Những vết loét đau rát ở miệng không những khiến bạn cảm thấy khó khăn khi ăn uống mà còn làm cho đôi môi trở nên bớt quyến rũ hơn. Đây là chứng bệnh khá phổ biến và rất dễ tái phát, song bạn hoàn toàn có thể điều trị nhiệt miệng bằng thuốc, các loại thực phẩm hay thậm chí là để tự khỏi nếu bị nhẹ.
Nhiệt miệng là tình trạng xuất hiện là những vết loét nhỏ, nông trong miệng và thường gây khó chịu và không thoải mái khi ăn uống và nói chuyện. Có hai loại nhiệt miệng phổ biến:
• Nhiệt miệng dạng đơn giản: thường chỉ xuất hiện 3–4 lần mỗi năm và tự khỏi sau khoảng 1 tuần. Dạng nhiệt miệng này thường xuất hiện ở những người trong độ tuổi 10–20.
• Nhiệt miệng dạng phức tạp: Những người bị nhiệt miệng dạng này thường bị tái phát với tần số thường xuyên hơn.
Nguyên nhân chính xác gây nên nhiệt miệng chưa được biết rõ. Những nguyên nhân gây nhiệt miệng đơn giản có thể là căng thẳng, thay đổi hormone hoặc tổn thương mô. Một số loại thực phẩm cũng có thể gây nhiệt miệng hoặc làm cho vết nhiệt miệng trở nên nghiêm trọng hơn. Đôi khi, một số vật dụng bề mặt sắc hoặc thiết bị nha khoa cũng có thể gây nhiệt miệng.
Một số trường hợp nhiệt miệng dạng phức tạp là do các bệnh lý như suy yếu hệ miễn dịch, vấn đề dinh dưỡng như thiếu vitamin B-12, axit folic hoặc sắt gây ra. Bệnh đường tiêu hóa như bệnh celiac hoặc bệnh Crohn cũng có thể gây nhiệt miệng.
Trong một số trường hợp bị nhiệt miệng đơn giản hay ở mức độ nhẹ, bạn có thể không cần có sự can thiệp của thuốc. Tuy nhiên, nếu bạn bị nặng hơn thì cần phải điều trị nhiệt miệng bằng thuốc kết hợp với bổ sung các loại thực phẩm tốt cho sức khỏe.
Trường hợp không cần điều trị nhiệt miệng
Khi nhiệt miệng chỉ gây đau nhẹ, các vết loét sẽ tự khỏi nếu bạn áp dụng một số thói quen sống lành mạnh sau đây:
• Ăn uống: Tránh ăn thức ăn cay và mặn, đồ uống có axit vì những thực phẩm này có thể làm đau và xót vết loét.
• Thói quen hàng ngày: Nên uống chất lỏng bằng ống hút. Sử dụng bàn chải đánh răng loại mềm.
• Súc miệng bằng nước muối: Hòa tan 1 nửa thìa muối trong một cốc nước ấm, súc miệng thường xuyên bằng nước muối.
Đặc biệt, nếu bạn nghi ngờ một loại thuốc gây nhiệt miệng thì nên tránh sử dụng. Trong trường hợp bạn không khỏi sau 1 tuần hoặc tái phát thì đã đến lúc cần đến sự can thiệp của bác sĩ để điều trị nhiệt miệng bằng các loại thuốc chuyên khoa.
Các loại thuốc giúp điều trị nhiệt miệng
1. Nước súc miệng Chlorhexidine
Nước súc miệng Chlorhexidine (Corsodyl® hoặc Chlorohex®) giúp giảm đau, khiến cho vết loét nhanh liền và không bị nhiễm trùng. Tuy nhiên, nước súc miệng này không giúp giảm sự xuất hiện của các vết loét mới.
Cách dùng: Nước súc miệng Chlorhexidine thường dùng 2 lần mỗi ngày. Nếu bạn dùng thường xuyên, răng bạn có thể bị xỉn màu. Tuy nhiên tình trạng xỉn màu răng này chỉ tạm thời và nếu bạn đánh răng trước khi dùng và tránh uống các đồ uống như trà, cà phê, rượu đỏ thì sẽ ít bị xỉn màu do nước súc miệng này hơn.
2. Viên ngậm Steroid
Viên ngậm Steroid (viên Corlan®) cũng có thể làm giảm đau và giúp vết loét chóng liền. Bạn có thể dùng lưỡi để giữ viên ngậm tiếp xúc với vết nhiệt miệng cho đến khi viêm ngậm tan ra.
Cách dùng: Bạn nên ngậm 1 viên/ lần và dùng 4 lần/ngày cho tới khi vết loét biến mất.
3. Thuốc xịt miệng giảm đau
Hiệu quả của nước súc miệng hay thuốc xịt miệng giảm đau thường ngắn. Các loại thuốc xịt miệng giảm đau này có thể mua ở hiệu thuốc. Bạn nên đọc kỹ và tuân thủ hướng dẫn sử dụng khi dùng. Các loại nước súc miệng và thuốc xịt giảm đau phổ biến bao gồm:
- Thuốc xịt Benzydamine hoặc nước súc miệng (Difflam®).
- Các sản phẩm có chứa chất gây tê tại chỗ còn gọi là lidocaine.
- Các sản phẩm có chứa một tác nhân gây tê tạm thời (gây tê tại chỗ) gọi là lidocaine.
- Gel Choline salicylate (Bonjela®). Không nên sử dụng Bonjela® cho trẻ em dưới 16 tuổi do nguy cơ mắc hội chứng Reye nếu sử dụng quá liều.
Bạn có thể mua tất cả các loại thuốc giúp hỗ trợ điều trị triệu chứng nhiệt miệng ở trên tại hiệu thuốc mà không cần kê đơn.
Thực phẩm hỗ trợ điều trị nhiệt miệng
Để tăng cường hiệu quả điều trị nhiệt miệng, bạn cần kết hợp một chế độ ăn giàu dinh dưỡng với các loại thực phẩm sau đây:
1. Thực phẩm giàu vitamin B: Thiếu vitamin B có thể dẫn đến nhiệt miệng, thiếu máu, mệt mỏi… Các thực phẩm giàu vitamin B như hàu, trứng cá, sữa đậu nành, thịt, trứng và sữa gạo có thể giúp hỗ trợ điều trị nhiệt miệng.
2. Thực phẩm giàu sắt: Sắt không chỉ chữa nhiệt miệng mà còn tăng cường độ rắn chắc của xương và cơ bắp. Để luôn khỏe mạnh và cân đối, bạn nên ăn các sản phẩm giàu sắt như rau bó xôi, thịt bò, hàu, gan gà, gà tây, giăm bông, mè, ngũ cốc, bí ngô, khoai tây, bông cải xanh, lúa mì và trứng.
3. Thực phẩm giàu axit folic: Khi bị nhiệt miệng hoặc thường bị tái phát nhiệt miệng, bạn có thể dùng chế độ dinh dưỡng giàu axit folic để phòng bệnh. Các loại rau lá màu xanh đậm như rau cải xanh, măng tây, xà lách, đậu xanh và củ cải xanh rất giàu axit folic.
4. Nước dừa: uống nước dừa có tác dụng giúp điều trị nhiệt miệng một cách tự nhiên. Nước dừa có thể làm dịu viêm và ngăn ngừa nhiệt miệng tái phát.
5. Trái cây: Trái cây họ cam quýt, dứa và chuối là những thực phẩm lành mạnh giúp chữa nhiệt miệng. Các loại trái cây này cũng cải thiện tiêu hóa, kháng viêm và giàu vitamin C.
Lưu ý khi bị nhiệt miệng• Vết nhiệt miệng có thể bị nhiễm vi trùng thứ cấp do các yếu tố lây nhiễm (ví dụ như vi khuẩn). Bạn có thể thấy đau hơn hoặc thấy sưng, cảm thấy không khỏe do bị sốt. Nhiễm trùng thứ cấp do vi khuẩn không phổ biến nhưng cần được điều trị bằng kháng sinh. • Không phải mọi vết loét ở miệng đều là nhiệt miệng, các loại loét có thể là dấu hiệu của một căn bệnh khác như ung thư. Do đó, nếu vết loét sau hơn 3 tuần không có dấu hiệu phục hồi hay biểu hiện bất thường thì bạn nên đi khám bác sĩ. Trường hợp này, bác sĩ có thể lấy mẫu sinh thiết ở vết loét tại miệng và tiến hành xét nghiệm để loại trừ khả năng mắc ung thư. |
Bệnh nhiệt miệng sẽ chóng lành nếu như bạn có thói quen sống lành mạnh và dùng thuốc đúng liều lượng. Bạn cũng cần nhận biết các dấu hiệu loét miệng để nhanh chóng điều trị nhiệt miệng lấy lại đôi môi mềm mại và quyến rũ nhé!