Dị ứng với trứng gà là một trong những tình trạng phổ biến ở trẻ em. Trên thế giới, trung bình có khoảng 2% trẻ mắc dị ứng nhưng lại có đến 70% trẻ khỏi bệnh trước 16 tuổi.
Triệu chứng dị ứng với trứng thường đi từ cấp độ nhẹ là nổi mề đay đến cấp độ nguy hiểm như sốc phản vệ. Do đó, bố mẹ cần quan sát kỹ xem con có bị dị ứng mỗi khi ăn trứng không để cho con chủng ngừa cúm thích hợp.
Mối liên hệ giữa dị ứng trứng gà với tiêm ngừa cúm
Vắc xin ngừa cúm có chứa một lượng nhỏ protein trứng gà. Do đó, để đảm bảo bé không bị dị ứng, bố mẹ cần phải cân nhắc trước khi tiêm. Tuy nhiên, xác suất bị dị ứng rất thấp vì hiện nay đã có những liều tiêm ngừa không chứa protein nói trên.
Đa phần chủng vi sinh vật mang mầm bệnh dùng để làm vắc xin ngừa cúm được lấy từ loài chim. Trong quá trình chế tạo vắc xin, bác sĩ thường dùng trứng để làm môi trường nuôi cấy vi sinh. Mặc dù vi sinh vật được lấy khỏi trứng trước khi thành vắc xin nhưng lượng nhỏ protein trứng vẫn có thể tồn tại trong thuốc.
Các nhà nghiên cứu đang nỗ lực cải tiến quy trình để làm giảm lượng protein trứng ở mức thấp nhất trong loại vắc xin truyền thống.
Nếu vẫn tiêm, bé có thể mắc những nguy cơ nào?
Việc bé có mắc phải nguy cơ nào khác hay không tùy thuộc vào tình trạng dị ứng của trẻ. Tuy nhiên, nguy cơ xảy ra phản ứng dị ứng là rất thấp hoặc triệu chứng dị ứng thường rất nhẹ.
Nếu trẻ bị dị ứng trứng gà nghiêm trọng, bạn cần cân nhắc trước khi tiêm vắc xin ngừa cúm, đặc biệt khi gặp phải các triệu chứng sau:
- Buồn nôn;
- Nôn, ói;
- Gặp khó khăn khi hô hấp như khó thở;
- Sốc phản vệ.
Ngoài ra, vắc xin ngừa cúm dạng xịt (Flu Mis) cũng rất an toàn cho trẻ. Theo nghiên cứu mới đây, khoảng 282 trẻ nhỏ dị ứng trứng gà được tiêm vắc xin ngừa cúm dạng xịt. Hầu hết những đứa trẻ này không có triệu chứng mẫn cảm và 25% trẻ có những phản ứng nhẹ như nghẹt mũi, khó thở, bùng phát eczema. Cũng có trường hợp trẻ không mắc triệu chứng nào cả.
Mới đây, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) khuyến cáo trẻ dị ứng trứng gà nên tiêm vắc xin ngừa cúm ở bệnh viện hoặc trung tâm y tế địa phương. Trẻ cần phải ở lại nơi tiêm ngừa khoảng 30 phút sau khi tiêm để bác sĩ tiện theo dõi và kiểm tra các triệu chứng.
Những biểu hiện thường gặp
Đa số trẻ dị ứng trứng gà sau khi tiêm chủng sẽ xuất hiện một số biểu hiện nhẹ bao gồm:
- Nghẹt mũi
- Nổi mề đay;
- Ngứa phát ban;
- Cảm giác đau dây thần kinh ở khoang miệng.
Khi bé có những biểu hiện trên, bố mẹ có thể cho bé dùng thuốc kháng histamin để giảm nhẹ triệu chứng cho bé. Tốt nhất, bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi cho bé sử dụng thuốc.
Đối với tình trạng nghiêm trọng hơn như: hen, khó thở hoặc bị sưng ở miệng, bạn cần phải thật cẩn trọng vì đây là dấu hiệu trước khi bị sốc phản vệ. Do đó, bạn nên đưa trẻ đến trung tâm y tế gần nhất để kịp thời tiêm epinephrine (EpiPen).
Thật sự có loại chủng ngừa cúm không chứa protein trong trứng?
Không phải tất cả các loại vắc xin ngừa cúm đều chứa protein trong trứng. Theo nghiên cứu mới nhất, hiện nay đã có 2 loại vắc xin mới không chứa protein trong trứng nhờ kỹ thuật nuôi cấy tế bào:
- Flubok được làm từ virus của côn trùng;
- Flucelvax được dùng bằng kỹ thuật nuôi cấy tế bào chứa rất ít virus.
Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã công bố cho phép sử dụng 2 loại chủng trên từ năm 2013. Đối với người dị ứng nặng, bác sĩ khuyên dùng chủng Flubok. Còn với người dị ứng nhẹ, nên dùng loại Flucelvax. Bác sĩ sẽ giữ bạn lại để kiểm tra sau khi tiêm chủng Flucelvax.
Tiêm chủng ngừa cúm cho trẻ vẫn là cách tốt nhất và an toàn để phòng tránh bệnh cúm có nguy cơ gây hại tính mạng. Việc tuân thủ theo quy tắc tiêm chủng sẽ mang lại lợi ích tốt nhất cho sức khỏe của bé.