Bạn biết gì về ung thư xương nguyên phát?

(3.88) - 12 đánh giá

Ung thư xương nguyên phát là một dạng ung thư xương, bắt nguồn từ xương. Đây là loại ung thư xương hiếm gặp và gồm nhiều loại khác nhau.

Ung thư xương nguyên phát xảy ra khi ung thư bắt nguồn từ xương. Đây là loại ung thư hiếm gặp vì đa số người bệnh thường mắc phải ung thư xương di căn từ các khu vực khác trong cơ thể. Có nhiều loại ung thư xương nguyên phát khác nhau. Do đó, việc điều trị có thể bao gồm phẫu thuật, hóa trị và xạ trị. Phương pháp điều trị được sử dụng sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau bao gồm loại, vị trí và giai đoạn của ung thư.

Ung thư xương là gì?

Ung thư xương có thể được chia thành ung thư xương nguyên phát và ung thư xương thứ phát.

  • Ung thư xương nguyên phát là ung thư bắt đầu từ các tế bào trong mô xương cứng. Đây là loại ung thư hiếm gặp. Bệnh chỉ chiếm 2/1.000 ca ung thư được chẩn đoán. Ung thư xương nguyên phát ảnh hưởng đến nam giới nhiều hơn nữ giới.
  • Ung thư xương thứ phát (di căn) có nghĩa là ung thư bắt đầu ở một khu vực khác của cơ thể lan đến xương. Nhiều loại ung thư có thể lan đến xương. Phổ biến nhất là ung thư vú, tuyến tiền liệt, phổi, thận và tuyến giáp. Ung thư xương thứ phát là bệnh phổ biến. Các xử lý, điều trị và tiên lượng của bệnh ung thư xương thứ phát thường khác với ung thư xương nguyên phát.
  • Ung thư các tế bào máu có nguồn gốc từ tủy xương không được phân loại là ung thư xương – ví dụ như ung thư bạch cầu, u lympho và u tủy.

Các loại ung thư xương nguyên phát

Có nhiều loại ung thư xương nguyên phát. Chúng được phân loại theo loại tế bào xuất hiện trong khối ung thư. Hầu hết các loại ung thư xương nguyên phát là loại ung thư sa côm. Sa côm là ung thư bắt nguồn từ các tế bào tạo ra các mô hỗ trợ (các mô liên kết) của cơ thể, ví dụ như xương, cơ, sụn, dây chằng…

Sa côm xương

Đây là loại ung thư xương nguyên phát phổ biến nhất, mặc dù bệnh rất hiếm gặp. Sa côm xương phát sinh từ các tế bào tạo xương và có thể ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi. Đây là loại ung thư phổ biến nhất ở thiếu niên và thanh niên, nhưng trên thực tế hơn một nửa số trường hợp mắc bệnh sa côm là những người trên 45 tuổi. Bệnh thường xuất hiện tại đầu các xương đang phát triển ở những người trẻ tuổi, phổ biến nhất là các xương gắn với đầu gối và cánh tay trên. Tuy nhiên, bất kỳ xương nào cũng có thể bị ảnh hưởng.

Sa côm Ewing

Các tế bào của bệnh ung thư này trông khác với sa côm xương thường gặp. Bệnh này ảnh hưởng ít hơn 1/1.000.000 người mỗi năm. Hầu hết các trường hợp bệnh xảy ra ở những người trẻ tuổi từ 10 đến 20 tuổi, nhưng cũng có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Bệnh sa côm Ewing thường ảnh hưởng nhất đến hông (xương chậu) và các xương dài ở chân. Các khối u Ewing cũng có thể ảnh hưởng đến các mô mềm xung quanh xương.

Sa côm sụn

Loại ung thư này phát sinh từ các tế bào hình thành sụn. Ngoài xuất hiện ở sụn, sa côm sụn cũng có thể phát triển trong xương hoặc trên bề mặt xương. Hầu hết các trường hợp bệnh xảy ra ở những người trong độ tuổi từ 30 đến 60. Sa côm sụn thường ảnh hưởng nhiều nhất đến xương chậu, xương bả vai, xương sườn và phần trên các xương cánh tay và chân.

Các loại khác

Các loại u xương tiên phát hiếm gặp khác bao gồm sa côm sợi, sa côm cơ trơn, u ác tính mô bào, sa côm mạch máu và u nguyên sống.

Nguyên nhân gây ung thư xương nguyên phát

Một khối u ung thư (ác tính) bắt đầu từ một tế bào bất thường. Lý do tại sao một tế bào trở thành ung thư chưa được biết rõ. Nhiều chuyên gia cho rằng một yếu tố nào đó gây tổn thương hoặc làm thay đổi một số gen trong tế bào. Điều này làm cho tế bào nhân lên bất thường và “ngoài tầm kiểm soát”. Trong hầu hết các trường hợp, bác sĩ không tìm ra nguyên nhân gây ra ung thư xương nguyên phát.

Các loại ung thư xương nguyên phát phổ biến nhất, sa côm xương và sa côm Ewing, chủ yếu xảy ra ở những người trẻ tuổi. Nguyên nhân gây ra những loại này có thể liên quan đến các thay đổi trong xương khi nó phát triển.

Trong một số trường hợp, một số yếu tố nguy cơ nhất định có thể gây ra bệnh này. Ví dụ như nguy cơ phát triển khối u xương nguyên phát tăng lên nếu bạn có:

  • Xạ trị liều cao để điều trị các vấn đề khác.
  • Bệnh xương Paget. Đây là một căn bệnh của xương xảy ra ở một số người già.
  • Một u sụn xương. Đây là khối u không phải ung thư (lành tính) thỉnh thoảng chuyển thành sa côm sụn.
  • Một số rối loạn di truyền hiếm gặp bao gồm: Hội chứng Li-Fraumeni, u đa sụn xương di truyền (HME) và ung thư võng mạc di truyền.
  • Bệnh Ollier (bệnh u nội sụn) – một tình trạng xương hiếm gặp.

Không có bằng chứng nào cho thấy một chấn thương xương sẽ làm tăng nguy cơ phát triển ung thư xương trong tương lai.

Các triệu chứng của ung thư xương nguyên phát là gì?

Các triệu chứng ung thư xương nguyên phát gồm:

  • Đau đớn. Cơn đau có thể khá mơ hồ lúc đầu nhưng dần dần có xu hướng trở nên dai dẳng và nghiêm trọng hơn ở phần xương bị ảnh hưởng.
  • Sưng trên phần xương bị ảnh hưởng (Chỉ có thể thấy với xương gần bề mặt da).
  • Khó khăn trong việc di chuyển khớp nếu ung thư gần khớp.
  • Các triệu chứng tăng áp lực nếu khối u phát triển từ xương và chèn ép vào các khu vực gần đó. Ví dụ như áp lực lên dây thần kinh có thể gây đau, ngứa ran, yếu cơ hoặc tê vùng da.
  • Gãy xương có thể xảy ra ở vị trí của khối u sau một chấn thương nhỏ.

Các triệu chứng toàn thân có thể xảy ra khi ung thư trở nên to hơn, ví dụ như mệt mỏi, sụt cân, đổ mồ hôi. Nếu ung thư lan sang các bộ phận khác của cơ thể, các triệu chứng khác có thể phát triển.

Chẩn đoán và đánh giá ung thư xương nguyên phát

Đánh giá ban đầu và chẩn đoán

Nếu bác sĩ nghi ngờ bạn bị ung thư xương nguyên phát, họ có thể yêu cầu một số xét nghiệm sau đây:

  • Chụp X-quang. Ung thư xương nguyên phát thường xuất hiện đặc trưng trên phim chụp X-quang.
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI). Cách này rất hữu ích để hiển thị chính xác vị trí và kích thước của khối u.
  • Sinh thiết xương. Một mẫu nhỏ được lấy ra và kiểm tra dưới kính hiển vi để tìm các tế bào bất thường.

Khi ung thư xương nguyên phát được xác nhận, các xét nghiệm bổ sung thường được yêu cầu để đánh giá mức độ lan của ung thư. Các xét nghiệm có thể bao gồm các xét nghiệm máu khác nhau, chụp X-quang và quét.

Đánh giá mức độ nghiêm trọng của ung thư – phân loại và chia giai đoạn

Kết quả sinh thiết có thể cho thấy loại ung thư. Ngoài ra, có thể phân loại ung thư dựa vào các đặc tính của các tế bào ung thư. Ung thư xương nguyên phát được chia thành hai loại:

  • Mức độ thấp – các tế bào trông tương tự như tế bào xương bình thường. Các tế bào ung thư được gọi là ung thư biệt hóa cao. Các tế bào ung thư này có xu hướng phát triển và nhân lên khá chậm và không quá ‘hung hăng’.
  • Mức độ cao – các tế bào trông rất bất thường và được gọi là kém biệt hóa. Các tế bào ung thư này có xu hướng phát triển và nhân lên khá nhanh chóng, ‘hung hăng’ và dễ lây lan hơn.

Giai đoạn ung thư xương nguyên phát dựa trên mức độ ung thư và mức độ phát triển hoặc lây lan của nó. Các giai đoạn thường được sử dụng là:

  • Giai đoạn IA – ung thư bao gồm các tế bào cấp thấp và hoàn toàn nằm trong xương, không lây lan đến các bộ phận khác của cơ thể.
  • Giai đoạn IB – ung thư bao gồm các tế bào cấp thấp nhưng đã phát triển qua thành xương, không lây lan đến các bộ phận khác của cơ thể.
  • Giai đoạn IIA – ung thư bao gồm các tế bào cấp cao và hoàn toàn nằm trong xương, không lây lan đến các bộ phận khác của cơ thể.
  • Giai đoạn IIB –ung thư bao gồm các tế bào cấp cao nhưng đã phát triển qua thành xương, không lây lan đến các bộ phận khác của cơ thể.
  • Giai đoạn III – ung thư ở bất kỳ cấp độ nào nhưng đã lan sang các phần khác của cơ thể.

Đánh giá giai đoạn là quan trọng, vì các lựa chọn điều trị và triển vọng khác nhau tùy thuộc vào giai đoạn của ung thư.

Các lựa chọn điều trị ung thư xương nguyên phát

Các phương pháp điều trị chính được sử dụng cho ung thư xương nguyên phát là phẫu thuật, hóa trị và xạ trị. Việc điều trị hoặc kết hợp các phương pháp điều trị được khuyến cáo trong mỗi trường hợp phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau như:

  • Loại ung thư xương nguyên phát.
  • Vị trí chính xác của ung thư.
  • Giai đoạn ung thư (ung thư lớn đến mức nào và liệu nó có lan rộng hay không).
  • Sức khỏe tổng quát của bệnh nhân.

Hãy thảo luận đầy đủ với một chuyên gia về trường hợp của bạn. Họ có thể cung cấp những ưu và khuyết điểm, tỷ lệ thành công, các tác dụng phụ có thể có và các chi tiết khác về các lựa chọn điều trị cho từng loại ung thư cụ thể. Bạn cũng nên thảo luận với chuyên gia về mục tiêu điều trị. Ví dụ như:

  • Trong một số trường hợp, điều trị nhằm mục đích chữa bệnh ung thư. Các bác sĩ có xu hướng sử dụng từ ‘thuyên giảm’ hơn là từ ‘chữa khỏi’. Thuyên giảm có nghĩa là không có bằng chứng về ung thư sau khi điều trị. Nếu bạn đang ‘thuyên giảm’, bạn có thể được chữa khỏi. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, ung thư quay trở lại sau vài tháng hoặc nhiều năm sau đó. Đây là lý do tại sao các bác sĩ đôi khi miễn cưỡng sử dụng từ chữa khỏi.
  • Trong một số trường hợp, điều trị nhằm mục đích kiểm soát ung thư. Nếu cách chữa trị không thực tế, việc điều trị có thể hạn chế sự tăng trưởng hoặc lan truyền của ung thư. Điều này có thể giúp bạn không có các triệu chứng trong một thời gian.
  • Trong một số trường hợp, mục đích điều trị là giảm nhẹ triệu chứng. Cách này được gọi là điều trị giảm nhẹ. Ví dụ như nếu ung thư tiến triển, bạn có thể cần thuốc giảm đau hoặc các phương pháp điều trị khác để giúp bạn không bị đau hoặc có các triệu chứng khác. Một số phương pháp điều trị có thể được sử dụng để giảm kích thước của khối ung thư, làm giảm các triệu chứng như đau.

Phẫu thuật

Bạn sẽ được chỉ định các loại phẫu thuật khác nhau tùy thuộc vào loại và vị trí của ung thư. Nếu ung thư ở một cánh tay hoặc chân, nó thường có thể được loại bỏ bằng phẫu thuật “bảo tồn chi”. Điều này có nghĩa là phẫu thuật chỉ lấy ra phần bị ảnh hưởng và thay thế bằng một bộ phận kim loại nhân tạo (bộ phận giả) hoặc ghép xương. Loại bỏ chi (cắt cụt) là loại phẫu thuật chính nhưng ngày nay ít được lựa chọn hơn do các kỹ thuật phẫu thuật được cải thiện với phẫu thuật bảo tồn chi. Tuy nhiên, cắt cụt chi vẫn cần thiết trong một số trường hợp, tùy thuộc vào kích thước, mức độ lan rộng hoặc vị trí của khối u. Chuyên gia phẫu thuật sẽ tư vấn về khả năng và các loại phẫu thuật mà bạn có thể thực hiện.

Xạ trị

Xạ trị là phương pháp điều trị sử dụng chùm tia bức xạ năng lượng cao tập trung vào mô ung thư. Cách này giết chết các tế bào ung thư hoặc ngăn chặn các tế bào ung thư nhân lên.

Xạ trị thường được sử dụng kết hợp với phẫu thuật và hóa trị. Xạ trị thường không được sử dụng cho bệnh sa côm xương hoặc sa côm sụn vì chúng không nhạy cảm với bức xạ.

Hóa trị liệu

Hóa trị là phương pháp điều trị thuốc chống ung thư để tiêu diệt các tế bào ung thư hoặc ngăn chặn các tế bào ung thư nhân lên.

Hóa trị có thể được bổ sung cho phẫu thuật hoặc xạ trị, tùy thuộc vào loại và giai đoạn của ung thư xương. Hóa trị có thể được thực hiện trước khi phẫu thuật để thu nhỏ kích thước của ung thư giúp cho việc phẫu thuật có thể thực hiện được. Hóa trị cũng có thể được đề nghị sau phẫu thuật hoặc xạ trị. Cách này nhằm mục đích tiêu diệt bất kỳ tế bào ung thư nào còn sót lại trong cơ thể.

Đánh giá:

Bài viết liên quan

3 gợi ý để món rau thêm ngon

(96)
Không phải đứa trẻ nào cũng đều thích thú với những trái cây rau củ tươi ngon và đầy màu sắc. Nếu bạn đang đau đầu vì bé con nhà bạn quá cứng đầu ... [xem thêm]

Nước tiểu có bọt có thể là dấu hiệu bệnh!

(85)
Tình trạng nước tiểu có bọt trong một số trường hợp có thể là dấu hiệu cảnh báo bạn đang gặp phải các vấn đề bệnh lý sức khỏe nghiêm trọng. Bạn ... [xem thêm]

Làm thế nào để trẻ yêu thương anh chị em của mình?

(10)
Xây dựng mối quan hệ anh chị em tốt đẹp giữa các bé là một trong những nhiệm vụ đầy khó khăn bởi công việc này đòi hỏi sự ứng xử khéo léo của các ... [xem thêm]

Cách trị mụn trứng cá cho trẻ em cực hiệu quả mẹ có thể thử

(100)
Nỗi ám ảnh kinh hoàng mang tên “mụn trứng cá” không chỉ là vấn đề thường gặp ở lứa tuổi thanh thiếu niên hay người lớn mà còn ở cả trẻ em nữa. ... [xem thêm]

7 bài tập yoga tốt cho tim mạch

(75)
Các bài tập yoga tốt cho tim mạch sẽ giúp bạn thư giãn tinh thần khi căng thẳng và tăng cường sức khỏe thể chất để sống vui khỏe mỗi ngày.Nghiên cứu ... [xem thêm]

7 điều bạn có thể làm khi tâm trạng không vui

(48)
Trong cuộc sống hẳn sẽ có không ít những tình huống xảy đến khiến bạn rơi vào tâm trạng không vui. Đừng vội thất vọng hay chán nản vì vẫn có nhiều ... [xem thêm]

7 nguyên liệu tự nhiên giúp bạn có đôi má phúng phính

(56)
Má đầy đặn và tròn trịa sẽ đem lại cho bạn khuôn mặt trẻ trung và rạng rỡ như trẻ thơ. Trong khi đó, má chảy sệ thường là biểu hiện của sự lão hóa ... [xem thêm]

Mách bạn các cách nuôi dạy con phổ biến

(75)
Việc nuôi dạy con cái thường gây cho các bậc phụ huynh rất nhiều khó khăn. Vậy cách nuôi dạy con như thế nào mới là phù hợp?Bố mẹ nào cũng muốn con mình ... [xem thêm]

DANH SÁCH PHÒNG KHÁM BỆNH VIỆN