Ở những năm tháng đầu đời, trẻ hay gặp phải hội chứng quấy khóc khiến bố mẹ vô cùng lo lắng. Nếu được trang bị kĩ những kiến thức về nguyên nhân và các biện pháp xử lí hiệu quả thì nỗi lo này của nhiều bậc cha mẹ sẽ vơi đi rất nhiều.
Bố mẹ nào mà chẳng xót xa khi thấy con quấy khóc dai dẳng suốt đêm mà chẳng chịu ngủ. Tình trạng kéo dài cũng là nguyên nhân gây ra căng thẳng, mệt mỏi cho nhiều ông bố bà mẹ. Việc tìm hiểu rõ về bản chất của hội chứng quấy khóc này là điều cần thiết để giúp con cũng như bố mẹ vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Hội chứng quấy khóc ở trẻ sơ sinh là gì?
Hội chứng quấy khóc ở trẻ sơ sinh hay còn gọi là Colic xảy ra đối với một số trẻ sơ sinh trong 3 đến 4 tháng đầu đời. Hội chứng này được định nghĩa bởi quy tắc “3 khóc”: Bé khóc ít nhất 3 giờ mỗi ngày, hơn 3 ngày mỗi tuần và trong 3 tuần hoặc hơn. Hội chứng còn gây căng thẳng và lo âu cho các bậc cha mẹ. Trẻ mắc hội chứng này thường đột ngột khóc ré lên và khóc dai dẳng.
Nguyên nhân gây ra hội chứng quấy khóc
Có rất nhiều câu trả lời và giả thuyết về nguyên nhân khiến trẻ mắc phải hội chứng này. Tuy nhiên, các bác sĩ đã chỉ ra một số nguyên nhân cơ bản sau:
Tính cách của bé và việc thích nghi với môi trường sống
Trẻ sơ sinh cần thời gian để có thể thích nghi với môi trường hoàn toàn xa lạ so với trong bụng mẹ và không phải phải tất cả trẻ sơ sinh có cùng một đặc điểm tính cách. Một số bé thích nghi tốt, trong khi những trẻ em khác không thể thích nghi dễ dàng. Một số bé rất dễ tính và ngoan, số khác thì ngược lại rất hay quấy khóc.
Trẻ dễ bị kích thích bởi những tác động xung quanh
Một số bé dường như quá nhạy cảm với một sự kích thích nào đó và không thể bình tĩnh hay tự nín được. Khi lớn thêm một chút, hệ thống thần kinh sẽ dần phát triển hoàn thiện và con có thể kiểm soát hành vi của tốt hơn. Khi đó, hội chứng quấy khóc này sẽ biến mất.
Quá nhạy cảm với không khí
Nếu bị hội chứng quấy khóc, bé sẽ xì hơi nhiều hơn do hít phải nhiều không khí trong khi khóc với một khoảng thời gian dài như vậy.
Dị ứng sữa
Dị ứng sữa có thể gây đau bụng, tiêu chảy, khiến đường ruột bé khó chịu, làm cho bé quấy khóc và chẳng chịu nằm yên.
Các triệu chứng của hội chứng quấy khóc
Các triệu chứng của hội chứng quấy khóc ở trẻ sơ sinh có thể giống nhiều căn bệnh khác nên bố mẹ cần đưa trẻ đến bác sĩ để được khám và tư vấn đầy đủ.
- Bé quấy khóc vài giờ trong một ngày, đặc biệt là từ khoảng 6 giờ tối đến nửa đêm mà không rõ nguyên nhân;
- Trẻ sơ sinh có thể ợ hơi hoặc xì hơi nhiều nhưng điều này được cho là do lượng không khí vào ruột nhiều trong khi bé khóc chứ không phải nguyên nhân gây ra hội chứng;
- Mặt bé đỏ ửng. Bụng xình lên, chân co lại, hai tay nắm chặt.
Biện pháp xử lí hội chứng quấy khóc ở trẻ sơ sinh
Để hạn chế việc con yêu quấy khóc, bố mẹ nên:
- Đảm bảo con không bị đói bụng nhưng cũng đừng ép bé bú quá nhiều trong khi con đã no và không muốn bú nữa;
- Thay đổi vị trí của con. Mẹ có thể cho bé ngồi dậy nếu bé đang nằm. Nếu đang bế con quay mặt ra sau lưng mình thì mẹ nên đỡ đầu con thẳng và đồng thời quay lưng ra nhiều phía để con có thể ngắm nhìn nhiều điều khác nhau ở thế giới đầy mới lạ này;
- Cho con ngắm nhìn những thứ thú vị. Những thứ có hình dạng, màu sắc, kết cấu và kích cỡ khác nhau sẽ khiến con thích thú lắm đấy. Ngoài ra, mẹ có thể nói chuyện hoặc hát cho bé nghe một cách nhẹ nhàng;
- Cho bé đi dạo với mẹ;
- Quấn chăn xung quanh bé;
- Đặt bé trong nôi và đu đưa nhẹ nhàng;
- Đặt bé nằm xấp trong vòng tay mẹ rồi nhẹ nhàng vuốt lưng bé;
- Đẩy bé đi bằng xe đẩy. Sự di chuyển của xe sẽ làm bé cảm thấy dễ chịu và thôi quấy khóc;
- Hãy thử sử dụng đồ vật trong phòng của bé để tạo âm thanh lặp đi lặp lại như quạt, đồng hồ báo thức. Âm thanh của máy hút bụi hoặc máy giặt cũng có thể làm dịu bé khi quấy khóc;
- Giữ và ôm bé vào lòng;
- Sử dụng núm vú giả;
- Thay phiên cho các thành viên khác trong gia đình chăm sóc bé để mẹ có thể nghỉ ngơi. Chăm sóc bản thân và giảm bớt căng thẳng cũng có thể giúp con bạn đấy.
Hội chứng trẻ quấy khóc tuy không quá nguy hiểm đến tính mạng nhưng nếu để tình trạng kéo dài sẽ khiến bé mất ngủ, sụt cân và nhiều vấn đề về sức khỏe khác. Đồng thời bố mẹ cũng thêm phần căng thẳng nếu con không thôi nín khóc. Các bậc cha mẹ có thể tham khảo những thông tin trên để phòng ngừa và xử lí hội chứng này ở con nhé.