Đối với các bệnh về thận, phương pháp điều trị tốt nhất chính là chủ động phòng ngừa chúng ngay từ đầu. Một trong những cách phổ biến là kiểm soát tốt những tình trạng sức khỏe ảnh hưởng đến thận.
Bạn có thể bảo vệ thận trước những vấn đề sức khỏe liên quan bằng cách ngăn chặn hoặc kiểm soát tốt các bệnh lý có nguy cơ ảnh hưởng đến cơ quan bài tiết này, chẳng hạn như:
- Đái tháo đường hay tiểu đường
- Tăng huyết áp (cao huyết áp)
Thực tế, việc kiểm soát những vấn đề trên không chỉ đảm bảo sức khỏe cho thận mà còn cho sức khỏe tổng thể.
Bên cạnh đó, hầu hết các bệnh về thận không bộc lộ triệu chứng ngay từ đầu. Thông thường, dấu hiệu bệnh thận chủ yếu xuất hiện khi tình trạng đã trở nên nghiêm trọng hơn. Điều này khiến việc điều trị gặp nhiều khó khăn.
Do đó, phương pháp điều trị tốt nhất cho các bệnh về thận là phòng ngừa chúng ngay từ đầu.
8 cách ngăn ngừa các bệnh về thận không phải ai cũng biết
Kiểm tra chức năng thận đúng định kỳ là phương pháp phòng chống các bệnh về thận phổ biến và hiệu quả nhất. Tuy vậy, bên cạnh đó, khả năng phòng ngự của thận sẽ càng được củng cố nếu bạn xây dựng thành công lối sinh hoạt lành mạnh, bao gồm:
1. Chú trọng vấn đề dinh dưỡng
Bên cạnh đái tháo đường và tăng huyết áp, bệnh tim mạch cũng là một trong những yếu tố hàng đầu dẫn đến các bệnh về thận. Do đó, bạn nên ưu tiên bổ sung các thực phẩm tốt cho tim mạch vào thực đơn hàng ngày của mình, chẳng hạn như:
- Trái cây và rau củ quả tươi
- Ngũ cốc nguyên hạt
- Các chế phẩm từ sữa ít hoặc không béo
Ngoài ra, bạn cũng cần lưu ý hạn chế lượng muối và đường tiêu thụ mỗi ngày. Tiêu chí tốt nhất là dưới 2.300mg natri (muối) và lượng đường không chiếm quá 10% lượng calo hàng ngày.
Mặt khác, các chuyên gia dinh dưỡng cũng có đôi lời khuyên dành cho chế độ ăn trên như sau:
- Sử dụng gia vị làm từ thực vật hoặc thảo dược như tỏi, nghệ, quế… thay thế cho muối.
- Bạn nên ăn nhiều cải bó xôi, bông cải xanh và ớt chuông.
- Thay vì chiên thịt, cá, bạn có thể nướng hoặc hấp chúng.
- Hạn chế các món nhiều dầu mỡ hoặc dùng thêm nước sốt đi kèm.
- Cố gắng chọn thực phẩm có ít hoặc không đường.
- Lựa chọn các nguồn thực phẩm giàu tinh bột từ ngũ cốc nguyên hạt, ví dụ như cơm gạo lứt, bánh mì hoặc mì ống làm từ ngũ cốc…
- Đọc kỹ nhãn thực phẩm đóng hộp. Ưu tiên các sản phẩm chứa ít chất béo bão hòa hoặc chuyển hóa, cholesterol, muối và đường.
- Đối với trái cây, cố gắng ăn trực tiếp thay vì ép thành nước uống.
Nhiều nghiên cứu đã chứng minh chế độ ăn DASH có thể giúp kiểm soát tốt chỉ số huyết áp. Vì vậy, chế độ dinh dưỡng này cũng phù hợp cho người cần ngăn chặn các bệnh về thận phát sinh.
2. Thường xuyên vận động
Hãy tập thói quen rèn luyện thể chất ít nhất 30 phút mỗi ngày. Nếu bạn không quen với tần suất vận đồng nhiều như vậy, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ về số lượng cũng như các loại bài tập phù hợp với bạn.
3. Duy trì trọng lượng khỏe mạnh
Nếu bạn bị béo phì, hãy cố gắng giảm cân theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ. Tình trạng thừa cân là một trong những yếu tố hàng đầu gây đái tháo đường và huyết áp cao, từ đó có thể kéo theo các bệnh về thận phát sinh.
4. Ngủ đủ giấc
Theo một số chuyên gia, chất lượng giấc ngủ cũng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của thận. Do đó, để phòng ngừa các bệnh về thận, bạn nên đặt mục tiêu mỗi đêm ngủ từ 7 – 8 giờ. Nếu mắc chứng khó ngủ, bạn có thể muốn tham khảo 10 cách để có giấc ngủ ngon.
5. Không hút thuốc lá
Thuốc lá hay bất kỳ sản phẩm nào có tính chất tương tự đều có nguy cơ gây tác động tiêu cực đến hàng loạt cơ quan nội tạng của bạn, từ gan, tim cho đến thận. Do đó, nếu bạn có thói quen hút thuốc, hãy cố gắng bỏ thuốc lá ngay từ bây giờ.
Bên cạnh đó, khi quyết tâm cai thuốc, bạn có thể nhờ đến sự trợ giúp từ bác sĩ nếu chưa biết nên bắt đầu từ đâu.
6. Hạn chế thức uống chứa cồn
Ethanol (cồn) là yếu tố hàng đầu gây tăng huyết áp. Vì vậy, mặc dù rượu vang có khả năng đem lại một số lợi ích sức khỏe, các chuyên gia vẫn khuyến nghị bạn nên hạn chế nồng độ cồn hấp thụ trong ngày, bao gồm:
- 355ml cho bia
- 148ml đối với rượu vang
- 44ml dành cho rượu trắng
7. Tránh căng thẳng
Học cách thư giãn cũng như kiểm soát tốt căng thẳng có thể giúp bạn cải thiện sức khỏe của cả thể chất và tinh thần, chẳng hạn như:
- Thiền
- Tập yoga hoặc thái cực quyền
- Tham gia các hội nhóm thể thao
8. Kiểm soát tốt đái tháo đường, tăng huyết áp và các bệnh tim mạch khác
Bất kỳ bệnh lý nào được đề cập bên trên đều có nguy cơ kéo theo một loạt các bệnh về thận phát sinh. Do đó, những điều bạn cần làm lúc này sẽ bao gồm:
Duy trì lượng đường trong máu ổn định
Kiểm tra và duy trì lượng đường huyết trong phạm vi quy định là một trong những yếu tố quan trọng giúp kiểm soát căn bệnh đái tháo đường. Bác sĩ có thể yêu cầu bạn kiểm tra thông số này ít nhất mỗi ngày một lần hoặc hơn.
Giữ chỉ số huyết áp trong phạm vi lý tưởng
Duy trì mức áp lực máu ổn định trong phạm vi lý tưởng là “nhiệm vụ” của mọi người để không bị tăng huyết áp hay hạ huyết áp. Chỉ số huyết áp lý tưởng nên trong khoảng 120/80mmHg.
Sử dụng thuốc kê đơn theo đúng chỉ định từ bác sĩ
Đôi khi bác sĩ sẽ kê đơn một số loại thuốc đặc trị nhằm kiểm soát tình trạng sức khỏe hiện tại của bạn. Chẳng hạn như, nếu bạn bị cao huyết áp, thuốc ức chế men chuyển (ACE) hoặc thuốc ức chế thụ thể angiotensin II (ARB) có nhiều khả năng “góp mặt” trong toa thuốc.
Hãy hỏi bác sĩ mọi điều cần lưu ý khi uống thuốc, ví dụ như rủi ro phát sinh tác dụng phụ, liều lượng và tần suất sử dụng, có những yếu tố đặc biệt nào cần lưu ý không…
Cẩn thận khi sử dụng thuốc giảm đau kháng viêm không steroid NSAIDs
Theo vài nghiên cứu, một trong những tác dụng phụ của nhóm thuốc kháng viêm không chứa steroid NSAIDs (ibuprofen, naproxen…) có thể gây tổn thương thận. Do đó, khi cần dùng thuốc giảm đau hay bất kỳ loại thuốc không kê đơn nào khác, bạn nên tìm hiểu kỹ về tác dụng phụ của chúng.
Duy trì chỉ số cholesterol an toàn
Cholesterol trong máu gồm hai nhóm là LDL (cholesterol “xấu”) và HDL (cholesterol “tốt). Khi nói chỉ số cholesterol của một người cao, người ta thường đề cập đến chỉ số LDL.
Nồng độ LDL cao có nguy cơ gây tắc nghẽn mạch máu bằng cách hình thành những mảng bám tại đây. Sự lưu thông máu bị gián đoạn có nhiều khả năng gây đau tim hay thậm chí là đột quỵ.
Tham vấn ý kiến bác sĩ
Nếu nghi ngờ bản thân mắc các bệnh về thận, bạn có thể nhờ bác sĩ giải đáp những nghi ngờ cũng như thắc mắc của mình khi khám bệnh định kỳ. Điều này giúp bạn hiểu rõ tình trạng sức khỏe và những gì cần làm lúc này.
Số lượng câu hỏi bạn có thể đặt ra cho bác sĩ không giới hạn, chẳng hạn như:
- Thông số GFR (độ lọc cầu thận) của bạn là bao nhiêu?
- Kết quả tỷ lệ albumin trong nước tiểu của bạn như thế nào?
- Chỉ số huyết áp, đường huyết hay cholesterol có gì bất ổn không?
- Bạn nên kiểm tra chức năng thận bao nhiêu một lần?
- Bạn có thể làm gì để cải thiện và duy trì sức khỏe cho thận?
- Những loại thuốc nào bạn nên dùng?
- Trọng lượng hiện tại của bạn có gì không ổn không?
- Bạn có nên tăng thêm cường độ rèn luyện thể chất?
- Làm gì để xây dựng chế độ dinh dưỡng tốt cho thận?
- Bạn có thể ăn những gì?
- Bạn có nên dùng thuốc ức chế men chuyển hoặc ức chế thụ thể angiotensin II cho thận?
Các bệnh về thận có thể phát sinh ở bất kỳ đối tượng cũng như thời điểm nào. Thêm vào đó, những triệu chứng bệnh thận dường như chỉ xuất hiện khi bệnh đã tiến đến giai đoạn nguy hiểm. Do đó, bạn nên chủ động phòng ngừa các vấn đề sức khỏe này bằng các kiểm soát tốt những yếu tố tiềm ẩn gây bệnh.