Trong cuộc sống, căng thẳng luôn dễ dàng tìm đến bạn từ những nhu cầu cá nhân, công việc và cuộc sống gia đình. Nhiều nghiên cứu cho thấy luôn có một mối quan hệ giữa căng thẳng và bệnh tật. Một phần là bởi vì cách chúng ta làm giảm căng thẳng như hút thuốc lá hoặc ăn quá nhiều, sẽ gây nhiều tác động xấu tới sức khỏe. Đồng thời đây cũng là một trong những nguyên nhân gây ra mụn trứng cá.
Vậy chính xác căng thẳng là gì?
Từ “căng thẳng” (stress) được dùng để chỉ một loạt các trạng thái lo âu cũng như phản ứng của chúng ta đối với những trạng thái ấy. Nói cách khác, chúng còn có nghĩa là những áp lực về tâm lý và tình cảm. (1) (2)
Căng thẳng là vấn đề hoàn toàn khác nhau ở mỗi người. Ví dụ lúc lái xe, trong khi một số người lại cảm thấy thoải mái vì họ có thể thư giãn và nghe đài radio hay nghe nhạc, thì một số khác lại cảm thấy rất căng thẳng vì tình trạng giao thông.
Sự ra đi của một người thân, ly dị, mất việc và các vấn đề tài chính là những nguyên nhân phổ biến nhất gây căng thẳng. Tuy nhiên, những sự kiện hạnh phúc cũng có thể gây căng thẳng, như có con hoặc bước vào đời sống hôn nhân. (3)
Căng thẳng ảnh hưởng đến cơ thể như thế nào?
Khi bạn bị căng thẳng, nhịp tim tăng lên, cơ tim tăng co bóp và bạn bắt đầu thở nhanh hơn. Cơ thể bạn đang giải phóng hormone căng thẳng như cortisol, epinephrine và adrenaline.
Năm 2003, một nghiên cứu của Đại học Stanford được công bố trên Archives of Dermatology cho thấy sinh viên đại học thường bị nổi mụn trong giai đoạn thi cử, là thời gian khá căng thẳng trong thời kì sinh viên. Các nhà nghiên cứu kết luận rằng mức độ nghiêm trọng của mụn trứng cá sẽ tệ hơn rất nhiều cùng với sự gia tăng căng thẳng.
Căng thẳng ngắn hạn
Căng thẳng có ảnh hưởng đến cơ thể cả ngắn hạn và dài hạn. Căng thẳng ngắn hạn, thở nhanh hơn có thể gây bộc phát cơn hen ở bệnh nhân hen suyễn. Nhịp tim nhanh có thể gây đau tim ở một số người, dù bạn có thể bị hoảng sợ mà có cảm giác giống như bị đau tim. Bạn cũng có thể cảm thấy dạ dày khó chịu hơn khi bạn căng thẳng, hoặc trường hợp nặng hơn là gây nôn mửa hoặc tiêu chảy.
Căng thẳng dài hạn
Căng thẳng lâu dài có thể gây tổn thương vĩnh viễn ở bất cứ vị trí nào trong cơ thể. Hệ tim mạch, hệ nội tiết và hệ tiêu hóa của bạn đều bị ảnh hưởng do căng thẳng liên tục. Các bệnh như bệnh Crohn và bệnh đa xơ cứng (MS) có thể làm căng thẳng trầm trọng hơn. Còn đối với mụn, nó có nặng lên hay không thì phụ thuộc vào mỗi người.
Căng thẳng có một số phản ứng trên da. Ví dụ, một số người nổi mề đay khi bị stress. Ngoài ra, stress có thể làm nặng hơn nhiều bệnh da như bệnh vẩy nến. Nhưng khi nói đến mụn trứng cá thì không có nhiều thông tin khách quan nghiên cứu về mối liên hệ giữa mụn và stress.
Những thói quen xấu nào ngoài căng thẳng khiến tình trạng mụn tệ hơn?
Khi bị căng thẳng, một số thói quen xấu để vượt qua căng thẳng như hút thuốc lá, ăn quá nhiều hay ăn đồ ngọt thường trở nên tồi tệ hơn, và có thể ảnh hưởng đến mụn trứng cá. Việc tiêu thụ nhiều đường chế biến làm tăng sản xuất insulin quá nhiều, quá trình này làm tăng sản xuất bã nhờn, làm mụn trứng cá nặng hơn.
Ngoài ra, việc chăm sóc da quá mức cũng có thể gây ra tình trạng kích ứng da làm da nổi sần, mụn hay đen sạm, thiếu sức sống.
Tìm hiểu thêm: 8 thói quen xấu là nguyên nhân gây mụn mà bạn không ngờ tới!
Bạn có thể làm gì để cảm thấy tốt hơn?
Nếu mụn làm bạn căng thẳng, bạn có thể dùng các phương pháp điều trị. Mụn gây ra do những tuyến nang lông bị tắc, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển trên đó. Phương pháp điều trị hiệu quả nhất là diệt vi khuẩn và tẩy da chết.
Có một số phương pháp điều trị tại chỗ là thuốc bôi không cần kê toa có tác dụng diệt khuẩn, thường có bán sẵn ở các hiệu thuốc, cũng như các loại thuốc cần toa bác sĩ trong những trường hợp không đáp ứng điều trị thông thường. Bạn cũng có thể tự tẩy tế bào chết mỗi khi rửa mặt, bằng các sản phẩm tẩy tế báo chết thông dụng.
Tất nhiên, mụn trứng cá sẽ không biến mất sau một đêm. Vì vậy, nếu bạn vẫn lo lắng, hãy thử một số kỹ thuật thư giãn, sẽ giúp bạn cảm thấy tốt hơn ngay cả khi da đã sạch mụn. Thiền có nhiều tác dụng tích cực đối với sức khỏe và cuộc sống, nhưng nếu thời gian không đủ bạn có thể thử năm phút thở tập trung. Tập thể dục hoặc làm những việc bạn thích cũng sẽ giúp xua tan căng thẳng.