Các bệnh về da ở trẻ sơ sinh rất dễ xuất hiện do thời tiết thay đổi, yếu tố hormone hay những tác nhân gây kích ứng từ môi trường ngoài, thậm chí có thể do việc chà xát làn da quá mức … Tuy nhiên, mẹ đừng nên quá lo lắng bởi đây thường là những chứng bệnh phổ biến chỉ cần biết cách xử lý là sẽ ổn ngay.
Trên thực tế, đa số các bệnh về da ở trẻ sơ sinh đều không nguy hiểm đến tính mạng và có thể tự khỏi sau một thời gian nếu bé được chăm sóc tốt. Tuy vậy, các bậc cha mẹ cũng nên cảnh giác phát hiện và xử lý kịp thời để con yêu không phải gặp những biến chứng nghiêm trọng ở da làm ảnh hưởng về mặt thẩm mỹ khiến trẻ mất tự tin khi trưởng thành.
Mời bạn cùng Chúng tôi tìm hiểu cách nhận biết, phân biệt và xử lý các bệnh ngoài da em bé để con yêu luôn được khỏe mạnh vui đùa nhé!
1. Chàm sữa là bệnh về da ở trẻ sơ sinh phổ biển
Chàm sữa (hay còn gọi là lác sữa) là một bệnh về da ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, nhất là với các bé dưới 1 tuổi.
Cho đến nay, người ta vẫn chưa xác định rõ nguyên nhân gây bệnh, nhưng theo ghi nhận của các chuyên gia thì có một vài yếu tố có thể đưa đến tình trạng này bao gồm: trẻ có cơ địa dị ứng, ảnh hưởng bởi thời tiết, thức ăn mà người mẹ sử dụng (trong trường hợp đang cho con bú) hoặc các tác nhân gây kích ứng từ môi trường ngoài (phấn hoa, lông thú cưng, khói bụi, nấm mốc) …
• Đặc điểm chàm sữa: Chàm sữa ở trẻ sơ sinh thường xuất hiện rồi sau đó tự biến mất trong vài ngày. Đây không phải là bệnh lây nhiễm và nguy hiểm nhưng rất ngứa nên có thể khiến bé khó chịu, dùng tay chà vào vùng da bị chàm khiến da dày lên, tổn thương. Trong trường hợp này, chàm sẽ lâu lành hơn và có thể để lại sẹo.
Nhiều trường hợp chàm sữa thường tái đi tái lại nhiều lần, nhưng đa số sẽ khỏi hoàn toàn khi bé 2 tuổi, một số bé có thể bị lại kể cả khi đã lớn.
• Nhận biết chàm sữa ở trẻ nhỏ: Bệnh chàm sữa (viêm da dị ứng, viêm da cơ địa) là tình trạng da bé bị đỏ ửng và khô, dày lên, có vảy hoặc xuất hiện những chấm nhỏ li ti màu đỏ.
Các vết chàm thường gặp ở hai bên má, trên mặt hoặc lan xuống ngực, cánh tay, chân hoặc bất kỳ bộ phận nào khác. Ban đầu đấy chỉ là những nốt mẩn đỏ sau dần chuyển sang mụn nước li ti màu đỏ gây nứt da, đóng vảy, bong tróc. Chàm sữa ở trẻ trên một tuổi thường nổi ở những nếp gấp ở khuỷu tay, đầu gối, cổ tay, mắt cá chân.
• Cách xử lý chàm sữa: Khi trẻ bị chàm chữa, bạn nên:
– Đảm bảo cơ thể trẻ luôn được khô thoáng, sạch sẽ, hạn chế việc đổ mồ hôi. Theo đó, mẹ nên tắm cho bé bằng những loại xà phòng nhẹ nhàng, tuyệt đối không sử dụng loại chứa hóa chất tạo mùi và bọt.
– Giặt chăn gối, quần áo, khăn cho bé bằng các loại xà bông an toàn, nhẹ và ít gây kích ứng. Tránh để con lại gần chó mèo hoặc di chuyển đến những khu vực nhiều khói bụi.
– Chú ý các thực phẩm và yếu tố môi trường có thể gây dị ứng chẳng hạn như: trứng, hải sản, thức ăn lên men, cà chua …
– Sử dụng kem dưỡng ẩm cho bé.
– Nếu sau một thời gian chàm sữa không tự khỏi hoặc bị nặng hơn, bé khó chịu quấy khóc thì có thể sẽ phải bôi kem steroid (ví dụ như hydrcortison hoặc các loại kem mạnh hơn) cho bé.
2. Bệnh về da em bé: Con nổi mẩn đỏ quanh miệng
Đây là bệnh về da ở trẻ sơ sinh xảy ra khi da bé tiếp xúc thường xuyên với nước bọt hay sữa.
• Đặc điểm chứng nổi mẩn đỏ quanh miệng: Bệnh nổi mẩn quanh miệng có liên quan đến nước bọt của bé. Bệnh do những nguyên nhân như bé hay trớ sữa, chảy sữa ra ngoài trong khi bú mẹ hoặc bú bình, chảy nhiều dãi khi mọc răng (4 – 5 tháng) hoặc dùng ti giả quá lâu.
Những nốt mẩn đỏ quanh miệng sẽ tự hết nếu bé được chăm sóc kỹ và làm sạch nước bọt.
• Nhận biết bé nổi mẩn đỏ quanh miệng: Đây là tình trạng xuất hiện những nốt mẩn đỏ li ti ở hai má quanh miệng và cằm của bé. Nổi mẩn đỏ quanh miệng khá giống với chàm sữa, tuy nhiên sự khác biệt dễ thấy nhất ở hai bệnh này là vị trí xuất hiện nốt mẩn. Chàm sữa, ngoài hai má còn xuất hiện ở đầu, ngực, cánh tay…
Nổi mẩn quanh miệng thường chỉ xảy ra ở những vùng da thường xuyên tiếp xúc với nước bọt của trẻ chảy xuống như xung quanh miệng hoặc cằm, ngực.
• Cách xử lý khi bé nổi mẩn đỏ quanh miệng: Khi bệnh về da em bé này xuất hiện, bạn nên cẩn thận chăm sóc vùng da này.
– Sau khi bé bú hoặc bị trớ sữa và chảy dãi, bạn nên dùng khăn xô hoặc vải bông mềm thấm khô quanh miệng, cằm và ngực, cổ cho bé và bôi kem dưỡng ẩm. Ngoài ra, bạn cũng có thể dùng yếm để ngăn phát ban lan đến ngực.
– Tránh lau rửa quá nhiều lần dễ khiến da bé bị khô và bị tổn thương
– Vỗ ợ hơi và bồng cao đầu bé để tránh trớ sữa sau bú và hạn chế cho bé bú ti giả quá lâu. Mỗi lúc bé ngủ, mẹ nên đặt khăn để thấm hút nước dãi.
– Bôi thuốc mỡ để tránh viêm da cho bé.
Bạn cần lưu ý phân biệt nổi mẩn đỏ với các bệnh về da ở trẻ sơ sinh khác như nấm miệng hoặc bệnh chân tay miệng khi thấy bé bị phát ban quanh miệng.
3. Mụn sữa ở trẻ sơ sinh
Mụn sữa (mụn kê, mụn trứng cá) là một trong những bệnh về da ở trẻ sơ sinh khá phổ biến. Trong giai đoạn đầu đời, khoảng 40% trẻ sơ sinh bị mụn sữa. Nguyên nhân chính là do hoạt động của hormone gây ứ đọng chất bã nhờn tại những vị trí có nhiều tuyến bã trên da dẫn tới hình thành những mụn sữa ở các vị trí này.
• Đặc điểm mụn sữa: Mụn sữa có thể bắt đầu xuất hiện từ những ngày đầu hoặc vài tuần sau khi bé chào đời. Mụn sữa sẽ càng nổi nhiều hoặc đỏ tấy lên nếu thân nhiệt của bé tăng lên hoặc nếu da bị kích ứng.
• Nhận biết mụn sữa ở trẻ sơ sinh: Mụn sữa thường xuất hiện ở hai bên má là chủ yếu, nhưng đôi khi cũng xuất hiện ở mũi, trán, cằm và thậm chí ở lưng của trẻ sơ sinh. Mụn có dạng những nốt nhỏ li ti màu trắng giống như mụn trứng cá, có thể có vùng da màu đỏ bao quanh.
• Cách xử lý khi trẻ bị mụn sữa: Loại bệnh về da em bé này không lây nhiễm hay gây ảnh hưởng tới sức khỏe của bé nhưng có thể khiến trẻ khó chịu.
Nếu được chăm sóc và vệ sinh tốt, mụn sữa thường có thể tự khỏi sau vài tuần tới 1 – 2 tháng.
Bạn không cần quá lo lắng mà hãy chú ý chế độ dinh dưỡng và vệ sinh cho bé theo các lưu ý:
– Tránh rửa quá nhiều hoặc chà xát lên vùng da nổi mụn sữa vì có thể gây kích ứng da hoặc làm da bị trầy xước, tổn thương. Thường xuyên thay quần áo, tã lót để bé luôn khô thoáng. Trong trường hợp mụn sữa mọc ở nách hoặc bẹn, mẹ có thể sử dụng phấn rôm loại an toàn dành cho trẻ sơ sinh.
– Sử dụng các loại sữa tắm dịu nhẹ, độ pH trung tính để vệ sinh cho bé vào sáng và tối, sau đó dùng khăn bông sạch thấm khô
– Dùng chăn, đệm, quần áo của bé bằng các chất liệu khô thoáng, thân thiện với da và không gây kích ứng
– Không để phòng quá nóng hoặc mặc nhiều quần áo cho bé. Tuyệt đối tránh chà xát, bóp hoặc cố gắng nặn mụn sẽ khiến làn da bé bị tổn thương nặng hơn.
– Nếu cho con bú, bạn nên xem xét hạn chế ăn các thực phẩm có thể khiến bé bị dị ứng như trứng, đậu nành, lạc, hải sản, đồ ăn cay, nóng.
4. Bệnh về da em bé: Đừng bỏ qua hăm tã
Hăm tã thường gặp ở trẻ 3–15 tháng tuổi, tuy nhiên cũng gặp ở trẻ sơ sinh dưới 3 tháng tuổi. Nguyên nhân gây hăm tã là do da bị chà sát hoặc không được thông thoáng mà bị ẩm ướt hoặc đổ mồ hôi khiến hệ thống bài tiết ở da bị bít kín gây kích ứng da. Ứ đọng nước tiểu, phân hoặc một số chất hóa học gây kích ứng cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng hăm tã.
• Nhận biết khi bé bị hăm tã: Hăm tã là bệnh về da ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Loại bệnh về da em bé này xuất hiện ở vùng da thường xuyên mặc tã hoặc bỉm. Ban đầu bé có thể chỉ bị đỏ, phát ban nhẹ và xuất hiện một vài đốm nhỏ nhưng khi nặng hơn có thể gây ra tình trạng kích ứng, da bị nứt, trầy xước.
• Cách xử lý khi bé bị hăm tã: Nếu trẻ chỉ bị hăm tã nhẹ thì bạn không cần quá lo lắng vì trẻ bị hăm tã nhẹ có thể tự khỏi sau 3–5 ngày nếu cha mẹ vệ sinh cho trẻ đúng cách và giữ vùng da mặc tã sạch sẽ và khô thoáng.
Nếu hăm tã nặng hơn khiến vùng da bị hăm tã có những vết loét, mụn nhọt hoặc bị nứt… và trẻ mệt mỏi, khó chịu thì cần đưa trẻ đi khám bác sĩ da liễu.
• Phòng ngừa hăm tã cho trẻ: Để ngăn ngừa hăm tã ở trẻ sơ sinh, bạn cần luôn giữ vùng da tiếp xúc với tã của bé khô thoáng, sạch sẽ và không bị trầy xước bằng cách tuân thủ những lưu ý sau:
– Thay tã cho trẻ ngay khi tã ướt, bẩn. Bạn hãy chọn loại tã làm bằng chất liệu mềm, khô thoáng và thân thiện với da.
– Sau khi thay tã, bạn nên vệ sinh vùng kín của bé nhẹ nhàng, sạch sẽ sau đó làm khô vùng da này rồi mới mặc tã mới cho bé. Trong quá trình thực hiện, tránh chà xát quá mạnh sẽ khiến bé bị đau và xây xước da thêm.
– Không mặc tã hoặc quần quá chật cho bé. Ngoài ra, cũng không nên bôi phấn rôm quá nhiều vì sẽ dễ gây tắc lỗ chân lông cản trở việc thoát ẩm của da.
– Mỗi lần thay tã, bạn có thể thoa một lớp kem chống hăm (loại phù hợp với da bé).
– Thường xuyên theo dõi vùng da tiếp xúc với tã mỗi lần thay cho bé để có biện pháp điều chỉnh phù hợp
5. Viêm da tiết bã là bệnh về da ở trẻ sơ sinh dễ gặp
Viêm da tiết bã là một bệnh về da ở trẻ sơ sinh từ 0–3 tháng tuổi và có thể tự khỏi sau một thời gian ngắn, tuy nhiên trong một số trường hợp bệnh có thể tồn tại tới khi trẻ 1 tuổi hoặc thậm chí tới 4 tuổi. Theo thống kê, có khoảng 10% trẻ sơ sinh bị viêm da tiết bã. Viêm da tiết bã ở trẻ sơ sinh có thể là do hormone làm tăng tiết chất nhờn ở nang lông hoặc do nấm Malassezia gây ra.
• Phân biệt viêm da tiết bã nhờn và chàm sữa: Viêm da tiết bã trông khá giống với chàm sữa nhưng chàm sữa thường gây ngứa và khó chịu còn viêm da tiết bã thì không. Chàm sữa cũng thường xuất hiện nhiều ở hai bên má còn viêm da tiết bã thường xuất hiện ở da đầu và những vùng có nhiều chất nhờn như sau tai, dưới lông mày…
• Nhận biết viêm da tiết bã nhờn: Viêm da tiết bã thường xuất hiện ở da đầu và hình thành những vảy nhờn có màu vàng hay những mảng tróc như gàu trên da đầu của trẻ. Ngoài da đầu, viêm da tiết bã cũng có thể xuất hiện nhiều ở phía sau tai, đôi khi ở vùng da dưới lông mày hoặc ở mũi, nách hoặc háng. Vảy có thể xuất hiện ở dạng khô hoặc dạng nhờn và thường có màu trắng hoặc màu vàng.
• Cách xử lý viêm da tiết bã nhờn: Viêm da tiết bã không lây nhiễm, cũng không phải một dấu hiệu bệnh lý hay do bạn chăm sóc và vệ sinh cho bé không tốt. Những vảy hay mảng tróc này có thể tự biến mất mà không cần đến điều trị y tế.
Khi trẻ bị viêm da tiết bã, bạn nên gội đầu thường xuyên cho bé bằng dầu gội đầu dành cho trẻ sơ sinh, dùng tay xoa nhẹ lên da đầu hoặc dùng bàn chải mềm chải da đầu cho bé để vảy tróc ra dần dần. Lưu ý khi chọn mua dầu gội, mẹ nên xem kỹ thành phần, tránh chọn loại chứa acid salicylic rất dễ gây kích ứng và ngộ độc ở trẻ.
Ngoài ra, có thể dùng lược chải đầu loại lông mềm để chải nhẹ nhàng hằng ngày sau khi gội đầu. Điều này sẽ giúp loại bỏ bớt các vảy trên da đầu. Trong trường hợp quan sát thấy da đầu bé bị rỉ dịch, đóng mài vàng, bạn nên đưa con đến bác sĩ để thăm khám bởi đây có thể là tình trạng trẻ bị bội nhiễm vi trùng và cần phải dùng kháng sinh để điều trị.
Bạn không nên chà xát mạnh hay dùng dầu gội trị gàu để tránh làm tổn thương da đầu của bé và đưa bé đi khám ngay nếu bệnh không đỡ.
Các bệnh về da ở trẻ sơ sinh tuy không quá nguy hiểm nhưng có thể gây ngứa ngáy và khó chịu cho trẻ nên bạn hãy để ý chăm sóc để bé thoải mái hơn. Da bé sẽ nhanh chóng mịn màng lại ngay nếu bạn giữ vệ sinh và chăm sóc da đúng cách cho bé.