Suy giãn tĩnh mạch chân là tình trạng tưởng chừng vô hại, nhưng khi tiến triển nặng sẽ gây ra những rủi ro không đáng có.
Suy giãn tĩnh mạch là gì?
Tĩnh mạch là các mạch máu đưa máu từ các bộ phận của cơ thể trở về tim và phổi. Khi các tĩnh mạch trở nên dày bất thường, xoắn lại và giãn nở thì người ta gọi đó là giãn tĩnh mạch. Suy giãn tĩnh mạch có xu hướng di truyền và thường trở nên rõ rệt hơn khi về già.
Giãn tĩnh mạch có khả năng xuất hiện ở nhiều vị trí trong cơ thể, ví dụ như thực quản (giãn tĩnh mạch thực quản), hậu môn (khi đó gọi là bệnh trĩ), hai bên bìu của nam giới (giãn tĩnh mạch thừng tinh). Tuy nhiên, tình trạng này diễn ra phổ biến nhất ở chân, thường gọi là suy giãn tĩnh mạch chân.
Sơ lược về suy giãn tĩnh mạch chi dưới/suy giãn tĩnh mạch chân
Một số tĩnh mạch chân nằm gần bề mặt da, nhưng cũng có nhiều tĩnh mạch chân ẩn sâu bên trong, giữa các mô mỡ và cơ. Khi một người bị giãn tĩnh mạch chân, các tĩnh mạch gần bề mặt da sẽ nổi lên khá rõ. Chỉ khi tình trạng giãn tĩnh mạch còn nhẹ, hoặc đối với các tĩnh mạch nằm ẩn ở bên trong thì mới không có biểu hiện rõ rệt.
Đối với một số người, suy giãn tĩnh mạch chân chỉ là vấn đề về mặt thẩm mỹ và họ không gặp biểu hiện gì đáng kể. Song những người khác có thể gặp các triệu chứng như:
- Cảm giác đau nhức hoặc nặng nề ở chân
- Nóng rát, nhói, chuột rút, sưng ở bắp chân
- Đau nặng hơn sau khi ngồi hoặc đứng trong thời gian dài
- Ngứa các vùng quanh tĩnh mạch
- Vùng da quanh tĩnh mạch giãn có dấu hiệu đổi màu
Một số người có thể bị tĩnh mạch mạng nhện. Tĩnh mạch mạng nhện cũng tương tự giãn tĩnh mạch nhưng nhỏ hơn. Các tĩnh mạch mạng nhện thường nằm gần da hơn, màu đỏ hoặc xanh.
Bạn có thể tham khảo thêm: Phân biệt suy giãn tĩnh mạch với tĩnh mạch mạng nhện
Điều trị suy giãn tĩnh mạch chân
Điều trị giãn tĩnh mạch chân tại nhà
Nhìn chung, các phương pháp điều trị suy giãn tĩnh mạch chân tại nhà thường xoay quanh việc ăn uống, vận động, massage, tận dụng các chiết xuất thảo dược.
Ăn uống các thực phẩm có lợi và tránh thực phẩm có hại
Ăn uống các thực phẩm có lợi như trái cây, rau củ quả, các loại đậu, hạt, cá (cá hồi, cá ngừ) và uống nhiều nước sẽ có lợi cho bệnh nhân suy giãn tĩnh mạch chân. Cần tránh nhóm thực phẩm chế biến sẵn vì chúng nhiều muối, ít nước và có chứa chất bảo quản.
Ăn uống các thực phẩm lành mạnh và cung cấp đủ nước cho cơ thể tốt cho người bị giãn tĩnh mạch vì:
- Flavonoid có trong một số loại thực phẩm thuộc nhóm nêu trên (như hành, tỏi, bông cải, cam, quýt, bưởi, táo…) giúp các tĩnh mạch bị giãn co lại.
- Ăn thực phẩm lành mạnh và uống đủ nước sẽ ngăn ngừa táo bón. Táo bón là tình trạng mà người bị giãn tĩnh mạch cần tránh vì nó khiến các mạch máu phải chịu nhiều áp lực hơn.
- Ăn thực phẩm lành mạnh cũng giúp giảm nguy cơ béo phì. Béo phì là một trong những yếu tố nguy cơ dẫn đến giãn tĩnh mạch.
Vận động hợp lý
Một vài hình thức vận động phù hợp với người bị giãn tĩnh mạch chân có thể kể đến như: đi bộ, đạp xe, yoga, bơi lội. Đây đều là các hình thức luyện tập nhẹ nhàng, giúp cải thiện tuần hoàn máu và hỗ trợ điều trị giãn tĩnh mạch chân hiệu quả.
Có ý kiến cho rằng người bị giãn tĩnh mạch nên tránh những hoạt động thể dục thể thao có cường độ tập luyện nặng hoặc đòi hỏi vận dụng nhiều sức như nâng tạ, chạy bộ (chạy tốc độ, chạy đường trường). Bởi lẽ, những hoạt động như thế này có khả năng gây áp lực lớn lên tĩnh mạch vốn đã bị giãn và dễ tổn thương.
Nín thở khi tập luyện không tốt cho sức khỏe, đặc biệt là với người bị giãn tĩnh mạch vì các mạch máu phải chịu áp lực lớn đáng kể.
Điều quan trọng nhất cần lưu ý là: dù lựa chọn hình thức luyện tập nào thì bạn cũng nên lượng sức.
Những người bận rộn không thể dành nhiều thời gian tập luyện thể thao có thể tranh thủ thời gian khi làm việc để co duỗi, xoay cổ chân, đứng lên ngồi xuống và đi qua lại quanh phòng. Tư thế gác chân lên cao hơn vị trí tim cũng tốt vì giúp máu ở các tĩnh mạch lưu thông về tim dễ dàng hơn.
Massage với tinh dầu
Massage tốt cho lưu thông máu, và từ đó giảm được tĩnh trạng giãn tĩnh mạch ở chân. Việc massage sẽ đạt hiệu quả hơn nếu kết hợp dùng các tinh dầu chiết xuất từ các loại thảo dược có tác dụng thư giãn như tinh dầu chanh, tinh dầu oải hương, tinh dầu trầm hương…
Khi massage, bạn nên pha tinh dầu với các loại dầu nền để tránh lãng phí và không bị kích ứng da. Tinh dầu thường có mùi hương lan tỏa nhưng khi thoa lên da có thể gây bỏng cho người có làn da nhạy cảm với loại tinh dầu đó. Dầu nền như dầu oliu, dầu dừa thường không tỏa mùi nhiều như tinh dầu nhưng lại có công dụng làm dịu và dưỡng ẩm cho da, rất phù hợp dùng khi massage.
Ở các khu vực có tĩnh mạch bị giãn, đừng nên ấn hay dùng lực quá mạnh khi massage, dễ khiến các tĩnh mạch và mô cơ xung quanh bị tổn thương.
Mang vớ giãn tĩnh mạch và chọn mặc trang phục thoải mái, không bó quá sát
Vớ giãn tĩnh mạch, hay còn gọi là vớ y khoa giãn tĩnh mạch, được cho là có tác dụng giúp máu ở tĩnh mạch chân lưu thông thuận lợi hơn, cải thiện tình trạng giãn tĩnh mạch. Vớ giãn tĩnh mạch dùng được gần như mọi lúc mọi nơi. Nhiều người hay mang vớ này khi tập thể dục để hỗ trợ lưu thông máu khi tập luyện. Tuy nhiên, hiệu quả của loại vớ này còn tùy vào từng trường hợp. Có người sau một thời gian dùng cảm thấy bệnh tình thuyên giảm, có người lại không.
Mang vớ y khoa giãn tĩnh mạch có độ bó phù hợp quanh chân thì tốt, nhưng mặc quần áo bó sát lại cản trở máu lưu thông. Người bị giãn tĩnh mạch nên chọn các loại trang phục thoải mái, vừa vặn.
Điều trị y khoa đối với bệnh giãn tĩnh mạch chân
- Chích xơ tĩnh mạch (Sclerotherapy)
Đối với phương pháp này, bác sĩ đóng các tĩnh mạch bị giãn bằng cách dùng bọt (foam) để máu không chảy qua các tĩnh mạch này nữa. Sau một vài tuần, dấu vết của giãn tĩnh mạch sẽ mờ dần.
Tuy cần phải tiêm nhiều lần trên một tĩnh mạch nhưng phương pháp này không cần gây mê toàn thân và sẽ đạt hiệu quả nếu được thực hiện đúng.
- Điều trị bằng laser
Laser được xem như một công nghệ mới trong điều trị giãn tĩnh mạch. Nó có hiệu quả đối với những trường hợp tĩnh mạch nhỏ hơn và tĩnh mạch mạng nhện. Khi điều trị, người ta chiếu các tia laser vào vùng da trên tĩnh mạch cần điều trị. Dấu vết của các tĩnh mạch bị giãn này dần dần biến mất mà không cần dùng dao kéo hay dùng kim luồn qua da.
- Các thủ tục chèn ống thông tĩnh mạch trung tâm (Catheter-assisted procedures) bằng cách sử dụng năng lượng của tần số vô tuyến hoặc tia laser
Trong những phương pháp điều trị thuộc dạng này, bác sĩ sẽ chèn một ống mỏng (catheter, ống thông tĩnh mạch trung tâm) vào mạch máu bị giãn nở rộng và làm đầu ống nóng lên bằng cách sử dụng năng lượng tần số vô tuyến hoặc tia laser. Khi catheter được rút ra, nhiệt ở đầu ống sẽ đốt và bịt kín tĩnh mạch lại. Thủ thuật này hay được dùng cho những tĩnh mạch bị giãn nở rộng hơn.
- Thắt và tước tĩnh mạch
Bác sĩ sẽ buộc thắt một tĩnh mạch nhỏ ở gần vị trí mà tĩnh mạch này thông với một tĩnh mạch sâu khác. Sau đó, tĩnh mạch nhỏ ban đầu sẽ bị loại bỏ. Thắt và tước tĩnh mạch là một thủ thuật ngoại trú, tức là người bệnh nhanh chóng được xuất viện sau khi điều trị. Khi các tĩnh mạch giãn gây mất thẩm mỹ bị loại bỏ, người bệnh cũng không cần lo lắng về vấn đề lưu thông máu ở chân. Bởi lẽ, máu huyết vẫn chảy qua nhiều mạch máu khác nữa nằm ẩn sâu giữa các mô và cơ.
- Phẫu thuật tĩnh mạch nội soi
Phẫu thuật tĩnh mạch nội soi được áp dụng trong trường hợp bệnh nhân gặp những rủi ro như loét chân, hoặc nếu các phương pháp điều trị khác gặp thất bại. Khi phẫu thuật, bác sĩ sẽ quan sát mọi thứ nhờ một loại máy quay được luồn vào chân. Sau đó, bác sĩ loại bỏ các tĩnh mạch thông qua vết mổ nhỏ. Người bệnh sau phẫu thuật sẽ sớm được xuất viện vì phẫu thuật nội soi ít xâm lấn nên thời gian hồi phục cũng sẽ nhanh.
Phụ nữ trong thai kỳ dễ bị giãn tĩnh mạch. Tuy nhiên, tình trạng này thường không nguy hiểm và sẽ được cải thiện trong vòng 3-12 tháng sau khi sinh mà không cần điều trị.
Bạn có thể tham khảo thêm: Mẹ bầu có thể làm gì để ngăn ngừa suy giãn tĩnh mạch?