Táo bón thường gây ra cảm giác khó chịu, tức bụng và khiến người bệnh bồn chồn, bứt rứt. Do đó, bạn nên tìm hiểu về các cách chữa táo bón tại nhà đơn giản, hiệu quả để có thể nhanh chóng giải quyết vấn đề này.
Táo bón là tình trạng đi đại tiện ít hơn 3 lần trong tuần với cảm giác khó khăn khi đi ngoài, đi ra phân cứng, khô, rời rạc. Đa số trường hợp bị táo bón trong thời gian ngắn có liên quan đến lối sống, chế độ ăn uống không khoa học và không quá nguy hiểm. Thế nhưng, trường hợp bị bón kéo dài lâu ngày hay táo bón mạn tính có thể liên quan đến một bệnh lý nghiêm trọng và bạn cần được điều trị kịp thời.
Nhìn chung, nếu bạn có một lối sống thụ động, ăn uống thiếu lành mạnh như ít chất xơ, uống ít nước và thỉnh thoảng bị bón, hãy thử một số cách chữa táo bón tại nhà theo cách dân gian sau đây.
Sử dụng dược liệu để chữa táo bón theo cách dân gian
Trong Đông y, sử dụng dược liệu để điều trị chứng táo bón không quá xa lạ. Thực tế, các loại thuốc nhuận tràng cũng phối hợp nhiều vị thuốc thân thuộc. Điểm chung của các dược liệu giúp đi đại tiện dễ dàng hơn là có chứa nhóm chất anthraquione hoặc các chất có khả năng kích thích nhu động ruột hoặc giúp tăng thẩm thấu nước.
Thảo quyết minh
Thảo quyết minh (Cassia tora L.) được trồng làm thuốc ở nhiều nơi trên nước ta, hạt của loài cây này còn có tên gọi là muồng ngủ. Dược liệu này có tác dụng nhuận tràng, thông tiện, thường dùng khi đại tràng táo kết, nhu động ruột giảm, co thắt đại tràng, gây táo bón, bụng đau, căng tức, trướng hơi.
Tùy từng thể bệnh có thể dùng các sản phẩm sao chế khác nhau. Trường hợp chữa táo bón nặng, bạn có thể dùng dạng sao vàng. Khi dùng, vị thuốc này thường được đem sắc hoặc hãm với nước sôi nhiều lần, uống trong ngày. Đối với trường hợp táo bón nặng đi ngoài ra máu, bạn có thể phối hợp với hòe hoa sao cháy.
Phan tả diệp
Phan tả diệp (Cassia Angustifolia Vahl.) là một vị thuốc có tác dụng nhuận tràng, tiêu tích trệ dùng chữa táo bón, ăn uống khó tiêu. Tùy theo liều sử dụng mà dược liệu này có thể đem lại tác dụng mạnh yếu khác nhau, từ nhuận tràng đến tẩy xổ.
Bộ phận được sử dụng làm thuốc là lá cây. Liều dùng thông thường để nhuận tràng là từ 1–2g dưới dạng thuốc sắc hay thuốc pha. Lưu ý, những người thể hư hay phụ nữ đang mang thai không được dùng dược liệu này. Thầy thuốc có thể cho bạn dùng phan tả diệp phối hợp cùng với các vị thuốc khác để đem lại hiệu quả như mong muốn.
Muồng trâu
Muồng trâu (Cassia alata L.) là một dược liệu có vị hơi đắng, mùi hắc, tính mát, có tác dụng nhuận tràng, giải nhiệt, sát trùng, lợi tiểu. Trong dân gian, vị thuốc này thường dùng để chữa táo bón (dùng lá, cành và rễ sắc uống).
Liều dùng để nhuận tràng thường từ 4–12g. Bài thuốc chữa táo bón có thể phối hợp thêm với chút chít, đại hoàng và sắc uống trong ngày. Sử dụng thận trọng ở đối tượng phụ nữ đang mang thai.
Mật ong
Bạn có thể chữa táo bón bằng mật ong vì một số nghiên cứu cho thấy nó có tác dụng nhuận tràng nhẹ. Không những thế, mật ong cũng chứa nhiều lợi khuẩn và giúp giữ hệ tiêu hóa cùng hệ miễn dịch khỏe mạnh. Để hỗ trợ sức khỏe hệ tiêu hóa, bạn có thể thử dùng mật ong pha chế trà uống mỗi ngày.
Hãy thử uống 2 thìa cà phê mật ong mỗi lần, 3 lần/ ngày. Nếu có tổn thương đường tiêu hóa, bạn có thể uống 1–2 thìa cà phê mật ong lúc bụng đói (trước khi ăn 30 phút) để giảm đau và hỗ trợ điều trị, uống tối đa 3 lần/ ngày.
Những cách chữa táo bón tại nhà khác
Có rất nhiều loại thảo dược không trực tiếp chữa táo bón nhưng vẫn giúp ruột chuyển động dễ ràng và làm giảm các triệu chứng bệnh. Chẳng hạn, trà bạc hà giúp giảm nôn mửa và đầy hơi. Ngoài ra, bạn cũng có thể ăn các loại rau củ quả quen thuộc như chuối tiêu, khoai lang luộc, bưởi, rau mùng tơi, rau đay…
Hãy nhớ rằng, cách tốt nhất để trị táo bón là ăn nhiều chất xơ. Bạn nên thêm ngũ cốc và rau xanh vào chế độ ăn hằng ngày của bạn.
Ngoài ra, bạn có thể thử một số cách xoa bụng trị táo bón. Phương pháp này được cho là giúp giải phóng khí thải và dễ dàng đào thải chất thải trong cơ thể ra ngoài. Hãy thử xoa bụng như sau:
Khi nào nên khám bác sĩ?
Nếu thỉnh thoảng mới bị táo bón, bạn chỉ cảm thấy không thoải mái. Tuy nhiên, nếu chúng xuất hiện thường xuyên hoặc đi kèm với các triệu chứng, hãy khám bác sĩ:
- Chuột rút đột ngột và không thể xì hơi
- Máu trong phân
- Đau trực tràng
- Đau bụng và đầy hơi
- Sụt cân đột ngột
- Táo bón và tiêu chảy luân phiên
Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng dược liệu hay các cách chữa táo bón tại nhà, đặc biệt nếu bạn đang mang thai hay cho con bú. Điều trị táo bón ở trẻ em nên theo chỉ dẫn của bác sĩ.