Bên cạnh áp dụng những phương pháp điều trị y tế, bạn có thể áp dụng một số mẹo nhỏ để sống chung với căn bệnh rối loạn ám ảnh cưỡng chế.
Rối loạn ám ảnh cưỡng chế là một dạng bệnh tâm thần. Những người mắc bệnh này có thể có những ám ảnh trong suy nghĩ hoặc các hành động cưỡng chế. Trong vài trường hợp, bạn có nguy cơ bắt gặp cả hai yếu tố trên.
Thực tế, quá trình điều trị bệnh rối loạn ám ảnh cưỡng chế không thể đem lại kết quả tốt nhất trong thời gian ngắn. Vậy, bạn đã biết cách sống chung với căn bệnh này trong thời gian liệu trình diễn ra chưa? Hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu qua bài viết sau nhé.
Bạn có thể quan tâm: Rối loạn tâm thần ở Việt Nam.
Bệnh rối loạn ám ảnh cưỡng chế là gì?
Chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế không nói về những thói quen như cắn móng tay hay luôn suy nghĩ về những vấn đề tiêu cực. Căn bệnh có thể ảnh hưởng đến công việc, học tập cũng như các mối quan hệ của bạn. Ngoài ra, đây cũng là tác nhân “kéo” bạn ra khỏi một cuộc sống bình thường như bao ngươi khác.
Người mắc bệnh rối loạn ám ảnh cưỡng chế không có khả năng kiểm soát suy nghĩ và hành động của bản thân. Chẳng hạn như, khi bị bệnh, bạn có thể có suy nghĩ ám ảnh rằng những người xung quanh sẽ cảm thấy tổn thương nếu bạn không mặc quần áo theo đúng thứ tự vào mỗi buổi sáng.
Ngoài ra, thói quen bắt buộc rửa tay bảy lần sau khi chạm vào vật không sạch sẽ cũng là một dấu hiệu điển hình của bệnh rối loạn ám ảnh cưỡng chế. Mặc dù không muốn thực hiện những điều này, nhưng bạn có thể sẽ cảm thấy bất lực để dừng lại.
8 cách sống chung với bệnh rối loạn ám ảnh cưỡng chế
Bệnh rối loạn ám ảnh cưỡng chế có thể “biến” cuộc sống vốn dĩ tươi đẹp của bạn thành “địa ngục không lối thoát”. Điều này là bởi lối suy nghĩ ám ảnh và hành động cưỡng chế, kèm theo sự lo lắng, sẽ chiếm phần lớn thời gian cũng như năng lượng của bạn.
Bên cạnh những liệu pháp điều trị y tế do bác sĩ chỉ định, bạn nên học thêm một số cách để tự chăm sóc bản thân mình nếu rơi vào trường hợp này.
1. Ăn uống và tâm trạng
Áp dụng chế độ ăn lành mạnh vẫn chưa đủ để bạn đối phó với chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế. Điều quan trọng là bạn cần ăn uống đầy đủ, đúng giờ. Bởi vì khi bạn đói, lượng đường trong máu sẽ giảm xuống, dẫn đến tâm trạng cáu kỉnh và mệt mỏi. Điều này không có lợi với những người mắc bệnh tâm thần.
Do đó, bạn nên bắt đầu ngày mới với bữa ăn sáng dinh dưỡng. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày thay vì ba bữa chính như bình thường.
Mặt khác, bạn nên cân nhắc những thực phẩm tốt cho sức khỏe như:
- Các loại đậu và hạt với giá trị dinh dưỡng cao
- Protein, ví dụ như trứng, đậu và thịt… sẽ từ từ cung cấp năng lượng, giúp bạn cân bằng tâm trạng tốt hơn
- Thực phẩm chứa carbs phức như trái cây, rau xanh, ngũ cốc nguyên hạt… sẽ hỗ trợ duy trì lượng đường trong máu ổn định
Ngược lại, bạn cần tránh xa những thức uống như cà phê, trà, nước tăng lực… Bên cạnh việc nhanh chóng nạp năng lượng trong thời gian ngắn cho bạn hoặc duy trì sự tỉnh táo, chúng cũng có nguy cơ gây tăng mức độ lo lắng.
2. Tránh xa các chất kích thích
Điều trị rối loạn ám ảnh cưỡng chế bằng chất kích thích hay rượu nghe có vẻ hứa hẹn. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý rằng hai biện pháp trên gây hại cho bạn nhiều hơn đem đến lợi ích sức khỏe. Chất cồn trong rượu có thể khiến bạn cảm thấy những nỗi lo lắng dường như “biến mất”. Tuy nhiên, khi cơ thể hấp thụ lượng cồn như vậy trong thời gian dài, một loạt bệnh về gan hay huyết áp có nguy cơ xảy ra. Điều này cũng tương tự với nicotine, một hoạt chất kích thích trong thuốc lá.
Bạn có thể muốn tìm hiểu: Uống rượu, bia và hút thuốc có làm tăng huyết áp?
3. Ngủ đủ giấc
Lo lắng có thể khiến bạn khó ngủ. Tuy nhiên, giấc ngủ là “chìa khóa” dẫn đến sức khỏe tinh thần tốt. Do đó, thay vì trằn trọc suốt đêm, bạn hãy tập một số thói quen giúp cải thiện tình trạng này. Một số mẹo giúp bạn dễ đi vào giấc ngủ cũng như có giấc ngủ ngon bao gồm:
- Thư giãn với âm nhạc trước khi ngủ
- Tắm với nước ấm
- Giảm tiếng ồn khi ngủ
- Điều chỉnh ánh sáng và nhiệt độ trong phòng ngủ
4. Trở nên tích cực, hoạt bát
Khi bạn cảm thấy lo lắng, cơ thể sẽ tiết ra một loại hormone gọi là cortisol. Hoạt chất này có thể hữu ích với liều lượng nhỏ, nhưng lại đem đến những mối nguy hại nếu tích lũy quá nhiều trong cơ thể. Tập thể dục thường xuyên là biện pháp đơn giản giúp duy trì hàm lượng cortisol ổn định.
5. Uống thuốc đầy đủ và đúng giờ
Điều kiện tiên quyết để khỏi bệnh là bạn phải uống thuốc đúng giờ và đúng liều lượng. Quên uống thuốc hoặc tự ý ngưng sử dụng thuốc có thể khiến các triệu chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế quay lại. Bạn hãy nói chuyện với bác sĩ nếu gặp tác dụng phụ của thuốc hoặc bạn có ý định dùng thêm thuốc không kê đơn hay chất bổ sung.
6. Tìm kiếm sự hỗ trợ từ những người xung quanh
Bạn nên cởi mở với mọi người, thay vì giữ tất cả trong lòng. Ngoài bác sĩ hay chuyên gia tâm lý, bạn có thể tìm đến người thân hoặc bạn bè. Đôi khi, một hành động đơn giản như nói về những gì bạn đang nghĩ hay quan tâm cũng sẽ giúp bạn giảm bớt sự lo lắng. Bên cạnh đó, người nghe cũng có thể giúp bạn cải thiện tình trạng với một số quan điểm cá nhân của họ.
7. Học cách thư giãn
Cơ thể sẽ không thể thư giãn nếu bản thân bạn không biết làm thế nào. Các kỹ thuật thư giãn như yoga, thiền, đi dạo hoặc vẽ tranh có thể “dạy” cho cơ thể cách bình tĩnh. Bạn nên thử một vài cách để tìm ra biện pháp phù hợp với mình nhất và dành khoảng 30 phút mỗi ngày với sở thích này.
8. Ăn mừng “chiến thắng”
Chung sống với bệnh rối loạn ám ảnh cưỡng chế không phải là điều dễ dàng. Bạn có thể thành công hoặc thất bại. Tuy nhiên, mục tiêu chính vẫn là duy trì sức khỏe tổng thể về cả thể chất lẫn tinh thần. Vì vậy, khi bạn thành công với một biện pháp nào, hãy lưu trữ và xem nó như một món quà khích lệ để bạn tiếp tục trong công cuộc điều trị bệnh.