Để kiểm tra xem một người có nhiễm bệnh lây truyền qua đường tình dục không, người ta có thể dùng xét nghiệm máu, hoặc dùng tăm bông để quét một mẫu bệnh phẩm ở cơ quan sinh dục hoặc kiểm tra mẫu nước tiểu.
Các xét nghiệm này tùy theo bệnh nhiễm trùng đang được kiểm tra.
Lưu ý: thông tin dưới đây chỉ là hướng dẫn chung. Thứ tự và cách tiến hành thử nghiệm có thể khác nhau giữa các bệnh viện và các cơ sở y tế. Vì vậy, điều quan trọng là bạn cần luôn tuân theo hướng dẫn của bác sĩ khám trực tiếp.
Nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục (sexually transmitted infection – STI) là gì?
STI là bệnh nhiễm trùng có thể truyền từ người này sang người khác khi quan hệ tình dục. Bạn có thể bị STI bằng việc có quan hệ tình dục cách thông thường, quan hệ tình dục qua đường hậu môn hoặc qua đường miệng. Có một số loại STI khác nhau.
Các bệnh nhiễm trùng chính lây truyền qua đường tình dục là gì?
10 bệnh STI phổ biến nhất tại Anh là sùi mào gà, chlamydia, herpes sinh dục, gonorrhoea, HIV, virus viêm gan B, virus viêm gan C, rận mu, giang mai và trichomonas. Để biết thêm thông tin về từng mục trên, xin vào xem các mục riêng về các bệnh đó trong chuyên đề Sản phụ khoa .
Bệnh nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục được phát hiện như thế nào?
Điều này phụ thuộc từng loại bệnh cụ thể. Trường hợp như bệnh mụn cóc hoặc rận mu thì thường được chẩn đoán ngay khi bác sĩ khám kiểm tra và có thể không cần tới phòng xét nghiệm để xác định chẩn đoán.
Trong khi đó, để kiểm tra xem có nhiễm chlamydia, gonorrhoea và trichomonas hay không lại phải thường sử dụng tăm bông – một que nhỏ có một đầu là bông gòn, đầu này gần giống như nụ bông dài. Tăm bông này có thể được chà xát nhẹ nhàng vào những nơi khác nhau để lấy những mẫu như chất nhầy, dịch mủ hay một số tế bào ở âm đạo, dương vật, cuống họng hoặc trực tràng. Sau đó, mẫu có thể được quan sát dưới kính hiển vi và gửi tới phòng xét nghiệm để kiểm tra. Một mẫu tăm bông còn có thể phát hiện được bệnh tưa, nhiễm khuẩn âm đạo và những mầm bệnh (vi khuẩn) khác không phải STI.
Chlamydia cũng có thể được phát hiện qua mẫu nước tiểu. HIV, virus viêm gan B và virus viêm gan C và bệnh giang mai lại thường phải dùng đến xét nghiệm máu để kiểm tra.
Làm thế nào tôi có thể được kiểm tra các bệnh lây truyền qua đường tình dục?
Nếu bạn có triệu chứng mà bạn nghĩ do STI, hoặc nếu như bạn không có triệu chứng nhưng bạn lo lắng rằng mình có thể mắc bệnh STI, bạn nên gặp chuyên gia về sức khỏe. Bạn có thể:
Gặp bác sĩ riêng của bạn hoặc đi khám nội khoa để được tư vấn và kiểm tra. Tuy nhiên, nếu bác sĩ nghi ngờ rằng bạn có thể đang bị STI, bác sĩ sẽ hướng dẫn bạn đến khám tại khoa niệu – sinh dục.
Hoặc bạn trực tiếp đi đến phòng khám niệu – sinh dục mà không cần thông qua bác sĩ riêng của bạn. Lưu ý cần đi khám ở một bệnh viện hoặc một phòng khám có uy tín, có giấy phép rõ ràng. Tốt nhất nên đến những bệnh viện lớn nếu như bạn đi khám lần đầu tiên.
Từ lúc bạn nghi ngờ mình bị STI cho tới khi bạn được kiểm tra và được điều trị (nếu cần thiết), bạn không nên có quan hệ tình dục. Điều này nhằm ngăn chặn bạn truyền bất cứ tác nhân lây bệnh nào cho người khác.
Phòng khám niệu – sinh dục là gì?
Phòng khám niệu-sinh dục là phòng khám đặc biệt chuyên khám và điều trị người đang bị nhiễm STI (hoặc có thể bị nhiễm) hoặc người có một số vấn đề về hệ sinh dục hoặc hệ tiết niệu. Nhân viên tại hầu hết phòng khám niệu-sinh dục là bác sĩ, điều dưỡng và nhân viên tư vấn sức khỏe tình dục. Nhiều phòng khám liên kết với các bệnh viện. Một số được thiết lập tại trụ sở cộng đồng. Hiện ở Việt Nam chưa có các phòng khám dạng này.
Hầu hết các bệnh STI được chẩn đoán và điều trị tại phòng khám niệu – sinh dục. Một số người được chẩn đoán STI tại những kiểu phòng khám khác, ví dụ tại phòng khám bác sĩ gia đình, hoặc tại phòng kế hoạch hóa gia đình. Trong những trường hợp đó, bạn vẫn có khả năng được giới thiệu đến một phòng khám niệu – sinh dục để điều trị, hoặc để được theo dõi hay tư vấn.
Bất cứ ai cũng có thể tới phòng khám niệu – sinh dục, không bắt buộc phải trên 16 tuổi. Nếu bạn muốn, bạn có thể dẫn theo người quen. Bạn có thể đến bất kỳ phòng khám niệu – sinh dục nào và không bắt buộc phải là phòng khám gần nhà bạn nhất.
Tôi có cần hẹn trước khi tới phòng khám niệu – sinh dục không?
Điều này phụ thuộc vào phòng khám. Đối với nhiều nơi, bạn không cần hẹn trước, bạn chỉ cần có mặt ở đó. Tuy nhiên, có thể bạn phải chờ nếu phòng khám đông quá. Tốt nhất là bạn nên gọi tới phòng khám trước để kiểm tra các thông tin cần thiết.
Tôi muốn khám chuyên khoa niệu – sinh dục thì phải khám ở đâu?
Nếu khám lần đầu tiên, bạn nên đến các bệnh viện lớn có chuyên khoa niệu – sinh dục. Hoặc bạn có thể đi khám nội khoa, nếu nghi ngờ STI, các bác sĩ sẽ giới thiệu bạn đến phòng khám niệu-sinh dục có uy tín.
Tôi được làm gì tại phòng khám niệu – sinh dục?
Đăng ký
Khi tới phòng khám bạn cần phải đăng ký. Bạn được yêu cầu cung cấp thông tin về tên, địa chỉ, tuổi, số điện thoại liên lạc, và tên của bác sĩ gia đình. Những thông tin này sẽ được bảo mật. Phòng khám sẽ không tự ý liên lạc tới nhà riêng hoặc tới bác sĩ gia đình nếu không có sự cho phép của bạn. Ngoài ra, bất kỳ hồ sơ từ các phòng khám niệu-sinh dục sẽ không vào hồ sơ chính nếu không được phép của bạn.
Đánh giá ban đầu
Đầu tiên, bạn sẽ gặp bác sĩ, điều dưỡng hoặc tư vấn viên về sức khỏe tình dục. Bạn cần trả lời một số câu hỏi để giúp họ nắm bắt tình trạng hiện tại và quyết định những xét nghiệm cần phải làm tiếp theo. Ví dụ bạn có thể được hỏi về:
- Điều gì hoặc triệu chứng nào đang làm bạn lo lắng?
- Số người bạn đã từng quan hệ tình dục trong những tuần trước đó và đó là nam hay nữ?
- Kiểu quan hệ tình dục của bạn qua âm đạo, miệng hay hậu môn?
- Bạn đã từng bị STI trước đây chưa?
- Tình trạng sức khỏe nói chung của bạn?
- Bạn có dùng thuốc gì thường xuyên không?
- Bạn có bị dị ứng gì không?
Nếu bạn là phụ nữ, bạn có thể được hỏi thêm về ngày kinh cuối, hoặc các câu hỏi để kiểm tra xem có khả năng bạn đang có thai hay không, vì điều này có thể ảnh hưởng đến giải pháp điều trị.
Sau đánh giá ban đầu, bạn sẽ được tư vấn điều gì nên tiến hành tiếp theo. Thông thường bạn sẽ được kiểm tra và những xét nghiệm này được tiến hành cùng lúc.
Điều gì xảy ra trong quá trình đánh giá sức khỏe sinh sản?
Bác sĩ sẽ thường xuyên kiểm tra bạn. Bạn có thể yêu cầu bác sĩ nam hoặc nữ nhưng bạn có thể phải quay lại vào những thời điểm khác nhau (hoặc thậm chí phòng khám khác nhau) nếu bác sĩ chuyên khoa tình dục đang vắng mặt. Cơ quan sinh dục của bạn sẽ được quan sát cẩn thận để tìm những dấu hiệu của chảy mủ, đỏ, u nhú hoặc lở loét. Bác sĩ cũng có thể sẽ tra háng để xem các hạch bạch huyết (lympho) có sưng hay không, ở mức độ nào. Nếu cần thiết, bác sĩ cũng có thể sẽ làm kiểm tra tổng quát để biết sức khỏe tổng thể của bạn.
Đối với phụ nữ, bác sĩ có thể cũng sẽ kiểm tra âm đạo và tử cung bằng cách đưa vào một ngón tay có đeo găng và chất bôi trơn một cách cẩn thận.
Nam giới có thể được kiểm tra tinh hoàn.
Xét nghiệm được tiến hành như thế nào?
Sau khi kiểm tra xong, bác sĩ sẽ cho tiến hành một số xét nghiệm.
Phụ nữ
Cách tiến hành các xét nghiệm có thể khác nhau giữa các phòng khám, bạn hãy tuân theo các hướng dẫn chung.
Sau khi được kiểm tra bên ngoài bộ phận sinh dục, bác sĩ sẽ hỏi để được bạn cho phép chèn vào một kẹp mỏ vịt. Đây là một dụng cụ bằng nhựa hoặc kim loại được dùng để bộc lộ cổ tử cung. Dụng cụ này giúp bác sĩ thấy cổ tử cung và cho phép lấy mẫu.
Bác sĩ thường làm ấm kẹp mỏ vịt nếu dụng cụ này được làm bằng kim loại và bao phủ đầu bằng thạch bôi trơn. Khi kẹp mỏ vịt được nhẹ nhàng đưa vào, chúng được mở từ từ và sau đó được khóa lại. Sau đó bác sĩ sẽ quan sát gần hơn vào thành âm đạo để tìm dịch mủ tiết hoặc nơi sưng đỏ. Một tăm bông thường được dùng để lấy mẫu từ âm đạo và từ cổ tử cung. Tăm bông có một đầu tròn bằng bông thường được dùng để lấy mẫu. Sau đó bác sĩ sẽ đưa kẹp mỏ vịt ra ngoài cẩn thận.
Sau khi hoàn thành xét nghiệm này, một que lấy mẫu (que spatula) nhỏ bằng nhựa được dùng để lấy tế bào từ niệu đạo (phần mở ra cho phép nước tiểu đi qua từ bàng quang ra ngoài cơ thể). Dụng cụ này có thể gây hơi xước da. Tùy thuộc vào thông tin bạn đã cung cấp ban đầu, có thể cần dùng thêm tăm bông lấy mẫu từ trực tràng hoặc cổ họng. Bạn có thể được yêu cầu lấy mẫu nước tiểu.
Đàn ông
Sau khi kiểm tra bên ngoài bộ phận sinh dục, bác sĩ sẽ tư vấn, giải thích và xin phép để đưa tăm bông vào niệu đạo. Điều này có thể gây hơi khó chịu nhưng hầu hết mọi người đều không cảm thấy đau. Tùy thuộc vào thông tin bạn cung cấp lúc đầu, có thể sẽ phải lấy thêm mẫu từ trực tràng hoặc cổ họng bằng các tăm bông khác.
Nếu có bất kỳ sự nhiễm trùng nào ảnh hưởng đến trực tràng, bác sĩ sẽ hỏi ý bạn để kiểm tra khu vực này kỹ hơn. Thỉnh thoảng bác sĩ cần dùng một ống soi đại tràng. Đây là một ống nhỏ thường làm bằng nhựa giúp dễ dàng nhìn thấy bên trong của trực tràng. Sau đó tất cả tăm bông được lấy đi và bạn có thể mặc quần áo vào. Bạn có thể được yêu cầu lấy nước tiểu.
Đàn ông và phụ nữ – Xét nghiệm máu
Mẫu máu được lấy từ tĩnh mạch. Mẫu này được sử dụng chủ yếu trong xét nghiệm về giang mai, virus viêm gan B, C và HIV. Thỉnh thoảng bạn có thể được yêu cầu phải đợi thêm một thời gian mới có thể xét nghiệm máu. Ví dụ: giai đoạn nhiễm trùng ban đầu cần vài tuần thì xét nghiệm máu mới có kết quả dương tính. Vì vậy, nếu bạn có quan hệ tình dục với người dương tính HIV trong vòng vài ngày trước, bạn có thể được khuyên đợi vài tuần sau mới xét nghiệm máu nếu bạn đã bị nhiễm.
Điều gì xảy ra tiếp theo?
Nếu bạn được theo dõi tại phòng khám bác sĩ gia đình, những tăm bông và mẫu máu sẽ được gửi tới phòng xét nghiệm. Bác sĩ sẽ tư vấn cho bạn sau khi có kết quả xét nghiệm. Thời gian này có thể mất hai tuần.
Nếu bạn được khám và theo dõi tại một phòng khám niệu – sinh dục, một số kết quả có thể có trong ngày.
Bác sĩ hoặc điều dưỡng sẽ dùng tăm bông và trải đều trên tấm kính đặc biệt để quan sát tế bào được lấy từ tăm bông dưới kính hiển vi. Một số mầm bệnh (vi khuẩn) gây nhiễm trùng có thể được nhìn thấy nằm trong tế bào khi xem dưới kính hiển vi. Ví dụ: vi khuẩn gây bệnh lậu thỉnh thoảng có thể được xác định thông qua quan sát dưới kính hiển vi. Điều này có nghĩa bạn được khẳng định dương tính cùng trong một ngày nếu bạn bị nhiễm.
Mặc dầu vi khuẩn có thể được phát hiện dưới kính hiển vi, nhưng không phải chúng luôn luôn được nhìn thấy cho dù chúng đang hiện diện. Để chắc chắn kết quả, mẫu bạn đưa được cấy vào một hộp đặc biệt. Hộp này chứa cơ chất giúp vi khuẩn phát triển. Sau đó hộp được mang đi ủ để vi khuẩn hiện diện mọc lên. Sau đó hộp được kiểm tra để xem có bất kỳ vi khuẩn nào gây STI mọc lên không. Để vi khuẩn mọc lên cần có thời gian. Đây là lý do vì sao bạn có thể được yêu cầu quay lại phòng khám trong vài tuần sau. Trichomonas cũng có thể được thấy dưới kính hiển vi.
Kết quả của xét nghiệm chlamydia và xét nghiệm giang mai, virus viêm gan B, virus viêm gan C thường không được trả lại trong ngày.
Một số phòng khám cung cấp dịch vụ trả kết quả HIV trong cùng một ngày. Điều này có nghĩa bạn nhận kết quả xét nghiệm máu trong ngày bạn được lấy máu. Hầu hết các phòng khám yêu cầu bạn đặt lịch hẹn trước cho dịch vụ này, vì dịch vụ này chỉ tiến hành trong những khoảng thời gian nhất định.
Kết quả từ tăm bông có thể thể hiện sự nhiễm trùng khác không liên quan đến STI. Điều này bao gồm vi khuẩn âm đạo và nấm. Các nhiễm trùng đó có thể được thấy thông qua quan sát mẫu dưới kính hiển vi.
Kết quả ở phòng khám y học niệu – sinh dục thể hiện điều gì?
Sau khi bác sĩ hoặc điều dưỡng kiểm tra mẫu của bạn, bạn sẽ được gọi tới phòng khám để được tư vấn. Bạn sẽ nhận được những kết quả được thể hiện khi quan sát mẫu dưới kính hiển vi.
Bạn có thể được tư vấn sau khi nhận những kết quả xét nghiệm khác từ phòng khám. Mỗi phòng khám có những cách khác nhau để trả kết quả. Một số nơi yêu cầu bạn quay lại hoặc gọi cho phòng khám, một số theo nguyên tắc “không có tin gì là tin tốt”, và sẽ điện thoại cho bạn bất cứ khi nào có kết quả. Điều quan trọng là bạn biết làm sao để có được kết quả và đó là thông tin liên lạc đáng tin cậy.
Kết quả xét nghiệm cho thấy tôi bị STI – bây giờ tôi nên làm gì?
Nếu kết quả xét nghiệm của bạn dương tính (tức bạn đang bị STI) và bạn được nhận kết quả ngay lúc đang khám tại phòng khám, bạn sẽ được tư vấn và điều trị trong cùng một ngày. Bạn cũng sẽ được yêu cầu nói chuyện với người tư vấn về sức khỏe tình dục để giúp theo dõi tất cả những bạn tình đã tiếp xúc với tác nhân gây nhiễm trùng.
Nếu kết quả xét nghiệm có sau khi bạn rời phòng khám, bạn sẽ được tư vấn về việc phải làm gì tiếp theo ngay khi bạn lại nhận kết quả.
STI được điều trị như thế nào?
Phương pháp điều trị phụ thuộc vào loại STI nào được tìm thấy. Ví dụ: một đợt điều trị kháng sinh ngắn thường giúp điều trị chlamydia, lậu cầu, giang mai và trichomonas. Kem hoặc sữa dưỡng thể có thể loại bỏ rận háng và ghẻ. Phương pháp điều trị tại chỗ thường dùng trị sùi mào gà. Điều trị herpes sinh dục, virus viêm gan B, virus viêm gan C và HIV thường có liên quan với nhau và phức tạp. Bạn có thể được tư vấn về những phương án điều trị và bạn có thể đưa ra các thắc mắc của mình.
Nếu bạn được kê toa kháng sinh thì bạn nên dùng hết thuốc được kê toa để nhiễm trùng được loại bỏ hoàn toàn. Nếu bạn bị tác dụng phụ hãy liên lạc với phòng khám niệu-sinh dục hoặc với bác sĩ để biết cần làm gì, và quan trọng là đừng tự ý dừng thuốc. Đối với một số dạng nhiễm trùng, bạn sẽ được yêu cầu quay lại sau đợt điều trị để chắc chắn rằng đã hết bị nhiễm trùng.
Không quan hệ tình dục cho tới thời điểm được phòng khám khuyên. Tùy theo dạng nhiễm trùng, thời gian này có thể kéo dài tới sau khi điều trị hoặc có thể kéo dài tới khi bạn nhận được kết quả xét nghiệm kiểm tra lại là đã hoàn toàn loại bỏ tác nhân gây nhiễm trùng. Mục đích là để ngăn sự lây truyền nhiễm trùng tới người khác.
Tài liệu tham khảo
http://www.patient.co.uk/health/tests-for-sexually-transmitted-infections