Bạn có tin rằng vi khuẩn trong bếp là nhiều nhất nhà và nguy hiểm nhất không? Điều này có thể khiến bạn ngạc nhiên, nhưng đó lại là sự thật.
Việc giữ vệ sinh nhà bếp để bảo vệ sức khoẻ và ăn uống hợp vệ sinh là điều rất quan trong. Để ngăn chặn sự lan rộng của các loại vi khuẩn này, bạn hãy xem thử danh sách những nơi được xem là có nhiều vi khuẩn nhất và cách vệ sinh khu vực ấy hiệu quả nhé.
Bồn rửa
Theo thống kê có hàng triệu vi khuẩn gây bệnh pathogens bám trên bồn rửa, vỏ ống nước và dây cao su xung quanh thùng rác. Việc nấu chín thức ăn có thể giúp bạn giảm khả năng nhiễm các bệnh ngộ độc thực phẩm nhưng những vi khuẩn như salmonella sống trong thịt gà hoặc các loại thịt sống khác có thể bám vào bồn rửa trong lúc bạn sơ chế.
Cách vệ sinh: rửa sạch bồn rửa ngay sau khi rửa thịt sống, rau củ và tô đựng thức ăn của thú cưng. Ngoài ra, bạn hãy vệ sinh bồn rửa 1 lần/ngày kể cả khi bạn không dùng đến. Bạn cũng có thể xịt thuốc khử trùng nhằm diệt sạch các loại vi khuẩn, virus trên bồn rửa, cạnh bồn cũng như các ống nước xung quanh. Sau khi xịt thuốc, tránh để đồ dụng, thực phẩm trên khu vực bồn rửa mà hãy đợi một khoảng thời gian như trên bao bì thuốc đã ghi.
Miếng rửa chén, giẻ lau và bàn chải vệ sinh
Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy hơn 75% các dụng cụ vệ sinh chén đĩa trong phòng bếp có chứa các vi khuẩn gây bệnh như Coliform và E.coli. Việc không thay miếng rửa chén hoặc các dụng cụ cọ rửa thường xuyên dễ gây tích tụ rất nhiều loại vi khuẩn và lan sang chén dĩa khi lau chùi. Đó là một cách gián tiếp chúng ta đã đưa vi khuẩn vào cơ thể.
Do đó, bạn hãy vệ sinh bằng cách thay giẻ lau mỗi ngày cũng như giặt rửa các dụng cụ vệ sinh bằng nước nóng và phơi nơi có nhiều ánh sáng, nhiệt độ cao. Bạn cũng nên thay miếng mút rửa chén 2-3 ngày/lần hoặc vệ sinh miếng mút mỗi ngày bằng cách bỏ vào lò vi sóng 2 phút khi còn ẩm để tránh tình trạng bắt lửa trong lò. Với các loại bàn chải chà rửa, bạn nên xịt thuốc khử trùng hoặc rửa sạch mỗi ngày.
Máy làm cà phê
Trong bình đựng của máy pha cà phê có nấm men và nấm mốc phát triển. Chúng có thể gây dị ứng ở một số người và làm giảm đi vị ngon của cà phê.
Bạn nên vệ sinh máy bằng cách ngâm bình chứa trong giấm 30 phút mỗi tháng 1 lần, sau đó rửa qua nước sạch thêm vài lần. Trước khi pha cà phê, bạn nên vệ sinh từng phần của máy thật kĩ và để ráo rồi mới sử dụng. Tuy chưa có kết quả chính thức nhưng những nhà nghiên cứu cho rằng nấm mốc và nấm men cũng có thể xuất hiện ở các bộ phận khác của máy.
Máy xay sinh tố
Bạn có thể không nghĩ rằng máy xay sinh tố có nấm mốc và nấm men nhưng thực tế là các loại nấm này có thể xuất hiện trong vòng đệm của dao cắt trong máy xay.
Vì thế sau mỗi lần sử dụng, bạn hãy tháo rời từng phần ra và vệ sinh sạch. Nếu nhà có máy rửa chén, bạn có thể dùng máy để vệ sinh máy xay sẽ hiệu quả hơn. Còn nếu không, bạn vẫn có thể vệ sinh bằng tay với nước nóng và xà bông nhưng nhớ cẩn thận với lưỡi xay bén nhọn, bạn nhé.
Tay cầm tủ lạnh, tủ bếp, núm vặn bếp và công tắc đèn
Chúng ta thường bỏ qua những khu vực nhỏ này mà không biết rằng đây lại là nơi chứa và lây lan rất nhiều vi khuẩn do đây là những nơi tiếp xúc với tay con người nhiều lần trong ngày.
Do vậy, bạn hãy vệ sinh lau chùi những chỗ này hàng ngày. Bên cạnh đó bạn cũng nên cất giữ các dụng cụ vệ sinh trong một cái chậu đặt dưới bồn rửa để thuận tiện cho việc vệ sinh nhà bếp thường xuyên. Việc vệ sinh các khu vực này với thuốc khử trùng nên được thực hiện sau khi chạm tay dơ vào và duy trì tối thiểu 1 tháng/lần.
Thùng rác
Dù cho bạn có vệ sinh kĩ như thế nào thì các thức ăn thừa, vụn thịt hoặc các loại rác thải đều có thể là nơi vi khuẩn phát triển tạo nên mùi hôi. Mùi hôi phát ra là do các loại nấm mốc và vi khuẩn đang sinh sôi. Chỉ cần chạm vào nắp thùng thôi là tay bạn đã nhiễm vi khuẩn từ thùng rác rồi.
Vì vậy bạn nên rửa sạnh thùng rác và phơi ngoài nắng 1 tuần/lần. Bạn cũng cần xịt thuốc khử trùng trong và bên ngoài thùng và để thuốc phát huy tác dụng theo thời gian được ghi trên nhãn rồi rửa sạch và phơi khô. Nếu thùng rác của bạn là loại nắp rời bạn nhớ vệ sinh cả tay cầm nắp và nắp thùng rác nhé.
Kệ bếp
Dù cho bạn có lau kệ bếp mỗi ngày thì cũng không thể làm sạch tuyệt đối. Bất cứ vật gì bạn đặt lên kệ bếp như thức ăn chưa được sơ chế, túi tái chế, hộp cơm trưa, ba lô… đều có thể chứa vi khuẩn và lan sang kệ bếp. Trên thực tế, các nhà nghiên cứu đã phát hiện sự xuất hiện của vi khuẩn Coliform hay còn gọi là fecal contamination trên kệ bếp.
Bạn nên vệ sinh kệ bếp bằng cách khử trùng trước và sau khi nấu nướng, không để đồ chơi hay đĩa đựng thức ăn của thú cưng trên kệ bếp vì những vật này chứa nào rất nhiều vi khuẩn như Staph. Và bạn nên tránh để những vật dụng bạn cầm theo cả ngày (như ví) của bạn lên kệ bếp.
Lò vi sóng
Bạn có thể nghĩ rằng nhiệt độ cao của lò vi sóng có thể tiêu diệt được vi khuẩn. Tuy nhiên trong thực tế thì lò vi sóng không phải là môi trường vô trùng và các loại vi khuẩn vẫn có thể tồn tại nếu bạn không khử trùng thường xuyên.
Bạn nên vệ sinh lò vi sóng bằng cách lau chùi bên trong và ngoài lò với thuốc khử trùng ít nhất 1 tuần/lần vì thuốc có tác dụng ngăn các vi khuẩn sinh sôi và giảm mùi hôi. Khi sử dụng, bạn nên đậy hoặc che lại để ngăn thức ăn bắn ra ngoài làm nơi phát triển của các vi khuẩn sau này.
Túi tái chế
Các loại túi tái chế thường có chứa các vi khuẩn gây bệnh như E.coli. Thực tế thì lúc sản xuất túi không chứa vi khuẩn, nhưng do đặc tính của hầu hết túi tái chế thấm nước nên nước từ thực phẩm sống có thể thấm vào làm lây lan vi khuẩn. Ngoài ra, vật liệu của túi tái chế thường không chịu được nước nóng nên khó vệ sinh.
Vì vậy bạn nên sử dụng loại túi có thể rửa và vệ sinh được (thường làm bằng cotton) sau đó giặt sạch bằng nước nóng và phơi ngoài nắng sau khi dùng ít nhất 1 tuần/lần. Hoặc tốt nhất, bạn chỉ nên dùng loại túi sử dụng một lần hoặc túi giấy để đựng thực phẩm.
Tay bạn
Khi đập trứng hoặc chạm vào những vật chưa được vệ sinh sạch sẽ như thịt sống, thịt gia cầm hoặc tô đựng thức ăn của thú cưng, tay bạn nhiều khả năng bị nhiễm vi khuẩn và sẽ lan ra các vật khác.
Vậy nên bạn hãy vệ sinh bằng cách chuẩn bị đầy đủ dụng cụ chế biến trước khi bắt đầu sơ chế và nấu ăn. Việc này sẽ giảm thiểu số lần bạn tiếp xúc với các đồ vật trong bếp sau khi chạm vào thức ăn. Sau khi sơ chế, bạn nên rửa sạch cả mu bàn tay và lòng bàn tay, giữa các kẽ tay cũng như móng tay trong 20 giây là đủ. Lau khô tay bằng khăn sạch hoặc khăn giấy.
Ẩm thấp và vụn thức ăn là môi trường hoàn hảo để vi khuẩn phát triển và có thể gây bệnh cho gia đình bạn. Càng nhiều vi khuẩn tồn tại thì khả năng nhiễm bệnh càng cao. Bạn hãy bảo vệ sức khỏe cả gia đình bằng những mẹo hay trên nhé.