ đi đáng kể. Do vậy, bạn cần chú ý những dấu hiệu sau để sớm phát hiện ra bệnh:
- Thị lực giảm, nhìn mờ đi và cảm giác có một làn sương đục che phủ;
- Cận thị (ở người cao tuổi);
- Không nhìn rõ màu sắc;
- Khó khăn trong việc lái xe vào ban đêm (không thấy rõ đèn pha chiếu tới);
- Thị lực giảm vào ban ngày.
Bệnh được chẩn đoán như thế nào?
Bạn sẽ được chẩn đoán tình trạng đục thủy tinh thể thông qua việc khám lâm sàng. Bác sĩ cũng sẽ kiểm tra đồng tử và các bộ phận khác của mắt để phát hiện ra thủy tinh thể. Ngoài ra, khi đến phòng khám, bạn hãy nhớ mang theo mắt kính hay kính áp tròng nhé.
Cách điều trị
Nếu đeo mắt kính hoặc kính áp tròng có thể điều chỉnh tầm nhìn của mắt, bác sĩ sẽ kê đơn kính thuốc để bạn điều trị.
Trong nhiều trường hợp, bạn cần phẫu thuật để loại bỏ thủy tinh thể. Tuy nhiên, bạn đừng quá lo lắng, vì hầu hết các bệnh nhân thực hiện phẫu thuật này có thể về ngay trong ngày với tỷ lệ thành công thường rất cao.
Bệnh có thể phòng tránh được không?
Hiện các bác sĩ vẫn không biết chính xác nguyên nhân gây ra bệnh đục thủy tinh thể nên chưa có cách nào để ngăn ngừa bệnh. Tuy nhiên, dưới đây là một số gợi ý giúp giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh:
- Bạn nên kiểm tra mắt thường xuyên để phát hiện bệnh đục thủy tinh thể và các vấn đề khác về mắt ở giai đoạn đầu. Người lớn nên khám mắt định kỳ ít nhất hai năm một lần. Nếu bạn ở trong độ tuổi từ 50 trở lên, bạn nên kiểm tra mắt mỗi năm một lần. Việc theo dõi tình trạng của mắt rất quan trọng, do vậy bạn cần báo cho bác sĩ biết tiền căn bệnh về mắt của gia đình bạn hoặc những thứ có thể gây hại hoặc gây tổn thương cho mắt mà bạn đã tiếp xúc;
- Bạn nên dừng hút thuốc;
- Bạn nên thực hiện một kế hoạch điều trị khoa học nếu bạn mắc bệnh tiểu đường hoặc những căn bệnh khác khiến gia tăng nguy cơ mắc bệnh đục thủy tinh thể;
- Bạn cũng nên áp dụng một chế độ ăn lành mạnh gồm nhiều loại trái cây và rau quả để cung cấp thêm nhiều vitamin và chất dinh dưỡng cho cơ thể, đặc biệt giúp duy trì sức khỏe đôi mắt;
- Tia cực tím từ ánh nắng mặt trời làm gia tăng sự phát triển của bệnh. Do đó, mang kính râm giúp mắt tránh những tia cực tím UVB khi bạn ở ngoài trời;
- Bạn nên giảm sử dụng nhiều bia rượu bởi vì điều này có thể làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh đấy.
Trên đây là những thông tin cơ bản về những nguyên nhân, dấu hiệu và cách phòng ngừa bệnh đục thủy tinh thể. Hy vọng bạn sẽ tìm được những liệu pháp điều trị và cách phòng ngừa bệnh phù hợp nhất để có một đôi mắt luôn khỏe mạnh nhé.