Tìm hiểu chung
Phẫu thuật cố định tinh hoàn là gì?
Phẫu thuật cố định tinh hoàn là một phẫu thuật để đem tinh hoàn của bạn trở xuống bìu. Khi còn đang ở trong bụng mẹ, tinh hoàn nằm trong ổ bụng của bé trai và phát triển dần tại đó. Tinh hoàn sau đó thường tự di chuyển xuống bìu vào tuần 35 của thai kỳ. Đôi khi, trong những trường hợp bất thường, tinh hoàn của con bạn không đi xuống bìu được và nằm lại trong ổ bụng.
Khi nào con bạn nên thực hiện phẫu thuật cố định tinh hoàn?
Phẫu thuật cố định tinh hoàn thường là cần thiết nếu tinh hoàn của con bạn vẫn không tự di chuyển xuống bìu khi bé đã được sáu tháng tuổi. Nếu tinh hoàn vẫn không di chuyển xuống đúng vị trí bình thường của nó, con bạn sẽ có nguy cơ xảy ra những vấn đề sức khỏe, bao gồm:
- Xoắn tinh hoàn (là tình trạng khi mà dây thừng tinh-bộ phận cung cấp máu nuôi cho tinh hoàn của con bạn bị vặn và xoắn lại);
- Thoát vị: quai ruột chui qua cùng một lỗ mà lẽ ra là dành cho tinh hoàn của con bạn dùng để di chuyển xuống bìu;
- Giảm chức năng sinh sản của tinh hoàn: bởi vì nhiệt độ cơ thể ở trong ổ bụng là cao hơn ở bìu và điều này có thể ảnh hưởng đến khả năng sản xuất tinh trùng của tinh hoàn.
- Nguy cơ ung thư tinh hoàn;
- Con bạn kém tự tin vì vấn đề thẩm mỹ.
Điều cần thận trọng
Bạn nên biết những gì trước khi thực hiện phẫu thuật cố định tinh hoàn?
Có thể có nhiều lý do tại sao tinh hoàn của con bạn không di chuyển xuống bìu. Thông thường, những nguyên nhân này sẽ không được xác định rõ.
Một loại phẫu thuật được gọi là phẫu thuật cố định tinh hoàn sẽ được thực hiện nếu tinh hoàn không tự di chuyển xuống sau sáu tháng tuổi. Phẫu thuật này cần được thực hiện để giảm bớt các nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của con bạn về sau.
Phẫu thuật cố định tinh hoàn là một thủ thuật trong ngày, nghĩa là con trai của bạn thường sẽ được về nhà trong cùng ngày phẫu thuật.
Trước khi tiến hành phẫu thuật, bạn nên hiểu rõ các cảnh báo và lưu ý. Nếu bạn có bất cứ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để có thêm thông tin và hướng dẫn cụ thể.
Liệu có biến chứng nào có thể xảy ra hay không?
Như bất kỳ phẫu thuật nào khác, phẫu thuật cố định tinh hoàn cũng sẽ có một số nguy cơ nhất định. Bạn nên trao đổi với bác sĩ phẫu thuật để được giải thích xem các nguy cơ này sẽ có tác động như thế nào đến sức khỏe của bạn.
Biến chứng có thể xảy ra với mọi phẫu thuật là phản ứng không mong muốn với thuốc gây mê, chảy máu nhiều hoặc tạo cục máu đông (huyết khối tĩnh mạch sâu).
Riêng với phẫu thuật cố định tinh hoàn, con bạn còn có thể bị các biến chứng:
- Tạo khối phình bên dưới vết thương;
- Teo tinh hoàn;
- Tinh trùng bị chặn không ra đến dương vật được;
- Các tinh hoàn được cố định không tốt bị trở về lại vị trí trong ổ bụng con bạn;
- Sự giảm khả năng sinh sản của tinh hoàn được đưa xuống.
Bạn có thể giảm nguy cơ biến chứng cho con bạn bằng cách cẩn thận làm theo hướng dẫn của bác sĩ để chuẩn bị cho ca phẫu thuật, chẳng hạn như nhịn ăn và ngưng một số thuốc nhất định.
Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các biến chứng có thể xảy ra, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn và giải đáp.
Quy trình thực hiện
Bạn nên làm gì trước khi thực hiện phẫu thuật cố định tinh hoàn?
Con bạn sẽ được hướng dẫn rõ ràng về những điều cần làm trước khi phẫu thuật như việc liệu bé có được ăn gì trước đó hay không. Trong hầu hết các trường hợp, con của bạn nên bắt đầu nhịn ăn khoảng sáu giờ trước khi làm thủ thuật.
Quy trình thực hiện phẫu thuật cố định tinh hoàn như thế nào?
Phẫu thuật này được thực hiện dưới gây mê và thường mất từ 45 phút đến 1 giờ.
Bác sĩ thường thực hiện phẫu thuật thông qua một đường rạch ở bẹn và một đường rạch nhỏ trên bìu. Họ sẽ gỡ tinh hoàn khỏi vị trí của nó trong ổ bụng và đem xuống bìu để cố định lại.
Nếu phẫu thuật viên nhận thấy tinh hoàn nhỏ và hầu như không có khả năng thực hiện chức năng sinh sản, họ thường sẽ cắt bỏ nó.
Hồi phục sức khỏe
Bạn nên làm gì sau khi thực hiện phẫu thuật cố định tinh hoàn?
Con bạn sẽ được về nhà trong ngày và có thể quay lại trường học sau khoảng một tuần. Ngoài ra, bạn không nên để trẻ chơi thể thao hoặc lái xe đạp trong vòng sáu tuần.
Nếu bạn có bất cứ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn và giải đáp.
Chúng tôi không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.