Bạn thắc mắc vì sao mình mới ở độ tuổi U30 mà đã bị những cơn đau lưng, mỏi vai… hoành hành? Có phải bạn là dân công sở với hơn 8 giờ ngồi trước máy tính? Nếu đúng như vậy, đã đến lúc bạn thực hiện ngay những bài tập này để không bị các cơn đau “hỏi thăm” rồi đấy!
Bạn dành phần lớn thời gian trong ngày cho chốn công sở, rồi sau đó lại dành cả buổi tối để lướt iPad, điện thoại, máy tính… Việc làm này lặp đi lặp lại một thời gian dài sẽ gây ra nhiều tác hại đối với sức khỏe, khiến bạn mắc một số chứng bệnh mà người ta thường gọi là “bệnh văn phòng”. Vậy, làm sao để khắc phục?
Trước tiên, bạn cần trả lời câu hỏi: lối sống ít vận động gây hại cho bộ phận nào trên cơ thể nhất? Đầu tiên, cơ bắp có thể bị cứng, khiến đôi lúc bạn bị chuột rút đau thấu xương. Tiếp theo, chân tay bạn dễ bị tê mà phải ngưng làm việc một lúc mới trở lại hoạt động được như bình thường. Những cơn đau lưng xuất hiện thường xuyên, và cuối cùng, mắt mỏi vô cùng vì luôn phải nhìn chằm chằm vào màn hình máy tính.
Đừng quá lo lắng vì không chỉ riêng bạn gặp phải tình trạng này. Rất nhiều cô gái công sở khác cũng ngày ngày đối mặt với chứng đau lưng, mỏi cơ… Và cách đơn giản nhất để khắc phục là tranh thủ vài phút giữa giờ làm việc để vận động. Đây là 7 bài tập dễ thực hiện nhất dành cho giới văn phòng:
Cổ và vai
Làm việc trên máy tính hoặc thậm chí lái xe đường dài không chỉ gây căng thẳng đầu óc mà còn tác động tiêu cực đến vùng cổ và vai. Kết quả là bạn phải vật lộn với chứng đau ở cơ, gân và xương. Một nghiên cứu ở Anh quốc cho thấy trong năm qua, 30 triệu người bị bệnh vì đau cổ.
Ngoài ra, khi dây thần kinh và mạch máu ở cổ bị chèn ép, bạn sẽ bị suy giảm thị lực hoặc chứng đau đầu hành hạ. Những vấn đề này chỉ có thể được cải thiện khi bạn tập các bài tập đơn giản:
Đứng hoặc ngồi, mắt nhìn thẳng phía trước. Cúi đầu thật thấp, sao cho cằm chạm vào xương ức, giữ yên từ 10–15 giây rồi trở về trạng thái ban đầu. Tiếp theo, bạn ngửa cổ ra sau sao cho căng nhất có thể, giữ 10–15 giây rồi trở về tư thế ban đầu.
Dựa vào cánh cửa bằng một tay, cúi đầu xuống và cố gắng chạm vào vai kia bằng cằm, giữ yên trong 10 giây sau đó trở về trạng thái bình thường. Lặp lại với cánh tay bên kia.
Đứng dựa vào tường, sao cho phía sau cổ chạm vào tường còn gót chân cách tường một đoạn 5–6cm. Hạ vai xuống. Từ từ dang hai tay sang hai bên rồi khép lại. Lặp lại động tác này 10 lần.
Cổ tay
Sử dụng bàn phím không đúng cách cùng thói quen dùng điện thoại mọi lúc mọi nơi là nguyên nhân dẫn đến chứng ngứa ran và đau ở cổ tay. Nếu bỏ qua các triệu chứng này, bạn có thể bị hội chứng ống cổ tay. Song bạn đừng lo lắng! Có những bài tập giúp giảm căng thẳng và ngăn ngừa căn bệnh này trước khi nó bắt đầu.
Dùng hai quả bóng nhỏ (cầm vừa trong lòng bàn tay) hoặc dụng cụ bóp tay, cứ vân vê hai quả bóng hoặc bóp tay bằng lực mạnh nhất có thể. Liên tục đổi tay khi thực hiện động tác này.
Dùng bàn tay phải nắm chặt cổ tay trái rồi xoay tròn. Làm ngược lại với bàn tay trái và cổ tay phải.
Dùng hai ngón trỏ móc vào nhau rồi kéo mạnh. Làm tương tự cho tất cả các ngón tay còn lại trên hai bàn tay.
Lưng và hông
Cảm giác đau ở vùng lưng dưới và nặng nề ở chân không có nghĩa là bạn đang già đi. Có thể bạn đang có một lối sống ít vận động và hoạt động thể chất. Bên cạnh đó, ngồi trong nhiều giờ liền còn dẫn đến đau thần kinh tọa – dây thần kinh kéo dài từ phần dưới thắt lưng đến chân bạn bị tác động quá mức dẫn tới quá tải.
Các bác sĩ cảnh báo lối sống ít vận động thậm chí còn làm tăng sự phát triển của cellulite – những chỗ lồi lõm trên da, có biểu hiện như sần vỏ cam, thường xuất hiện ở vùng mông, hông và đùi. Sự hình thành cellulite là do mỡ được tạo thành ở lớp hạ bì xâm lấn lên vùng mô liên kết lỏng lẻo phía trên. Thế nên, để tránh sự phát triển của cellulite, bạn cần thực hiện các bài tập kéo giãn cơ. Chúng sẽ giúp cải thiện lưu thông máu, cho bạn làn da mịn màng và tươi trẻ.
Ngồi trên mép ghế và duỗi một chân về phía trước. Từ từ uốn cong cơ thể về phía chân cho đến khi không thể gập người được nữa. Thực hiện từ 5–10 lần rồi lặp lại đối với chân kia.
Bài tập này giúp kéo giãn ở vùng lưng dưới và mông.
Nằm ngửa và đặt một chiếc gối hoặc chăn dưới cổ. Vắt chân chữ ngũ (chân trái gác lên đầu gối chân phải). Chắp hai tay sau quanh mặt sau đùi phải rồi kéo mạnh. Cố gắng giữ nguyên tư thế này từ 20–30 giây. Thực hiện 2 lần rồi đổi chân.