Khớp thái dương – hàm hoạt động giống như một khớp nối có thể trượt qua lại, có chức năng nối xương hàm với hộp sọ và khớp này nằm ở mỗi bên hàm. Rối loạn khớp thái dương – hàm hoặc rối loạn các cơ quai hàm thường gây ra cảm giác đau ở các khớp ở quai hàm và các cơ điều khiển chuyển động hai hàm.
Rối loạn khớp thái dương – hàm có triệu chứng gì?
Các triệu chứng của hội chứng rối loạn khớp thái dương – hàm bao gồm:
- Cảm giác đau và nhạy cảm ở hàm;
- Đau ở một hoặc hai bên khớp nối thái dương hàm;
- Cảm giác đau nhói quanh vùng tai;
- Gặp khó khăn hoặc cảm thấy đau khi nhai thức ăn;
- Cảm giác đau nhói vùng mặt;
- Cứng khớp ở hai hàm gây khó khăn khi đóng và mở miệng.
Ngoài ra, rối loạn khớp thái dương – hàm còn có thể tạo ra âm thanh lùng bùng hoặc cảm giác khó chịu khi bạn mở miệng hoặc nhai thức ăn.
Nguyên nhân nào gây ra tình trạng rối loạn khớp thái dương – hàm?
Các khớp thái dương hàm kết hợp chức năng của một khớp nối với các chuyển động trượt qua lại. Các bộ phận của xương tương tác trong khớp này được bao phủ bởi sụn và phân tách nhờ các đĩa đệm có chức năng duy trì sự chuyển động uyển chuyển nhẹ nhàng của hai hàm.
Do đó, cơn đau do rối loạn khớp thái dương hàm có thể xảy ra nếu như đĩa đệm bị mòn hoặc lệch ra khỏi vị trí thích hợp, các khớp sụn bị tổn thương do chứng viêm khớp và các tác động khác làm tổn thương khớp nối hàm như cắn chặt hàm hoặc nghiến răng, đặc biệt là khi bạn căng thẳng; răng mọc lệch lạc và răng không khớp nhau.
Khi nào bạn cần đi gặp bác sĩ?
Bạn nên tìm sự trợ giúp y khoa từ các bác sĩ nếu như cơn đau hoặc cảm giác nhạy cảm kéo dài ở hàm hoặc bạn không thể mở hoặc đóng miệng hoàn toàn. Khi đó, bạn nên đi khám các bác sĩ, nha sĩ hoặc chuyên gia về rối loạn khớp thái dương hàm vì họ có thể giúp tìm ra những nguyên nhân gây ra rối loạn cũng như các phương pháp điều trị cho vấn đề của bạn hiệu quả.
Các phương pháp không dùng thuốc nào có thể điều trị chứng rối loạn khớp thái dương – hàm?
Trong một vài trường hợp, những triệu chứng của rối loạn này có thể tự biến mất mà không cần điều trị. Tuy nhiên, nếu cơn đau và các triệu chứng khác của bạn kéo dài dai dẳng, các bác sĩ có thể đề nghị cho bạn một vài những sự lựa chọn phương pháp điều trị khác nhau và có thể kết hợp chúng cùng một lúc.
Các liệu pháp điều trị hội chứng này mà không cần dùng thuốc bao gồm:
Máng bảo vệ hàm
Thông thường việc đeo một thiết bị cứng hoặc mềm cấy vào răng có tác dụng đáng kể trong việc giảm cơn đau hàm.
Trị liệu thể chất
Các phương pháp điều trị có thể sử dụng sóng siêu âm, nhiệt ẩm và đá lạnh kết hợp với các bài tập trị liệu để kéo giãn và làm khỏe cơ hàm.
Châm cứu
Một chuyên gia châm cứu sẽ dùng những cây kim mỏng để châm vào những huyệt đạo cụ thể trên cơ thể bạn để hạn chế sự đau đớn.
Các phương thức thư giãn
Bạn nên thở chậm rãi và hít thở thật sâu vì cách này có thể giúp bạn thư giãn các cơ căng thẳng và làm giảm nhẹ cơn đau.
Phương pháp phản hồi sinh học
Các thiết bị điện tử giúp kiểm soát độ căng của một số các cơ nhất định có thể giúp bạn luyện tập các bài tập thư giãn một cách hiệu quả hơn.
Loại thuốc nào dùng để điều trị tình trạng rối loạn khớp thái dương – hàm?
Cùng với những phương pháp điều trị không phẫu thuật khác thì việc sử dụng các loại thuốc có thể làm giảm nhẹ cơn đau gây ra do rối loạn khớp thái dương- hàm. Một số loại thuốc có thể được kê đơn trong quá trình điều trị bao gồm:
Các loại thuốc giảm đau và kháng viêm
Nếu những loại thuốc không cần kê toa không đủ mạnh để giảm nhẹ sự đau đớn của bạn, các bác sĩ hoặc nha sĩ có thể sẽ kê đơn những loại thuốc giảm đau với liều mạnh hơn. Ví dụ như những thuốc chống viêm không steroid như ibuprofen có thể được.
Thuốc chống trầm cảm 3 vòng
Những loại thuốc như amitriptyline được sử dụng phần lớn để điều trị bệnh trầm cảm nhưng thỉnh thoảng nó cũng phát huy tác dụng đáng kể trong việc giảm đau.
Thuốc giãn cơ
Các bác sĩ thông thường chỉ sử dụng những loại thuốc này trong một vài ngày hoặc vài tuần để giúp giảm cơn đau gây ra do rối loạn khớp thái dương – hàm.
Bác sĩ còn dùng những phương pháp nào để điều trị tình trạng này?
Khi tất cả những phương pháp kể trên không có tác dụng, các bác sĩ có thể tiến hành những phương thức sau đây:
Chọc khớp
Đây phương pháp xâm lấn tối thiểu. Bác sĩ sẽ cấy ghép những cây kim nhỏ vào trong khớp để rửa trôi các chất dịch ở khớp nhằm loại bớt các sản phẩm của quá trình viêm sưng ra ngoài.
Thuốc tiêm
Đối với một số người, việc tiêm cortisone vào các khớp có tác dụng làm giảm các phản ứng phòng vệ tự nhiên của cơ thể và làm giảm các triệu chứng sưng tấy khá hiệu quả. Ngoài ra tiêm botox vào các cơ hàm có khả năng giảm đau do hội chứng rối loạn khớp thái dương – hàm trong lúc nhai.
Phẫu thuật nội soi khớp hàm
Trong một vài trường hợp, phẫu thuật khớp hàm là một phẫu thuật khớp mở rất hiệu quả để điều trị các loại rối loạn khớp thái dương- hàm. Các bác sĩ sẽ đặt lần lượt một chiếc ống thông, kính soi khớp và những dụng cụ phẫu thuật vào bên trong khớp. Phẫu thuật nội soi khớp hàm là loại phẫu thuật ít rủi ro và các biến chứng hơn các loại phẫu thuật mở khác tuy nhiên nó cũng có vài hạn chế.
Phẫu thuật biến đổi cắt lồi cầu
Loại phẫu thuật này giúp giải quyết rối loạn khớp thái dương – hàm một cách gián tiếp với phẫu thuật ở hàm dưới chứ không phải các khớp. Loại phẫu thuật này có thể có tác dụng trong việc giảm đau và tình trạng cứng cơ hàm.
Phẫu thuật chỉnh hình khớp
Nếu như cơn đau hàm của bạn không có chiều hướng thuyên giảm với các phương pháp điều trị lâu dài thì nguyên nhân có thể là do các vấn đề trong cấu trúc của các khớp gây ra. Trong trường hợp này, các bác sĩ hoặc nha sĩ có thể thực hiện một cuộc phẫu thuật để chỉnh hình khớp hàm. Tuy nhiên, loại phẫu thuật này ẩn chứa nhiều nguy cơ hơn các phương thức khác và cần cân nhắc cẩn thận giữa thuận lợi và bất lợi trước khi tiến hành.
Nếu như các bác sĩ đề nghị bạn làm phẫu thuật, bạn nên trao đổi với họ về những lợi ích tiềm năng cũng như nguy cơ của tất cả các sự lựa chọn để có quyết định tốt nhất.
Để phòng ngừa rối loạn khớp thái dương – hàm, bạn nên chỉnh hình các răng bị lệch lạc, hạn chế sự căng thẳng trong cuộc sống, chăm sóc răng miệng cẩn thận và nên nhớ không nên nghiến răng hoặc cắn các vật cứng. Nếu nhận thấy mình có bất kì triệu chứng nào của tình trạng này, hãy lập tức liên hệ với bác sĩ.
Bạn có thể quan tâm đến các bài viết sau:
- Nhai singum hay cắn móng tay làm hư khớp thái dương – hàm
- Ngáp to đến nỗi trật khớp hàm
- Bạn cần làm gì khi bị đau quai hàm?