Khi trẻ bị hen suyễn lên cơn, khí quản sẽ bị sưng đỏ, tiết dịch nhầy và phế quản co thắt lại làm thu hẹp ống dẫn khí. Điều này khiến bé gặp tình trạng thở gấp, ho và thở khò khè.
Trẻ mắc hen suyễn không được điều trị kịp thời có thể ảnh hưởng đến tính mạng. Do đó, khi nhận thấy dấu hiệu trẻ lên cơn, bạn phải lập tức cho trẻ dùng thuốc do bác sĩ chỉ định để cắt cơn.
Thuốc được đưa vào cơ thể trẻ, ống dẫn khí sẽ mở rộng để làm giảm cơn hen. Nếu bé phản ứng dị ứng với thuốc cắt cơn hen, bạn hãy nhanh chóng đưa bé đến bệnh viện khám.
Làm gì khi bé vừa bị suyễn vừa bị dị ứng?
Việc tiếp xúc bụi bặm trong nhà, gián, nấm mốc, lông thú cưng có thể khiến trẻ bị dị ứng và lên cơn hen, còn gọi là hen phế quản dị ứng. Dị ứng phấn hoa hay bụi sẽ không gây nguy hiểm với trẻ 4, 5 tuổi vì khi đó, cơ thể hệ miễn dịch của trẻ đã đủ khả năng để kháng lại. Tuy nhiên, các triệu chứng dị ứng khác vẫn có khả năng xuất hiện.
Trên thế giới, trung bình có khoảng 75 – 80% trẻ vừa bị suyễn vừa dị ứng. Do vậy, nếu nghi ngờ bé bị dị ứng, bạn nên đưa bé đến bệnh viện kiểm tra và điều trị để ngăn tình trạng nguy hiểm xảy ra.
Yếu tố nào có thể gây hen suyễn?
Thời tiết lạnh, nhiễm virus (bệnh cúm), khói thuốc, không khí ô nhiễm, thậm chí là bụi cỏ quanh nhà cũng có thể là nguyên nhân gây hen suyễn ở trẻ. Hơn nữa, sau khi vui chơi, nếu trẻ thường bị ho và thở khò khè, có khả năng trẻ mắc chứng hen do vận động quá nhiều.
Trẻ có thường mắc bệnh suyễn không?
Hen suyễn là bệnh mạn tính thường gặp ở trẻ em. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến trẻ dưới 15 tuổi thường xuyên nhập viện cấp cứu.
Cách nhận biết trẻ bị suyễn
Bạn rất khó phân biệt triệu chứng hen suyễn với các triệu chứng cảm cúm hoặc các bệnh đường hô hấp khác. Do đó, bác sĩ sẽ là người đưa ra kết luận chính xác về tình trạng của trẻ thông qua việc theo dõi sức khỏe và tiểu sử mắc bệnh này của gia đình.
Nếu trẻ thường xuyên bị ho, dị ứng hoặc gia đình có tiền sử bị suyễn và dị ứng, đặc biệt là bố mẹ đều mắc bệnh thì xác suất trẻ mắc bệnh suyễn rất cao. Ngoài ra, các triệu chứng suyễn thường diễn ra nặng hơn vào ban đêm.
Điều trị hen suyễn
1. Ngừng cơn hen
Bác sĩ sẽ chỉ định cho bé dùng thuốc và bình xịt hen suyễn để cắt cơn hen nghiêm trọng. Thành phần albuterol có trong thuốc được sử dụng thông qua máy thở chuyên dụng và bình xịt định liệu (MDI). Loại thuốc chống hen suyễn làm co giãn phế quản và giúp trẻ dễ thở hơn.
- Máy thở chuyên dụng chạy bằng điện hoặc pin giúp hỗ trợ chuyển thuốc từ dạng lỏng sang khí để trẻ hít vào phổi qua mặt nạ. Quá trình này mất khoảng 10 phút.
- Bình xịt định liệu (MDI) gồm ống dài được gọi là khoang trữ, gắn liền với mặt nạ hoặc vòi. Albuterol được trữ trong ống xịt và đưa vào phổi trẻ thông qua mặt nạ. Quá trình này chỉ mất 1 phút hoặc ngắn hơn.
Việc lựa chọn 1 trong 2 loại dụng cụ trên phụ thuộc vào loại nào thuận tiện cho trẻ. Nhìn chung, cả 2 dụng cụ này đều có công dụng và hiệu quả như nhau.
2. Ngăn ngừa cơn hen
- Dùng thuốc xịt steroid giúp làm giảm viêm, sưng và khó thở của cơn suyễn. Ngoài ra, bạn có thể dùng bình xịt định liệu MDI hoặc máy thở để hỗ trợ đưa thuốc vào cơ thể trẻ.
- Dùng thuốc dạng viên nhai không chứa steroid được gọi là thuốc kháng leukotriene cũng giúp chống viêm, sưng. Đây là loại thuốc bác sĩ khuyên dùng cho trẻ hàng ngày.
Nếu tình trạng bệnh suyễn của trẻ khó kiểm soát, bác sĩ sẽ chuyển trẻ đến chuyên gia để theo dõi và điều trị. Bạn nên thông báo với giáo viên hoặc người chăm sóc trẻ về tình trạng hen suyễn của bé và đừng quên hướng dẫn họ cách cấp cứu khi trẻ lên cơn hen.
Làm gì để ngăn bệnh suyễn của trẻ tái phát?
Không có cách nào để giúp trẻ hết bệnh suyễn nếu bệnh do di truyền. Dấu hiệu nhận biết trẻ bị suyễn gồm các triệu chứng mạn tính như ho liên tục và thở khò khè. Tuy nhiên, bạn có khả năng làm giảm tình trạng bệnh của trẻ khi thực hiện những điều sau đây:
1. Hạn chế cho trẻ tiếp xúc với bụi bặm trong nhà
Đảm bảo nệm của trẻ được bọc chất liệu không thấm nước và bỏ các đồ chơi có chất liệu từ nhung hoặc lông. Bên cạnh đó, bạn nên sử dụng loại rèm bằng mành thay cho vải và giặt chăn, gối, nệm với nước ấm 1 lần mỗi tuần.
2. Để trẻ tránh xa khói thuốc
Về cơ bản, khói thuốc lá không phải chất gây dị ứng nhưng nó có tác động tới phổi của trẻ.
3. Hạn chế trẻ tiếp xúc với không khí ô nhiễm
Khi cho trẻ đi ra đường, đặc biệt vào những giờ cao điểm, bạn chú ý cho trẻ đeo khẩu trang để giảm bớt việc hít phải khói bụi của xe cộ. Chọn mua loại khẩu trang vừa vặn với trẻ, không quá nhỏ cũng không quá lớn để đảm bảo việc che khói bụi hiệu quả.
4. Tránh sử dụng bếp than trong nhà
Khi nhà ăn món nướng, bạn có thể dùng than để nướng thức ăn. Tuy nhiên, bạn nên đem bếp ra ngoài sân để làm vì khói từ than cũng ảnh hưởng đến phổi của trẻ.
5. Hạn chế trẻ tiếp xúc với thú cưng trong nhà
Lông thú cưng cũng là nguyên nhân gây dị ứng. Do đó, nếu trẻ có biểu hiện dị ứng với lông của thú cưng, bạn nên để chúng sống ở ngoài sân, tránh không cho trẻ tiếp xúc với chúng.
6. Giảm thiểu lượng nấm mốc trong nhà
Bạn có thể giảm thiểu nấm mốc trong nhà bằng những phương pháp sau:
- Sử dụng máy hút khói hoặc mở cửa sổ ở trong bếp khi nấu nướng;
- Lắp máy điều hòa hoặc máy hút ẩm để giữ độ ẩm phòng ở mức 35 – 50%;
- Lấp lại những chỗ thủng, dột để tránh nấm mốc sinh sôi ở bức tường và dưới sàn;
- Dùng xà phòng với nước để tẩy rửa bề mặt sàn;
- Đảm bảo quần áo của trẻ được phơi thật khô. Quần áo ẩm có thể sinh ra nấm mốc.
Có cách nào trị dứt cơn hen cho trẻ không?
Không có cách nào trị dứt cơn hen dù trẻ chỉ bị suyễn nhẹ. Nói chung, bệnh hen suyễn là bệnh mạn tính, nhiều triệu chứng sẽ làm ảnh hưởng đến quá trình phát triển của trẻ. Tuy nhiên, nếu được theo dõi và điều trị đúng cách, trẻ có thể khắc phục được cơn hen và tham gia các hoạt động (chạy, nhảy, bơi lội). Nhiều trẻ mắc bệnh suyễn vẫn phát triển và khỏe mạnh bình thường.