Cân nặng của bé thay đổi thế nào chính là yếu tố quan trọng thể hiện tình trạng sức khỏe của bé. Khi 1 tuổi, trẻ sẽ có cân nặng gấp ba lần so với lúc mới sinh.
Cân nặng là một chỉ số giúp bố mẹ đánh giá về tình trạng thể chất của con. Bé sẽ lớn dần lên qua từng tháng. Lúc này, bạn sẽ cho bé ăn những thực phẩm nào? Sữa mẹ hay sữa công thức luôn là thức ăn chính của trẻ trong giai đoạn 6 tháng đầu đời. Để biết rõ hơn về sự phát triển cân nặng của trẻ và nên cho bé ăn thức ăn nào trong mỗi tháng, bạn hãy tham khảo bài viết sau đây của Hello Basi nhé.
1. Trẻ sơ sinh (1 – 4 tuần)
Michelle LaRowe, tác giả của cuốn Mom’s Ultimate Book of Lists, khuyên rằng bố mẹ không nên lo lắng quá nếu con yêu sụt vài lạng sau khi sinh vì hầu hết trẻ sơ sinh đều như vậy. Một đứa bé khỏe mạnh đều nhanh chóng lấy lại cân nặng trong vòng 10 – 12 ngày.
Bé nên ăn: Trong giai đoạn này, bạn có thể cho bé bú sữa mẹ hay sữa công thức. Bên cạnh đó, bạn cũng nên tham khảo ý kiến bác sĩ nếu bé có những phản ứng dị ứng. Nếu bé bú mẹ, tình trạng dị ứng có thể do bé không hợp với một loại thực phẩm nào đó mà bạn ăn. Còn bú sữa ngoài, bé có thể bị dị ứng với đạm sữa.
2. Trẻ 1 tháng tuổi
Từ lúc 1 – 6 tháng tuổi, trẻ sẽ tăng 2,5cm/tháng và 140 – 200g/tuần. Nếu bú tốt, con sẽ tăng cân đều đặn.
Bé nên ăn: Trong giai đoạn này, bạn nên cho con bú sữa mẹ hoặc sữa công thức. Thời gian cho bú sữa mẹ sẽ thay đổi và không dự đoán được. Bạn cũng không biết trẻ có thể uống bao nhiêu sữa trong mỗi lần bú. Trẻ 1 tháng tuổi nên được cho bú từ 8 – 12 lần/ngày và cách 2 – 3 giờ nên cho trẻ ăn một lần.
3. Trẻ 2 tháng tuổi
Trẻ nhỏ cần phải tăng cân đều đặn mỗi tuần. Nếu quan tâm đến sức khỏe của con, bạn có thể đến bác sĩ hay chuyên gia tư vấn để tìm hiểu cách làm thế nào đảm bảo ăn uống đầy đủ. Trong một số trường hợp, trẻ sơ sinh sẽ không bú theo một khung giờ nhất định nào cả.
Bé nên ăn: Sữa mẹ hoặc sữa công thức là tốt nhất. Bạn không nên cho con ăn thức ăn dạng đặc cho đến khi trẻ 4 tháng tuổi và tốt nhất là 6 tháng tuổi. Tiến sĩ Joanna Dolgoff, một chuyên gia béo phì ở trẻ em, cho rằng việc cho trẻ ăn sớm sẽ ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa của trẻ.
4. Trẻ 3 tháng tuổi
Ở tháng này, trẻ bắt đầu không tăng cân đều đặn như trước nữa. Mức tăng cân chỉ khoảng 900g và tiếp tục cho đến khi trẻ 7 tháng tuổi.
Bé nên ăn: Trẻ có thể uống sữa mẹ hoặc sữa công thức. Số lần cho con bú cũng sẽ giảm xuống còn 5 – 8 lần mỗi ngày. Những đứa trẻ bú sữa mẹ sẽ bú nhiều hơn những đứa trẻ bú sữa công thức. Con có thể thức dậy vào ban đêm để bú nhưng không thường xuyên.
5. Trẻ 4 tháng tuổi
Vào cuối tháng này, trẻ có thể bắt đầu ăn giặm. Một vài dấu hiệu cho thấy điều này là: trẻ có thể giữ đầu ổn định, có thể ngồi khi có sự hỗ trợ của bạn, bắt đầu quan tâm khi bạn ăn. Sự chuyển đổi từ việc bú sữa sang ăn thức ăn dạng đặc có thể còn nhiều lạ lẫm đối với trẻ. Do đó, bạn không nên ép bé ăn nếu con chưa sẵn sàng.
Bé nên ăn: Sữa mẹ hoặc sữa công thức rất cần thiết với trẻ. Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ khuyến cáo trẻ nên bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu trừ khi trẻ có dấu hiệu không muốn bú mẹ nữa. Nếu trẻ có dấu hiệu này, hãy nhanh chóng báo với bác sĩ nhi khoa để được tư vấn nhé.
6. Trẻ 5 tháng tuổi
Con sẽ tăng gấp đôi trọng lượng của mình vào tháng này. Bố mẹ nên hỏi bác sĩ xem chiều cao và cân nặng của con có đang phát triển bình thường hay không. Nếu bé có nguy cơ suy dinh dưỡng, hãy tìm xem bạn có thể làm gì để giúp trẻ phát triển cân nặng.
Bé nên ăn: Bạn có thể cho trẻ bú sữa mẹ/sữa công thức và ăn giặm. Không có quy tắc đối với việc trẻ nên bắt đầu ăn thức ăn nào. Bạn có thể cho bé thử bột ngũ cốc nguyên chất hay bột gạo và bú sữa. Nếu cảm thấy bé có dấu hiệu không thích ăn, bạn hãy đợi một tuần và thử lại.
7. Trẻ 6 tháng tuổi
Bắt đầu từ 6 tháng tuổi, trẻ sẽ phát triển khoảng 1,2cm mỗi tháng và tăng 85 – 140g mỗi tuần. Bạn có thể cho trẻ uống sữa công thức, bú sữa mẹ và kèm theo thức ăn giặm. Nếu bạn chưa cho con ăn giặm, hãy làm điều này với con nhé.
Bé nên ăn: Sữa mẹ hoặc sữa công thức và thức ăn giặm. Tập cho trẻ làm quen với món ăn mới cách món ăn cũ 3 ngày. Nếu trẻ bị dị ứng, bạn dễ tìm ra thủ phạm hơn. Ví dụ, thứ Hai bạn cho con ăn trứng thì thứ Năm bạn mới cho con ăn cá. Tiêu chảy hay phát ban là những dấu hiệu cho thấy trẻ nhạy cảm với thức ăn. Trẻ nhỏ thường tiếp xúc với thức ăn đó đến 10 lần trước khi quyết định nếm nó.
8. Trẻ 7 tháng tuổi
Cân nặng của trẻ lúc này có thể tăng ổn định 900g/tháng. Bạn có thể hỏi ý kiến bác sĩ nếu nhận thấy bé không tăng cân đều đặn hoặc trẻ tăng hơn 2,7kg trong một tháng.
Bé nên ăn: Con yêu vẫn cần uống sữa mẹ, sữa công thức và kèm thêm những món ăn có rau củ, thịt hay trái cây xay nhuyễn. Nếu bạn tự làm thức ăn cho bé, đừng ngại thêm vào một ít gia vị vì bé đã quen với những vị khác nhau trong sữa mẹ.
9. Trẻ 8 tháng tuổi
Trẻ cũng có thể tăng 900g/tháng.
Bé nên ăn: Bạn có thể tiếp tục cho con uống sữa mẹ/sữa bột, bột ăn giặm hay những thức ăn bé có thể bốc bằng tay. Hãy thử cho trẻ dùng món trứng bác, mì ống, rau củ, thịt viên, phô mai cắt miếng nhỏ sẽ kích thích khẩu vị của bé đấy.
10. Trẻ 9 tháng tuổi
Để duy trì sự tăng cân của trẻ trong giai đoạn này, bạn có thể cho con ăn nhẹ giữa những bữa sáng – trưa và một lần giữa bữa trưa – chiều.
Bé nên ăn: Bạn có thể cho con bú sữa mẹ/sữa công thức, bột ăn giặm, những thức ăn bé có thể bốc bằng tay. Hãy để con tự do ăn những món mà mình thích miễn là thức ăn này không có khả năng gây nghẹt thở.
11. Trẻ 10 tháng tuổi
Trẻ có thể bò trên sàn nhà bếp, cố gắng đứng lên và đi lại nhờ sự hỗ trợ của chân bàn, ghế hoặc chân bạn. Điều này có thể làm tổn hao calorie. Do đó, việc tăng cân có thể chậm lại một chút.
Bé nên ăn: Con sẽ thích những món ăn có thể bốc bằng tay. Bạn thử cho trẻ ăn rau, trái cây dai hơn như táo cắt nhỏ, nui nhỏ. Trẻ vẫn tiếp tục bú sữa mẹ hoặc sữa công thức trong giai đoạn này.
12. Trẻ 11 – 12 tháng tuổi
Hai tháng này là phần thưởng lớn lao nhất cho công việc chăm con. Khi con 1 tuổi, cân nặng của trẻ sẽ tăng gấp 3 lần so với lúc mới sinh và bé chập chững những bước đi đầu tiên.
Để có kiến thức về chiều cao lẫn cân nặng cho bé đầy đủ nhất, bạn có thể tham khảo bài Phát triển chiều cao cân nặng cho bé một cách toàn diện