Các kiến thức cơ bản dành cho cộng đồng về khám vô sinh

(4.46) - 30 đánh giá

Khám vô sinh là gì?

Khám vô sinh bao gồm việc thăm khám và thực hiện một số xét nghiệm để tìm nguyên nhân vô sinh. Khi tìm thấy nguyên nhân gây vô sinh, bác sĩ sẽ đề nghị một phương pháp điều trị cho bạn. Vô sinh thường có thể điều trị thành công ngay cả khi không tìm được nguyên nhân nào.

Khi nào nên đi khám vô sinh?

Bạn nên đi khám vô sinh khi bạn thuộc một trong các trường hợp sau:

  • Bạn không có thai sau 1 năm quan hệ tình dục đều đặn mà không sử dụng biện pháp tránh thai
  • Bạn trên 35 tuổi và không có thai sau 6 tháng quan hệ tình dục đều đặn mà không sử dụng biện pháp tránh thai.
  • Chu kỳ kinh nguyệt của bạn không đều.
  • Bạn hoặc bạn tình đã có vấn đề về khả năng sinh sản.

Nguyên nhân gây vô sinh

Vô sinh có thể do nhiều yếu tố gây ra. Các yếu tố đến từ người đàn ông hay phụ nữ đều có thể góp phần gây vô sinh. Những yếu tố của nữ giới bao gồm các vấn đề về rụng trứng, các cơ quan sinh dục hoặc các hormone. Những yếu tố của nam giới thường gồm các vấn đề về số lượng và chất lượng tinh trùng.

Tuổi tác có ảnh hưởng đến khả năng sinh sản?

Có. Một người phụ nữ bắt đầu cuộc đời với một số lượng trứng nhất định. Số lượng này sẽ giảm theo tuổi. Với những cặp đôi trẻ, khỏe mạnh, cơ hội để một phụ nữ mang thai là khoảng 20% trong mỗi chu kỳ kinh nguyệt. Tỉ lệ này bắt đầu sụt giảm từ độ tuổi 30 của người phụ nữ và nó càng sụt giảm nhanh sau 37 tuổi. Khả năng sinh sản của nam giới cũng giảm theo tuổi, nhưng chưa được dự đoán một cách chính xác như ở nữ giới.

Lối sống có ảnh hưởng đến khả năng sinh sản?

Những yếu tố về lối sống có thể có một vai trò nhất định trong vô sinh. Với phụ nữ, tình trạng thiếu cân, thừa cân hay luyện tập quá mức có thể liên quan đến vô sinh. Uống rượu mức độ trung bình hoặc nhiều và hút thuốc lá có thể làm người phụ nữ khó thụ thai. Với nam giới, thuốc lá, nghiện rượu, sử dụng cần sa và testosterone tổng hợp có thể làm giảm số lượng và khả năng di động của tinh trùng. Hút thuốc lá còn dẫn tới rối loạn cương dương.

Khám vô sinh mất thời gian bao lâu?

Trong hầu hết trường hợp, thăm khám vô sinh và thực hiện các xét nghiệm tìm nguyên nhân thường kéo dài trong vòng một vài chu kỳ kinh nguyệt.

Tôi nên trông đợi điều gì trong lần hẹn đầu tiên với bác sỹ?

Trong lần hẹn đầu tiên, bác sỹ sẽ hỏi bệnh sử của bạn một cách chi tiết và thăm khám tổng quát cho bạn. Trong phần bệnh sử, bạn sẽ được hỏi về chu kỳ kinh nguyệt, hiện tượng ra huyết hay tiết dịch âm đạo bất thường, đau vùng chậu và các rối loạn có thể ảnh hưởng đến sự sinh sản, như bệnh lý tuyến giáp. Bạn và bạn tình sẽ được hỏi về những vấn đề sức khỏe sau:

  • Tiền căn sử dụng thuốc (cả thuốc bán theo đơn và thuốc không cần kê đơn) và các bài thuốc thảo mộc
  • Bệnh lý, gồm các bệnh lây truyền qua đường tình dục và tiền căn phẫu thuật
  • Các bất thường bẩm sinh trong gia đình
  • Những lần mang thai trước và kết cục thai kỳ
  • Sử dụng thuốc lá, rượu bia và các loại thuốc cấm
  • Công việc

Hai bạn còn có thể được hỏi về tiền sử quan hệ tình dục:

  • Phương pháp tránh thai
  • Bạn đã cố gắng để thụ thai trong bao lâu
  • Tần suất quan hệ tình dục và những khó khăn gặp phải
  • Bạn có sử dụng chất bôi trơn khi quan hệ hay không
  • Những mối quan hệ tình dục trước đó.

Những xét nghiệm nào được thực hiện để tìm nguyên nhân vô sinh?

Các xét nghiệm đánh giá vô sinh bao gồm xét nghiệm sinh hóa, xét nghiệm hình ảnh và một số thủ thuật nhất định.

Các xét nghiệm cơ bản dành cho phụ nữ?

Các xét nghiệm cho người phụ nữ bao gồm theo dõi thân nhiệt cơ bản, xét nghiệm nước tiểu, định lượng progesterone, xét nghiệm chức năng tuyến giáp, định lượng prolactin và các xét nghiệm đánh giá dự trữ buồng trứng. Các xét nghiệm hình ảnh và thủ thuật bao gồm siêu âm, chụp cản quang tử cung vòi trứng, siêu âm bơm nước buồng tử cung, nội soi buồng tử cung và nội soi ổ bụng. Không nhất thiết bạn sẽ được làm tất cả những xét nghiệm và thủ thuật này. Một vài thủ thuật chỉ được chỉ định khi các xét nghiệm trước đó bất thường.

Mục đích của việc theo dõi thân nhiệt cơ bản?

Theo dõi thân nhiệt cơ bản là một cách để dự đoán thời điểm rụng trứng xảy ra. Sau khi rụng trứng, thân nhiệt của người phụ nữ sẽ tăng nhẹ.

Theo dõi thân nhiệt cơ bản thực hiện như thế nào?

Để thực hiện việc này, bạn cần phải đo nhiệt độ của mình ở miệng vào mỗi buổi sáng ngay sau khi thức dậy. Bạn ghi lại nó vào một biểu đồ trong 2 hoặc 3 chu kỳ.

Có thể đánh giá được gì qua xét nghiệm nước tiểu?

Kết quả của xét nghiệm nước tiểu sẽ giúp xác định thời điểm bạn rụng trứng. Xét nghiệm sẽ phát hiện hormone hoàng thể hóa (Luteinizing hormone- LH) trong nước tiểu. LH khởi phát sự phóng thích của trứng.

Xét nghiệm Progesterone được thực hiện như thế nào?

Một mẫu máu được lấy vào một ngày định trước trong chu kỳ kinh nguyệt. Nồng độ hormone progesterone sẽ được đo. Nồng độ này tăng cao cho thấy bạn đã rụng trứng.

Khi nào thì xét nghiệm chức năng tuyến giáp?

Các rối loạn chức năng tuyến giáp có thể ảnh hưởng tới khả năng sinh sản. Nếu bác sĩ nghi ngờ bạn có vấn đề về tuyến giáp, bạn sẽ được xét nghiệm nồng độ các hormone kiểm soát tuyến giáp để kiểm tra xem tuyến giáp có hoạt động bình thường không.

Xét nghiệm nồng độ prolactin?

Xét nghiệm máu này giúp đo nồng độ của hormone prolactin. Nồng độ prolactin cao có thể gây rối loạn rụng trứng.

Xét nghiệm đánh giá dự trữ buồng trứng?

Các xét nghiệm này đo lường nồng độ của các hormone nhất định trong máu có liên quan đến sự rụng trứng. Các xét nghiệm này có thể được chỉ định nếu bạn hơn 35 tuổi hoặc nếu bạn có một vấn đề về khả năng sinh sản đã biết trước. Kết quả của những xét nghiệm này có thể gợi ý về số lượng trứng của buồng trứng và chúng có còn hoạt động tốt hay không.

Xem thêm bài viết Điều trị vô sinh của Nguyễn Thị Thanh Phương

Khi nào phải làm các xét nghiệm hình ảnh và các thủ thuật?

Các xét nghiệm hình ảnh và thủ thuật khác nhau được dùng để nhìn rõ các cơ quan sinh dục của bạn. Chúng giúp kiểm tra xem ống dẫn trứng của bạn có thông không và có vấn đề gì với tử cung của bạn hay không. Những thủ thuật được chỉ định phụ thuộc vào các triệu chứng của bạn cũng như kết quả của các xét nghiệm và thủ thuật khác.

Xét nghiệm dành cho nam giới?

Xét nghiệm dành cho nam giới bao gồm tinh dịch đồ (đếm tinh trùng). Nếu kết quả tinh dịch đồ không bình thường hay có những bất thường trong bệnh sử, các xét nghiệm khác có thể được chỉ định. Ví dụ, siêu âm có thể được thực hiện để tìm các vấn đề về đường dẫn tinh. Siêu âm còn có thể được sử dụng để tìm các bất thường của bìu có thể gây vô sinh.

Xem thêm bài viết Vô sinh nam: Nguyên nhân và cách điều trị của Đỗ Kỳ Lâm

Giải thích thuật ngữ

Thân nhiệt cơ bản: Nhiệt độ của cơ thể khi nghỉ ngơi.

Rối loạn cương dương: Sự bất lực của người đàn ông với việc đạt được trạng thái cương hoặc duy trì nó đến khi sự phóng tinh hay sự giao hợp xảy ra.

Ống dẫn trứng: Các ống dẫn nơi trứng di chuyển từ buồng trứng đến tử cung.

Hormone: Các chất được sản xuất bởi cơ thể nhằm kiểm soát chức năng của nhiều cơ quan.

Chụp cản quang tử cung vòi trứng: Một thủ thuật X-quang đặc biệt trong đó một lượng dịch nhỏ sẽ được bơm vào trong tử cung và ống dẫn trứng để thăm dò những thay đổi bất thường về kích thước hay hình dạng của chúng hoặc để xác định xem các ống dẫn có bị tắc hay không.

Nội soi buồng tử cung: Một thủ thuật trong đó một thiết bị mảnh, gọi là ống soi tử cung, được đưa vào tử cung qua cổ tử cung để quan sát bên trong tử cung hoặc để phẫu thuật.

Nội soi ổ bụng: Một thủ thuật ngoại khoa trong đó một dụng cụ gọi là ống nội soi được đưa vào vùng chậu qua một đường rạch nhỏ. Ống soi được sử dụng để quan sát các cơ quan trong vùng chậu. Các dụng cụ khác có thể sử dụng kèm theo để tiến hành phẫu thuật.

Hormone hoàng thể hóa (LH): Một hormone được sản xuất bởi tuyến yên, giúp trứng trưởng thành và phóng thích.

Sự rụng trứng: Sự phóng thích một trứng từ một trong hai buồng trứng.

Progesterone: Một loại hormone của phụ nữ được sản xuất ở buồng trứng, giúp chuẩn bị lớp nội mạc tử cung cho quá trình mang thai.

Bìu: Cơ quan sinh dục ngoài của nam giới, nơi chứa các tinh hoàn.

Tinh dịch: Dịch được tiết từ các tuyến sinh dục của nam giới, trong đó chứa tinh trùng.

Quan hệ tình dục: Hành vi trong đó dương vật của nam được đưa vào âm đạo của nữ (còn gọi là “giao hợp” hay “làm tình”)

Bệnh lây truyền qua đường sinh dục: Các bệnh được lây truyền qua quan hệ tình dục, bao gồm Chlamydia, bệnh lậu, mụn cóc sinh dục, herpes giang mai và virus gây suy giảm miễn dịch ở người (HIV, nguyên nhân của hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải –AIDS).

Siêu âm bơm nước buồng tử cung: Một thủ thuật trong đó một loại dịch vô trùng được bơm vào tử cung thông qua cổ tử cung, kết hợp với siêu âm để quan sát các cơ quan sinh sản.

Siêu âm: Một xét nghiệm trong đó sóng siêu âm được sử dụng để kiểm tra các cấu trúc bên trong. Trong thai kỳ, siêu âm có thể được sử dụng để khảo sát bào thai.

Tử cung: Một cơ quan có thành phần chính là cơ, nằm trong vùng chậu của nữ, chứa đựng và nuôi dưỡng cho bào thai đang phát triển trong suốt quá trình mang thai.

Nếu có bất kỳ thắc mắc nào hãy trao đổi với bác sĩ sản phụ khoa.

Tài liệu tham khảo

Evaluating Infertility (pdf) – FAQ136 – Gynecologic Problems – The American College of Obstetricians and Gynecologists

Biên dịch - Hiệu đính

Nguyễn Thị Thanh Phương - ThS.BS. Nguyễn Khánh Linh
Đánh giá:

Bài viết liên quan

Lợi ích và nguy cơ các dụng cụ tránh thai

(55)
Các dụng cụ rào cản tránh thai là gì? Các dụng cụ rào cản tránh thai là các dụng cụ rào cản về mặt lý học hoặc hóa học có tác dụng ngăn cản tinh trùng ... [xem thêm]

Bệnh lậu, bệnh Chlamydia và bệnh giang mai

(86)
Thế nào là bệnh lậu, bệnh Chlamydia và bệnh giang mai? Bệnh lậu, bệnh Chlamydia và bệnh giang mai là các bệnh lây truyền qua đường tình dục (sexually transmitted ... [xem thêm]

Có bầu mệt quá đi thôi…nhưng vui…

(23)
Giai đoạn mang thai là giai đoạn đặc biệt, nhiều điều thú vị, trừ những lúc “không mấy thú vị” vì: 1. Ốm nghén 60% bà mẹ mang thai sẽ bị nghén. Bạn ... [xem thêm]

Soi cổ tử cung

(62)
Soi cổ tử cung là gì? Soi cổ tử cung là cách để quan sát cổ tử cung qua một thiết bị phóng đại đặc biệt gọi là máy soi cổ tử cung. Nó chiếu ánh sáng ... [xem thêm]

Bài 42 – Hỏi ngắn đáp nhanh cùng người sắp thành “Bố trẻ con”

(30)
Tại sao phải luôn “bên cạnh” vợ mình khi cô ấy có thai? Phụ nữ mang thai có người quan tâm, lo lắng, chăm sóc sẽ có khuynh hướng sống tích cực hay tốt ... [xem thêm]

Bài 39 – Những điều cần biết về sốt xuất huyết khi có thai

(62)
Năm nào cũng thấy báo động dịch sốt xuất huyết, và với nhân viên y tế đó thật sự là nỗi ám ảnh. Bởi vì trước một bệnh nhân sốt xuất huyết, không ... [xem thêm]

8 điều cơ bản về u nang buồng trứng dành cho cộng đồng

(63)
U nang buồng trứng là gì? Là một túi chứa dịch hay mô khác, được hình thành từ bên trong hay trên bề mặt buồng trứng. U nang buồng trứng rất thường gặp. ... [xem thêm]

Phẫu thuật nội soi ổ bụng

(14)
Phẫu thuật nội soi ổ bụng là gì? Phẫu thuật nội soi ổ bụng là một kĩ thuật mổ không cần rạch một đường rạch lớn trên da thành bụng. Một ống ... [xem thêm]

DANH SÁCH PHÒNG KHÁM BỆNH VIỆN