Hầu hết nhiều người chỉ biết vết bầm xuất hiện khi bạn va chạm hay té ngã. Tuy nhiên, còn nhiều điều thú vị xoay quanh vết bầm tím mà bạn có thể sẽ hứng thú muốn biết qua bài viết dưới đây.
Những điều bạn cần biết về vết bầm thâm tím
Những đốm màu đen và xanh thường là dấu hiệu nhận thấy rằng bạn đang bị bầm tím. Ví dụ khi bạn bị một vết cắt hoặc chảy máu trên một vùng trên cơ thể. Chấn thương sẽ khiến cho các mạch máu nhỏ gọi là mao mạch bị vỡ dẫn đến tình trạng máu bị tích tụ dưới bề mặt da.
Vết bầm tím là tình trạng có thể xảy ra đối với mọi người ở mọi lứa tuổi. Có một số vết bầm thường ít đau nhức khi chạm vào làm bạn không để ý đến chúng. Dù rằng mọi người rất thường bị bầm tím, nhưng điều quan trọng là bạn cần phải biết rõ về các biện pháp điều trị hoặc liệu rằng tình trạng của bạn có cần sự can thiệp y tế khẩn cấp hay không.
Nguyên nhân gây vết bầm tím trên da
Thông thường, chúng ta hay bị bầm khi va chạm mạnh vào một vật hoặc người nào đó.
- Những người thường xuyên tập luyện thể thao như vận động viên điền kinh và vận động viên cử tạ là những người dễ bị bầm nhất;
- Nếu bạn có dấu hiệu cho thấy sự xuất hiện của các vết bầm tím mà không rõ nguyên nhân thì có nguy cơ bạn bị chứng rối loạn chảy máu – đặc biệt nếu bị bầm tím và thường kèm theo chảy máu mũi hoặc chảy máu răng;
- Thông thường, những vết bầm tím thường đột ngột xuất hiện trên những vùng da như cẳng chân và bắp đùi mà bạn không biết lý do. Thực tế thì những vết bầm này thường là kết quả của việc bạn vô ý va đập vào thành giường hoặc té ngã;
- Ở người cao tuổi, nguy cơ bị bầm sẽ tăng cao hơn bởi vì da của họ đã trở nên mỏng hơn do lão hóa. Các mô có chức năng hỗ trợ các mạch máu nằm dưới da sẽ dễ bị tổn thương hơn;
- Bầm tím cũng là tình trạng phổ biến ở những người thường dùng thuốc gây loãng máu.
Các triệu chứng nhận thấy vết bầm tím
- Vết bầm thoạt đầu có thể có màu đỏ, sau đó nó sẽ chuyển sang màu tím sẫm hoặc xanh trong vòng vài giờ. Sau vài ngày, nó sẽ tiếp tục chuyển sang màu vàng hoặc xanh lá cây bởi vì da đang hồi phục dần;
- Vết thâm tím sẽ gây đau nhói khi chạm vào và thậm chí đôi khi gây đau đớn trong vài ngày đầu. Tuy nhiên, cơn đau thường biến mất ngay khi màu sắc nhạt dần.
Các biện pháp chữa vết thâm tím tại nhà
Việc điều trị vết thâm tím sẽ mang lại hiệu quả cao nhất nếu bạn điều trị nó ngay sau khi bị thương – khi mà vết thâm tím vẫn còn sưng đỏ.
- Bạn nên chườm, đắp túi đá hoặc túi rau củ đông lạnh lên vùng da bị bầm đỏ trong vòng 20–30 phút để thúc đẩy tốc độ phục hồi và giảm sưng. Bạn nên để đá gói gọn trong chiếc khăn và chườm lên chỗ bầm. Bạn không nên chườm đá trực tiếp lên da;
- Nếu bạn bị bầm tím mảng lớn trên chân hoặc bàn chân, bạn nên giơ chân lên càng cao càng tốt trong vòng 24 giờ để máu lưu thông dễ dàng;
- Acetaminophen có thể được dùng để giúp giảm đau, bạn hãy làm theo hướng dẫn in trên chai nhé;
- Tránh dùng aspirin hoặc ibuprofen vì chúng có tác dụng làm chậm quá trình đông máu. Đồng thời, trên thực tế, các loại thuốc này còn kéo dài thời gian chảy máu;
- Sau 48 giờ từ lúc bị thương, bạn hãy ngâm một chiếc khăn trong nước ấm và chườm lên da trong vòng 10 phút. Bạn nên chườm 2–3 lần một ngày để giúp tăng cường sự lưu thông máu đến vùng da bị bầm. Phương pháp này giúp da tan máu bầm nhanh hơn. Cuối cùng, vết thâm tím sẽ mờ dần đi.
Chúng ta ai ít nhất cũng bị bầm một lần, vì thế bạn hãy áp dụng các biện pháp trên để mau hết bầm nhé!