Tăng huyết áp là bệnh dễ phát hiện bằng cách đo huyết áp tại nhà, nhưng bệnh nhân thường không được phát hiện bệnh. Tăng huyết áp có thể điều trị được nhưng số người được điều trị không nhiều.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cứ 3 người trưởng thành trên 25 tuổi thì có 1 người bị tăng huyết áp. Cứ 3 người bị tăng huyết áp thì có 1 người không biết mình bị tăng huyết áp. Trong 3 người được điều trị tăng huyết áp có 1 người không đạt huyết áp mục tiêu.
Hiểu được mối nguy hiểm và tầm quan trọng của căn bệnh này và tâm lý đối với đại đa số người dân Việt Nam thường ít quan tâm chăm sóc đến sức khỏe của mình một cách đầy đủ. Hội Bác sĩ gia đình TP. HCM đã thực hiện buổi giao lưu thầy thuốc với bệnh nhân về chủ đề Mối liên quan Tăng Huyết áp và Đột quỵ – Tầm quan trọng của đo huyết áp tại nhà vào ngày 15/8 tại hội trường Ủy ban nhân dân Quận 11. Có gần 200 người ở độ tuổi từ 40 trở lên tham gia hội thảo, đa số là bệnh nhân có tiền sử bệnh cao huyết áp.
Mối liên quan giữa tăng huyết áp và đột quỵ
Tăng huyết áp là một bệnh phổ biến, có nhiều biến chứng lên các cơ quan như mắt, tim, thận, não, mạch máu. Trong đó, đột quỵ là biến chứng nguy hiểm và có nhiều di chứng cho người bệnh tăng huyết áp, thậm chí gây tử vong. Hậu quả và di chứng sau điều trị tai biến do đột quỵ là gánh nặng rất lớn cho gia đình và xã hội, ngay cả với chính bản thân người bệnh cũng chịu nhiều di chứng của căn bệnh này.
Tầm quan trọng của đo huyết áp tại nhà
Tại hội thảo, TS–BS. Trương Lê Tuấn Anh, Phó trưởng khoa Bệnh lý Mạch máu Não, Bệnh viện Nhân dân 115, đã chia sẻ các kiến thức tổng quát và quan trọng về bệnh tăng huyết áp. Nhờ đó, người bệnh có thể hiểu rõ các nguyên nhân và nguy cơ mắc bệnh tăng huyết áp để phòng ngừa đột quỵ. Đồng thời bác sĩ hướng dẫn cách đo huyết áp tại nhà đúng cũng như định hướng lối sống lành mạnh để tránh các nguy cơ gây ra bệnh này.
1. Tăng (Cao) huyết áp
Tăng huyết áp là một bệnh phổ biến do áp suất máu tác động lâu dài lên thành mạch gây ra những vấn đề sức khỏe như bệnh tim.
Huyết áp được quyết định bởi lượng máu được bơm đi từ tim và sự cản trở dòng máu trong động mạch của bạn. Động mạch càng hẹp, máu càng được bơm nhiều thì huyết áp của bạn càng cao.
2. Các loại huyết áp
(HA: Huyết áp, HATT: Huyết áp tâm thu, HATTr: Huyết áp tâm trương, THA: Tăng huyết áp)
3. Các ngưỡng huyết áp, khuyến cáo điều trị và theo dõi
4. Lợi ích của việc kiểm soát huyết áp
- Giảm 2 mmHg huyết áp tâm thu trung bình
- Giảm thêm 7% tử vong do bệnh mạch vành
- Giảm thêm 10% tử vong do đột quỵ
Bệnh nhân cần ổn định huyết áp cả ngày lẫn đêm bằng thuốc hạ huyết áp tác dụng liên tục kéo dài 24 giờ, ngay cả thời gian nguy hiểm nhất.
Lưu ý với cách đo huyết áp tại nhà
1. Băng quấn tay hợp kích cỡ: băng quấn nhỏ làm tăng 2 – 10 mmHg
2. Quấn vào tay trần: áo chèn băng quấn làm tăng 5 – 50 mmHg
3. Đỡ cánh tay: cánh tay không có chỗ tựa làm tăng 10 mmHg
4. Không bắt chéo chân: bắt chéo chân làm tăng 2 – 8 mmHg
5. Đỡ lưng/chân: lưng/chân không có điểm tựa làm tăng 6,5 mmHg
6. Bàng quang trống: bàng quang đầy làm tăng 10 mmHg
7. Không nói chuyện: mất tập trung và nói chuyện làm tăng 10 mmHg
Quy trình theo dõi huyết áp tại nhà
1. Quy trình theo dõi huyết áp tại nhà
- Giữ cơ thể cố định
- Tránh hút thuốc hay dùng đồ uống có caffeine, không tập luyện thể lực trong vòng 30 phút trước khi thực hiện cách đo huyết áp, đảm bảo nghỉ ngơi yên lặng ≥ 5 phút trước khi đo
- Ngồi đúng tư thế: Lưng thẳng và tựa lưng vào ghế, bàn chân chạm hoàn toàn xuống đất và hai chân không bắt chéo nhau
- Giữ tay trên mặt phẳng (ví dụ như bàn) và cánh tay ngang tim
- Mép dưới của băng quấn ngay trên nếp gấp khuỷu tay của bạn
- Đo nhiều lần: hơn 2 lần đo, cách nhau ít nhất 1 phút, đo huyết áp vào buổi sáng trước khi uống thuốc bất kỳ và buổi tối trước khi ăn nhẹ, đi ngủ.
2. Đo và ghi lại huyết áp
- Bạn nên đo huyết áp hàng tuần, bắt đầu sau 2 tuần thay đổi chế độ điều trị và trong tuần trước khi đi khám lần kế tiếp
- Ghi lại các số đo một cách chính xác, mang đến cho bác sĩ xem ở mọi lần khám
- Huyết áp cần được lấy trung bình của ít nhất 2 lần đo để ra quyết định lâm sàng.
Kiểm soát huyết áp của bạn bằng cách thay đổi lối sống
1. Ăn ít muối: Có một mối quan hệ trực tiếp giữa lượng muối hấp thụ và cao huyết áp. Lượng muối hấp thụ trung bình của một người thường rất cao. Do đó, bạn cần kiểm soát lượng muối nạp vào hàng ngày của mình để tránh bị cao huyết áp.
2. Giảm uống rượu: Giảm lượng tiêu thụ rượu (giới hạn 2 ly đối với nam và 1 ly đối với nữ).
3. Bỏ hút thuốc: Cách tốt nhất để giảm nguy cơ đau tim là bỏ hút thuốc. Nhịp tim và huyết áp tăng cao trong quá trình hút thuốc và thường trở lại bình thường sau đó.
4. Vận động: Tham gia các hoạt động thể chất vừa phải mỗi ngày ít nhất 30 phút, 5 ngày mỗi tuần. Điều này giúp bạn duy trì thể trạng khỏe mạnh.
Huyết áp thường tăng vọt vào buổi sáng và biến thiên huyết áp có liên quan đến đột quỵ. Vì vậy, bạn cần thực hiện cách đo huyết áp tại nhà và theo dõi biến thiên huyết áp phối hợp với sự tư vấn của bác sĩ điều trị để giúp kiểm soát huyết áp, phòng ngừa đột quỵ. Tuân thủ dùng thuốc huyết áp ổn định 24 giờ. Không tự ý thay đổi thuốc khi không có chỉ định của bác sĩ. Điều chỉnh lối sống và thường xuyên đi khám sức khỏe định kỳ nhé.