Bệnh loạn thị là một vấn đề nhãn khoa có nguy cơ xảy ra ở mọi độ tuổi. Do hình dạng bất thường của giác mạc, nên hình ảnh thu được vào mắt sẽ bị mờ và méo mó.
Hiện nay, tật khúc xạ là vấn đề nhãn khoa phổ biến không chỉ ở trẻ nhỏ mà còn ở người lớn. Dựa theo đặc tính riêng, các chuyên gia phân chia tật khúc xạ thành ba nhóm chính, gồm:
- Cận thị
- Viễn thị
- Loạn thị
Loạn thị là gì?
Tương tự như cận thị hay viễn thị, bệnh loạn thị cũng là một vấn đề về tầm nhìn phổ biến. Loại tật khúc xạ này có mối liên hệ với hình dạng bất thường của giác mạc.
Theo nhận định từ các chuyên gia, lớp giác mạc của những người mắc bệnh loạn thị có đường cong không đều. Điều này sẽ khiến tia sáng sáng đến võng mạc bị chuyển hướng (khúc xạ), làm cho tầm nhìn bị lu mờ hoặc méo mó. Tình trạng này hoàn toàn khác với trường hợp ánh sáng phân bố bất thường trong cận thị hoặc viễn thị.
Các loại loạn thị phổ biến
Bệnh loạn thị được phân loại thành hai nhóm chính, bao gồm:
- Loạn thị đều: phát sinh từ hình dáng bất thường của giác mạc.
- Loạn thị không đều: có thể phát bệnh do chấn thương mắt gây nên sẹo trên lớp giác mạc, chẳng hạn như phẫu thuật mắt hoặc keratoconus – một loại bệnh lý khiến giác mạc bị ăn mòn theo thời gian.
Nguyên nhân loạn thị
Tính đến thời điểm này, các chuyên gia vẫn chưa xác định rõ nguyên nhân loạn thị là gì. Tuy nhiên, ba yếu tố dưới đây thường góp phần vào nguyên nhân loạn thị:
- Yếu tố di truyền: bạn có thể mắc bệnh loạn thị bẩm sinh
- Chấn thương mắt hoặc hệ lụy sau phẫu thuật mắt
- Các loại tật khúc xạ khác: loạn thị có thể xuất hiện cùng lúc với cận hoặc viễn thị
Nguy cơ mắc bệnh loạn thị
Bệnh loạn thị có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Bạn sẽ có nguy cơ loạn thị cao hơn nếu có bất kỳ yếu tố nào dưới đây:
- Tiền sử gia đình bị loạn thị hoặc các bệnh nhãn khoa khác, chẳng hạn như keratoconus (thoái hóa giác mạc)
- Giác mạc mỏng hoặc có sẹo
- Độ cận hoặc độ viễn quá lớn
- Đã từng trải qua ít nhất một lần phẫu thuật mắt, ví dụ như phẫu thuật đục thủy tinh thể
Một số triệu chứng của bệnh loạn thị
Triệu chứng loạn thị của mỗi người là khác nhau, thậm chí có người không hề bộc lộ bất kỳ dấu hiệu nào. Các biểu hiện thông thường của bệnh loạn thị bao gồm:
- Hình ảnh nhìn thấy, bất kể khoảng cách, bị mờ hoặc méo mó
- Cảm thấy khó khăn khi nhìn vào bóng tối
- Mỏi mắt
- Thường xuyên nheo mắt
- Mắt bị kích ứng
- Đau đầu
Mặt khác, vì rất phổ biến nên những triệu chứng trên đồng thời cũng là dấu hiệu của một số vấn đề sức khỏe hoặc thị lực khác. Do đó, nếu bắt gặp bất kỳ triệu chứng nào, bạn nên đến gặp bác sĩ nhãn khoa càng sớm càng tốt.
Bạn có thể muốn đọc thêm: Những dấu hiệu của bệnh về mắt bạn không được bỏ qua.
Các biện pháp chẩn đoán bệnh loạn thị
Một bác sĩ nhãn khoa sẽ tiến hành chẩn đoán loạn thị thông qua việc kiểm tra mắt toàn diện, bao gồm các xét nghiệm đặc hiệu như:
Bài kiểm tra đánh giá thị lực
Trong bài kiểm tra đánh giá thị lực, bác sĩ sẽ yêu cầu bạn đọc các chữ cái từ biểu đồ ở một khoảng cách cụ thể để xác định khả năng bạn có thể nhận diện chữ cái như thế nào.
Kiểm tra khúc xạ
Trong xét nghiệm khúc xạ, bác sĩ sẽ sử dụng một thiết bị đặc hiệu gọi là khúc xạ quang. Máy có nhiều thấu kính hiệu chỉnh với cường độ khác nhau. Bác sĩ sẽ yêu cầu bạn đọc một biểu đồ khi nhìn qua các thấu kính này nhằm xác định độ loạn của bạn.
Xét nghiệm đo giác mạc (keratometry)
Keratometry là một biện pháp giúp các bác sĩ nhãn khoa đo độ cong của giác mạc. Họ sẽ làm điều này bằng cách nhìn vào mắt bạn thông qua một thiết bị đo góc chuyên dụng.
Phương pháp điều trị loạn thị
Thông thường những trường hợp loạn thị nhẹ sẽ không cần điều trị. Các chuyên gia sẽ chỉ định bạn trị liệu khi thị lực bị ảnh hưởng nghiêm trọng bằng cách sử dụng một trong các biện pháp sau:
Dùng kính đeo mắt hoặc kính áp tròng
Đeo kính áp tròng hoặc kính mắt theo chỉ định của bác sĩ nhãn khoa là biện pháp điều trị bệnh loạn thị phổ biến và kinh tế nhất.
Bạn có thể muốn tìm hiểu: Khi nào bạn cần đến kính đeo mắt?
Phương pháp Orthokeratology (Ortho-K)
Orthokeratology (Ortho-K) là một phương pháp điều trị loạn thị bằng cách sử dụng kính áp tròng cứng để tạm thời điều chỉnh độ cong không đều của giác mạc. Bạn sẽ đeo loại kính áp tròng cứng này trong một thời gian theo chỉ định từ các chuyên gia, cụ thể là đeo trong lúc ngủ và tháo ra vào ban ngày. Một số người khi đang áp dụng biện pháp này còn có thể nhìn rõ mọi thứ mà không cần đeo kính mắt hay kính áp tròng.
Phẫu thuật
Bạn có thể cần đến một ca phẫu thuật mắt nếu tình trạng loạn thị nặng. Loại phẫu thuật này sử dụng tia laser hoặc dao để định hình lại giác mạc nhằm khắc phục vĩnh viễn bệnh loạn thị của bạn. Hiện nay có ba loại phẫu thuật phổ biến nhất cho tình trạng loạn thị bao gồm:
- Phẫu thuật LASIK
- Phẫu thuật PRK
- Phẫu thuật cắt giác mạc xuyên tâm RK
Tất cả các ca phẫu thuật đều có một số rủi ro đặc biệt. Bạn nên tham vấn kỹ với bác sĩ về những rủi ro biến chứng cũng như lợi ích mà biện pháp này mang lại đối với sức khỏe mắt và thị lực.
Bạn có thể muốn đọc tiếp: Phẫu thuật mắt LASIK là gì?
Loạn thị có khả năng gây nên biến chứng gì?
Tình trạng “mắt lười biếng”, hay còn được biết đến qua tên gọi nhược thị, là biến chứng thường thấy nhất ở những người bị loạn thị nhưng không điều trị kịp thời.
Triển vọng dành cho người loạn thị
Loạn thị là vấn đề nhãn khoa có khả năng chữa trị. Kính mắt hoặc kính áp tròng đặc chế hay phẫu thuật là các biện pháp hữu ích có thể khôi phục thị lực của bạn.
Ngoài ra, tính đến thời điểm hiện tại, các chuyên gia vẫn chưa tìm ra cách để ngăn ngừa loạn thị phát triển.