Sa sút trí tuệ là tình trạng tập hợp các triệu chứng xảy ra do hàng loạt nguyên nhân. Dấu hiệu sa sút trí tuệ là những biểu hiện cho thấy bạn đang suy yếu khả năng suy nghĩ, giao tiếp và trí nhớ.
Nếu bạn hoặc người thân của bạn đang gặp các vấn đề về trí nhớ, rất có thể bạn (hoặc người thân) đã mắc phải chứng mất trí nhớ. Song điều đó không có nghĩa là bạn bị sa sút trí tuệ. Sở dĩ như vậy vì chứng sa sút trí tuệ cần hội tụ đủ 2 yếu tố. Thứ nhất là khó ghi nhớ. Thứ hai là gặp khó khăn bất thường trong những hoạt động như giao tiếp, tư duy, lý luận.
Dưới đây là 10 dấu hiệu sa sút trí tuệ bạn dễ nhận thấy nhất.
1. Mất trí nhớ tạm thời
Thỉnh thoảng, việc gặp khó khăn khi cố gắng ghi nhớ một điều gì đó có thể là dấu hiệu sớm của chứng sa sút trí tuệ. Điều này chỉ diễn ra chóng vánh và có xu hướng liên quan đến những sự kiện, hoạt động gần. Ví dụ quên nơi để một món đồ nào đó, không nhớ mình làm một việc gì đó vì điều gì hoặc quên một vài điều bản thân phải làm mỗi ngày như rửa mặt, chải đầu…
2. Gặp khó khăn khi sử dụng từ ngữ
Một biểu hiện ban đầu khác của dấu hiệu sa sút trí tuệ là rối loạn ngôn ngữ hoặc cố gắng dùng ngôn ngữ để diễn đạt suy nghĩ của mình. Người bị sa sút trí tuệ sẽ gặp khó khăn khi muốn giải thích điều gì đó hoặc tìm từ ngữ phù hợp để thể hiện bản thân.
Với người bị sa sút trí tuệ, một cuộc trò chuyện sẽ cần nhiều thời gian hơn để trao đổi và để rút ra kết luận.
3. Dấu hiệu sa sút trí tuệ: Thay đổi tâm trạng thất thường
Thay đổi tâm trạng thất thường cũng là một dấu hiệu sa sút trí tuệ dễ nhận thấy trong giai đoạn đầu. Nếu bạn mắc chứng sa sút trí tuệ, bạn sẽ thường không hiểu mình thật sự muốn điều gì. Những người xung quanh cũng khó lòng đáp ứng nhu cầu cảm xúc của bạn.
Cùng với việc thay đổi tâm trạng thất thường, người bị sa sút trí tuệ cũng có thể biểu hiện những thay đổi trong tính cách. Ví dụ, họ có thể thay đổi từ tính ngại ngùng sang kiểu hướng ngoại hoặc ngược lại.
4. Thờ ơ, lãnh đạm
Thờ ơ, lãnh đạm với mọi thứ xung quanh là một trong những dấu hiệu sa sút trí tuệ thường gặp. Bệnh nhân sẽ thấy không hứng thú với những hoạt động mà trước kia họ yêu thích. Họ cũng không muốn tiếp xúc với thế giới bên ngoài hoặc làm một việc gì đó để bản thân cảm thấy vui vẻ. Điều này sẽ khiến họ bị mất cân bằng cảm xúc, ít thiết tha với các mối quan hệ xung quanh.
5. Khó khăn khi muốn hoàn thành các nhiệm vụ đơn giản thường ngày
Sự thay đổi nhỏ trong khả năng hoàn thành các nhiệm vụ bình thường có thể là dấu hiệu sa sút trí tuệ. Đó có thể là tổng hợp số liệu hoặc một việc gì đó cần vận dụng, kích thích trí não.
Thỉnh thoảng, người bệnh phải rất cố gắng để hoàn thành những nhiệm vụ quen thuộc và nỗ lực nhiều hơn trước kia nếu muốn học cách làm những điều mới.
6. Thường xuyên nhầm lẫn
Với một số người, dấu hiệu sa sút trí tuệ trong giai đoạn đầu có thể là thường xuyên nhầm lẫn khi nhận thức sự việc. Khi năng lực ghi nhớ, suy nghĩ hoặc phán đoán giảm sút, sự nhầm lẫn sẽ xảy ra. Bệnh nhân có thể không nhớ nét mặt của người quen, không thể tìm được từ ngữ đúng với hoàn cảnh hoặc hạn chế khả năng tương tác với người khác.
Không những thế, sự nhầm lẫn còn có thể xảy ra trong cuộc sống sinh hoạt thường ngày như lấy nhầm chìa khóa xe, mang nhầm giày/dép, quên những việc sẽ làm tiếp trong ngày hoặc gặp khó khăn khi cố nhớ một ai đó mà họ đã gặp trước đó.
7. Khó đi theo diễn biến câu chuyện
Điều này giống như việc bạn rất khó đi theo dòng sự kiện hoặc nắm bắt nội dung chính của một cuộc hội thoại, một chương trình tivi nào đó. Đây cũng là biểu hiện “kinh điển” sớm xảy ra ở người bị sa sút trí tuệ.
8. Khó định hướng đường đi
Với nhiều người, khó xác định phương hướng đường đi sẽ là bình thường nếu nó thuộc về năng lực định hướng. Song nếu trước đây bạn rất dễ xác định phương hướng nhưng khả năng này lại mai một theo thời gian thì có thể bạn đang gặp chứng sa sút trí tuệ.
Biểu hiện khó định hướng có thể là không nhận ra các điểm mốc nổi bật hoặc quên hẳn hướng đi dù bạn thường xuyên di chuyển trên cung đường đó.
9. Bị lặp đi lặp lại một hành động
Sự lặp lại là biểu hiện phổ biến của chứng sa sút trí tuệ. Người bệnh có thể làm đi làm lại một công việc, một hành vi trong ngày như cạo râu, đánh răng, quét nhà… Họ cũng có thể lặp lại những câu hỏi tương tự dù đã được trả lời.
10. Mất hoặc giảm khả năng thích nghi với sự thay đổi
Ở nhiều trường hợp, dấu hiệu sa sút trí tuệ trong giai đoạn đầu có thể là sợ hãi hoặc hoang mang với bất kỳ sự thay đổi nào đó trong cuộc sống của họ.
Thời điểm này, họ không muốn hoặc sợ những trải nghiệm mới và luôn khao khát về những điều đã trở thành thói quen của họ. Đó có thể là đi trên con đường quen thuộc để về nhà, mua sắm ở một địa điểm quen thuộc…
Xét đến yếu tố lão hóa, đây là những biểu hiện bình thường của tuổi già. Song chúng có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác dù tuổi đời bạn còn rất trẻ. Yếu tố có liên quan lớn nhất là stress, mệt mỏi thường xuyên. Dù vì lý do gì, bạn cũng không nên bỏ qua những dấu hiệu sa sút trí tuệ vừa nêu. Bạn hãy đến bệnh viện để bác sĩ chẩn đoán tình trạng và tìm hướng cải thiện phù hợp.
Tại bệnh viện, bác sĩ có thể chỉ định bạn thực hiện một số thủ tục y tế như khám thần kinh, xét nghiệm máu hoặc xét nghiệm hình ảnh não. Nếu kết quả chẩn đoán xác định bạn mắc chứng sa sút trí tuệ, bác sĩ sẽ tư vấn các phương pháp điều trị bao gồm thuốc, đào tạo nhận thức hoặc trị liệu tâm thần.
Trương Phương Đài / HELLO BACSI